Vào năm 1968 tại miền Nam, khi bắt tay soạn quyển sách Đất lề quê thói, tác giả Nhất Thanh đã ghi lại mấy lời tâm sự:
Đất lề quê thói, bản in của Nhã Nam – Ảnh: L.Điền
“Tục ngữ xưa “Đất lề quê thói”ai nghe cũng hiểu ngay, nhưng bây giờ đã có nhiều đổi thay, hai tiếng “lề thói” đã bắt đầu thành xa lạ và dường như đang mất dần âm hưởng để rồi sẽ hòa tan vào im lặng, dầu có muốn cứu vãn chỉ thành ra câu nệ…”.
Mặc dù nhìn nhận sự tình như vậy, nhưng Đất lề quê thói thật sự là công trình công phu, với tất cả niềm hứng khởi và tâm huyết của tác giả. Nhất Thanh đã khảo cứu, hệ thống lại toàn bộ những vốn liếng phong tục của một dân tộc có thâm niên văn hóa và đang giáp mặt với những thách thức của thời cuộc.
Giới nghiên cứu lâu nay vẫn xem Đất lề quê thói như một cuốn “từ điển thu nhỏ” về phong tục Việt Nam. Phong tục của một dân tộc định hình nên quốc gia, dù là tiếp cận ở góc độ dân gian như những “lề thói” đã thành nếp sống thì chiều kích của những nội dung này cũng rất đa dạng.
Nhất Thanh đã gắng công tập hợp, giải thích, trình bày, làm sáng tỏ bao nhiêu cái hay cái đẹp trong tập tục sinh sống của người Việt ta từ đời xưa. Những nề nếp văn hóa của người Việt từ khi sinh ra, lớn lên, cách ăn, lối mặc, chuyện giao tiếp, nét vui chơi, quan niệm sống, nghi lễ xã hội và tâm linh… Nhất Thanh đều kê cứu tường tận.
Như chuyện đặt tên cho con và các cách dùng tên tự, tên hiệu, tên thụy… nếu không xem lại ở đây, ngày nay chắc chắn nhiều người không phân biệt được. Như chuyện lễ tết, xuất hành, khai bút, khai ấn vốn gắn với đời sống người trí thức xưa và quan niệm làm việc cũng như nghi lễ giản lược thôi, không phải biến tướng thành chuyện khai ấn phản cảm như người đời nay hiểu lạc.
Dù chưa thể đưa hết các mặt của phong tục Việt Nam vào sách bởi điều này ở mỗi thời sẽ cần thêm các công trình mới khác bổ sung, nhưng càng đọc Đất lề quê thói càng khâm phục sở học và sức làm việc của tác giả. Nếu bây giờ nhờ một ai trong số trí thức nước nhà cắt nghĩa hai chữ phong và tục (trong từ phong tục) khác nhau như thế nào, chắc sẽ có nhiều người lúng túng. Mà như vậy thì công trình của Nhất Thanh hẳn vẫn còn cần thiết lắm.
May thay, kể từ lần in năm 1970 và nhiều nhà xuất bản in sau đó, đến nay bản Đất lề quê thói mới nhất do Nhã Nam và NXB Hồng Đức ấn hành vừa ra mắt bạn đọc trên giấy đẹp.
Theo Lam Điền – Tuổi trẻ online