3. Vấn đề nội dung và hình thức của tác phẩm văn học

Đây là vấn đề cũ, xưa nay được nhiều người bàn, với những quan niệm khác nhau. Ở đây, ta tìm hiểu vấn đề nội dung và hình thức theo quan niệm nhất quán về bản chất của tác phẩm văn học, coi mỗi tác phẩm là một đơn vị ngôn từ.

Theo cách nhìn này, nội dung tác phẩm là gì? và hình thức tác phẩm là gì? Đây là lý luận văn học. Ta cần dựa vào triết học, nhưng lại không dừng lại ở quan niệm nội dung và hình thức mà triết học đã nêu ra. Theo ý nghĩa triết học thì mọi sự vật và hiện tượng trong vũ trụ đều có nội dung và hình thức của chúng. Nội dung là cái chứa đựng bên trong và hình thức là cái bao bọc bên ngoài. Giữa chúng có mối quan hệ hữu cơ, và tác động qua lại rất biện chứng.

Theo quan niệm tác phẩm văn học là một loại hình ngôn từ, cụ thể là một đơn vị ngôn từ, thì bất cứ tác phẩm nào cũng là một kiểu lời nói của con người với con người. Lời nói dưới dạng lời nói hoặc lời nói dưới dạng lời văn. Khi lời nói dưới dạng lời nói thì dễ thấy là lời nói. Nhưng lời nói dưới dạng lời văn thì tính chất lời nói dễ bị che khuất đi. Vì chữ viết có ưu thế là ghi lại được lời nói. Chữ viết biến ngôn bản trực tiếp thành văn bản gián tiếp, làm cho tính lời nói của văn bản bị hạn chế đến mức rất khó nhận ra. Khi tiếp nhận một bài thơ, một áng văn trên văn bản, ta tưởng như đang đọc. Thật ra, ta đang giao tiếp bằng lời nói. Nên mới có chuyện là cùng đọc một tác phẩm văn học lại có người xúc động và có người không hề mảy may rung động, có người xúc động ít, có người rung cảm nhiều. Đó là do sự giao lưu ngôn từ giữa người viết (nói một cách gián tiếp) và người đọc (nghe một cách gián tiếp). Rõ nhất là thơ. Mà kể cả văn. Những người đọc văn, đọc thơ thuần thục, nhạy cảm, khi theo sát từng con chữ thì lập tức tái hiện những dòng chữ thành chuỗi lời nói. Nghĩa là chuyển văn từ thành ngôn từ, văn bản viết thành ngôn bản. Dòng chữ thì vô tình, song lời nói lại hữu tình. Anh phải tái hiện dòng chữ thành lời nói, tái hiện thứ vô tình thành cái hữu tình. Trình độ tiếp nhận văn học tuỳ thuộc ở khả năng này. Tựa như người thạo đọc nhạc phổ. Người không khả năng đọc nhạc phổ thì chỉ thấy những dòng nhạc, nốt nhạc vô hồn. Người nhạy cảm về âm nhạc, thành thạo âm nhạc thì nhìn vào bản nhạc có thể biết được hay, dở. Không cần nghe tấu lên mà vẫn nhận ra giá trị của bản nhạc. Tất nhiên đọc một bản nhạc khó hơn đọc một áng văn thơ rất nhiều. Tuy nhiên, đại thể cũng tương tự như thế. Điều này cũng không khó hiểu gì. Như trẻ con tiếp xúc với văn bản vậy. Ban đầu chúng chỉ biết đánh vần từng chữ. Rồi cùng với sự trưởng thành về mọi mặt, chúng cảm hiểu dần. Từ chỗ chúng đọc ê a đến chỗ chúng ngân nga, và cao hơn là đọc thầm. Chỉ bằng mắt, nhưng con chữ tái hiện ra trong tâm tưởng chúng như những thực thể có hồn. Nói khác đi chúng thực thi sự giao tiếp bằng ngôn ngữ. Chất lượng giao tiếp tuỳ thuộc vào trình độ và năng lực giao tiếp. Văn học với tư cách là nghệ thuật ngôn từ thì sự giao tiếp ngôn ngữ lại có những yêu cầu khác hơn và cao hơn.

Rõ ràng, bản chất của tác phẩm văn học là ngôn từ. Mà ngôn từ tức là lời nói, là sự vận dụng ngôn ngữ nào đó trong giao tiếp, vận dụng ngôn ngữ có tính cộng đồng thành ra ngôn từ có tính chất cá nhân. Tất cả vì mục đích giao tiếp. Mà đã là giao tiếp thì phải có nhu cầu thổ lộ một điều gì đó. Vậy nội dung của tác phẩm văn học chính là việc trả lời câu hỏi tác phẩm nói cái gì? với người đọc. Còn khi người đọc tiếp nhận tác phẩm văn học thì cần biết tác phẩm nói điều gì với mình. Bất cứ hình thái ngôn từ nào – dù là bình thường hay văn hoá, nghệ thuật bao giờ cũng nói một điều gì đó của đời sống có tính chất khách quan và một điều gì đó của cá nhân mang tính chất chủ quan. Bất cứ tác phẩn văn học nào, vì vậy, cũng có nội dung khách quan (hay phương diện khách quan của nội dung) và nội dung chủ quan (hay phương diện chủ quan của nội dung), dù đó là tác phẩm dân gian hay cổ điển, hiện đại. Bất kỳ thể loại nào thuộc bất cứ hình thái lịch sử nào, đã là tác phẩm văn học thì là một dạng ngôn từ, nghĩa là lời nói, mà đã là lời nói thì phải nói một điều gì đó của đời sống khách quan, và nói một điều gì đó của chính người nói tức của tác giả. Trừ những tác phẩm mà tác giả không muốn nói với ai, hay chỉ dành cho riêng mình, như tác phẩm cô đơn, bí hiểm. Còn không thể có biệt lệ nào khác.

Đi tìm hai mặt khách quan và chủ quan này chính là nội dung của tác phẩm. Hai mặt thống nhất trong nội dung của tác phẩm. Phương diện đầu ta gọi là nội dung hiện thực hay nội dung phản ánh (hay phương diện hiện thực, phản ánh của nội dung); phương diện sau ta gọi là nội dung tư tưởng hay nội dung biểu hiện (hay phương diện tư tưởng, biểu hiện của nội dung). Tuỳ theo thể loại mà phương diện nào của nội dung, chủ quan hay khách quan, nổi trội lên. Nếu loại hình tự sự thì mặt khách quan của nội dung chiếm ưu thế. Còn nếu là loại hình trữ tình thì ngược lại mặt chủ quan của nội dung nổi lên hàng đầu. Tuy nhiên, không có tác phẩm văn học nào lại không tồn tại hai phương diện đó của nội dung. Thậm chí có tác phẩm hai phương diện đó ngang nhau, cân đối với nhau. Tuy là tự sự nhưng là tự sự-trữ tình, tuy là trữ tình nhưng là trữ tình-tự sự. Đó chính là sự chi phối của thể loại tới tính chất nội dung của một tác phẩm.

Cốt lõi của nội dung thứ nhất (nội dung phản ánh, nội dung hiện thực) ta gọi là chủ đề; còn cái cốt lõi của nội dung thứ hai (nội dung tư tưởng, nội dung biểu hiện) ta gọi là tư tưởng. Tác phẩm nào cũng vừa có chủ đề đồng thời vừa có tư tưởng. Đặc biệt phương diện sau. Tư tưởng ở đây cần được hiểu theo nghĩa rộng, thể hiện cách nhìn, quan điểm, quan niệm, thái độ, tình cảm… của người nói trên nhiều lĩnh vực như chính trị, triết học, tôn giáo, đạo đức, khoa học, nghệ thuật… Trong tác phẩm có khi tư tưởng biểu hiện một cách trực tiếp, nhưng phổ biến là biểu hiện một cách gián tiếp thông qua hình tương ngôn từ. Hai mặt cơ bản này của nội dung bao giờ cũng thống nhất với nhau. Nội dung thứ nhất hướng tới cái chân; còn nội dung thứ hai thì hướng tới cái thiện. Và đây là chân, thiện của nghệ thuật nên phải hoà quyện với cái mỹ. Đó là xét về mặt giá trị. Điều này hoàn toàn tuỳ thuộc vào chỗ đứng và quan niệm của mỗi người trong xã hội.

Cần chú trọng tới cái mỹ trong tác phẩm. Sự tồn tại nội dung của tác phẩm không thể và không phải dưới dạng trần trụi. Nội dung phải hiện ra trong và qua hình thức. Cái gọi là tư tưởng hay chủ đề là cái ta trừu xuất ra bằng tư duy logic. Còn nội dung tác phẩm văn học bao giờ cũng tồn tại trong hình thức. Cho nên, muốn hiểu nội dung thật sự thì phải nắm nội dung qua hình thức, phải qua hình thức để tìm nội dung. Vậy hình thức là gì? Ta không tiếp cận vấn đề theo quan niệm khác mà nhất quán với góc nhìn của chúng ta khi coi tác phẩm là một dạng thức của lời nói. Hình thức trong trường hợp này trả lời câu hỏi thế nào? Tác phẩm văn học nói với người đọc điều gì? Đó là nội dung nghệ thuật. Còn nói như thế nào? thì đó là hình thức nghệ thuật. Không thể xem nhẹ vai trò của hình thức trong một công trình nghệ thuật. Tác phẩm văn học nói một điều gì đó với con người về cuộc sống và về tác giả đã hẳn là vô cùng quan trọng. Nhưng nói thế nào quan trọng không kém. Thành công hay không, thành công đến mức nào là ở chỗ như thế nào? Nói cái gì chỉ quan trọng khi được thực hiện thế nào. Nếu không có như thế nào thì cũng không thể có cái gì. Nội dung dẫu là chân thực là thánh thiện, nhưng nói ra một cách không nghệ thuật thì không đi đến đâu, và cũng không để làm gì dưới cái nhìn thẩm mỹ. Ở lĩnh vực này nếu có nói hình thức nghệ thuật là quyết định thì cũng không có gì là quá đáng. Và trong quan hệ với nội dung của tác phẩm thì hình thức quyết định giá trị nghệ thuật của nội dung. Nội dung chỉ có giá trị khi nội dung đó có hình thức nghệ thuật tướng xứng với nó.

Vậy hình thức nghệ thuật dưới cái nhìn bản chất ngôn từ của tác phẩm cụ thể là gồm những yếu tố nào? Có thể thấy ba nhân tố. Thứ nhất là thể loại. Thể loại theo quan điểm này chính là vóc dáng chung của tác phẩm với tính cách là đơn vị ngôn từ. Ngôn từ đó là một câu tục ngữ, một bài ca dao, một thiên truyện cổ, hay một bài thơ, một cuốn truyện, một vở kịch. Bài thơ thì là đoản thiên hay trường thiên, là thơ luật, thơ tự do hay thơ văn xuôi… Điều ta thấy đầu tiên khi tiếp xúc với văn học là thể loại nhất định của tác phẩm, được xem như là hình dạng chung của lời nói. Người sáng tác muốn thể hiện ý đồ nghệ thuật trước tiên phải chọn thể loại.

Sau khi chọn được thể loại thì tác giả phải cấu tạo lời nói của mình. Bất cứ lời nói nào cũng đều có cấu tạo. Đơn giản nhất là một câu tục ngữ thì cũng phải có cấu tạo. Một bài thơ, một thiên tiểu thuyết hiện đại lại càng phải có cấu tạo chung. Người viết phải trình bầy diễn biến trước sau của lời nói. Ngôn từ bao giờ cũng có diễn tiến, kết cấu tác phẩm chính là diễn trình của ngôn từ, tức lời nói đi qua chặng đường nào. Nói cái gì trước cái gì sau. Có khi cái diễn ra trước được nói trước, cái diễn ra sau được nói sau. Cũng có khi ngược lại. Tất cả đều tuỳ thuộc vào ý đồ nghệ thuật, nhằm tạo ra ấn tượng khó quên của lời nói. Đã gọi là lời nói thì phải có cái trước, cái sau. Trước sau đó là cấu trúc tạo ra vóc dáng bao quát của nội dung. Nội dung diễn biến ra sao qua diễn trình cụ thể chính là kết cấu của công trình nghệ thuật. Như lý luận truyền thống, kết cấu có kết cấu tình tiết hay không tình tiết, có cốt truyện hay không có cốt truyện, có nhân vật hay không có nhận vật. Kết cấu tự sự, kết cấu trữ tình hay kết cấu kịch.

Yếu tố sau cùng của hình thức là phong cách ngôn từ của tác phẩm. Nghĩa là xét xem chính bản thân ngôn từ được thực hiện như thế nào. Suy cho cùng, nhân tố thứ ba này bao trùm lên nhân tố thứ nhất và thứ hai. Ngôn từ trong tác phẩm được khái thác đến mức tối đa mọi sức mạnh vốn có của lới nói, để tạo nên giá trị thực tế trong khả năng của mỗi cá nhân. Đó là lĩnh vực của phong cách ngôn từ, biến ngôn từ thông thường thành ngôn từ nghệ thuật mang dấu ấn riêng của mỗi người.

Từ quan điểm văn học là đơn vị ngôn từ, ta nhìn nhận và lý giải thực chất nội dung nghệ thuật và hình thức nghệ thuật của tác phẩm là như vậy. Cũng cần phải trở lại vấn đề then chốt là sự thống nhất hữu cơ giữa nội dung nghệ thuật và hình thức nghệ thuật của một tác phẩm. Không có nội dung nào lại không tồn tại trong một hình thức nhất định, và không có hình thức nào lại không thể hiện một nội dung nào đó. Hình thức yếu kém, non yếu ta gọi là chủ nghĩa sơ lược; còn nội dung yếu kém, trống rỗng ta gọi là chủ nghĩa hình thức. Như vậy ta không loại bỏ phạm trù nội dung nghệ thuật và hình thức nghệ thuật khi bàn về tác phẩm. Từng có những trường phái lý luận có dụng ý loại bỏ hai phạm trù này khi nghiên cứu tác phẩm nghệ thuật. Họ cho đây là những khái niệm lý thuyết vô bổ. Họ chỉ thấy cái toàn thể và cái bộ phận trong cấu trúc bên trong của tác phẩm. Trong hệ thống lý luận đang bàn thì vẫn có thể vận dụng hai phạm trù cơ bản này để nghiên cứu tác phẩm. Tất nhiên chúng phải được nhìn theo bản chất ngôn từ của văn học như đã trình bày. Nội dung là ngôn từ về những cái gì, và hình thức là ngôn từ bằng những cách nào.


4. Vấn đề sáng tác và tiếp nhận tác phẩm văn học

Nội dung nghệ thuật và hình thức nghệ thuật của tác phẩm chỉ phát huy ý nghĩa khi tham gia vào qua trình giao lưu giữa tác giả với người nghe, người đọc. Nghiên cứu tác phẩm văn học, vì vậy, không thể không tìm hiểu vấn đề nội dung và hình thức, mà cũng không thể không tìm hiểu vấn đề sáng tác và tiếp nhận. Có thể xem vấn đề nội dung và hình thức là vấn đề cấu trúc của văn học. Còn vấn đề sáng tác và tiếp nhận là vấn đề cơ chế của văn học. Cấu trúc là xét trong bản thể; cơ chế là xét trong sự vận động. Đó là sự vận động từ người nói, người viết cho tới người nghe, người đọc, từ người phát tin cho tới người nhận tin. Rõ ràng chỉ qua cơ chế mới hiểu được cấu trúc, và cấu trúc chỉ được bộc lộ qua cơ chế.

Cơ chế của tác phẩm văn học tức là vấn đề sáng tác và tiếp nhận. Nếu nhất quán với quan niệm tác phẩm văn học là một đơn vị ngôn từ thì cần phải thấy ngôn từ ấy từ đâu sinh ra và nó đi về đâu, phát ra từ đâu và nhận ở đâu. Đơn vị ngôn từ nghệ thuật rõ ràng là được tạo ra từ tác giả và được nhận từ người tiếp nhận. Hình thái lịch sử nào của văn học cũng đều thế. Mà dù dưới hình thức nói hay viết cũng không khác. Nếu nói thì là người nói và người nghe, còn nếu viết thì là người viết và người đọc. Sáng tác là phát ra lời nói. Mà nói là mang một nội dung đi tìm một hình thức tương ứng. Khi nào hình thức gặp nội dung, và nội dung gặp hình thức thì tác phẩm được hình thành và cũng là hoàn thành quá trình sáng tác. Hay dở là do người tiếp nhận phán định. Nhưng khi văn bản đã được công bố thì cũng có nghĩa là về cơ bản đã kết thúc quá trình sáng tác. Và tác phẩm chỉ có ý nghĩa khi được người đọc tiếp nhận. Nếu sáng tác là đi từ nội dung đến hình thức, thì tiếp nhận, ngược lại, đi từ hình thức tới nội dung. Người đọc làm việc trước tiên với các yếu tố của hình thức, như vóc dáng, cấu trúc của đơn vị lời nói, rồi việc sử dụng ngôn từ đảm bảo yêu cầu cao của nghệ thuật. Qua hình thức đi tới nội dung và cuối cùng là bắt gặp tác giả. Lưu Hiệp nói người sáng tác thì tình động nhi từ phát. Còn người tiếp nhận thì phi văn nhi nhập tình (Thiên Tri âm). Sở dĩ số phận của tác phẩm biến đổi không ngừng là do chu trình giao lưu này biến đổi không ngừng. Chủ yếu là thay đổi về phía người tiếp nhận. Khi sáng tác xong thì hình dạng tác phẩm cơ bản đã tương đối ổn định. Nhưng về phía tiếp nhận thì, một là, có nhiều người tiếp nhận; hai là, nếu một người tiếp nhận thì trong những thời điểm khác nhau, với nhiều tâm trạng khác nhau, theo sự đổi thay của đời sống. Như vậy, sinh mệnh của tác phẩm tuỳ thuộc vào sự biến động của tiếp nhận. Ví như Truyện Kiều. Trải bao gió dập sóng dồi… Nguyễn Du sáng tác xong tác phẩm là đã tạo cho nó một hình thức tương đối ổn định. Từ thế kỷ XIX, sang thế kỷ XX, rồi thế kỷ XXI và mãi về sau, số phận Truyện Kiều lại thay đổi. Do giai tầng, lứa tuổi, tâm lý, trình độ khác nhau của người tiếp nhận quyết định sự thay đổi. Điều này đã được nhiều nhà lý luận bàn đến. Như cho tác phẩm chỉ tồn tại trong sự tiếp nhận của người đọc. Còn hình hài của tác phẩm chưa có ý nghĩa gì cả. Nó chỉ là bộ khung, mô hình thôi. Nó chỉ thành tác phẩm thật sự khi được tiếp nhận. Do đó, trên thực tế, có nhiều tác phẩm văn học chung quanh một văn bản. Rất nhiều Truyện Kiều khác nhau, tuỳ thuộc vào người đọc, lúc đọc. Từ đó nghĩ tới bản chất của phê bình. Nó chỉ là cấp độ cao của tiếp nhận. Phải tới một lúc nào đó của tiếp nhận mới xuất hiện phê bình. Và viết phê bình tức là tạo lập nên một dạng ngôn từ đặc biệt – ngôn từ trên sự cảm nhận về một ngôn từ nghệ thuật khác. Nếu bình thường thì nhà phê bình chỉ tiếp nhận cho mình, nhưng khi viết thành văn bản thì nhà phê bình đã thực hiện sự sáng tạo ngôn từ mới. Một bài phê bình cũng có nội dung và hình thức của nó. Và cũng lại có người đọc dành cho phê bình. Mà nghiên cứu cũng thế, tuy tính nghệ thuật hạn chế hơn so với tình khoa học.

Tác phẩm văn học vì thế không thể tách khỏi vấn đề sáng tác và tiếp nhận. Từ đó có thể nhận ra tính xã hội và tính lịch sử rộng rãi của hoạt động sáng tác và tiếp nhận. Tác phẩm tồn tại trong tương quan với những tác phẩm khác. Nó trở thành vấn đề văn học chung, gắn liền với những hiện tượng văn học khác như tác giả, giai đoạn, trào lưu, khuynh hướng, nền văn học… Đó là bối cảnh của sáng tạo và tiếp nhận. Chúng không hoàn toàn là một hành động cá nhân. Chúng còn có tính xã hội và tính lịch sử. Sáng tác và tiếp nhận như thế nào còn tuỳ thuộc vào bối cách chung. Nguyễn Du sáng tác Truyện Kiều là như vậy. Đằng sau ông là truyền thống văn hoá, văn học Việt Nam và phương Đông. Chung quanh ông là bối cảnh xã hội và lịch sử phức tạp và biến động của thời cuối Lê đầu Nguyễn. Hơn thế còn có tác động của các nhân tố của gia đình, dòng tộc, quê hương, đất nước. Sự tiếp nhận Truyện Kiều cũng bị chi phối bởi những yếu tố như vậy. Xung quanh, phía trước, phía sau tác phẩm có nhiều nhân tố chi phối, làm nên đời sống văn học linh diệu mà phức tạp. Tác phẩm vừa là hiện tượng nhân văn vừa là hiện tượng xã hội. Sở dĩ những vấn đề văn học thường không thể lý giải dứt khoát, thống nhất dễ dàng được là vì vậy. Nó như là sự sống. Rất linh diệu mà cũng rất phức tạp. Nếu có bất đồng, rồi nảy ra tranh luận chung quanh các vấn đề văn học thì cũng là lẽ bình thường. Thật khó tránh khỏi. Do sự đánh giá rất khác nhau, tuỳ vào hoàn cảnh lịch sử và xã hội cụ thể. Tác phẩm văn học luôn trôi nổi trong dòng đời như thế. Chính vì vậy mà văn học mới không thôi cuốn hút con người, nó mới trở nên giàu ý nghĩa với đời sống. Văn học là hiện tượng nhất thời đồng thời là hiện tượng vĩnh cửu.

Lịch sử văn học là lịch sử tác phẩm văn học. Nhưng chung quanh tác phẩm là lịch sử sáng tác và tiếp nhận tác phẩm. Có thể dựa vào tác phẩm còn lưu lại, nhất là trên văn bản để tìm hiểu. Nhưng sáng tác thì làm sao biết cho rõ ràng, chính xác và cặn kẽ được. Như Nguyễn Du sáng tác Truyện Kiều thế nào thì sao biết hết được. Ngay ông viết lúc nào cũng còn chưa thống nhất, nói gì tới những chuyện khác. Như Chế Lan Viên bảo: Nguyễn viết Kiều trong cơn mưa nào? Khó biết lắm. Thậm chí không bao giờ có thể biết được. Và sự tiếp nhận Truyện Kiều cũng thế thôi. Như vậy, khoa nghiên cứu lịch sử văn học dường như đứng trước một nhiệm vụ không thể nào thực hiện nổi. Nên mọi nhận định của nhà viết lịch sử phần nhiều chỉ dừng lại ở những ước đoán, phỏng đoán. Có phần căn cứ, nhưng không ít phần phỏng đoán. Nên cứ phải viết đi viết lại lịch sử văn học là vì thế. Chính chỗ này là chỗ thú vị của văn học, và của sự nghiên cứu nó.

*

Trên đây chỉ mới là hệ thống luận điểm chính của tư tưởng tác phẩm văn học là đơn vị ngôn từ, cần phải được luận giải, chứng minh, xác minh thêm nữa. Chúng tôi tin rằng quan niệm này có thể bao quát được các hình thái khác nhau của tác phẩm văn học. Dù tồn tại dưới bất cứ dạng nào thì tác phẩm văn học cũng không nằm ngoài phạm vi đề cập của lý thuyết này được. Dù là tác phẩm văn học dân gian, cổ điển hay hiện đại; dù là tác phẩm của bất cứ trường phái nào (lãng mạn, hiện thực hay hiện đại); dù đó là công trình văn hoá ngôn từ hay nghệ thuật ngôn từ; dù là thơ (cổ điển hay hiện đại), đến tiểu thuyết và kịch; dù là tác phẩm văn học đích thực hay cận văn học như truyện kiếm hiệp, trinh thám, khoa học viễn tưởng …; dù là văn chương cao cấp, tao nhã hay văn chương đại chúng, văn chương thị trường… lý thuyết này cũng có thể bao quát được, hoặc giả có thể đưa ra để tìm tòi, soi sáng. Tính phổ biến của quan niệm này là khá rõ, không hạn chế văn học ở thể loại nào, tác giả nào, khu vực nào, thời đại nào. Ta không xem nhẹ hay phủ định tính đặc trưng của văn học như là loại hình nghệ thuật, nhưng nếu đặt vào trong quan niệm này, ta thấy rõ hơn tính phổ biến của văn học như một loại hình ngôn từ. Tác phẩm văn học với tính cách là một đơn vị ngôn từ nghệ thuật nhưng không tách biệt hoàn toàn ra khỏi ngôn từ nói chung của con người trong giao tiếp xã hội – giao tiếp nghệ thuật, văn hóa, tư tưởng, tình cảm, giao tiếp chiều rộng và chiều sâu của con người với con người. Chỉ trong giao tiếp mới hiển lộ bản chất của nó như là một hiện tượng xã hội và nhân văn. Ý nghĩa của quan niệm này là như vậy.

Nguồn: Vanvn.net

Exit mobile version