Bản thảo cổ cuốn Book of the Dead bằng da dài 2,5m, có niên đại cách đây 4.000 năm, trong đó có những câu thần chú và sự miêu tả về các vị thần, đang được một học giả tái dựng sau khi nó được tái phát hiện trong Bảo tàng Ai Cập ở Cairo.
Bản thảo này gồm những câu thần chú tôn giáo cũng như các miêu tả đầy mầu sắc về các nhân vật thần thánh và siêu nhiên, có những hình vẽ và bài viết ở cả 2 mặt. Theo tiến sĩ Wael Sherbiny, người tìm thấy cuộn bản thảo này trong một mớ những mảnh vụn lớn nhỏ trên các giá trong Bảo tàng Cairo, đây là bản thảo bằng da lâu đời nhất và dài nhất từ thời Ai Cập cổ đại.
Hình ảnh trong bản thảo bằng da 4.000 năm tuổi mới được tái phát hiện trong Bảo tàng Ai Cập ở Cairo (ảnh: Guardian)
“Bản thảo này đã hoàn toàn bị bỏ quên, có thể do người tiếp xúc trực tiếp với nó đã chết trong hoặc ngay sau Thế chiến II. Kể từ đó, nó đã được cất cùng hàng trăm bản thảo khác và các cuộn giấy papyrus (giấy cói làm bằng cỏ papyrus) cổ trong Bảo tàng Ai Cập. Khi nhìn thấy bản thảo này, tôi đã run lên vì sung sướng” – Sherbiny, tiến sĩ Ai Cập học thuộc trường Đại học Leuven ở Bỉ, nói.
Các chuyên gia vẫn chưa biết được nguồn gốc của cuốn bản thảo này, song theo Sherbiny, nó đã được Viện Khảo cổ phương Đông của Pháp mua từ một nhà buôn cổ vật ngay sau Thế chiến I, và 2 năm sau đó, trước khi xảy ra Thế chiến II, nó được tặng lại cho Bảo tàng Cairo và sau đó “chìm trong quên lãng”.
Nhà Ai Cập học tiến sĩ Wael Sherbiny đang tái dựng bản thảo bằng da 4.000 năm tuổi. Ảnh: Guardian
“Sau một cuộc nghiên cứu dài và đầy khó khăn về các chi tiết trong mỗi mảnh vụn, tôi quyết định tái dựng và phát hiện ra cách bố trí ban đầu của những phân đoạn này. Tôi không phục chế bản thảo, mà tái dựng toàn bộ các phân đoạn dựa vào sự quen thuộc của tôi với những bản thảo và những hình vẽ tương tự được tìm thấy bên trong nhiều quan tài” – Sherbiny cho biết.
Sherbiny cho rằng, cuộn bản thảo này có niên đại vào khoảng năm 2.000 – 2.300 trước Công nguyên, và cho biết nó gồm rất nhiều bài viết tôn giáo mới.
Theo Sherbiny, hiện chỉ còn 6 bản thảo cầm tay từ thời Ai Cập cổ đại là còn tồn tại, song tất cả đều bằng giấy papyrus. Da là chất liệu viết rất quý hiếm trong thời Ai Cập cổ đại. Nhờ khí hậu khô hanh ở Ai Cập các tư liệu bằng giấy papyrus vẫn bảo quản được trong hơn một thiên niên kỷ qua, trong khi các tư liệu bằng da không còn tồn tại.
Theo Tuấn Vỹ – Thể thao & Văn hóa (dịch từ The Guardian)