Tên một loại bánh theo cách gọi của người Hạ Long, Quảng Ninh. Người Hải Phòng còn gọi loại bánh này là bánh tổ, hay bánh cấu, bánh xì lồng cấu. Lại có người gọi là bánh tày nồng ệp hay tày nồng ệt hoặc tài nồng ệt. Lại còn có tên mới, rất ấn tượng: Bánh tài lộc. Bánh là của dân tộc nào? Cũng không rõ. Người bảo của dân tộc Sán Dìu. Người bảo của dân tộc Kinh – là “đặc sản của quê mình”, người bảo của dân tộc Hoa…

Bánh tài lồng ệp bán ở hàng quà chợ Cửa Ông.

Không phải người Quảng Ninh, chỉ là chàng rể, nên những gì về bánh tài lồng ệp với tôi ấn tượng khó phai mờ.

Tôi biết thứ bánh đó lần đầu tiên vào một dịp tết. Mẹ vợ tôi hỏi có biết bánh tài lồng ệp không, đã được ăn bao giờ chưa. Nghe cái tên đã thấy ấn tượng. Tôi nói với mẹ là lần đầu tiên nghe thấy tên thứ bánh đó còn nói chi đến sự thưởng thức. 29 tết, mẹ bảo tôi cùng làm bánh với mẹ. Thì ra làm nó cũng không khó lắm. Bột gạo nếp ngào với nước đường hoa mai (mẹ bảo, thường người ta làm với đường phên, nhưng nhà sẵn có đường hoa mai thì làm từ đường hoa mai cũng được) có pha thoảng chút nước cốt gừng, ngào thật khéo, thật kỹ, sao cho bột bánh dẻo quẹo, quyện, không nhão cũng không khô. Sau đó mẹ lấy lá chuối tươi, hơ lửa cho héo, lót vào một cái rế rồi đổ bột bánh đã ngào vào đó. Vì nhà đông người, tôi nhớ, cái bánh thật to, có lẽ tới 3-4 kg bột ngào, gần đầy cái rế to đùng đó. Mẹ cho rế bánh vào một cái nồi cỡ lớn đem hấp. Rất lâu, cứ như là luộc bánh chưng vậy. Khi gần chín thì mẹ rắc lên mặt bánh những ngãy lạc rang chín vàng đã xát hết vỏ lụa. Bánh chín, mẹ nhấc ra, để cho thật nguội rồi lấy một cái đĩa sắt lớn đổ lật úp bánh trong khuôn ra. Bánh sậm màu nâu non, mịn, trong như hổ phách, thoảng nhẹ hương thơm của gừng, nhìn thật sướng mắt. Mẹ cắt cho tôi ăn thử. Nó dẻo, ngọt mát. Mẹ hỏi: Sao? Tôi bảo: Con có thể ăn no được. Mẹ cười. Tôi bảo: Quê con cũng có thứ bánh na ná như thế này, gọi là bánh mật. Nhưng hơi khác: Bột bánh pha lẫn giữa bột nếp và bột tẻ, ngào với mật (mía) xong thì cho vào lá chuối khô gói, xoắn hai đầu, đem hấp; cái bánh chín bóc ra trông như quả muỗm, ăn ngọt, mát và giòn. Tôi hỏi mẹ sao bánh lại có cái tên là lạ là tài lồng ệp. Mẹ bảo cũng không biết, có thể là tên do người Hoa (trước đây sống nhiều ở Quảng Ninh) gọi như thế.

Nhớ một lần đến nhà người bạn vong niên, gặp người anh rể của chủ nhà đến chơi, năm ấy ông đã tám mươi tư tuổi. Ông bảo, mai nhà anh Chung (tên chủ nhà) có giỗ, chẳng biết mua gì gửi thắp hương, làm cái bánh tài lồng ệp gửi đến. Cái bánh làm nhỏ, bằng cái đĩa, cũng áng chừng khoảng 1 kg.

Thì ra thứ bánh tài lồng ệp còn là thứ bánh để cúng. Đúng là như vậy. Và đây lại là một khía cạnh khác khi thưởng thức loại bánh này.

Quê tôi (Hoà Bình) bây giờ thì khác, nhưng trước đây tết đến nhà nào cũng làm nhiều bánh, nhiều thứ bánh. Trong đó làm nhiều là bánh chưng tày và bánh gai. Bánh chưng vuông làm chừng 5-7 cặp thì bánh chưng tày phải làm vài ba chục chiếc. Bánh gai cũng phải làm lưng thúng. Vừa là để thắp hương, vừa là để ăn tết, song cũng còn là quà để đem đi biếu họ tộc. Bánh chưng tày treo đầy trong gian bếp, trông như những cái giò nạc. Và tất nhiên, làm nhiều như thế khó mà ăn hết trong dịp tết. Đấy mới là điều quan trọng. Sau khi tết qua, ra giêng đi cỏ lúa về, rét, đói, ngồi quanh đống lửa, mới bóc cái bánh chưng tày ra, nó đã lại gạo, lõi đã hơi cứng, dùng lạt giang của bánh cắt thành những khoanh tròn thả vào chảo mỡ đã đun nóng già trên bếp rán vàng hai mặt, lúc ấy thưởng thức mới thấm thía hết sự ngon ngọt của bánh chưng. Bánh gai thì không rán mà bóc ra cặp gắp nướng, nó chín phồng lên, ăn ngon cũng thật khó tả.

Thì nay tài lồng ệp cũng có cách ăn tương tự. Sau tết đã đến lúc thèm ăn, mới lấy cái bánh tài lồng ệp trên bàn thờ xuống cắt ra thành miếng rồi đem nướng hay rán…

Tài lồng ệp còn là thứ bánh cắt ra mời khách khi họ đến thăm hỏi, uống nước chè và… thưởng thức – một thứ quà sang trọng.

Kể thì cũng vật đổi sao dời. Bánh trái bây giờ nhiều quá, nhiều thứ quá, ê hề. Hỏi không ít những đứa trẻ ở Thành phố Hạ Long về bánh tài lồng ệp, chúng cứ tròn mắt lên không biết thứ bánh đó là bánh gì. Thế mới thật là vui: Hồi tết nọ lũ trẻ hàng xóm cạnh nhà tôi đi vãng cảnh đền Cửa Ông, về gặp, tôi hỏi đền Cửa Ông hôm nay có đông vui không. Chúng rối rít khoe nào là người chen chật cứng, nào là khói hương nghi ngút và nhất là được ăn bánh tài lộc. Bánh tài lộc? Là bánh gì? Tôi hỏi chúng ai cho và hình thù nó thế nào. Chúng bảo phải mua và người ta bán. Một đứa nhanh nhẹn chìa cho tôi xem: Cháu mang về một cái, nó đây, ông này! Tôi cầm lên xem, không nhịn được phá lên cười: Ôi! Bánh tài lộc! Nó là miếng bánh t-à-i-l-ồ-n-g-ệ-p!

– Tài lồng ệp đây ư ông!? – Cả lũ ngơ ngác, mắt tròn xoe…

Nguồn: QNCT