Có lẽ chỉ ở Khoa Viết văn – Báo chí (Trường ĐH Văn hóa Hà Nội), tiền thân là Trường Viết văn Nguyễn Du, mới có những bài tốt nghiệp “độc nhất vô nhị” như thế. Đó chính là những tác phẩm thuộc các thể loại: thơ, trường ca, truyện ngắn, tiểu thuyết, lí luận phê bình… viết trong quá trình học tập tại trường, được thầy cô giáo (là những nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu lí luận tên tuổi) chấm điểm như một bài thi tốt nghiệp. Bao nhiêu bài thi là chừng đó cá tính, chừng đó dấu hiệu, chừng đó hy vọng… Những tác phẩm của thí sinh – tác giả đó không chỉ giản đơn là bài tốt nghiệp cuối khóa, mà còn là mốc đánh dấu bước khởi đầu văn nghiệp rộng dài phía trước. Hy vọng rằng những độc giả kiên nhẫn và công bằng sẽ cùng chờ đợi và đón nhận họ ở miền tương lai ấy. VanVN.Net xin giới thiệu tới bạn đọc chùm truyện ngắn của bốn tân cử nhân Khóa 11: Trần Đức Hiển, Đinh Phương, Trang Lê và Linh Giang.

Tác giả Trần Đức Hiển

XOÁY NƯỚC

– Trần Đức Hiển –

Nó chạy ra sông. Đêm mịt mùng. Tiếng sóng vỗ vào bờ xua tan sự tĩnh mịch. Lần nào buồn bực hay bị bố mắng, Tới lại chạy ra ngồi dưới gốc cây gạo già. Mùa này cây chỉ như bộ xương trơ khấc, khẳng khiu. Ngay cả những cái gai dưới gốc cũng không còn nhọn sắc để làm đau người nữa. Tiếng chim lợn éc éc nghe rờn rợn. Người yếu bóng vía sẽ sợ phát khiếp, nhưng nó thì không…

Nó sinh ra trên dòng sông, lớn lên trong sự bồng bềnh êm như cánh võng của con thuyền dập dềnh cùng tiếng sóng hát ru. Mẹ kể, ngày sinh nó, mẹ đau đẻ vào giữa đêm. Bố đang cuống cuồng chèo thuyền đưa mẹ đến trạm xá, chưa kịp lên bờ thì đã nghe tiếng trẻ khóc. Lần đầu tiên, bố vừa lo vừa mừng. Cũng chẳng ngờ con so lại đẻ dễ thế. Ông đặt tên nó là Tới, đọc chệch sẽ là tối, vì nó được đẻ trong đêm tối, ý ông muốn từ tối sẽ tới ngày mai, tới bình minh sáng sủa. Điều đó càng được thể hiện rõ khi ông đặt tên em gái nó là Bình Minh. Mẹ thường bảo, con của sông sẽ được thần sông che chở. Dòng sông với nó như người bạn tri kỉ. Sông cuồn cuộn, sông dạt dào, sông hiền hòa đằm thắm. Sông cũng giống như một người có nhiều tâm trạng. Nó yêu sông như yêu một người bạn, người thân. Cả tuổi thơ của nó và em gái đều được sông tắm mát. Nửa đời mẹ gắn với dòng sông, biết bao thăng trầm. Thời con gái, mẹ thùy mị, nết na. Dường như nước sông đã tạo cho mẹ nét tươi tắn và sự trẻ trung phơi phới. Mỗi lần lên bờ đi chợ, nhiều chàng trai phải liếc nhìn mẹ một cách thèm thuồng. Vài đám trên bờ hỏi nhưng mẹ không thích. Mẹ thấy mình sinh ra để sống với đời sông nước, dù có vất vả.

Ngày trước, bố nó si mê một cô gái ở trên bờ. Dáng tóc dài thướt tha mà ông gặp mỗi chiều khi cô ấy đi dạo làm ông mê mẩn, nhất là thỉnh thoảng thấy nàng ra sông tắm gội. Ông mừng đến run rẩy, rồi cũng đủ can đảm lao xuống sông bơi đến chỗ nàng làm quen. Dần dà họ thân thiết hơn. Người con trai thấy đẹp thì yêu, người con gái thấy tài thì mến. Ông không chỉ trông cường tráng mà tài bơi lội của ông lúc nào cũng nhất vùng. Mấy năm liền, các cuộc thi đua thuyền, bơi lội, trò gì ở dưới nước ông cũng đoạt giải. Có lẽ người con gái ấy yêu ông là vì thế. Không biết bao đêm ông và nàng cùng trên chiếc thuyền nhỏ trôi dưới dòng sông trăng mà thủ thỉ những lời yêu. Những tưởng hai người lấy nhau. Nhưng khi ông ngỏ lời cưới thì mọi chuyện lại khác. Sau khi về hỏi ý kiến bố, cô bảo: “Nếu nhà anh ở trên bờ… bố em bảo đời sông nước không có mảnh đất cắm dùi, chết cũng không có đất chôn. Bố em cấm.” Ông lặng nhìn mặt sông loang loáng ánh trăng sương lành lạnh mà lòng tê tái. Cảm giác như thuyền đang đắm, ước gì nó đắm thật để nhấn chìm cả tình yêu cùng sự bẽ bàng. Từ trước giờ ông vẫn quen với cuộc sống thuyền chài, cũng đâu có thấy mặc cảm gì. Ông thích được lênh đênh, chu du khắp dòng sông. Vậy mà giờ đây… Nếu phải như cái gì đó gội rửa được, ông sẽ không ngần ngại nhảy ngay xuống dòng nước giá buốt. Cứ nghĩ tình yêu thì có gì ngăn cách. Ông thể hiện tình yêu mãnh liệt, cố gắng thuyết phục nàng, nhưng càng ngày ông càng thấy sự phân cách giữa dưới nước, trên bờ. Hóa ra tình yêu cũng có sự tính toán thực dụng, chứ không lãng mạn như chàng trai lúc nào cũng lênh đênh với nước và mây. Ông bắt đầu thấy chán cuộc sống thuyền chài, ngỏ ý muốn lên bờ sống nhưng bị cha gạt phắt. Điều đó là không thể với người cả đời gắn với dòng sông. Bố ông không đời nào làm vậy và cũng không muốn con trai mình lên bờ. Rất nhiều lần ông thuyết phục cha mình lên bờ đều bị mắng xối xả:

– Từ đời ông cha đã quen sống với sông nước, đời vẫn vui. Mày muốn lên bờ à? Nhục! Vì một con đàn bà. Trừ khi tao chết. Nhé!

Bố ông hiểu trên bờ không phải chỗ cho mình. Đâu phải muốn là được.

Ông cố gắng chờ đợi sự kỳ diệu. Hi vọng nàng sẽ theo ông xuống thuyền chung sống cuối cùng cũng bị dập tắt. Biết tin nàng sắp lấy một chàng giàu, ông lên bờ gặp bố của cô ấy để thuyết phục. Ông được mời vào nhà đàng hoàng. Khi mời nước, bố cô ấy múc trong cái bô nước cặn và bảo: “Anh ở dưới sông chắc quen uống nước này rồi”. Mặt ông sa sẩm như có ngàn cân kéo xuống, muốn cố nhếch lên cũng không được mà chỉ có thể cố duỗi cho các ngón tay không thành nắm đấm. Tình yêu của ông dành cho nàng nhiều bao nhiêu thì lúc này khiến ông tủi hổ bấy nhiêu.

Ông ngậm ngùi quay về với con thuyền, mảnh lưới. Chiều chiều ông ra đứng mạn thuyền ngóng về phía bờ như tìm bóng dáng ngày xưa của người gái ấy. Có những hôm nắng quái phản qua mặt sông hắt lên những ánh vàng vọt càng làm mắt ông nhức nhối. Không biết bến sông ấy đã qua mấy mùa nước nổi, ông vẫn chưa lấy vợ. Cha ông giục: “Mày lấy vợ đi! Đời sông nước không thể sống mình được. Tao cũng già rồi”. Ông cứ trù trừ, nói chưa tìm được ai ưng ý. Mãi sau bị thúc ép nhiều quá, gặp mẹ nó, kém ông cả trên chục tuổi, ông đành lấy để chiều lòng cha. Dù không có tình yêu với mẹ nhưng hai người vẫn kịp sinh ra hai anh em Tới trước khi ông nó mất. Suốt quãng thời gian đó bố nó vẫn hàng ngày đi qua ngôi nhà 3 tầng trông ra sông của người con gái đó. Ông chạnh lòng. Có lần còn bắt gặp cô ấy đứng ban công ngắm sông. Chẳng biết cô ấy đang thảnh thơi hay hoài niệm? Cũng chẳng hiểu sao từ khi lấy chồng, cô cũng không hề gặp ông. Chiều đến, thỉnh thoảng ông vẫn ngóng lên bờ hoài vọng. Nhìn hai đứa con nô đùa trong cái khoang chật hẹp khiến ông thấy nhức nhối. Có lẽ vì thế mà càng ngày càng thôi thúc ông phải lên bờ ở. Từ khi cha mất, ông bắt đầu thực hiện ý định. Ông thường neo thuyền ở cái làng có nhiều cây gạo đỏ rực mỗi độ hè, bên trên cái làng của người con gái ấy. Tối tối ông không ở thuyền hút thuốc lào vặt như mọi khi, ông lên bờ vào làng. Hôm thì mang theo xâu cá, mớ tôm, hôm thì mang chai rượu ngon ông đổi được ở làng bên, có hôm chẳng mang gì. Nhưng hầu như đêm nào về ông cũng ngất ngưởng, có lần còn không lên được thuyền. Một hôm trong bữa ăn ông nói lè nhè giọng rượu:

– Tối nay cô lên bờ với tôi! Có việc quan trọng.

Mẹ chẳng hiểu gì nhưng vẫn răm rắp nghe theo. Bà có bao giờ cãi chồng. Để hai đứa con ở thuyền, bố đưa mẹ lên bờ, lúc sau thấy ông quay về thuyền một mình, bỏ rượu ra uống một cách hằn học. Tiếng sóng vỗ rộp roạp quanh thuyền lẫn tiếng ông rót rượu rồi uống ực ực khiến Tới thấy như sự nhức nhối chạy cả sang mình. Tới ngồi nhìn. Mặt sông lấp loáng những vì sao cứ đuổi nhau một cách khó hiểu. Nó ngẩng lên bầu trời, chợt thấy có ngôi sao đổi ngôi vừa vụt tắt. Bố uống rất nhiều mà vẫn chưa thấy say. Khi bố say lịm mới thấy mẹ cũng lảo đảo về thuyền, nước mắt dàn dụa. Bà không nói gì với chồng. Từ đó bà cũng ít nói hẳn. Tới vẫn không hiểu chuyện gì. Bố cũng trở nên cục cằn hơn. Có lần mẹ không theo bố lên bờ, thế là bố vừa đánh vừa chửi mẹ:

– Đồ đàn bà thối. Vợ trẻ đẹp để làm gì? Tao mà còn phải ở dưới sông thì mày nhục với tao. Nhé!

Con thuyền lại chòng chành. Đã quá quen với sự chòng chành của con thuyền khi gặp sóng cao, nước lớn. Nhưng mỗi lần bố đánh mẹ, Tới thấy con thuyền như sắp lật úp. Nó sợ. Chỉ từ sau khi ông nó mất, bố mới đổi tính đâm ra nát rượu và đánh mẹ. Ông lôi vợ đi. Mẹ không nói không rằng. Những bước chân nhấc đi vô định. Sau lần đó mẹ không phải lên bờ nữa.

Cả nhà đã được chuyển lên bãi đất ngoài bờ sông. Ông mừng ra mặt vì đã có đất cắm dùi. Hôm cuối cùng trên thuyền, mẹ cứ ngồi buông thõng hai chân xuống sông như cố để cho nước ngấm vào da thịt. Rồi bà nhảy ùm xuống nước. Tới sợ quá nhảy xuống theo mẹ. Bố thấy thế ra ngó rồi lại quay vào. Có lẽ ông biết cả hai đều là con sông nước, chết sao được. Chắc ông nghĩ hai mẹ con muốn tắm. Khi nó bơi ra, mẹ bảo: “Mẹ muốn được tắm thêm thôi mà. Con tắm cùng mẹ chứ?”

Sau khi bán thuyền, ông xây được căn nhà ba gian nho nhỏ. Nhìn những ánh mắt, điệu cười đầy gian xảo của mấy ông cán bộ hôm đến ăn lên nhà mới, Tới thấy tưng tức trong cổ họng. Trông mẹ cứ buồn rười rượi. Nhiều lúc nó không dám nhìn thẳng vào khuôn mặt của mẹ, lại càng không dám hỏi xem có chuyện gì.

Đang quen với sông nước, bỗng dưng lên bờ như con cá bị vứt lên cạn. Những bước chân hẫng hụt bởi mất đi cái cảm giác bồng bềnh, chòng chành. Dù rằng nó có thể nô đùa cùng em khắp bãi. Giờ không phải buông lưới, kéo lưới, hay rũ lưới, cũng chẳng phải làm gì giống như ở dưới thuyền nên cứ thấy buồn bực, anh em nó theo mẹ ra cuốc bãi, trồng rau. Bố xin cho anh em nó tiếp tục đi học. Vậy mà ngày xưa ở dưới thuyền, bố bảo: “Ở sông không cần học nhiều, biết cái chữ là được. Học lắm chỉ tốn cá chứ chẳng kiếm thêm được cá.” Bây giờ bố lại dặn anh em nó như ra lệnh:

– Chúng mày phải đi học! Tao lên bờ là để chúng mày đi học! Cứ bám mãi sông với nước thì không khá được đâu con ạ! Như thằng bố mày đây này.

Đâu phải cái gì cũng dễ. Không chỉ với mẹ con nó, ngay cả bố nó cũng bỡ ngỡ với cuộc sống trên bờ. Những tưởng có mảnh đất cắm dùi rồi làm ăn sẽ khá. Nhưng cả nhà nó đều không quen với cách sống ở đây. Ông quyết không bám vào sông, nghĩa là không có mớ cá, mớ tôm. Nhà nó chưa có khoản thu nhập nào cả. Giờ có muốn ăn con tôm con cá cũng phải mua chứ không tự túc được như xưa. Cái gì cũng cần đến tiền. Ông phải tìm việc làm thuê, nhưng chính việc đó cũng xa lạ với ông. Có lẽ ông đã bắt đầu cảm nhận được sự khó khăn của cuộc sống trên bờ. Tối tối, ông lại ngồi trầm ngâm hút thuốc lào vặt. Từng bi thuốc bị ông vân vê tưởng như nát vụn. Rồi ông hút, rồi ngẩng cổ nhả khói, rồi nhìn theo đám khói. Những đám khói nghi ngút lúc bay lên, lúc phả vào mặt. Không biết ông đang suy tư hay toan tính điều gì đó. Ông nói với vợ:

– Mai cô lại đi với tôi một chuyến. Ông ấy bảo phải làm sổ đỏ. Cũng phải xin việc gì ổn định mà làm. Chứ thế này thì… nhục.

– Ông mà biết nhục? Tôi không đi!

– Đằng nào chả thế. Một hay mười lần cũng có khác gì nhau.

– Mặc ông! Ai bảo ông bỏ sông…

– Im đi! Không có tiền phải chịu nhục. Muốn làm cái gì cũng phải có tiền. Cô tưởng dễ à?

– Bắt vợ làm điếm thì dễ?

– Câm mồm!- Vừa nói ông vừa tát vợ và gầm lên – Đời đểu thế đấy! Chúng nó thèm cái tuổi hồi xuân phơi phới của cô. Không thì chẳng đáng một xu. Nhé!

Chẳng biết có phải chạm lòng tự ái hay ông thấy hổ nhục, bất mãn. Ông lao vào đánh vợ như để trút giận. Như thể vợ mình là kẻ thù mà bấy lâu ông phải nhịn nhục. Ông gầm lên đầy hậm hực. Mẹ biết ông đang giận cá chém thớt. Bà chỉ còn biết khóc, tủi cho thân phận mình. Giống như con thuyền, gặp con nước xuôi thì thuận chèo mát mái, chẳng may nước xoáy thì phải gồng mình mà vượt qua. Ngay từ lần đầu tiên, khi biết bị chồng bán đứng, bà như con mồi sập bẫy, không thể chống lại được. Thuyền theo lái gái theo chồng, khi chồng mà đã chẳng còn liêm sỉ thì người vợ còn biết làm gì được. Bà chỉ buồn vì không thể giúp chồng tỉnh ngộ. Bao nhiêu năm sống với dòng sông, bà hiểu sông cũng như con người. Sông vẫn hằng trôi chảy như con người phải sống. Nó biến hình theo mùa nước. Mùa cạn, sông thu mình bé nhỏ, hiền lành nhường cho đôi bờ trải rộng. Vậy mà mùa lũ, sông biến hình thành một kẻ hung dữ lấn át đôi bờ, bất cứ lúc nào sông cũng muốn phá vỡ đôi bờ để thỏa sức tuôn trào, chẳng cần biết phá bờ nghĩa là sông đã tự phá bỏ mình. Có lẽ sông không nhận ra mình đang bị những dòng lũ cuốn đi, biến thành kẻ hung ác. Sông khiến người sống trên mình cũng phải điêu đứng mà thích nghi, mà giữ lấy thuyền. Bà nghĩ đến chồng. Lẽ nào sông cũng đã làm cho chồng bà như thế? Khi ông đã không muốn giữ thuyền, cũng giống như khi bờ đã vỡ thì ngăn sao nổi?

Những mùa lũ trước, anh em nó phải ngồi trong thuyền hoặc được gửi tạm lên bờ. Năm nay lên bờ, khi lũ về mang theo rất nhiều cây que. Bố mẹ nó ra vớt gỗ, củi để dùng. Anh em Tới cũng ra vừa xem vừa giúp. Chẳng may sụt đất, Bình Minh bị rơi xuống sông. Cả nhà đứng nhìn Bình Minh bị chìm dần trong lũ xoáy mà chẳng thể làm gì. Nước ầm ào như trêu ngươi, thách thức. Nhìn bố đứng trên bờ gào thét mà càng đau đớn hơn. Những xoáy nước cuồn cuộn như xoáy sâu hơn vào nỗi đau. Có lẽ ông không ngờ rằng, bao nhiêu năm ở dưới sông, qua bao nhiêu mùa lũ, gia đình ông vẫn yên ổn. Vậy mà chỉ mới lên bờ, sung sướng đâu chả thấy…

Sau ngày đó, mẹ càng buồn tủi, chả nói chả rằng. Gần như lúc nào nhìn mắt mẹ cũng thấy ngân ngấn nước. Bố lại càng uống nhiều hơn. Hầu như hôm nào cũng say, cứ say ông lại đâm ra chửi, đánh vợ thậm tệ như là trò giải sầu. Đôi khi thấy như ông đang chửi chính mình. Từ ngày lên ở bãi sông, nhà nó chỉ thấy có cãi nhau và buồn tủi. Em nó đã không còn, giờ mẹ cũng lại ra đi. Cầm lá thư mẹ để lại, Tới chỉ biết khóc.

Con yêu quý!

Hãy thông cảm cho bố con. Ông ấy đang bất mãn, uất chí vì không làm được gì. Mẹ cũng không thể giúp cho tham vọng của ông ấy. Dường như ông ấy đang mù quáng, tủi hổ và muốn quên đi trong rượu. Nếu cứ thế này cả nhà ta đều khổ. Dù không muốn nhưng mẹ vẫn phải ra đi. Hãy hiểu cho mẹ. Có thể sự mất mát sẽ làm ông ấy tỉnh ngộ. Con cũng đã lớn. Mẹ tin con sẽ giúp được bố tỉnh ngộ…

Gần như theo bản năng, Tới chạy ra sông. Dòng nước vẫn chảy trôi thản nhiên theo từng mùa. Những con thuyền vẫn ngược, vẫn xuôi để lại đằng sau đuôi nước xoáy. Những bông gạo đỏ rực rơi xuống trông như những chiếc đèn lồng thả trôi trên sông. Một vài bông bị cuốn theo dòng nước xoáy, chẳng mấy chốc đã thấy tan nát. Khi những bông hoa cuối cùng rụng xuống, cây gạo chỉ còn những cành trụi lủi, trơ khấc. Tới nghe như tiếng em gái vẫn nói khi hai anh em thường ra sông thả và đứng nhìn những bông gạo trôi: “Anh ơi! Bông kia lại bị nước xoáy kìa!” Tới lặng nhìn. Những xoáy nước xoay tròn, xoáy sâu, xoáy sâu… Phải đợi đến mùa sau, mùa xuân cây gạo sẽ đầy sức sống với những mầm non biêng biếc.

Tác giả Linh giang

CON SÔNG GỐM NGÀY XƯA

– Linh giang –

Người ta lấp sông. Con sông chỉ còn lại những mảnh vụn trong trí nhớ người làng Gốm. Bóng người đàn bà đổ xuống con đường dài ngoằn ngoèo dẫn vào làng. Loài hoa dại mọc ven đường xổ tung trong gió lạnh. Loài hoa mang sắc tím sẫm.

Làng Gốm ngôi làng như bao ngôi làng Việt khác, cũng giếng nước, mái đình, luỹ tre, con trâu, cánh đồng…Có khác chăng là người, người in lên trời khi mất đi, khắc xuống sông khi còn sống. Người trôi trong quanh quẩn đâu đó, hôm qua gặp, hôm nay gặp, ngày mai chưa chắc gặp.

Vân rùng mình vì lạnh, cái lạnh đầu mùa ùa về nhiều cảm xúc. Cây gạo già sần sùi đu mình thả lá xuống, nó nhận ra Vân, cũng mười tám năm rồi. Thời gian làm con người ta già đi, quên nhanh mọi thứ. Mà sao có gì đấy vẫn nhói lên tưng tức nơi ngực. Mái tóc muối tiêu thả mặc gió vờn, ngọn gió có mùi khác ngày Vân bỏ làng mà đi. Nắng hiu hắt vẽ nhợt nhạt, triền đê xa xa khuất dần, bước chân chùng xuống.

“Vân ơi, mày bôi tro trát trấu vào mặt bố mẹ mày, có thai với ai không có lại có với cái thằng Thuỷ, nhà địa chủ, ác bá…”

Ông Lâm quay đi đay nghiến, nhấn mạnh chữ “ địa chủ, ác bá ” qua kẽ răng. Khoảng rộng thời gian cuồn lấy ông hằn học chưa buông tha. Sự cay nghiệt cuộc đời sao dài đến thế. Bà Lâm đưa đẩy sàng gạo dưới bếp, lặng lẽ khóc. Bà biết trong lời nói kia có cả sự ngầm trách cứ mình. Cả khoảng quá khứ ngày xưa hiện về rõ như in trong tâm trí. Con gái bà gánh thay tội lỗi bà ngày xưa. Ánh mắt ấy sẽ còn theo bà đi mãi trên chuyến đò cuộc đời này. Bến đò pháo dải hồng, khăn xếp, áo dài, mang nụ cười về làm dâu.

Vân hiểu. Cả cái làng Gốm này ai chả biết nhà Thủy ở cuối bãi bồi, nhà trống hếch trống hoác, trộm vặt từ làng khác qua cũng chẳng thèm ngó vào. Ông nội Thuỷ là ông Tố, ác có tiếng cả vùng. Nghe đồn ông dìm chết không biết bao nhiều người dưới con sông kia. Từng cái bao đựng người từ nhà ông đi ra, lẳng lặng chìm xuống. Đời cha ăn mặn đời con khát nước, đến đời cháu vẫn khát. Cái tiếng địa chủ đã bám được ba đời nhà họ Bạch. Giống con bạch tuộc có nhiều vòi, chằng hết vòi này đến vòi khác. Chẳng biết còn bám bao nhiêu đời nữa?

Thuỷ sống ngoài luật lệ của làng. Nhờ vậy anh khác những người thanh niên cùng trang lứa. Bỏ hẹn hò lén lút với lí do họp đoàn thanh niên. Bỏ sự căm thù lãng nhách làng này với làng kia. Thủy hay nằm dài trên triền đê. Ngắm gì, ngắm ai ở phía xa kia, khoảng trời đổi màu từ xám sang xanh rồi lại xám. Mây đùn bàng bạc đủ hình thù. Mái tóc dài buông xoã vai, ánh mắt sáng hoang dại luôn ánh lên khắc khoải. Người gầy xanh đét, lầm lũi như cái bóng trong vòng quay cuộc sống chậm chạp. Nhiều lần Vân ra sông gánh nước thấy Thuỷ đi theo nhìn lén mình.

Tiếng kèn saxophone gắt lên trong đêm thiếu trăng, chỉ những đêm thật tối tiếng kèn mới phô diễn đầy đủ âm sắc. Thứ âm sắc kì dị một thời, người ta sợ nó, ghẻ lạnh thứ nhạc cụ của Tây. Thuỷ thổi kèn uyển chuyển, quyến rũ một cách kì lạ, bóng người nghệ sĩ nhập vào sân khấu cát. Bay, bay bay, bay mãi. Đâu đó bên bờ sông có ánh đèn rọi sang hưởng ứng.

Ban đầu mọi người sợ hãi, cấm đoán cho là điểm gở, nhạc nhẽo gì mà cứ rúc lên như cú vọ. Dân quân vào yêu cầu Thuỷ không được thổi nữa. Thủy vẫn thổi, vẫn âm thầm tạc vào không gian cảm xúc của mình, cái cảm xúc cất lên từ nhiều thế hệ. Của tội lỗi ông anh, trốn chạy bố anh, bất cần riêng anh, của cái kiếp nghèo khó “nhân dân” làng Gốm. Món nợ truyền đời dạy anh biết sống đúng hơn kiếp người. Dần dà sự thành kiến khinh ghét cũng mất đi mà thay vào đó là sự cảm thông, yêu mến. Tiếng kèn như rọi vào từng khoảng tối của trái tim, vào cái mà con người muốn giấu.

Đường làng đã được đổ bê tông hết, đổ vào tận từng ngõ nhỏ. Dây điện chằng chịt. Giàn trầu cạnh nhà héo hắt nhìn Vân với cặp mắt khác. Liệu nó có phải là cây trầu của ngày xưa. Cái cây trầu oan nghiệt mà bố mẹ vẫn ước ao trình ông bà trong ngày đưa dâu. Cái ngày đưa dâu ấy chưa đến, sẽ chẳng bao giờ đến. “Ngọn trầu vò võ nhìn nhau. Ầu ơ cau bố ở đâu thì về”. Mẹ hay than thở bên giàn trầu này. Ngày xưa bà ngoại cũng than thế. Có chồng bên cạnh mà sao ngày ấy mẹ vẫn nhìn xa xăm. Giọt lệ giấu vội khi có ai vô tình bắt gặp.

Căn nhà đổ mái bằng khác với ngày xưa. Còn đâu mái ngói, còn đâu bậc cửa cao ngày xưa tập đi Vân vẫn bước ra bước vào. Lao xao vài tiếng gió thổi nhẹ. Con mèo kêu như hen, như nghẹn, như gào lên bên tai. Ao phía trước nhà cũng bị lấp. Nước thông ra sông, sông lấp rồi thì ao cũng phải lấp thôi. Chiếc lá rơi nhanh xuống nền đất nham nhở. Có thể cách đây vài hôm nó còn trôi lững lờ trên mặt nước. Đầu làng loa thông báo sẽ lắp nước máy. Thế là quê sắp thành phố. Cái giếng làng có buồn?

Người đàn bà từ nhà Thủy đi ra. Chị ta quảy đôi sàng đi khắp cánh đồng nhặt phân trâu, phân bò, cả phân lũ trẻ ỉa rông ngoài đồng. Nắng xuyên qua lớp da trời xanh nhạt đổ trực tiếp xuống lớp rạ vừa gặt. Đất đã được cày từng mảng, từng mảng như mặt người bị nẻ nhăn nheo. Trong các hốc dứa dại, loài châu chấu đã nằm chật. Lũ trẻ vẫn còn ngoài đồng, chúng cố tìm thêm vài con muồm muỗm xanh ngắt béo ngậy để nướng.

Con mắt cứ mê mải nhìn phía xa sau rặng tre. Cái đầu trọc lóc, đôi môi tím tái, da nhợt nhạt, từng sợi gân xanh đét như chực chờ bong ra khỏi cơ thể. Cảm tưởng như nắng có thể xuyên qua cái thân hình trong suốt bé nhỏ. Cái đói vẫn còn hiện diện đâu đó, chỉ có vài bữa đầu lúc mới gặt xong lũ trẻ được ăn cơm trắng còn lại vẫn là cơm độn. Đi cả ngày mà chưa kiếm được chút phân nào. Nếu may mắn lấy được đầy sàng đổi cho mấy nhà trong làng cũng được bơ gạo hay vài củ khoai. Người ta gặt xong để trâu bò ăn rạ tươi trong nhà, chưa chăn. Mà thường thì khi trâu bò vừa xong là lũ trẻ đã hót cho vào bao.

Thằng Bía con ông Bịa từ Ba Lan về, cái quần rộng thùng thình như váy đụp của các bà vẫn đi chợ. Ngày xưa nó vẫn mặc quần vá, áo xẻ toạc như lưới B41 vẫn dùng để làm hàng rào. Bía lượn một vòng quanh làng xong rẽ xuống bãi chơi với Thủy.Thằng này giàu nhanh thật. Mấy năm trước đây nhà nó cũng túng đói như nhà Thủy chứ có hơn gì. Lo ăn từng bữa, Thủy chia với nó từng con cá đặt rọ được dưới sông.

Bố nó chạy vạy mãi ông nào tít tận trên huyện nó mới được đi xuất khẩu lao động nước ngoài với công việc chính khi sang ấy rút thép nóng cho vào nước làm nguội. Nhưng sang cái là nó trốn. Trốn biệt, trốn đến ông Bịa phải than rằng mất đứt cả con trâu lẫn con nghé mà chẳng nên cơm cháo gì thì nó về. Về đúng với dáng người có tiền. Nhìn ai cũng khinh khỉnh, khinh khỉnh. Nghe đồn đợt này nó định xây cho bố mẹ nó cái nhà to nhất huyện. To hơn cả nhà ông chủ tịch, ông bí thư.

– Mẹ mày, định sống thế này cả đời hả con?

– Biết làm sao?

– Bảo ngay ông già mày…

Biết mình nói hớ, Bía lặng nhìn ra khoảng sông trước mặt. Bằng giờ ấy bố Thủy chắc vẫn đang dưới hầm lò chẳng biết sống hay chết. Bố Thuỷ làm công nhân mỏ Hòn Gai tận Quảng Ninh, người mà bỏ quê thì còn ra cái giống gì nữa. Cả làng nói thế, những lần ông về thường vào đêm, như chẳng còn ai quen biết, lén lút như kẻ trộm. Người ta chỉ đoán được ông về vì hôm sau thế nào Thuỷ cũng mang bánh mì ra chia cho trẻ chăn trâu ngoài bãi. Thứ bánh mì đặc trưng của thợ mỏ cứng như đá, phải nhai mãi mới tan. Có lần Thủy đưa bánh cho Vân, Vân cho vào nồi hấp, hấp đến cạn nước mà khi cho vào mồm vẫn cảm thấy cứng. So với thứ cơm độn sắn, độn khoai hằng ngày thì đúng là khác một trời một vực. Những lần vô tình nhắc đến bố, Thuỷ thường quay đi.

Vài đứa trẻ con đang nô đùa nhảy ùm ùm xuống nước. Mặt sông hắt lên ánh sáng cuối ngày loang loáng. Thằng Thủy tin trong giờ phút ấy nó đã thấy tương lai của nhiều đứa trẻ làng Gốm này. Bọt nước bắn tung tóe. Vài người đàn bà tất tả cất bước về nhà khi đêm sắp đến. Số phận con người chợt hiện lên rõ hơn lúc nào hết. Gió cuốn tung kí ức đắp cả vào tương lai quái gở.

Tiếng kèn saxophone đêm ấy lại rúc lên thổn thức. Nghe ngèn ngẹn như người khóc.

Vân đang hái rau chợt nhìn xuống bụng mình lo lắng. Phía bên kia hàng rào không còn tiếng bước chân gõ nhẹ từng đêm. Năm tháng rồi còn gì nữa. Chẳng lẽ cái con người ấy lại quên, lại phụ Vân. Hứa với nhau đủ điều, thề nguyền sống chết. Cái dây chuối khô đã được thay bằng vải dù lấy từ chiếc màn cũ quấn chằng chịt quanh bụng. Bố mẹ mà biết thì chết. Người làng sẽ nhổ vào cái nhà có ba đời làm ông giáo gõ đầu trẻ. Nhà Vân sống để cho người làng trông vào noi theo. Người ta dạy con trai có cái trí ông giáo Thuẫn. Dạy con gái có cái nết na của cô Vân. Ra đường ai cũng nhìn Vân với con mắt ngưỡng mộ. Đi họp chi đoàn người ta nhường ghế đầu. Đi chợ người ta tính rẻ, dúi thêm con cá, củ khoai. Cả đời cụ cô ấy dạy bố mình, ông cô ấy dạy mình, đến bố cô ấy đang dạy con mình. Ai nỡ bán đắt, không cho được thì thôi.

“Mày học kèn không tao cho học? ” Bố Thủy hỏi khi anh còn đang học lớp bảy. Ở quê mà theo học được từng ấy kể cũng đã là nhiều. Bạn cùng trang lứa đã bỏ học hết. Con gái lấy chồng, con trai lấy vợ. Cái chữ quẩn mãi trong làng không sao thoát ra được. Lũy tre có sức mạnh kì lạ. Con người ta đi qua, nhìn tưởng không sống. Mà sự thực thì ngay trong tư duy con người nó vẫn sống dữ dội. Sống như minh chứng cho sự lạc hậu, nghèo nàn.

“ Nghĩ gì nữa. Vứt mẹ nó hết đi con ạ. Cũng thế cả thôi. Tao chặt hết tre rìa sông rồi. Nhưng cái đầu dân làng này tao không chặt hết được. Tao mà là ông mày…” Ngừng rít thuốc lào, ho sằng sặc, sằng sặc. Ánh mắt hằn học. Quá khứ vừa lướt qua nhanh rồi bay đi mất. Cái quá khứ khốn nạn lấy của ông tất cả tình yêu, hạnh phúc trên đời này.

“Mày có học nữa cũng thế thôi, với cái lý lịch ông mày thì cả đời cũng chỉ ngắm đít trâu”. Lại rít, lại ho. “ Phải đi học lấy cái Tây. Nói sợ vạ miệng. Tao cho mày học kèn để nói kiểu khác, chẳng ai bắt bẻ được”. Sằng sặc, sằng sặc, hằn học. Bao điều trút lên Thủy. Thủy vẫn cúi gằm mặt im lặng. Đâm ra từ nãy đến giờ bố toàn độc thoại. Thị Mầu nếu có sống lại cũng chỉ nói đau được đến thế. Hai cặp mắt cùng ngóng ra ngoài sông. Giữa ngày thu mà oi, chẳng có lấy một gợn gió gọi là có. Hai tấm lưng trần mệt mỏi nằm song song với nhau trên chiếc sập gỗ. Mồ hôi quyện vào bóng loáng. Thứ tài sản duy nhất còn sót lại sau đợt đấu tố vì nặng người làng không vác đi được.

Người ta chôn bố cô trong nghĩa địa làng. Trong mắt mọi người ông vẫn còn có chút ơn với làng. “Con hư tại mẹ”. Người làng chôn mẹ cô ngoài bãi. Những nấm mộ lạnh cô quạnh nhìn nhau ngày này qua ngày khác. Nhìn đến khi nước chiều lên cuốn đi tấm thân tàn còn sót lại. Vân thắp hương cho cả hai con người đã sinh ra, nuôi dạy mình. Cách nhau có đoạn sông ngắn mà hai nghĩa địa có gì đấy xa nhau không lấp nổi. Một bên là dành cho người được công nhận tồn tại, một bên cho những xô dạt cuộc đời, cho sự lạc quỹ đạo của nhiều số phận.

Hỏi người làng họ bảo trước lúc đi bố, mẹ đã tha thứ. Nhưng cô biết chỉ có mẹ tha thứ cho đứa con gái của riêng mình. Ngày về làm dâu mẹ đã có thai cô được ba tháng. Ngày ấy có hai người theo đuổi mẹ. Con ông giáo làng, đẹp trai, hào hoa. Gia đình có vai vế ở làng. Và con địa chủ Tố ngang tàng, coi trời bằng vung, nhà nghèo xác xơ sau cải cách ruộng đất. Mọi người những tưởng cô Tấm chắc chắn sẽ yêu con ông giáo. Mà người đàn bà muôn đời luôn mạo hiểm, khám phá. Họ phá vỡ quy tắc, rồi lại bị chính quy tắc dìm xuống. Có tìm thấy nhau nữa cũng chỉ là mảnh ghép vênh.

“ Ông lấy vợ đi. Cái cô ở cùng cũng được”. “ Tôi yêu bà thôi. Sống để dạ, chết mang theo. Cô ấy như con đò rách. Đậu bến sửa lành lại đi”. “ Ông cứ nghĩ quẩn. Cái duyên hết thì thôi. Nhỡ lúc ốm đau thì sao”. “ Con Vân…Mà lo gì, còn thằng Thuỷ. Nó như cái nợ đời gán vào, có đuổi cũng chẳng đi. Ngày xưa trôi vào tưởng chết.”

Ông bố ấy của anh, của em không hèn mà chỉ cô độc.

Nếu ở lại làng, khi chết cô cũng sẽ được chôn cùng mẹ trong cái nghĩa địa toàn đàn bà, con gái ấy. Ngay khi yêu Thuỷ cô đã biết số phận an bài cho mình sự không may. Thế mà vẫn cuồng nhiệt, vẫn lặp lại người đàn ông hoang hoải mùi sương gió.

Gió mùa đến lẳng lặng pha chút ảm đạm. Người đàn bà ở chung đi ra sông từ tối chưa thấy về. Thủy thắp đuốc đi tìm. Gọi vang cả bến sông chỉ thấy gió quất lạnh buốt. Cổ họng đăng đắng. Tàn lửa thốc vào mặt rát như kiến cắn.

Hôm nay nước sông lên, ngập cả đám khoai nước sống trong bùn quánh sát bờ. Vài dọ cá Thủy để dưới xa kia, sáng mai chắc phải trôi ra đến giữa sông. Thời tiết, nước nôi thế này chị ta đi đâu. Thủy gọi to thêm một lần nữa, vẫn là sự im lìm sắc cạnh thêm vài tiếng dế lẫn tiếng ếch nhái. Vài cái đầu từ bên kia sông nhô ra tò mò. Con đò ngang chao đi chao lại mất hút vào khoảng không xa xa.

Người trong làng đổ xô đi tìm người đàn bà nhà Thủy. Cuối cùng cũng thấy chị ta nổi lên, trương phềnh như cái bánh đa nhúng nước sóng đánh dạt vào bờ. Mặt nhợt nhạt nhìn không rõ hình. Tất cả chỉ đoán được qua sợi dây chuyền có hình Chúa trên cổ. Đến là khốn khổ. Chúa cũng không cứu được chị ta. Ngôi nhà vắng lại càng vắng. Cái đầu trọc lóc cứ lẩn quẩn trong đầu Thủy. Ngày chị ta dạt vào đây da đầu loang lổ thứ vôi tôi vội chưa kịp ngấm. Ai cũng tưởng chết ngay. Mà cuối cùng người đàn bà ấy cứ sống thách thức với cái nề nếp của dân làng Gốm này.

“Thứ đàn bà cạo đầu trôi sông thì còn ra cái thể thống gì”

“Chắc là được chấm mút cả mới để trong nhà nuôi như thế”

“Con đĩ”

“Cái làng Gốm này đến loạn mất thôi”

“Nhà bố con Tố cũng chẳng ra cái gì. Đúng là ngưu tầm ngưu, mã tầm mã.”

“Tống cổ nó ra khỏi làng, cái làng này từ xưa đến nay đâu có ai như thế?”

“Con gái làng này sẽ trông theo nó mà học theo”

Đám ma vắng hoe, chỉ có vài cậu thanh niên, mấy người già lẳng lặng đưa cái thi hài nặng trịch ra cuối bãi. Đúng cái góc mà chị ta khi sống vẫn hay ngồi. Tấm ván đóng nhanh bằng cái sập lấy ngay trong nhà xẻ ra làm sáu miếng. Chị ta vẫn cứ hiên ngang phồng lên. Thứ than củi thấm nước chẳng ăn thua. Cả đời chị phồng lên trước đời, nay chết vẫn còn cố tỏ ra cứng rắn.

Người già nhìn đám thanh niên, đám thanh niên nhìn lại người già. Cả hai đều lắc đầu ngán ngẩm bước nặng nhọc ra về. Bầu trời chiều phủ một màu tím ngắt trên sông. Thủy không báo tin cho bố, có báo bố cũng không về kịp. Sự đến và đi giữa cái làng Gốm này của người đàn bà nhanh, cô độc. Tấm ván cũ vẫn hơn manh chiếu rách. Coi như có chút an ủi gì đó cho người chưa bao giờ là người làng.

Thủy về sau cùng khi đã thổi một bản saxophone tiễn đưa eo ắt. Cả đám ma không một giọt nước mắt. Không một tiếng kèn. Không một người thân.

Mặt trời dần khuất hẳn, nắng trong ngày hửng lên phút cuối. Người làm đồng lũ lượt kéo về. Nhà từ ngày bố mẹ Vân mất không ai chăm sóc. Sau có người cháu con dì ở Lâm Đồng về chưa mua được nhà trông nom.

“Sao chị ngồi đây? Chị về lâu chưa? Mệt không chị?…” Hàng loạt câu hỏi đặt ra Vân thật không biết trả lời câu nào trước. Thà nó cứ trách Vân đi còn dễ chịu. Đằng này lại…

Cánh cổng gỗ được thay bằng sắt sơn xanh. Tiếng cọt kẹt không còn như ngày đi. Con em biết ý đi vào bếp, còn thằng em ngồi lại với Vân ngoài hiên. “ Chị đừng nghĩ ngợi gì nữa, cái số cái kiếp mà chị. Hai bác lúc đi còn gọi chị…” Mẹ Vân đi sau bố Vân một tháng, khi đã lo xong hậu sự cho chồng. Sống làm dâu nhà chồng, chết làm ma nhà chồng, bà chịu phần thiệt về mình cả. “ Em xin mãi mà làng nhất quyết không cho bác gái vào nghĩa địa làng. Lệ làng mà chị.” “ Ừ, chị biết rồi. Chú đi vào tắm rửa đi.” Còn lại mình Vân với mảnh sân rộng. Chẳng muốn hỏi gì, thằng em cũng tưởng chị mệt nên thôi.

Cuộc chạy trốn diễn ra lặng lẽ. Tuyệt nhiên không vấp phải sự ngăn cản nào. Cổng được mở sẵn, bầu trời tối đen lất phất mưa bay. Rón rén Vân đi ra, khép cổng, vùng chạy. Trong màn người đàn bà thứ hai ở cái nhà có ba đời gõ đầu trẻ đang khóc. Giọt nước mắt lăn âm thầm ngấm xuống gối. Bà lo cho con, lo cho ba người đàn ông. Một chồng bà, một người yêu bà, một người yêu con gái bà. Cái giống đa đoan đời nào cũng nhiều cả.

Con đường làng dần bị bỏ lại sau những bước chân. Trong giờ phút ấy Vân chỉ nghĩ đến anh. Người đàn ông gió sương. Tiếng saxophone nghe đâu đó gần mà xa lắm. Hôm qua, anh đã đi Quảng Ninh lập nghiệp. Cái nghèo cái hèn kéo anh xuống tận cùng buộc anh phải vùng lên. Nhưng Vân không bao giờ có thể chờ được ngày anh quay về. Cái bụng mới lùm lùm mà đã có nhiều ánh mắt nghi ngờ. Như họ đợi cả hai mẹ con ra đời rồi ăn thịt một thể vậy.

“Em đi cùng anh không? Sống ở làng sao được nữa?”

“Chúng ta sẽ sống bằng cái gì?”

“Bằng tình yêu, bằng đôi tay, bằng sự phá bỏ sau luỹ tre kia.”

“Em sợ, còn sinh nở nữa, ở đây còn có mẹ.”

“Ừ… vậy hãy đợi anh về.”

Vân chần chừ, đắn đo. Đây là sai lầm lớn nhất của cô trong cuộc đời này. Để người đàn ông mình yêu thương nhất ra đi, để lặp lại cái ngày xưa của mẹ, hay người đàn bà lạ nhà Thuỷ. Bến đò đã ở ngay trước mặt.

“Chị vào ăn cơm.”

Tiếng con em gọi kéo Vân trở lại thực tại.

“Lâu rồi có nghe tin gì về anh Thuỷ không em?”

“Anh ấy chết sau ngày chị đi chừng nửa năm. Sập lò chị ạ, chết nhiều lắm. Xe đưa bố con anh ấy về đúng dịp tết. Có mỗi nhà em và anh Bía đi đưa. Chị nhớ anh Bía không? Con ông Bịa ấy, nhà giầu lắm.”

“Anh ấy chôn ở đâu em?”

“Nghĩa địa ngoài bãi chị ạ. Anh Bía chỉ tay vào nghĩa địa làng bảo tao có thể mua lại cả đám người chết kia. Nhưng tao biết mày không thích. Cái quy tắc làng này không bao giờ trói buộc được mày.”

Ừ, anh đến và đi trong cuộc đời này như thế cũng tốt. Để tiếng saxophone lại vang lên hoàn chỉnh nhất, chia sẻ nỗi truân chuyên kiếp trần.

Ngày ấy Vân cũng đang ở Quảng Ninh tìm anh. Vượt cạn một mình, sức khoẻ yếu, trong túi không có lấy một đồng. May mà có chị em công nhân cưu mang. Toàn dân tứ xứ đùm bọc, yêu thương, bảo vệ nhau. Vân cũng đi hỏi về vụ sập lò nhưng họ nói không có ai tên Thủy. Có thể lúc ấy anh chưa được nhận vào chính thức. Hỏi có ai quê Hải Hưng không? Họ bảo có, nhưng Vân không sao dò hỏi được nguyên quán mấy người ấy. Ôm nỗi day dứt, ôm cả hy vọng cô đi tìm, hết mỏ này sang mỏ khác. Tìm mãi, tìm mãi vẫn bặt vô âm tín.

“Em có ghen với chị ta không?”

“Không. Mà chị ấy tên gì?”

“Chị ta không có tên. Người con gái Việt lấy chồng mang tên chồng. Chết cũng mang họ chồng. Người đàn bà ấy mang họ sông.”

“Em lạnh quá. Anh ngồi sát em đi…”

Tay tìm tay, môi tìm môi, khát khao lần tìm khát khao. Bầu trời ánh lên man dại, trăng cắt nhiều tán lá.

“Con chúng ta sẽ tên là Mây được không anh.”

“Mây cũng là Vân”.

Sáng tinh mơ hôm sau có đoàn xe từ trên tỉnh về. Có cả cha đạo, họ đón xác người đàn bà nhà Thuỷ về lại với Chúa. Gia đình chị ta chuyển vào Nam từ năm chị bị thả trôi. Họ cám ơn làng xã, quyên tiền xây dựng lại nghĩa trang.

Lũy tre không còn. Con sông không còn. Người không trẻ mãi. Nhưng Vân sẽ kể với Mây của mình về tiếng kèn xa… và loài hoa dại mang sắc tím xổ tung trong gió

Lác đác vài người đi bộ trên con đường lối hai bờ sông.

Tác giả Trang Lê

DUYÊN LỆCH

– Trang Lê –

Vất vả leo lên tận tầng Tám của chung cư vì thang máy mất điện, tôi cảm thấy đôi chân mình dài thuỗn ra, hai mắt chao đảo. Hôm nay tôi tan lớp sớm hơn mọi bận. Dự định sẽ nấu vài món ngon trước khi bố tôi trở về sau giờ làm việc. Đồng hồ điểm Bốn giờ kém Mười phút… Cánh cửa không đóng, tôi ngạc nhiên vì bố tôi còn về sớm hơn cả tôi. Chờ đợi một điều bất ngờ? Không. Bố tôi đã không thường xuyên về nhà sớm sau hơn mười năm mẹ tôi bỏ đi.

– Anh…. Nhất anh đấy. Anh làm em muốn phát điên. Ôi anh! Em yêu anh. Tôi nghe thấy tiếng của một người đàn bà nào đó. Trước mắt tôi là cánh cửa không khóa, chỉ chực đẩy nhẹ thôi cũng đủ để vén tung tất cả. Lí trí tôi bảo quay ngược lại phía cầu thang rồi chạy miết vào một con ngõ tăm tối nào đó. Nhưng trái tim tôi bảo phải đi về phía trước mặt. Nắm chặt hai bàn tay lại, hít một hơi thật sâu tôi mới dám đẩy nhẹ cánh cửa.

Bố tôi đang vần vũ trên thảm giường cùng cơn mê xác thịt. Tôi đứng đơ ra như một cái xác không hồn. Ngạc nhiên ư? Không. Cảnh tượng này thi thoảng vẫn diễn ra từ hơn mười năm nay. Chỉ có điều cách cư xử của bố tôi hôm nay có điều gì đó không bình thường. Tôi không thấy vẻ cay nghiệt trong những động thái thể hiện của ông. Thông thường thì bố tôi chỉ chực vồ lấy đối phương rồi thực hiện vai trò của một con đực rất hung hãn. Ông cho người kia cái gì tinh túy của mình thì người kia sẽ phải chịu đau đớn đến tê buốt. Người đàn bà đê mê trong những âm thanh khe khẽ của sự thỏa mãn rít ra từ kẽ răng. Cô ta ưỡn bật cả người như cá mắc cạn. Cái ý nghĩ rằng sẽ nấu những món ngon tan biến. Tôi lao vào phòng tắm- Đấy là việc tôi thường làm mỗi lúc cảm thấy cô đơn và trống rỗng. Kéo vòi nước xuống và xả thật mạnh, tôi cố gột đi những hình ảnh, những âm thanh… Nước làm sống lưng tê buốt mà ruột gan thì vẫn nóng ran lên.

Sau những cuộc điện thoại ngắn ngủi, những tin nhắn mời gọi, bố tôi không từ chối việc đi ra khỏi nhà vào bất kì giờ nào: Nửa đêm, rạng sáng hay giữa trưa… Điều đặc biệt là những cuộc điện thoại ấy đều của những nữ đồng nghiệp hoặc một khán giả nữ nào đó mê tranh của ông. Bố tôi là một họa sĩ danh tiếng. Người ta bảo hạnh phúc nhất của người nghệ sĩ là được công chúng đón nhận và yêu mến. Bố tôi có được hạnh phúc ấy trong suốt tuổi nghề của mình. Duy chỉ có một điều ông không hề có được trong suốt cuộc đời, đó là hạnh phúc gia đình. Mẹ tôi cũng vì mê tranh mà yêu ông rồi nên vợ chồng. Nhưng khi kết quả của tình yêu ấy được tròn Mười năm thì bà bỏ đi cùng với một ông chủ dự án người nước ngoài. Năm ấy tôi vừa lên lớp Bốn. Bố tôi không kết hôn cùng ai nữa, nuôi nấng tôi cho đến bây giờ.

Điều đầu tiên bố tôi làm sau khi biết tin mẹ tôi phản bội đó là đập tan chiếc ảnh cưới. Sau nguôi ngoai đi chút ít, nhìn cảnh tôi lớn lên không có mẹ ông lại treo tấm ảnh lên đầu giường. Có điều, chiếc ảnh cưới đã bị thay đổi một điểm. Đấy là khuôn mặt mẹ tôi. Ông đã vẽ một khuôn mặt đàn bà xấu xí với những vết lồi lõm không cân xứng và dán vào đó. Nghệ sĩ thường đa tình. Đàn ông nuôi con một mình càng khó qua được ranh giới về xác thịt. Tôi chấp nhận điều đó như một sự thật hiển nhiên dù tôi còn quá trẻ. Có lần trong cơn say rượu túy lúy, ông đã hất thẳng cốc nước vào mặt tôi rồi chỉ trỏ: “Cút đi! Lũ khốn nạn. Thật đê tiện. Đàn bà!” rồi ông khóc nức nở. Lúc ấy nhìn bố tôi thật dữ tợn nhưng cũng thật đáng thương. Rồi có khi đứng trước tấm ảnh cưới, tay cầm cây cọ vẽ, ông đưa cọ màu lên khuôn mặt xấu xí kia. Nhưng cánh tay lại chần chừ rút xuống. Ông gục đầu xuống gối và bẻ gãy cây cọ vẽ. Những bảng màu đổ nát trộn vào nhau. Loang lổ.

– Đây là Thảo, con gái anh. Hai người làm quen đi.

Bố tôi chỉ vào tôi khi giới thiệu với một người con gái lạ mặt. Tôi gật đầu chào. Băn khoăn vì không biết nên xưng hô thế nào.

– Còn đây là Hạ Mi, là người mẫu ảnh cho bộ sưu tập mới của bố. Tạm thời cô ấy sẽ ở nhà mình.

Thật là một điều hiếm có trong suốt ngần ấy năm mẹ tôi ra đi. Những người đàn bà đến với bố tôi đều chỉ qua một đêm và không một lần quay lại. Có thể họ nhận ra hận thù ngay trong chính ái ân. Bố tôi đã ghê sợ đàn bà đến mức căm thù và luôn nuôi ý nghĩ rằng đàn bà là giống phụ tình. Hôm nay bỗng dưng dắt về nhà một cô gái trẻ bằng tuổi tôi, để cô ấy ở lại hẳn phải có một dự định gì đấy, không đơn thuần là mượn người mẫu vẽ tranh. Và tất nhiên là phải qua đêm với cô ta rồi thì mới dắt về. Mà cô ta theo về thì có nghĩa là bố tôi đã không hung dữ trong cuộc giao hoan trước đó. Rất nhiều ý nghĩ nảy sinh trong tôi. Cảm giác có thêm một người lạ mặt ở ngay trong chính nhà mình thật khó quen. Nhưng đó là quyết định của bố tôi. Tôi không thể làm thay đổi. Cô ta không ngủ chung giường với tôi mà xách gối ra phòng khách ngủ. Tôi không bận tâm, vì tôi quen ngủ một mình.

– Sao thế cưng? Đừng nhìn tôi theo kiểu soi mói thế. Tôi chỉ ở tạm nhà cô một thời gian thôi – Cô ta nói chuyện rất tự nhiên và thẳng thắn theo kiểu dân đầu đường xó chợ. Tôi chỉ thấy ghét và không buồn nói chuyện – Ôi, cô có một người cha thật hào hiệp và tuyệt vời. Giá mà ông ta còn trẻ thì…

Cô ta cười ha hả đầy tự mãn. Nếu bố tôi còn trẻ thì sao chứ? Nghĩ thế rồi tôi quay vào phòng, đóng sập cửa lại.

Hạ Mi ra đường với chiếc váy đỏ mỏng tanh, ngắn quá gối. Chiếc váy cũn cỡn đến mức chỉ chực có cơn gió bay đến là tung lên mời gọi. Mùi nước hoa rẻ tiền sực nức. Màu son môi đỏ hồng theo kiểu xì tin, màu mắt nâu đen ướt át đang thịnh hành trong “dân chơi” phổ thông. Không hiểu được là bố tôi thích vẻ gì ở cô ta. Nghe nói Hạ Mi đi phỏng vấn ở một xưởng phim. Hy vọng cô ta sẽ tìm được một công việc tử tế. Tôi không muốn cô ta biết tôi ghét cô ta cỡ nào nếu cứ chạm mặt thường xuyên. Tôi bắt đầu dọn dẹp lại nhà cửa, ngày Chủ nhật qua đi với tôi chỉ có thế. Hạ Mi trở về cùng với bố tôi với một gương mặt rạng rỡ, tay cô ta khoác trong tay bố tôi như một chú cừu non e ấp bên một con bò già. Nghe nói bố tôi đã nâng đỡ Hạ Mi rất nhiều trong lần phỏng vấn lần này. Cô ta hôn đánh chụt vào má bố tôi mấy cái. Tôi ngượng tím mặt.

– Anh, ngày mai anh đưa em đi mua sắm nhé. Người ta sắp làm diễn viên rồi, phải sửa sang tí chứ?

– Bố tôi mắt hóng ra cửa sổ, tay cầm điếu thuốc riết liền mấy hơi liên tục.

– Anh!

Cô ta gọi giật một tiếng nữa. Bố tôi quay lại nghiêm nghị gật đầu. Hình như cô ta không hiểu là bố tôi không quen nịnh nọt và bỡn cợt. Dĩ nhiên là bố tôi sẽ không tiếc gì tiền để mua cho Hạ Mi vài bộ váy áo hợp mốt.

Có Hạ Mi ở trong nhà, tôi trở thành người thừa. Mỗi lần hoàn thành xong một bức tranh, bố say mê bình luận với Hạ Mi. Tôi vốn khô khan nên không tham gia vào những cuộc bình luận kiểu như thế. Bố tôi dễ tính hơn. Thỉnh thoảng ông còn cười đùa vui vẻ. Hóa ra bố tôi vẫn thay đổi được suy nghĩ sau hơn mười năm sống gai góc với đàn bà. Tôi muốn nhường lại không gian này cho riêng hai người, vì tôi không phải là Hạ Mi. Tôi quyết định ra ngoài ở riêng và tìm cho mình một công việc để làm. Bố tôi hoàn toàn nhất trí. Ông tin tưởng vào khả năng tự lập của tôi. Người vui mừng nhất khi tôi ra ở riêng là Hạ Mi. Bữa cơm sau cùng tiễn tôi ra ở riêng, cô ta đon đả vui cười, không cong cớn như lần đầu gặp gỡ. Tôi cũng cởi mở với Hạ Mi hơn. Sự cởi mở của tôi là lòng tin và sự gửi gắm. “Chị chăm sóc bố tôi tốt nhé. Tôi sẽ về thăm nhà thường xuyên đấy.” Hạ Mi cười tự tin để đáp lại với tôi như thách thức: “Chuyện! Bố cô thì chỉ có tôi mới chăm được thôi. Ông ấy thích gì, chỉ có con này mới biết được”. Nói rồi cô ta tỏ vẻ nhiệt tình xách hành lí hộ tôi.

Tôi đứng phía dưới nhìn tòa chung cư cao ngất ngưởng mưa nắng không thể làm dột nát, nhớ những lần chạy vội lên xuống ngoài cầu thang. Bỏ lại sau lưng tất cả những gì thuộc về quá khứ để sống là chính mình. Tôi tìm được một phòng trọ gần trường học. Phải nghĩ đến những ngày sắp tới, tôi hăm hở vạch lên biết bao kế hoạch. Việc đầu tiên là phải kiếm một công việc để trang trải cho cuộc sống. Tôi được trung tâm tư vấn việc làm giới thiệu cho một công việc khá đặc biệt: giúp việc cho hộ gia đình nhỏ, người ta vẫn gọi là Ôsin. Chủ nhân của tôi là một cặp vợ chồng già bảy mươi. Con cái của họ đều đang sinh sống tại Sài Gòn. Nhiệm vụ của tôi là đến đấy sau mỗi giờ học buổi chiều để dọn dẹp nhà cửa và nấu cơm chiều. Công việc cũng khá nhẹ nhàng, hơn cả sự mong đợi của tôi. Với một khoản tiền lương đủ để tôi hợp lí hóa cuộc sống ở trọ vốn chật vật.

Bà chủ của tôi đã ngoài sáu mươi. Khuôn mặt bà rất nhân từ. Có một điểm trên khuôn mặt bà làm tôi nhớ đến mẹ tôi, ấy là đôi mắt. Đôi mắt của bà rất trong trẻo và đầy tin cậy. Mẹ tôi cũng khiến bao người mê mẩn vì đôi mắt ấy.

– Sắp tới ta phải vào Sài Gòn thăm mấy đứa cháu nội. Cháu để ý chăm sóc ông tốt hơn. Ta sẽ thưởng.

– Bà yên tâm ạ. Cháu sẽ đến đây thường xuyên, sau giờ học và cả lúc rảnh rỗi nữa.

Bà chủ gật đầu tỏ vẻ hài lòng. Bà dắt tôi đi khắp nhà, chỉ cho tôi mọi ngóc ngách thường ngày phải dọn, lại còn cẩn thận soạn sẵn một thực đơn cho chế độ ăn uống của chồng. Tôi thấy hụt hẫng. Giá mà mẹ tôi cũng luôn săn sóc bố tôi và dặn dò kĩ lưỡng khi đi đâu đó thì có lẽ mọi chuyện đã khác.

– Ơ! Cái con bé này, sao đứng đờ ra đấy? Có nghe ta dặn không?

Bà quay lại nhìn tôi với nụ cười trìu mến. Cứ xem đây là nhà của con, đừng ngại gì cả. Tháng sau ta về, bà cháu mình lại nói chuyện nhiều hơn nhé.

Bà chủ được một chiếc tắc xi đón ra sân bay. Bà hứa sẽ gọi điện ngay cho tôi khi bà vào đến Sài Gòn.

Sống một mình trong một phòng trọ với diện tích chưa đầy mười lăm mét vuông, khá chật chội nhưng yên tĩnh và tự do. Tôi quyết định gửi trả bố tôi chiếc xe máy để đi lại bằng xe buýt. Mỗi tháng dán tem vé tháng với giá ưu đãi chỉ áp dụng cho sinh viên, rất hiệu quả và tiết kiệm. Trên xe buýt tôi có thể gặp nhiều người, nghe nhiều chuyện mà trước đây tôi chưa bao giờ được nghe. Thật thú vị.

Ông chủ luôn tỏ vẻ nghiêm nghị trước mặt tôi, còn khi nói chuyện qua điện thoại với bạn bè thì ông lại rất cởi mở. Bà chủ bảo ông là một nhà nghiên cứu trong một lĩnh vực nào đấy của nghệ thuật nên hơi khác người. Với tôi, thái độ cư xử của ông không hề ảnh hưởng gì đến công việc cả. Tôi làm theo sự chỉ dẫn sẵn của bà chủ. Thế là hoàn thành nhiêm vụ. Thi thoảng ông có ra khỏi nhà thăm thú mấy ông bạn già. Những lúc đó tôi mặc sức làm bá chủ trong căn biệt thự sang trọng.

Một buổi chiều, khi tôi đang chen lấn trên xe buýt giờ tan tầm thì nghe được một tin đặc biệt trên Radio. Bộ phim truyền hình của đạo diễn nổi tiếng Sơn Long sắp công chiếu. Đặc biệt là bởi nhân vật chính trong phim có tên là Hạ Mi. Liệu có phải cô Hạ Mi yêu quý của bố tôi không? Khó tin được một cô gái vừa mới chân ướt chân ráo lên Hà Thành đã được đóng vai chính trong một bộ phim của đạo diễn có tiếng. Cũng có thể cô ta có năng khiếu làm diễn viên. Nhưng tôi tin phần nhiều vào mối quan hệ thân thiết giữa bố tôi với đạo diễn Sơn Long. Hai người đã từng nhiều năm tham gia trong Hiệp hội văn nghệ sĩ. Tôi may mắn được gặp chú Sơn Long đôi lần. Chú ấy yêu tranh bố tôi, quý bố tôi nên tôi cũng được thơm lây vài phần. Lắm lúc tôi cũng ước một ngày nào đó được đóng một vai phụ chạy lăng xăng trong phim chú ấy thôi cũng được. Giờ Hạ Mi vào hẳn vai chính. Biết đâu mai sau Hạ Mi cũng sẽ nổi như cồn, rồi một ngày đẹp trời trở thành mẹ kế của tôi? Tôi sống trong một thế giới toàn người nổi tiếng. Dám cá cược là bất cứ ai ở cái xứ này cũng đều phải ghen tị.

– Mẹ kiếp! Con dở này, lần đầu đi xe buýt à? Xuống xe mà không thèm bấm đèn báo. Tao cho mày đi tới bến bây giờ.

Giọng ông phụ xe quát inh ỏi. Không hiểu sao giữa ngần này người chen nhau không nhìn ra mặt ai mà ông ta còn rướn cổ lên mà quát được. Tôi mặc kệ. Tôi đang mải mê với những suy nghĩ về thế giới của những người nổi tiếng. Thêm cái khoản băn khoăn không biêt mẹ kế tương lai lên hình có nét không? Nhất định phải xem bằng được bộ phim đầu tiên của Hạ Mi.

Ông chủ tôi báo lại là sẽ vắng nhà một tuần, lấy lí do là đi Đồ Sơn cùng mấy ông bạn già, làm cố vấn cho một dự án nghệ thuật nào đấy. Tất cả thông tin này được ghi lại trên giấy nhớ, dán ngay cửa ra vào để tôi xem khi bước vào. Tôi vẫn làm việc của mình như mọi bận. Đây chính là cơ hội tốt để tôi xem trọn bộ ba tập phim của Hạ Mi đóng. Không nơi nào xem phim sướng như ở trong căn biệt thự này. Một ti vi màn hình Plasma to và rộng, có thể mở các cửa sổ hoặc bật điều hòa nếu muốn. Bộ phim bắt đầu trong sự hăm hở chờ đợi của tôi. Đầu đề phim khá hấp dẫn “Dâng trọn tuổi yêu”. Nhân vật chính bao giờ cũng đựơc giới thiệu trước. Hạ Mi trên màn ảnh thật khác với Hạ Mi thường ngày mà tôi đã gặp. Không còn sự tô vẽ quê mùa theo kiểu tắc kè hoa, cô ta xuất hiện như đại diện của một hãng thời trang đẳng cấp nào đó. Tôi dám cá cược rằng sự đầu tư này chỉ có ở con người phóng khoáng như bố tôi. Bởi thế nên rất hợp lí khi đạo diễn Sơn Long cho cô ta vào vai một tiểu thư nhà giàu, là sinh viên thanh nhạc. Qủa là bố tôi rất có mắt khi chọn người tình. Cũng dễ hiểu thôi, bằng ấy thời gian sống giữa thế giới của những người đàn bà ở mọi trạng thái thì sao không tinh nhạy được? Hạnh phúc có, đau khổ có, căm hận có… Dường như mỗi cuộc gặp gỡ, mỗi cuộc giao hoan nhanh chóng không khiến ông quên đi hình ảnh người đàn bà sau gương mặt vẽ xấu xí. Mẹ tôi không còn bận tâm đến cuộc sống của bố con tôi. Bà chạy trốn hôn nhân như một tên thợ săn hèn nhát chạy trốn con mồi hung. Tôi gọi cho bố ngay sau khi bộ phim kết thúc. Tổng đài báo: “Máy bận!”. Gọi đến lần thứ hai, mười phút sau, vẫn “máy bận”. Lại những cuộc điện thoại mời mọc của người mộ tranh? Ba mươi phút sau gọi tiếp, tổng đài đáp lại câu trả lời thay thế: “ Thuê bao quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được. Xin quý khách vui lòng gọi lại sau”. Một âm thanh bé tí kêu tít tít ba lần sau câu đáp ấy. Máy tự trở về trạng thái ban đầu. Tôi chỉ định gọi để hỏi thăm xem ông đang sống thế nào, thứ nữa gửi lời chúc mừng Hạ Mi vì trái ngọt đầu mùa. Chỉ có ông trời mới hiểu thiện tình của tôi.

Hạ Mi trở thành đề tài nóng bỏng sau bộ phim của đạo diễn nổi tiếng Sơn Long. Cô ta được mời làm đại diện quảng cáo cho một số hãng nước ngọt và thực phẩm chức năng. Hiển nhiên trở thành người của công chúng rồi thì hình ảnh và phong cách cũng đổi khác. Nghe đâu cô ta còn có cả dự định chen chân vào sân khấu âm nhạc. Máy điện thoại của bố tôi luôn trong tình trạng tắt. Hẳn là ông đang hạnh phúc với thế giới của hai người. Nghĩ vậy tôi cũng không còn có ý định gọi làm phiền ông.

Ông chủ tôi trở về nhà sau hơn một tuần đi Đồ Sơn và đi đâu đó nữa. Hẳn là khí trời mát mẻ miền biển đã làm dịu đi tính cách của ông khi đối xử với tôi. Ông ấy mang về cho tôi những con vật ngộ nghĩnh làm từ vỏ sò. “Này, ta mua cho cháu đấy. Ta thấy những cô gái tuổi cháu thường thích cái này”.Thì ra ông ấy am hiểu cả sở thích của cả một Ôsin giúp việc. Tôi lưỡng lự đưa tay đón lấy tặng vật từ biển. Lòng vẫn không thôi bất ngờ vì thái độ của ông chủ. “Từ nay cháu chỉ việc đến đây sau giờ học và dọn dẹp nhà cửa xong thì về. Ta sẽ không ăn tối ở nhà đâu.” Tôi gật đầu do dự. “Nhưng còn bà chủ thì sao ạ?” Ông chủ không bận tâm đến câu hỏi của tôi và đi thẳng vào phòng ngủ. Tôi dọn dẹp nhà cửa và đi ra bến xe buýt.

Trời đã chập choạng tối. Tôi đứng trong nhà chờ xe buýt cùng với rất đông người đang sốt ruột đợi xe. Ở ngoài kia có một đám sinh viên đang bình luận về một cuốn tạp chí. Tôi hơi tò mò. “Gớm, con nhãi này! Mới lên có bộ phim đã tinh vi, cứ như ta đây là anh chị trong làng điện ảnh vậy”. Người ta kháo nhau những câu bình luận kiểu như thế rồi vứt bệt tờ tạp chí xuống ghế chờ. Tôi lật ra xem. Bài báo viết về Hạ Mi, phóng viên giật tít rất “nóng”: “Tôi đến với nghệ thuật bằng đam mê, tôi có thể hi sinh cả hạnh phúc của mình vì nghệ thuật”. Tôi đọc trọn cả bài báo. Hạ Mi phát biểu rất tự tin về bản thân mình. Thái độ trước công chúng của cô ta vẫn như đã từng thể hiện trước mặt tôi vậy.

Tôi không phải chuẩn bị cơm tối cho ông chủ nữa nên công việc càng nhàn nhã hơn. Hầu như tôi không còn được thấy mặt ông chủ. Ông ấy đi lúc tôi chưa đến và về lúc tôi không còn ở đó. Thi thoảng bà chủ có gọi điện về hỏi han tôi. Bà luôn nhắc nhở tôi là phải lo cơm nước cho ông chu đáo.

Đang vào mùa thi cử, dù ở ngoài điều kiện sống không tốt như ở nhà thì tôi vẫn muốn giữ thành tích học tập mấy năm liền. Tôi qua lại chỗ làm vì lỡ quên tập tài liệu ôn thi lúc chiều mang theo. Phải mất một quãng đường khá dài trên xe buýt giờ phố tan tầm thì tôi mới đến nhà của chủ nhân. Nhà đã sáng đèn, chắc chắn ông chủ đã về. Tôi sẽ báo với ông là tuần sau bà chủ sẽ về để ông mừng. Sau đó thì lấy tập tài liệu. Ông chủ không về nhà một mình, hình như nhà đang có khách. Đôi giày cao gót của màu đỏ xinh xắn của ai đó nằm ngả nghiêng bên cạnh đôi giày hiệu đen bóng của ông chủ. Từ lúc làm việc ở nhà này, chưa bao giờ tôi thấy khách của ông bà. Vì căn biệt thự này khá cô lập. Hầu hết những cuộc gặp gỡ bạn bè của ông bà đều diễn ra ở ngoài. Tôi thập thò vào cửa. Khách không ngồi ở phòng khách.Có thể đấy là một vị khách đặc biệt. Tiếng ai đó õng ẽo trong phòng ngủ. Tôi không biết mình có quyền lại gần đó không? Nhưng ít ra tôi phải biết chuyện gì đang diễn ra trong căn nhà mà bà chủ đã dặn tôi phải trông nom chu đáo.

Tôi lấy lại tư thế bình tĩnh nhất để tiến lại phòng ngủ. Cứ như một tên trộm đang bắt đầu tác vụ. Tôi ngớ người ra trước cảnh tượng đang diễn ra trước mắt. Ông chủ già của tôi đang vật vã sung sướng trên giường cùng một bóng hồng mỏng manh. “Anh! Em ghét anh thế! ”. Đó là lời của cô gái nằm quay lưng lại phía tôi đang đứng. Ông chủ ho mấy tiếng khục khặc trong cổ họng rồi nằm bật xuống giường như một cái xác chết. Cô gái nhanh nhảu chạy vào nhà tắm với bộ đồ bẩn thỉu sau cuộc ân ái với con dê già. Tôi chết trân. Cô gái kia thì quá trẻ. Có khi còn bằng tuổi cháu nội ông. Tôi chạy vội vào nhà bếp, lấy tập tài liệu rồi đi ra cửa, trong lòng không thôi những suy nghĩ chằng chíu vào nhau. Đột nhiên tôi nghĩ đến bố tôi. Tôi ngồi bệt xuống bậc thềm tam cấp. Trời đã tối hẳn. Có tiếng bước chân vội vàng đang tiến ra cửa. “A lô, anh à! Em đang tắc đường. Em sắp về với anh rồi đây. Đợi em nhé cưng!” Một giọng nói quen, tôi quay mặt lại. Đó chính là Hạ Mi. Cô xỏ đôi guốc màu đỏ vào và đi thẳng ra chiếc tắc xi đang đợi sẵn. Cô ta không hề để ý đến tôi đang ngồi sau bậc thềm. Có khi người vừa nói chuyện điện thoại cùng cô ta chính là bố tôi, hoặc có thể ai đó như ông chủ tôi. Tôi bấm máy gọi cho bố. Vừa hiển thị số điện thoại thì tổng đài báo “Máy bận”. Gập máy lại, tôi đi ra phía bến xe buýt.

Bà chủ sắp về, bà gọi điện báo là đã chuẩn bị món quà bất ngờ cho ông chủ và phần thưởng cho tôi. Mấy ngày trước khi bà chủ về, ông vẫn rời khỏi nhà khi tôi chưa đến và về nhà khi tôi đã về xóm trọ. Thi thoảng trong túi đựng rác mà tôi mang đi đổ, có cả đồ dùng hàng ngày của phụ nữ. Tôi mặc kệ cho qua chuyện. Nếu bà chủ về, tôi sẽ xin sang làm việc khác.

Bà chủ được đón về bằng một chiếc xe sang trọng. Nghe đâu là xe của bạn ông chủ. Ông chủ niềm nở đón vợ, tỏ vẻ nhớ nhung. Hai người quấn quýt sau khi xa nhau mới có một tháng. Trong đầu tôi gờn gợn nghĩ về chuyện đã thấy mấy hôm trước đó. Không biết giờ này bố tôi đã hoàn thành bộ sưu tập tranh thiếu nữ chưa? Sắp tới Hạ Mi sẽ ra Album nhạc đầu tiên. Đó là dự án phát triển tài năng do ông chủ làm cố vấn. Cô ấy đã trở thành “sao” trong thoáng chốc.

Tháng lương đầu tiên của tôi đủ để chi trả cho mọi thứ phí khi sống ở ngoài. Tôi đang tìm một công việc mới. Gọi điện cho bố để mong gặp bố trong một bữa cơm chỉ có hai bố con. “Thuê bao quý khách vừa gọi hiện đang bị tạm khóa”- Câu trả lời trống trơn lạc vào khoảng âm thanh phố phường nhộn nhịp. Trên Radio của xe buýt chiều nay vang lên giọng ca lạ.

Hà Nội, tháng Sáu 2010

Tác giả Đinh Phương

BÃO

– Đinh Phương –

Tàu đêm, tiếng còi xé gió mang theo hơi lạnh mùa đông. Thị trấn vào đêm chẳng khác vùng nông thôn là mấy, đèn đường vàng quạch in bóng những cây cổ thụ khẳng khiu không còn đung đưa vì trụi lá. Bao giờ cũng thế, tàu như cố qua thị trấn thật nhanh. Người ta còn mải ngủ, chẳng ai muốn ăn gì hay mua gì, gần sáng mới về đến thành phố. Cái thành phố xa hoa có đủ mọi thứ. Luân cũng đã từng đến đấy bốc vác một thời gian nhưng không quen lại về đây. Cái ga Phồn ở thị trấn lẻ này hợp với anh hơn, con người cũng dễ chịu hơn. “Người phố ác và nham hiểm lắm, con gắng ở lại quê mình, người quê có cái tình”. Lời cụ Ba mù còn quẩn quanh anh đâu đó, mà cuối cùng anh vẫn bỏ quê đi.

Quê anh vùng biển quanh năm chỉ có nắng với gió. Nắng, gió thiêu đốt làm thân hình con người ta đen đi, mọi thứ đều cháy bùng dưới cái nắng. Học hết cấp hai anh bỏ học theo cha đi biển, biển yêu người mà cũng hận người. Sóng quất lên thân tàu từng đợt, anh đếm từng đợt sóng xô vào tàu rồi ngủ gục trên mũi tàu lúc nào không biết. Cha anh bảo sao mày không làm nhà thơ. Anh chỉ cười, thơ thẩn gì cái thằng mang tiếng học hết cấp hai mà vẫn còn nói ngọng, tính toán chưa thông, viết chữ thì như gà bới. Làm nhà thơ hay là làm bất cứ ông nọ ông chai gì ở cái vùng quê này đều là điều xa xỉ. Người lớn dạy trẻ con nhận mặt con cá con tôm từ hồi chập chững biết đi chứ không dạy làm cán bộ. Lớn lên nhìn thấy biển trước mặt, yêu biển, bám biển từ lúc nào không hay nữa, con chữ cũng tự nhiên bay đi.

Ngày người ta thả thân hình cụ Ba mù lại với biển cũng là ngày bão đổ bộ vào Vịnh Bắc bộ. Gió rít qua từng mái lá, áp mặt lên những bà mẹ trẻ đợi chồng, bà mẹ già đợi con. Gió luồn vào cuống họng đứa trẻ ngủ say trong nôi khịt khịt mũi. Giấc mơ ập đến chập chờn giữa ban ngày không có mặt trời. Mưa kéo dài vô tận, mưa xé nát biển, dấu chân người đi hôm qua trên cát nay chỉ còn là hoài niệm đâu đó xa xăm lắm. Nước đẩy cái xác cụ Ba không trôi ra ngoài xa được. Mảng bè gỗ ghép bằng nứa mua của người dân tộc trên rừng đem xuống không chìm. Xác cụ Ba biến mất rồi lại hiện ra, trôi nổi trên biển theo từng con sóng. Nhiều người muốn ra kéo vào, nhưng cứ ra mảng bè lại trôi xa hơn, khi vào mảng bè lại vào. Người ta bảo cụ còn đợi con, đợi cháu.

Hai ngày sau đoàn cứu hộ chở người sống sót trở về. Xác cụ Ba chìm dần, màu hoa muống biển tím ngắt rực lên lần cuối. Cụ Ba bảo năm nào ở miền Bắc có nhiều hoa muống biển là năm ấy có bão to, giống hoa báo bão ấy chạy từ miền trong ra. Báo mà chẳng làm gì được lên nó càng nở rộ.

Nhà bác Tía gái bỏ làng đi đầu tiên. Hai người phụ nữ bám lấy nhau lếch thếch đi khi chưa rõ mặt người. Mặt trời chưa lên để đuổi theo, khi lên rồi cháy gay cháy gắt, nhiệt độ hong khô mọi thứ nhưng vẫn còn nơi nào đó chưa khô. Ngôi làng vắng tiếng gà, sau trận bão mất cả khái niệm thời gian. Luân nấp sau tảng đá nhìn theo hai bóng đen nhỏ bé in hằn xuống nền cát. Muốn chạy ra mà bàn chân tê sần nặng nhọc. Cái Hoài ngóng nhìn lại, ánh mắt ấy, ánh mắt bác Tía trai trước khi giúi vào tay Luân cái can và đẩy xuống nước. Ngôi nhà có cây cau cao nhất, mái nhà quanh năm xác xơ khuất dần tầm mắt. Bác Tía gái không quay đầu nhìn lại. Luân dạt xa lắm, cơn sóng cuối cùng nhấn chìm chiếc tàu đẩy thân hình trôi mãi. Luân nghe văng vẳng đâu đó có tiếng gọi mình lúc ấy. Lúc chiếc tàu chồm lên rồi vĩnh viễn nằm dưới đáy biển.

Làng không một tiếng khóc, cái im lặng từng ngày đáng sợ ùa đến từng gia đình, từng khuôn mặt, từ những gì còn sót lại sau cơn bão. Cơn bão to nhất từ lúc Luân sinh ra. Đàn ông bỏ đi hết, ngôi làng chỉ còn lại đàn bà, trẻ con. Đàn bà goá ở làng nhiều nhưng chưa năm nào lại nhiều đến thế. Tiếng kèn trống cuối làng ngân lên cả ngày lẫn đêm hay là tiếng gió luồn qua đá hú. Luân nằm bên mẹ mà vẫn run, bàn tay chai sạn ôm ghì Luân lạnh ngắt, thổn thức. Căn nhà có ba người nay chỉ còn hai, cảm thấy cái gì cũng thừa, từ chiếc bát chiếc đũa. Ống điếu cày dựng góc im bặt tiếng rít, mùi khen khét bay đâu chỉ còn mùi biển mặn chát nơi mũi, nơi miệng…Đến nửa đêm mẹ trở mình đi ra.

Luân vác hai bao tải hành lên tàu xong cũng là lúc con tàu chuyển bánh lăn. Bao giờ cũng vội vàng, ông Kẻng ngủ gà ngủ gật đánh kẻng kết thúc sự chuyển động duy nhất của đêm. Đáng nhẽ ông phải đánh trước khi tàu đến thì ông lại đánh khi tàu đi. Vầng trán hói nhô cao, người ta nói ông có tư chất làm lãnh đạo, ai trán hói đều thế. Ông chỉ cười, ông có tên nhưng người ta quen gọi ông là ông Kẻng hói cho dễ nhớ. Luân sờ túi kiểm tra lại số tiền hôm nay kiếm được. Túi bục. Luân cười. Tiếng kẻng đêm có sức mạnh lan mãi, lan mãi. Có lúc Luân tưởng như tiếng kẻng là tiếng gọi mình năm nào trong cơn bão.

Bóng chiếc tàu đêm còn để lại vài vệt sáng trong không gian rộng. Đường ray nhấp nhô, những cây xuyến chi nhiều gai cụp lá vẫn sẵn sàng gây sự với bất cứ ai động đến. Gió quất ngang mái tóc rối bù, mùa đông năm nay đến sớm hơn thì phải. Ngôi nhà Luân trọ kia rồi mà không muốn bước vào. Luân sợ. Sợ những khuôn mặt biểu cảm đến tội nghiệp khi ngủ, ban ngày làm đủ nghề từ mổ lợn, đánh giày đến đâm thuê chém mướn. Sợ họ ú ớ gọi mê tên bố mẹ, tên con, tên vợ, tên người yêu ở quê. Họ lưu manh với đời, với người để trước tiên có cái cho vào miệng, sau là gửi về nhà. Gia đình ai cũng có, ai cũng có nơi để về. Luân chợt thấy chạnh lòng cho bản thân.

Thằng Hãn con ốm ở quê phải đi cấp cứu vợ vừa nhắn lên. Nó cứ đi ra đi vào, hút thuốc lào vặt không yên. Có bao nhiêu tiền nó vừa lo giỗ đầu cho mẹ. Ở quê dù nghèo túng đến mấy vẫn phải chạy vạy lo trả nợ miệng. Luân gom hết số tiền mình dành dụm đưa cho nó. Nó dùng dằng không lấy.

“Cầm lấy về lo cho nó, kiếp người như nhau cả mà mày”

Hãn bằng tuổi Luân mà già hơn hẳn. Mắt trũng sâu, gò má nhô cao, hàm răng vẩu vàng khè vì thuốc lào. Hãn hay kể về con, con bé bốn tuổi, khôn lắm, chỉ thích làm bác sĩ thôi. Phải mất mấy hôm làm tăng ca cho bà Bảy lợn Hãn mới mua được cho nó bộ đồ chơi bác sĩ Trung Quốc. Bộ đồ chơi có cái tai nghe áp vào tim, vào phổi. Vợ Hãn kém Hãn hai tuổi, không hẳn xinh, không ra xấu. Quê ở tít vùng biển nào đó xa xăm lắm. Nghe kể ngày xưa “làm nghề” trên thành phố. Chẳng hiểu sao lại ghép lại với nhau, rồi cũng thành vợ thành chồng, có con.

Năm nay Luân hai mươi ba, bỏ làng đi được sáu năm. Sáu năm không dài mà cũng chẳng ngắn, Luân hiểu ra nhiều, buồn nhiều. Luân vẫn tưởng tượng ở phía xa biển xanh ngút tầm mắt. Nhiều lần ngửi mùi tôm người ta kho lại nhớ mùi gió biển tanh tanh, lành lạnh. Mùi nước mắm buổi sáng ấy, cái buổi sáng những con cá béo núc đua nhau rúc vào tấm lưới ngà ngà xám. Niềm vui chưa kịp đẫy thì tai họa ập đến không ai tưởng tượng nổi. Tấm lưới đan của những người ở lại phía bờ xa xa. Kết tinh tình cảm của mẹ, của các cô, các bác, các bà, của những em gái mà công việc đầu tiên được dạy khi chào đời là đan lưới. Tàu cá không thông báo ngư trường nơi mình đánh bắt để giữ bí mật nguồn cá. Và xác cũng bí mật nằm lại mãi mãi. Miếng nước mắm hôm nào như vẫn đọng lại mặn chát nơi bờ môi.

Ông Kẻng hói gọi Luân sang uống rượu, ngôi nhà ngói ở cuối khu lao động nghèo. Ông ở một mình, nghe kể cũng có vợ con nhưng vợ con ông đã bỏ ông mà đi cũng trong một ngày mùa đông như thế này.

Đang nâng chén rượu ông chợt dừng lại hỏi: “Mày định sống thế này mãi sao con?” “Cháu không biết nữa, sống được ngày nào hay ngày ấy thôi.” “Mày khác chúng nó.” Ông hất hàm chỉ về phía ngôi nhà Luân đang ở.

Bóng mặt trời còn soi mãi mới tắt hẳn, lại một ngày nữa trôi qua. Ở cái thị trấn này mọi việc diễn ra thật chậm chạp như tất cả đều đã có sự an bài. Ông vào nhà lấy thêm rượu, thứ rượu Hà Bắc chính gốc này dễ uống mà ngấm lâu. Cây bưởi trước nhà trổ hoa trắng muốt để chuẩn bị cho một mùa quả mới trước Tết. Thứ bưởi đào quả to ngọt mọng nước. Ông thường hái cho mỗi người trong xóm một quả để thờ. Đã bao lần ông bảo Luân dọn qua nhà ông ở cho vui cửa vui nhà mà Luân không qua sợ làm phiền ông. Tiếng kẻng cô đơn dồn dập chợt hiện lên trong đầu chới với. Giật mình ông đã cầm chai rượu bước ra ngõ từ lúc nào. Sao hôm nay ông đi sớm thế? Phải nửa đêm tàu mới về mà. Luân còn ngồi lại mãi, chưa hẳn say, chưa hẳn tỉnh. Thấy thiêu thiếu cái gì đấy. Ngày xưa lúc còn nhỏ Luân cũng hay ngồi cuộn tròn thế này ngắm biển, ngắm mãi không biết chán. Nhiều lần mẹ phải đi tìm về ăn cơm, sau mẹ không tìm nữa mà để phần cơm lúc nào về thì về. Trước lúc quyết định bỏ làng đi Luân cũng ngồi thế.

Mẹ bỏ đi mãi không về sau cái đêm cuối ngủ với Luân, bàn tay chai sạn luồn vào mái tóc hung hung đỏ vì cháy nắng. Mẹ không còn đủ sức để khóc nữa, bao giọt nước mắt của mẹ rơi trước đó rồi. Bước chân mẹ nhẹ lắm, Luân nghe thấy mà vẫn nằm im. Lần đó là lần cuối cùng Luân có mẹ. Sáng hôm sau những người làng còn lại hùa nhau đi tìm thì chỉ thấy chiếc nón nằm úp bên bờ biển. Dấu chân đêm dã tràng đã xoá hết từ bao giờ. Chiếc nón lá vá chằng vá đụp ngấm nước không còn bay được, chẳng biết mẹ đi xuống biển từ chỗ nào trên bãi biển dài vô tận ấy?

Con Hãn mất, căn bệnh sốt xuất huyết đã cướp đi trong tay Hãn đứa con bé bỏng mơ làm bác sĩ. Hãn về muộn, về đến nơi thì con bé chỉ còn thở rất yếu, nghe mọi người bảo nó bị như thế mấy hôm rồi nhưng không đi, ý còn đợi. Người mẹ ôm chặt xác đứa con, những nốt ban nổi đỏ khắp người, thân hình bé bỏng da bọc xương. Luân và ông Kẻng về thì đứa bé đã được chôn cất xong. Trên bàn thờ không có lấy một tấm ảnh thờ. Thì ra trong lúc cuống cuồng đem đứa bé đi chôn vì sợ lây bệnh người ta đã quên đi cái quyền có một bức ảnh trên cõi đời như sự minh chứng tồn tại của nó. Ruộng lầy thứ đất thịt quánh chặt gắn lấy chân. Con bé nằm ở tận cuối bãi tha ma ngập nước, hai ngày trước có mưa. Trận mưa chuyển mùa tiễn đưa một thân hình bé bỏng.

Trở về Luân còn bị ám ảnh mãi với ánh mắt vợ Hãn, ánh mắt giống ánh mắt của những người đàn bà ở làng sau trận bão. Ánh mắt mất hết sức sống, đọng lại còn chút hy vọng mơ hồ. Luân chợt nhớ đến Hoài, con bé ngày hôm ấy ra đi không biết giờ sao nữa. Số phận con người biến đổi không ngừng, làm thân phụ nữ còn khổ hơn. Hãn chạy vào áp chiếc ống nghe đồ chơi lên ngực Luân nghe nghe. Cứ trở trời Hãn lại thế, vợ Hãn lên phố rồi. Mới hôm nào Hãn áp chiếc ống nghe vào ngực con mình, con bé gắng hé môi cười.

Luân ngồi co ro bên mép biển, mẹ đi hôm qua, cuối làng có tiếng gió hú luồn qua kẽ đá. Mẹ đi không báo trước. Người làng lặng lẽ mang đến nhà Luân chút gạo ngấm nước mông mốc xanh, vài con cá khô, chai nước ngọt của Hội Chữ thập đỏ. Ai cũng tránh ánh mắt nơi Luân, ánh mắt soi rõ nỗi đau mà ai cũng cố giấu để động viên nhau sống cho ngày mai. Ngôi làng không còn tiếng đàn ông. Nó im ắng dần qua từng ngày, những tấm thân đi ra đi vào như cái xác. Chẳng ai nói với ai điều gì, những tấm lưới đan dở chỏng chơ không ai ngó đến. Mọi người lũ lượt bỏ làng đi, nghe bảo kéo lên phố làm ăn. Mới chỉ qua có tháng đầu mà làng chỉ còn lại mỗi Luân. Người già cũng bỏ làng đi, mang theo hồi ức đau buồn thời con gái. Bước chân chầm chậm, hoa muống biển dần tàn.

Tàu đêm nay về trễ. Ông Kẻng đánh kẻng trước khi tàu về. Phía xa xa quầng sáng có tiếng còi tút dài. Thằng Hãn chạy ra giúi vào tay Luân mảnh giấy.

“Bài toán:

Ga A và ga B cách nhau 75km. Một người ở ga A. Tàu chạy với vận tốc 50km/h. Hỏi sau mấy giờ sẽ đến ga B?”

Nguồn: VanVN.Net