Trong số các tiểu thuyết nổi tiếng của ông có: “Kinh phúc âm của Pilate”, “Ngài Ibrahim và những bông hoa của kinh Coran”, “Những con vẹt trên quảng trường Arezzo”, “Ulysses đến từ Baghdad ”. Ông là viện sĩ Viện Hàn lâm pháp ngữ và văn chương Hoàng gia Bỉ. Đã đoạt giải thưởng sân khấu của Viện Hàn lâm Pháp và giải thưởng Molière. Nhân dịp vở kịch của ông “Những con bướm tự do này” được công diễn lần đầu tại nhà hát “Rive Gauche”, phóng viên Paris của báo “Văn hóa” Nga Yury Kovalenko có cuộc gặp gỡ với nhà văn. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
– Không một nhà viết kịch đương đại nào được dàn dựng nhiều như ông.
– Các vở kịch của tôi nói về những vấn đề mọi người quan tâm. Mỗi nhà văn coi việc phát hiện cái ác là nghĩa vụ của mình và cố gắng tìm được con đường dẫn tới hạnh phúc. Tôi coi mình là “người lạc quan tỉnh táo” – tôi mô tả thế giới không phải như nó có mà cần phải có. Tôi không phải là nhà văn hậu hiện đại, mà là nhà nhân đạo chủ nghĩa..
– Điều gì khiến ông mấy năm trước mua nhà hát “Rive Gauche”?
– Cảm giác phẫn nộ. Vấn đề ở chỗ Quỹ Anne Frank ở thành phố Basel, Thụy Sĩ, mời tôi dựng vở kịch của tôi trên cơ sở nhật ký của Anne Frank. Cùng với diễn viên nổi tiếng Francis Huster tôi gõ cửa các nhà hát ở Paris, nhưng tất cả như một đã từ chối. Họ lấy cớ khủng hoảng, rằng công chúng thích kịch giải trí chứ không phải những câu chuyện bi thảm. Thế là tôi mua luôn “Rive Gauche” chuyên để dựng vở “Nhật ký Anne Frank”. Vở kịch được diễn 200 lần và thu được thành công vang dội. Đồng thời tôi đã chứng minh rằng ngay cả ở Paris cũng có chỗ cho sân khấu dựng những vở kịch đích thực, chứ không chỉ hài kịch thông tục.
– Ở Nga, đã xuất bản gần 20 cuốn sách của ông. Kịch của ông được diễn không chỉ ở Moskva, Petersburg mà cả ở tỉnh lẻ. Ông có ngạc nhiên trước thành công đó không?
– Theo tôi, người Nga với đời sống tinh thần cao của mình là những độc giả và khán giả thông minh. Đối với họ sách còn hơn cả sách, kịch còn hơn cả sự giải trí. Vì vậy, đối với tôi, nhà văn và nhà viết kịch, sự đối thoại với họ mang lại niềm vui lớn. Khi đến nước các bạn, tôi ngạc nhiên khám phá ra tâm hồn Xlavơ trong chính bản thân mình.
– Xin ông cho biết đặc điểm của văn học Nga và sự khác biệt của nó với văn học Pháp?
– Văn học Nga thể hiện tính cách dân tộc với những khát vọng mãnh liệt. Khi đọc Dostoyevsky, Pushkin hay Tolstoy, tôi cảm thấy mình là nhân vật của họ. Ngược lại, trong văn học Pháp, trí tuệ và sự duy lý thống trị cảm xúc. Chúng tôi coi mình là hậu duệ của Descartes và Voltaire.
– Tại nhà hát Thanh niên ở Petersburg đã diễn ra liên hoan kịch của Éric-Emmanuel Schmitt. Cơ sở của nó là các vở kịch của ông – “Kẻ phóng đãng”, “Oscar và Người đàn bà mặc áo hồng”, “Frederic hay Đại lộ tội ác”.
– Đó là một món quà tuyệt vời của số phận – tôi được vinh danh tại một trong những thủ đô sân khấu của thế giới. Tôi có cảm giác như mình được trao giải Nobel. Ở bất cứ đâu, tôi đều nói: Nga là đất nước của sân khấu. Các diễn viên Nga diễn nhiệt tình đến mức mỗi vở kịch đối với họ đều là vở cuối cùng. Về phần mình, công chúng say mê và hàm ơn. Chính vì vậy, tôi đang ấp ủ một ước mơ (anh là người đầu tiên tôi nói điều này) – sáng tác và dàn dựng ở Moskva hoặc Petersburg hai vở kịch có tên là “Những người Nga”.
– Là một tác giả được mến mộ, ông có đặt ra nhiệm vụ đặc biệt nào đó không?
– Hy vọng rằng những cuốn sách của tôi phục vụ công việc hữu ích. Chúng kêu gọi lòng khoan dung và thái độ thân thiện của mọi người với nhau. Tôi đặt ra cho bạn đọc của mình những câu hỏi vĩnh cửu: “Chúng ta là ai?”, “Vì sao có chúng ta?”, “Chúng ta làm gì?”, mặc dù hiện tại tôi vẫn chưa tìm được lời giải đáp. Đôi khi tôi hé mở được tấm màn trước vấn đề chưa nhận thức, nhưng không phải với sự giúp đỡ của lý trí mà là niềm tin… một số trí thức phương Tây vội vã tuyên bố về “sự cáo chung của lịch sử”, thế nhưng nó vẫn tiếp tục tiến lên. Về mặt nào đó, nhân loại từ bỏ vị trí của mình, về mặt nào đó, họ gặt hái thành công.
– Tiến bộ kỹ thuật đã đạt được những thành tựu vô cùng to lớn. Thế nhưng trong giới nhà văn, không xuất hiện những cây đại thụ như Dostoyevsky, Chekhov hay Proust. Liệu chúng ta có phải là những nhân chứng của “ngày tận thế văn chương”?
– Khi Proust qua đời, không ai coi ông là nhà văn vĩ đại. Người ta thường trở thành thiên tài sau khi chết. Chỉ có thời gian mới đánh giá được lao động sáng tạo. Mặc dù, về thực chất, nó cũng là một quan tòa phù du, không có khả năng đưa ra bản án triệt để. Xin lấy ví dụ, một trong những cuốn tiểu thuyết tôi yêu thích – “Những mối quan hệ nguy hiểm” của De Laclos. Nó thu được thành công chóng mặt ở thế kỷ XVIII, nhưng ở thế kỷ sau, tại Thư viện Quốc gia Pháp, người ta xếp cuốn sách vào gian “Địa ngục”, nơi lưu giữ loại văn học “vô đạo đức”. Cuốn tiểu thuyết lại được phát hiện ở thế kỷ XX.
– Học vấn triết học ảnh hưởng tới ông như thế nào?
– Tác phẩm của tôi phần nhiều gắn với triết học. Các tác phẩm của tôi luôn luôn mang tính ngụ ngôn. Tuy nhiên, tôi không coi mình là một trí thức vô cảm. Triết học muốn nhận thức và giải thích tất cả, còn nghệ thuật cho chúng ta cảm giác hạnh phúc, làm cho chúng ta khoái trá.
– Denis Diderot hấp dẫn ông điều gì? Đầu tiên ông dành cho ông ấy luận án tiến sĩ, còn sau đó là vở kịch “Kẻ phóng đãng”.
– Cũng như Denis Diderot, tôi cho rằng triết học không phải là khoa học hàn lâm, mà là một phần của cuộc sống chúng ta, và thể hiện những tư tưởng của mình trong các cuốn tiểu thuyết, kịch, thư từ, bài báo. Song song với điều đó, Diderot hóa ra là sứ giả của cuộc cách mạng tình dục. Trong vấn đề này ông không có thành kiến nào hết. Chính vì vậy mà ông trao đổi thư từ thường xuyên với nữ hoàng Nga Ekaterina vốn là một người rất đa tình. Tư tưởng của ông được bà hết sức quan tâm.
– Ông tự chuyển thể cuốn sách của mình “Odette Toulemonde” được các nhà phê bình gọi là “Hài kịch về hạnh phúc”. Ông quan niệm thế nào là hạnh phúc?
– Tôi không đồng ý với các tín đồ của chủ nghĩa khắc kỷ và Phật giáo vốn cho rằng hạnh phúc là giải thoát khỏi sự đau khổ. Con người hạnh phúc thực sự hiểu rằng anh ta không được bảo vệ trước tai họa, đau khổ hay bệnh tật, nhưng sẵn sàng đón nhận điều đó.
– Ông thậm chí còn viết cả truyện tranh, một thể loại không thể coi là văn học cao cấp.
– Quả thật, tôi viết kịch bản cho truyện tranh và bịa ra nhân vật nhà triết học. Tôi kể cho trẻ em về các nhà tư tưởng vĩ đại – Kant, Hegel, Heidegger. Đó là cách giải trí của tôi.
– “Yêu mến Thượng đế, yêu mến con người – liệu có nên lựa chọn không?” – đó là tiêu đề bài giảng gần đây của ông ở Paris.
– Tôi là tín đồ của thuyết bất khả tri. Với câu hỏi, có Thượng đế hay không, tôi trả lời: “Tôi không biết, nhưng tôi nghĩ là có”. Sự tồn tại của Thượng đế không thể chứng minh bằng phương pháp khoa học hay duy lý, mà bằng niềm tin. Đôi khi bạn bè nói với tôi: “Cái anh gọi là Thượng đế chính là con người lý tưởng hết mình phụng sự cho mọi người”.
– Ông đã công bố tiểu thuyết “Cuộc sống của tôi với Mozart”, nơi ông trao đổi thư tưởng tượng với nhạc sĩ…
– Trong đó tôi kể về việc nhạc sĩ vĩ đại đã giúp đỡ tôi như thế nào trong những phút khó khăn nhất của cuộc đời. Năm 15 tuổi, tôi bị trầm uất, tôi định tự tử, nhưng vở nhạc kịch “Đám cưới Figaro” của Mozart mà tôi nghe lúc đó đã cứu sống tôi. Sau này, tôi tìm cảm hứng trong âm nhạc. Các nhạc sĩ đóng vai những lãnh tụ tinh thần. Một trong những bài học của Mozart nằm ở chỗ, đau khổ là số phận chung của chúng ta, còn nỗi buồn là tuyệt vời – nghĩa là, tôi phải yêu nó…
– Âm nhạc của Bach do Thượng đế tạo ra – ông nhận xét- Âm nhạc của Mozart dành cho Thượng đế thưởng thức”.
– Câu này có phần tiếp theo như sau: “Âm nhạc Beethoven thuyết phục Thượng đế khước từ. Theo ý kiến của Beethoven, từ nay vị trí của Thượng đế thuộc về con người”. Nhà văn đồng thời phải trở nên vĩ đại và gần gũi với tất cả mọi người, như Mozart. Pushkin là như vậy.
– Trong số các nhạc sĩ yêu thích của ông có Chaykovsky mà ông thường đàn.
– Cùng với Mozart đây là một trong những tác giả hiếm hoi vẫn lưu giữ cảm giác tuổi thơ. Trong vở ba lê “Kẹp hạt dẻ”, sống mãi tâm hồn trẻ thơ. “Evgeny Onegin” mở ra cho tôi cả thế giới opera Nga.
– Ông nhiều lần nói rằng giấc ngủ cực kỳ quan trọng đối với quá trình sáng tạo của ông.
– Khi viết kịch, tôi thường ngủ thiếp đi bên bàn làm việc mấy phút. Thức dậy, tôi lại tiếp tục viết. Tôi cảm thấy rằng trong giấc ngủ, tôi được “khai sáng”, những chân trời khác mở ra.
– Xin chúc mừng ông vào tháng Giêng năm 2016 được bầu làm thành viên của Viện Goncourt với sự nhất trí cao…
– Tôi nằm trong số 10 nhà văn trao tặng giải thưởng danh giá này. Trước đây tôi cũng đã được tặng giải với tuyển tập truyện ngắn “Buổi biểu diễn Tưởng nhớ thiên thần”. Khoảng 15 năm trước, một trong những cuốn tiểu thuyết của tôi cũng được đề cử ra tranh giải Goncourt, và chủ xuất bản của tôi tin rằng thế nào tôi cũng được nhận giải. Tuy nhiên, một thành viên ban giám khảo đã phản đối thế này: “Schmitt kiếm được bộn tiền nhờ các vở kịch của mình. Việc gì phải trao cho ông ta thêm một giải thưởng nữa, ông ta đã giàu nứt đố đổ vách rồi!”. Hiện nay tôi sẽ tự quyết định ai trong số các đồng nghiệp của tôi xứng được nhận giải.
TRẦN HẬU (Theo portal-kultura.ru)
(Nguồn: Báo Văn Nghệ- Hội nhà văn VN)