Chuyện làng Lộc Đại (xã Quế Hiệp, H.Quế Sơn), một làng giữa tỉnh Quảng Nam nhưng lại nói giọng gần giốnggiọng Sài Gòn đã gợi lên không ít tò mò thắc mắc cho nhiều người và việc lý giải nó, như bài báo phản ảnh thì ngay cả giới chuyên môn cũng bỏ lửng, chưa tìm ra lời giải thích thích hợp. Và giới không chuyên môn thì tìm lời giải thích ở chỗ… do nước uống.

Nhờ có giọng thật độc đáo mà Lộc Đại còn có tên gọi làng Sài Gòn 2 ở Quảng Nam – Ảnh: Quỳnh Trân

Khi tiếp cận các vấn đề về ngữ âm, ngữ điệu, giọng nói của các vùng thổ ngữ ta cần phải nắm chắc kết luận của nhà ngôn ngữ học người Pháp Meillet, rằng: “Khi một ngôn ngữ biến đổi nhiều, tạo ra một bộ mặt mới khác với trước đó thì rất có thể là có một bộ phận dân cư đã thay đổi ngôn ngữ”.
Ở vùng Quảng Nam, các thành phần dân cư đã thay đổi ngôn ngữ của mình để nói tiếng Việt là những người Việt gốc Hoa, gốc Chăm, gốc Ca Tu, M’Nông… Trong đó quan trọng nhất là cộng đồng người Chăm cũ ở Quảng Nam từ trước khi đất này thuộc về người Việt và họ dần dần sớm muộn khác nhau chuyển sang nói tiếng Việt. Có làng nói tiếng Việt từ thế kỷ 14, 15 nhưng cũng có làng nói tiếng Việt từ thế kỷ 17, 18; thậm chí có làng đến giữa thế kỷ 19 mới chuyển sang nói tiếng Việt.
Chính việc chuyển sang nói tiếng Việt sớm muộn khác nhau này mà ta có những làng nói những giọng khác nhau.
Trong trường hợp cụ thể làng Lộc Đại, trước hết ta phải xác định giọng nói làng này là mới hay cũ. Ở Quảng Nam, nhất là các làng bán sơn địa như làng Lộc Đại trong những năm chiến tranh tất cả đều di cư vào thành phố, làng là làng trắng, không người ở. Sau 1975 người ta mới về dần. Có thể những người này mang giọng nói nơi khác về. Khả năng này ít xảy ra, tuy nhiên cần phải khảo sát kỹ mới loại trừ được.
Thứ hai, cần xác định rõ giọng Quảng Nam và giọng Sài Gòn là cùng một phương ngữ. Người Quảng vào Sài Gòn 3 tháng là mất giọng, khi vào Sài Gòn người Quảng Nam chuyển qua nói giọng Sài Gòn rất dễ dàng, trong khi chuyển ra Hà Nội hoặc Vinh 30 năm cũng không mất giọng. Cho nên ở Quảng Nam có vài làng nào đó nói giọng Sài Gòn không phải là điều gì lạ lắm. Giữa Quảng Nam mà có làng nói giọng Nghệ hoặc Hà Nội thì mới lạ (cho dù điều này về logic là không lạ vì ai cũng bảo tổ tiên mình từ Bắc vào, tại sao như vậy xin đọc sách Có 500 năm như thế còn bàn đến kỹ hơn hiện tượng này).
Thứ ba, việc một làng không nói mi, tau, mô, tê, răng, rứa mà nói mầy, tao, đâu, kia, sao, vậy… là không phải ít. Điển hình nhất là các làng Thanh Quýt, Mã Châu, Phong Lệ… Và ở các làng này di tích Chàm dày đặc, gạch Chăm vương vãi khắp làng cùng với những địa danh Chàm cổ như Lùm Bà Dàng, mả Hời cũng có ở khắp nơi. Tôi đồ chừng rằng các làng này là làng Chàm chuyển sang nói tiếng Việt rất muộn. Thế kỷ 18 họ mới chịu nói tiếng Việt trong khi các làng khác đã nói tiếng Việt từ thế kỷ 14, 15. Chính việc nói tiếng Việt sớm muộn khác nhau này mà ta có những làng có giọng nói khác nhau, cho dù chỉ cách nhau con đường làng rất hẹp.
Tôi nghĩ làng Lộc Đại này cũng vậy. Đơn giản là họ nói mầy, tao, đâu, kia, sao, vậy chứ không nói mi, tau, mô, tê, răng, rứa. Và chỉ cần vậy là đủ nghe “lạ tai” với đa số người Quảng. Kèm theo đó, chỉ cần âm “a” học nói “chuẩn hơn” một chút so với người Quảng Nam nói là “oa” thì đã ra một giọng Sài Gòn khá chuẩn.
Đó là chưa xét yếu tố giọng nói bắc Thu Bồn và nam Thu Bồn, cái ranh giới giọng nói do biến cố nhà Hồ trong lịch sử để lại. Các làng nam Thu Bồn nhập vào Việt muộn hơn các làng bắc Thu Bồn gần 100 năm và các yếu tố ngữ âm vùng này theo nhà ngôn ngữ học Hoàng Thị Châu thì rất giống với giọng nói người Thanh Hóa, nhất là trong các âm “anh”, như Thanh Hóa được nói là Thên Húa, trái banh – trứa bênh… rất khác với giọng nói bắc Thu Bồn với các làng như Đại Lộc, Điện Bàn, Hội An, Hòa Vang. Làng Lộc Đại ở vào vùng nam Thu Bồn, vì vậy yếu tố mầy, tao, đâu, kia, sao, vậy ở nam Thu Bồn nó cũng khác với mầy, tao, đâu, kia, sao, vậy ở các làng phía bắc Thu Bồn, nó gần giống với Sài Gòn hơn.
Không phải là quá khó trả lời đâu nếu ta nắm vững yếu tố dân tộc học khi tìm hiểu các giọng lạ, các thổ ngữ ngữ âm giữa một vùng phương ngữ lớn. Còn nếu đi tìm câu trả lời từ dòng suối nước uống thì có lẽ vấn đề lại phải nhờ đến các nhà hóa học xem vi lượng chất nào tác động đến thanh quản khiến biến đổi giọng nói.
Một làng Chàm ở sâu trong hóc núi chuyển sang nói tiếng Việt muộn cũng là điều không gì lạ.
Một câu hỏi tất yếu được đặt ra là người Chăm nhưng tại sao khi chuyển sang nói tiếng Việt lại khác nhau đến vậy? Chỗ này có rất nhiều điều khác phức tạp không chỉ giới hạn đơn giản trong mối quan hệ tiếng Chăm – tiếng Việt. Hiện chúng ta chưa biết người Chàm lúc đó, thế kỷ 14-15 ở Quảng Nam nói tiếng Chăm gì (Môn Khơmer hay Nam Đảo), và thêm nữa thứ tiếng Việt mà người Chàm tiếp thu lúc đó là tiếng Việt nào, tiếng Việt vùng Thái Bình, Hưng Yên hay tiếng Việt vùng Thanh – Nghệ.
Chắc chắn người Chàm sẽ nói tiếng Việt rất khác nhau nếu người Việt truyền giọng nói ở những vùng khác nhau. Và còn một yếu tố nữa cần xét, khi lũy Trường Dục dựng lên thì người Chàm lại tiếp thu tiếng Việt của chính người Chàm đã nói thạo tiếng Việt. Vì vậy việc nghiên cứu biến đổi ngữ âm ở đây là vô cùng khó. Theo thời gian hi vọng chuyện này sẽ được giải quyết dần với những công cụ mới, cách tiếp cận mới.
Có một hiện tượng chung là những làng nói tiếng Việt muộn đều nói mày, tao, đâu, kia, sao, vậy. Không phải ngẫu nhiên mà có hiện tượng này.


Theo Hồ Trung Tú (Tuổi trẻ online)