Tủ sách văn học 8X của Nxb Văn hóa – Văn nghệ đã giới thiệu được nhiều tác giả trẻ triển vọng.
Sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông và xuất bản thời gian qua tạo điều kiện thuận lợi cho các tác giả trẻ phát triển tài năng. Nhưng không có thành công nào đến quá dễ dàng. Chỉ có niềm đam mê, sự lao động nghiêm túc, không ngại dấn thân mới giúp các tác giả trẻ khẳng định được chỗ đứng của mình.
Thời xuất bản “mở cửa”
Nhiều năm qua, một trong những yêu cầu với các tác giả muốn trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam là phải có hai đầu sách đã xuất bản (riêng mảng lý luận phê bình tác giả chỉ cần nộp một đầu sách). Yêu cầu này có thể coi như là một sự sàng lọc bước đầu, cho thấy tác giả đã đủ “cứng cáp” về nghề, thể hiện bằng việc đã có sách được phát hành rộng rãi. Tuy nhiên trong điều kiện xuất bản ngày càng cởi mở thì yêu cầu về số lượng đầu sách đã in ấn phần nhiều chỉ còn mang tính hình thức.
Hiện có rất nhiều cách thức để một cuốn sách được xuất hiện trên thị trường: tác giả có thể chủ động làm việc với nhà xuất bản (Nxb), nếu bản thảo phù hợp Nxb sẽ tiến hành in và trả nhuận bút cho tác giả; hoặc Nxb chỉ bán giấy phép cho bản thảo đủ điều kiện, trên cơ sở đó tác giả phải tự tổ chức in ấn và phát hành. Điều này dẫn đến một thực tế là có tác giả chỉ in vài ba trăm cuốn để tặng bạn bè.
Một phương thức khác được nhiều người lựa chọn đó là tác giả thông qua các công ty sách như là một khâu trung gian để đưa tác phẩm của mình ra thị trường. Những năm qua, sự xuất hiện của hàng loạt công ty tư nhân tham gia vào lĩnh vực xuất bản đã đóng vai trò quan trọng trong việc giúp người viết có nhiều lựa chọn để giới thiệu, quảng bá tác phẩm tới công chúng.
Cơ chế xuất bản ngày càng mở rộng nên dường như ai cũng có cơ hội thực hiện được mơ ước trở thành nhà văn khi có sách được xuất bản. Điều này có thể nhận thấy từ danh sách các tác giả xin kết nạp Hội Nhà văn Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên sự cởi mở trong các điều kiện xuất bản cũng đồng thời đặt ra những đòi hỏi khắt khe về chất lượng tác phẩm. Nhìn rộng ra đời sống văn học, giữa rừng tác phẩm mới được tung ra thị trường hằng tuần, hằng tháng, chỉ có một số ít tên tuổi thật sự bám trụ được lâu dài với văn chương.
Sự ưu ái dành cho người trẻ
Song cũng phải thấy rằng sự mở cửa của xuất bản đang mở ra nhiều cơ hội cho các tác giả trẻ. Vài năm trở lại đây dòng sách cho giới trẻ được nhiều đơn vị xuất bản chú trọng và đầu tư. Vừa chủ động đi tìm kiếm tác giả, tổ chức bản thảo, lo in ấn và truyền thông, sách trẻ phủ sóng ngày càng nhiều trên thị trường, và các tác giả trẻ cũng được hưởng nhiều sự ưu ái.
Tiêu biểu là Tủ sách văn học dành cho tác giả lứa tuổi 8X của Nxb Văn hóa – Văn nghệ. Với mong muốn sự đón nhận, “đỡ đầu” các tác giả trẻ nhằm khích lệ sự sáng tạo đối với những bạn trẻ có khả năng văn chương, vừa góp phần “sàng lọc” thị trường sách mà theo đại diện Nxb cho rằng ở đó “sách văn chương vẫn còn hiếm, nhưng sách na ná văn chương thì nhiều, thậm chí quá nhiều”; từ năm 2013 đến nay Tủ sách đã giới thiệu được 27 cuốn sách của 23 tác giả trẻ. Tủ sách đã được bạn đọc đón nhận và tạo được tiếng vang trên thị trường sách khi nhiều tác giả được Tủ sách phát hiện đã tiếp tục phát huy được khả năng văn chương và đoạt được nhiều giải thưởng văn học uy tín. “Thừa thắng xông lên”, năm 2015, Nxb Văn hóa – Văn nghệ tiếp tục ra mắt Tủ sách văn học dành cho lứa tuổi 9X với ba tác phẩm văn học “mở màn” của các tác giả: Cao Nguyệt Nguyên, Vĩnh Thông, Dương Hằng. Không bỏ qua “cơn khát” của độc giả với tác phẩm một thế hệ người viết mới, năm 2014, Nxb Văn học cũng đã cho ra mắt dòng văn học trẻ thế hệ 9X, với chủ trương “9X viết, 9X đọc”.
Trào lưu xuất bản sách văn học trẻ tiếp tục được một số công ty sách tư nhân tham gia nhiệt tình. Mới đây trang cộng đồng Mlog và đơn vị phát hành sách Zbooks đã ra mắt độc giả tủ sách Mlog – tủ sách dành riêng cho độc giả trẻ do chính các tác giả trẻ viết. Một tập tản văn do 12 cây bút trẻ thể hiện đã được chọn làm cuốn sách mở màn cho tủ sách. Khẳng định hướng đi của mình không hề phiêu lưu mà hoàn toàn căn cứ những phân tích khoa học từ nhu cầu của thị trường, Công ty Zbooks với vai trò là đơn vị phát hành khẳng định: Nhu cầu viết và đọc của những người trẻ thời điểm này là một nhu cầu có thực và tủ sách này ra đời dựa trên 50% nhu cầu của độc giả (thông qua tương tác bình chọn trên trang mlog) và 50% định hướng sáng tác của đơn vị xuất bản.
Sự thông thoáng của xuất bản, nhu cầu muốn tìm kiếm tác phẩm mới của những cây bút mới như một cách thay đổi “khẩu vị” từ thị trường sách đã và đang giúp các tác giả trẻ có thêm nhiều cơ hội để tiếp cận độc giả. Thực tế cho thấy có những cây bút dù chỉ vừa mới xuất hiện trên mạng xã hội đã tạo được cơn “sốt”, với lượng sách xuất bản lên đến cả vạn bản. Không thể không nhắc đến các cuộc thi sáng tác trên báo chí, mạng xã hội được tổ chức với tần suất khá dày đặc như hiện nay cũng là “cánh cửa mở” cho các tác giả trẻ thử sức và bứt phá. Do đó không sai khi cho rằng đời sống văn chương hiện nay đang mở ra những điều kiện thuận lợi nhất cho người viết “trăm hoa đua nở”.
Thành công không bao giờ dễ dàng
Xuất bản sách nhiều thuận lợi, truyền thông luôn nhiệt tình quảng bá những tên tuổi mới; cơ hội trở thành “người công chúng” dường như chưa bao giờ dễ dàng đến thế. Nhưng văn học không bao giờ là con đường trải hoa hồng. Khi người viết không chịu trau dồi, rèn luyện thì cũng không hy vọng có tác phẩm hay. Điều này giúp giải thích vì sao có tác giả xuất hiện rất đình đám, sách luôn lọt vào danh sách best seller, nhưng chỉ sau đó một thời gian ngắn đã không còn ai nhắc đến.
Cũng có tác giả quá sốt sắng, nóng vội, mong muốn được mọi người ghi nhận nên liên tục ra mắt sách, làm sự kiện, và truyền thông quá đà trong khi điều quan trọng nhất là chất lượng tác phẩm lại không được quan tâm đầu tư công sức. Vì vậy dù trên báo chí xuất hiện những bài viết khen ngợi như thể một tuyệt tác vừa mới trình làng, nhưng khi độc giả đọc tác phẩm thì nhận thấy những lời nhận xét này khác quá xa so với thực tế. Hậu quả là bạn đọc mất lòng tin vào tác giả. Rõ ràng sự nóng vội, ý thức làm nghề thiếu chuyên nghiệp đã hủy hoại những tài năng văn chương vừa mới hé nở.
Những câu chuyện này nhắc chúng ta nhớ đến một nhà văn trẻ người Anh tên là Veronica Roth. Sinh năm 1988, Veronica Roth là tác giả nổi tiếng bậc nhất trong dòng tiểu thuyết dành cho giới trẻ hiện nay. Tác phẩm Divergent của Veronica Roth đã bán được 5 triệu bản trên toàn thế giới, và được so sánh ngang ngửa với cuốn sách gây sốt hiện nay là The Hunger Games (Đấu trường sinh tử). Veronica Roth dường như đang nắm trong tay rất nhiều quyền năng: Nổi tiếng, có sách bán chạy, được giới chuyên môn thừa nhận nhưng cô không bị ảo tưởng. Cô tâm sự: “Thành công có thể trở thành một mớ hỗn độn nếu bạn không cẩn thận. Danh tiếng có khi làm đảo ngược mọi thứ. Những thứ vốn bình thường lại trở nên khác thường và ngược lại. Tôi cố thận trọng. Chung quanh tôi là nhiều người thân yêu và tôi đã nói với họ: Hãy đá cho tôi một cái nếu các bạn thấy tôi trở thành kẻ tự mãn”.
Đây là lời cảnh tỉnh nghiêm khắc dành cho các tác giả trẻ muốn đi dài trên con đường văn chương nhiều thử thách.
Theo Phong Điệp – Nhân dân cuối tuần