Đó không chỉ là câu chuyện về một tác phẩm văn học được yêu thích nhất tại Hungary. Xa hơn thế, với những độc giả Việt Nam thuộc thế hệ 7x đổ lại, Những ngôi sao Eger vẫn luôn ở trong ký ức của họ với dấu ấn của một cuốn sách gối đầu giường đặc biệt.
Cuốn sách vừa được Công ty Đông A và NXB Dân Trí tái bản sau 47 năm kể từ lần đầu xuất hiện tại Việt Nam.
Lời hứa ở Eghe
Được tác giả Gárdonyi Géza viết năm 1899, Những ngôi sao Eger dựa trên sự kiện có thật vào năm 1552. Thời điểm đó, dân tộc Hungary đang phải tiến hành cuộc chiến tranh vệ quốc chống lại đế quốc Ottoman (đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ xưa).
Là cửa ngõ Thượng địa Đông bắc, trấn giữ một vùng lãnh thổ rộng lớn, thành Eger vào năm 1552 gần như bị vua Ferdinand I của triều đình Áo – Hung bỏ rơi. Khi bị tấn công, trong thành chỉ có gần hai ngàn người để chống lại hai đạo quân Thổ đông gấp hàng chục lần. Không có viện binh, suốt hơn 5 tuần lễ, hai ngàn chiến sĩ và nông dân ấy đã nghiến răng, đánh lui tất cả mọi đợt công kích của quân Thổ để bảo vệ vùng đất Hung phía sau lưng.
Hơn 70 năm sau khi ra đời, Những ngôi sao Eger mới đến với độc giả Việt Nam trong một cơ duyên đặc biệt. Sinh năm 1937, dịch giả Lê Xuân Giang sang Hungary, tại Đại học Bách khoa Budapest trong thời gian từ 1956 – 1963.
“Phải hơn một năm sau, trong chuyến đi thăm thành Eger do nhà trường tổ chức cho các sinh viên quốc tế, tôi mới hiểu rõ về dân tộc này” – dịch giả kể.
Chuyến đi ấy diễn ra vào 4/1957. Những người hướng dẫn viên đưa ông Giang thăm mọi dấu tích còn lưu giữ về cuộc chiến đấu trong thế kỷ XVI tại Eger. “Hóa ra, giống như Việt Nam, người Hungary cũng có những cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại để chống lại kẻ thù mạnh hơn gấp bội. Một dân tộc như thế luôn cần được kính trọng và tôn vinh” – ông nói.
Cuối chuyến đi, ông Giang cùng bạn bè tới thăm mộ Gárdonyi Géza, được đặt tại một vị trí trang trọng. “Thầy giáo tôi giới thiệu: đây là nơi yên nghỉ của nhà văn đã tái hiện cuộc chiến đấu xưa trong cuốn Những ngôi sao Eger” – ông kể – “Xúc động, tôi hứa với thầy và các bạn: Có thể, tôi không làm được nhiều việc ở lĩnh vực văn học. Nhưng chắc chắn, trong cuộc đời mình, sẽ có lúc tôi dịch cuốn sách này.”
Sự đồng điệu của lịch sử
Lời hứa được thực hiện 8 năm sau, khi dịch giả đang sơ tán tại Bắc Giang trong chiến tranh phá hoại của Mỹ. Như lời kể, những ngày ấy, một kĩ sư chế tạo máy như ông Giang không có nhiều công việc để làm. Ông bồn chồn vì thấy mình như đang đứng ngoài bầu không khí tràn đầy nhiệt huyết “phấn đấu vì miền Nam ruột thịt” .
Để rồi, khi nhớ lại lời hứa ở thành Eger, ông Giang hiểu: việc dịch và xuất bản cuốn sách chính là một liều thuốc tinh thần vô giá với độc giả Việt Nam ở thời điểm này – khi khát vọng chiến thắng và tinh thần ái quốc đang được đẩy lên tới mức cao nhất trong mỗi cá nhân.
Tìm lại 2 bộ Những ngôi sao Eger mang về từ Hungary, ông Giang chong đèn dầu dịch sách mỗi đêm, giữa tiếng máy bay Mỹ trên đầu. Năm 1968, 600 trang sách của bản dịch hoàn thành. Nhưng, vì khan hiếm giấy, phải tới năm 1972, Những ngôi sao Eger mới được in tại NXB Văn học.
“Hóa ra, đó lại là một sự may mắn. Thời điểm ra mắt, nhân dân cả nước đang dồn hết tâm trí cho những diễn biến của chiến dịch bảo vệ thành cổ Quảng Trị”- ông Giang nói – “Và từ khúc tráng ca ấy, người ta bỗng tìm thấy ở chuỗi ngày tử thủ Eger những xúc cảm nghẹn ngào khi nhìn sang 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ của người lính Việt Nam.”
Rất nhanh, Những ngôi sao Eger trở thành một hiện tượng xuất bản ở thời điểm ấy. 10 ngàn bản in đầu tiên của NXB Văn học được bán hết rất nhanh. 2 lần nối bản sau đó cũng không đủ cung cấp cho một lượng khán giả cầm sẵn giấy giới thiệu mua sách của cơ quan đang ồ ạt kéo về. Với số sách biếu ít ỏi, ông Giang tìm cách gửi một bộ cho cậu em trai đang chiến đấu ở mặt trận Khe Sanh – A Lưới. Vài tháng sau, trong lá thư gửi về, cậu em kể rằng 2 tập Những ngôi sao Eger đã được cả trung đoàn truyền tay nhau đọc tới mức mòn vẹt phần lề phải, sát vào những con chữ bên trong.
Một “đời sống riêng” ở Việt Nam
Cho đến trước khi được tái bản vào tháng 6 vừa qua, Những ngôi sao Eger đã được in 4 lần ở Việt Nam, tại các nhà xuất bản Văn học, Thanh niên và Tác phẩm mới. Để rồi, khi internet phát triển tại Việt Nam, Những ngôi sao Eger vẫn là cái tên được rất nhiều độc giả thuộc thế hệ 7x nhắc lại khi chia sẻ những cuốn sách gắn bó với tuổi thơ của mình.
Thậm chí, vì không biết tiếng Hung, có những độc giả đã phải sử dụng Google Translate để chuyển ngữ và chia sẻ trên mạng những dị bản quanh phần kết của cuốn sách. Thậm chí, trong buổi giới thiệu bản sách mới, Đại sứ Hungary tại Việt Nam – ông Csaba Ory – đã tỏ ra ngạc nhiên một cách thú vị: qua bè bạn, ông được biết khi tới Hungary, rất nhiều thế hệ du học sinh Việt Nam đã lập tức tìm tới thành phố Eger để chiêm ngưỡng những dấu vết của tòa thành cổ, cũng như bức tượng Dobó István (người anh hùng chỉ huy cuộc chiến đấu bảo vệ Eger) tại trung tâm thành phố.
Như lời dịch giả Lê Xuân Giang, ngoài Hungary, Những ngôi sao Eger đã được dịch ở gần 20 quốc gia khác nhau – trong đó có cả Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2013. Thế nhưng, khi biết cuốn sách được tái bản ở Việt Nam đến lần thứ 5, rất nhiều người bạn của dịch giả ngạc nhiên. “Họ bảo: ngoài Hungary, chẳng có nơi nào tái bản Những ngôi sao Eger nhiều đến vậy” – ông kể.
Ở tuổi 82, ông Giang vẫn vô cùng hào hứng khi bản in Những ngôi sao Eger lần này được Đông A Books thực hiện khá công phu dưới một hình hài khác: địa danh và nhân danh được chuyển về tên gốc theo nguyên tác; hình thức phong phú gồm cả 3 ấn bản bìa mềm, bìa cứng, bìa thủ công – và đặc biệt, hệ thống tranh minh họa “thuần Việt” được họa sĩ Phạm Ngọc Tân thực hiện một cách rất tỉ mỉ và sinh động.
“Tôi vẫn nhớ một quan điểm của triết gia Kierkegaard, đại ý rằng: Một cuốn sách in xong thì chỉ là văn bản chứ không phải một tác phẩm. Nó chỉ thật sự xứng đáng với cái tên ấy khi được độc giả lấy khỏi kệ, mở ra và bắt đầu dõi theo với những gì được viết bằng cả cảm xúc và vốn sống của mình” – dịch giả nói – “Cách tư duy ấy đúng với số phận của Những ngôi sao Eger ở Việt Nam. Bất chấp khoảng cách về địa lý và thời gian, cuốn sách vẫn một chỗ đứng bền chắc với độc giả của chúng ta, bởi những tương đồng về lịch sử và tâm thức của 2 dân tộc”.
Câu hỏi suốt 47 năm từ độc giả
Kể từ khi bản dịch ra đời, nhiều thế hệ độc giả có chung một thắc mắc: tại sao phần kết cuốn sách không nhắc tới số phận của vợ và con trai Gergely Bornemissza – một trong những chỉ huy quan trọng nhất Eger? Ở những trang cuối cùng của tiểu thuyết, con trai của người anh hùng này vẫn nằm trong tay quân Thổ, còn vợ anh bị thương rất nặng khi bảo vệ thành.
Dịch giả Lê Xuân Giang cho biết: thực tế, Những ngôi sao Eger đã trải qua một số lần biên tập của các NXB – cũng như chính tác giả. Ở một số dị bản có thêm phần “kết thúc có hậu”, nhưng ông chọn dịch theo bản in phổ biến và được đánh giá cao nhất tại Hungary.
“Khác với chúng ta, độc giả phương Tây giai đoạn đó không thích những kết thúc có hậu. Họ cho rằng điều này không phù hợp với thực tế cuộc sống” – ông nói – Tôi thích cách tư duy ấy: Ở một cuộc chiến đấu khốc liệt như tại thành Eghe, không thể đòi hỏi một kết thúc hoàn hảo với tất cả mọi người”.
Theo Báo Thể Thao và Văn hóa