Trực quán: Hoàng Đăng Khoa
Khách văn: Nguyễn Ngọc Thuần

– Chào nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần. Chúc mừng anh vì truyện dài Về cô gái này đã ra mắt bạn đọc. Anh có thể chia sẻ vài nét về duyên cớ, ý tưởng thôi thúc anh viết nên tác phẩm xoay quanh câu chuyện cơ thể này?

+ Nó xuất phát từ khá nhiều thứ. Chẳng có cái nào là rõ ràng.
Đầu tiên có lẽ là do bản thân tôi ít chú trọng về cơ thể; nhậu nhẹt, thức đêm, hút thuốc lá… vân vân, nói chung thứ nào cũng vô độ, và chẳng mấy khi buồn đi khám sức khoẻ. Cho đến một ngày, tôi chợt nhận ra sức mạnh của nó – cơ thể – thế là muốn viết một cuốn sách.
Thứ nữa, dầu không phải là người duy tâm nhưng tôi lại luôn tin mỗi con người đều có một số phận, một chuỗi thời gian sống nào đó là không thể thay đổi, dù bạn muốn hoặc không muốn. Kiểu như sống dài hay sống ngắn là không phụ thuộc vào chúng ta. Mà phụ thuộc vào một điều gì đó rất… huyền bí. Đại khái vậy.
Và có lẽ còn nhiều điều khác nữa mà tôi không tiện kể ra ở đây.
Những điều đó đã trộn lẫn và hình thành nên nhân vật Z. Trước đó cô gái béo phì này cũng có phần gợi ý từ một nhân vật phụ trong cuốn sách trước của tôi – cuốn Cơ bản là buồn – nhưng ở đây nó mang một mức độ phức tạp hơn.
Cuộc đời của Z là một cuộc đời đấu tranh với cơ thể, với thức ăn, với tình yêu, với sự nghiệp, thậm chí đáng sợ hơn, với chính… âm hộ của mình.

– Gần đây, liên quan đến cơ thể, thân xác được ít nhiều động cập trong một vài tác phẩm, có thể kể, như Nháp, Xác phàm của Nguyễn Đình Tú, Ngựa thép của Phan Hồn Nhiên, Tưởng tượng và dấu vết của Uông Triều,… và lần này được thể hiện đậm đặc trong Về cô gái này của anh. Anh có cho rằng chủ đề này ở ta từ lâu đã bị “phân biệt đối xử” hay không?

+ Chắc hẳn bạn cũng nhận thấy, vấn đề thể xác trong Về cô gái này hoàn toàn không giống như trong những cuốn sách bạn kể ở trên. Ở đây, nó là một thứ thể xác rất cụ thể, những hệ lụy cụ thể, nó không mang tính ẩn dụ. Nó cũng không mang tính xác thịt kiểu giới tính hoặc một vài ngụ ý bóng bẩy nào đó. Nó hoàn toàn nghĩa đen. Nó chỉ đơn giản trả lời cho câu hỏi, liệu những gì mà chúng ta ăn vào có tạo nên đời sống của chúng ta, về tinh thần lẫn thể xác hay không.
Những vấn đề này, theo tôi, chưa từng nằm trong diện “phân biệt đối xử” hoặc nhạy cảm, hoặc cấm đoán. Chỉ có điều ở Việt Nam, hình như chưa từng có nhà văn nào viết về những vấn đề như thế này, trừ vài tài liệu y khoa có tính học thuật.

nguyenngocthuan389041437794291

– Trong cuốn sách mới của mình, anh viết: “Người ta nói tâm hồn con người có xu hướng tìm đến những điều nhỏ hơn những điều lớn. Vì sự thật là chúng ta chỉ có thể chứa những điều nhỏ. Một đôi lần chúng ta chứa điều lớn, điều vĩ đại, nhưng nó không phải là cách mà tâm trí chúng ta vận hành” (trang 29). Chọn cho tác phẩm của mình là câu chuyện “mang tính cá nhân” của một cô gái bị cái bệnh béo phì hành hạ cả thể trạng lẫn não trạng, ấy mà Về cô gái này, theo tôi, có sức thuyết phục lớn bởi hàm lượng tính tư tưởng, hàm lượng vấn đề xã hội trong/ từ đó. Từ trường hợp của anh và từ những gì anh quan sát, có thể khẳng quyết được không, “giải đại tự sự” là một hướng đi giàu hứa hẹn của văn học Việt Nam, thưa anh?

+ Thú thật là tôi không biết những điều như thế có là một hướng đi giàu hứa hẹn của văn học Việt Nam hay không. Nhưng từ bản thân, tôi biết chắc rồi thì tôi cũng chỉ sống bởi những điều nhỏ. Tôi nghĩ điều nhỏ chính là cấu tạo tốt nhất và hoàn hảo nhất cho một con người như tôi. Giống như một thứ nhịp sinh học vậy.
Khi viết tôi cũng chỉ thích viết những câu chuyện đơn giản mà bất kì ai cũng có thể gặp, hoặc đã từng xảy ra trong đời sống nhỏ bé của họ.
Thực ra mà nói thì ngay cả sự bé nhỏ cũng luôn tồn tại sự phức tạp của chính nó. Biết nói sao được.
Tôi thích viết về những mảnh đời “không lớn lắm”. Với tôi, tính “chi tiết” bao giờ cũng đẹp hơn tính “toàn bộ”. Tôi không thích sự “khái quát”. Tôi thích sự “vụn vặt”. Khi nhớ về một ai đó, tôi thường nhớ những thứ “bé tí”, những thứ mà vì một cơ duyên nào đó giữa tôi và họ kết dính vào nhau, kiểu như một “mối nối” hơn là một cái gì đó có tính “toàn bộ”.
Với văn chương cũng vậy, tôi nghĩ, nó không thể đi xa khỏi những thói quen thuộc về tâm tính của mỗi con người. Nó còn thể hiện tính “tham vọng” của người đó. Tham vọng của tôi, nếu có, là của một người muốn được nhìn thấy những điều rất nhỏ.

– Cái câu mang tính đúc kết ở đâu đó, rằng muốn kể chuyện hay trước hết phải có chuyện hay để kể, xem ra không hẳn đúng so với trường hợp Về cô gái này của anh. Một câu chuyện thoạt đầu tưởng chừng rất “nhỏ”, rất không đâu, nhưng mãnh lực từ cách kể của người kể đã hấp dụ tôi, càng đọc tôi càng bị hút dính vào. Anh có quan niệm là nội dung câu chuyện được kể không quan trọng bằng cách kể không?

+ Theo tôi thì mọi thứ đều quan trọng như nhau và tùy từng lúc mà chúng có độ gia giảm khác nhau. Tuy nhiên tôi vẫn thiên về cách kể nhiều hơn. Một nhà văn giỏi cần phải thật thông minh hoặc phải thật ngờ nghệch, tôi nghĩ thế, anh ta phải biết đâu là một câu chuyện hay, đâu là khả năng mà một câu chuyện hay cần phải có. Nghĩa là với câu chuyện này bạn phải kể nó như thế nào, với câu chuyện kia bạn phải kể nó như thế nào.
Khi bắt đầu một cuốn sách mới, điều lấn cấn với tôi là nó cần phải được viết như thế nào thì trông ổn và viết như thế nào thì trông tệ, hơn là nội dung mà cuốn sách muốn nói đến.
Vì đơn giản, với nội dung, bạn có thể thay đổi bất kì lúc nào trong quá trình viết, còn cách viết thì một khi đã đặt bút xuống sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc nó cần phải được tiếp tục như khi nó bắt đầu, hoặc phải vứt đi.

– Một cái thiếu nữa của văn học Việt Nam, theo nhận định của vài nhà nghiên cứu, đó là tiếng cười. Tôi rất thích lối kể chuyện hài hước một cách duyên dáng của anh nơi tác phẩm mới này. Anh quan niệm như thế nào về vấn đề tiếng cười trong văn học?

+ Tôi không bao giờ có thể hình dung người đọc sẽ cảm thấy hài hước hoặc u buồn khi đọc tác phẩm của tôi. Tôi chỉ đơn giản là viết những gì đang diễn ra trong đầu. Những gì hài hước nếu có, có lẽ chỉ là vô tình. Hoặc cũng có khả năng, nó xuất phát từ đời sống hơi tếu táo của tôi mà thành, chỉ vậy thôi.
Tuy nhiên, tôi vẫn luôn tâm niệm, tiếng cười là điều quan trọng nhất, không chỉ trong văn chương mà cả trong cuộc sống nữa. Biết cười vẫn là yếu tố luôn được tôi đánh giá cao.
Tôi vẫn nghĩ khi vui chúng ta sẽ hạnh phúc hơn, chúng ta yêu con người mình hơn, đáng sống hơn. Nhưng điều đó cũng không có nghĩa là khi buồn chúng ta đáng chết hơn. Sự buồn phiền đôi khi cũng là một cách giúp chúng ta trở nên sâu sắc. Trong khi niềm vui đa phần lại dễ khiến cho chúng ta trở nên hời hợt.


– Càng về cuối Về cô gái này thì tôi nhận thấy tiếng cười dường như càng dần nhường chỗ cho nỗi đau thân xác và thân phận của cô gái Z, và bên cạnh đó là nỗi cô đơn ngơ ngác của những đứa trẻ ở trại mồ côi… Diễn đạt theo tên một số tác phẩm khác của anh thì con người ta “sinh ra là thế”, đời họ “cơ bản là buồn”, nhưng có vẻ như anh ám ảnh đặc biệt hơn cả là thân kiếp đàn bà và trẻ em?

+ Tôi biết là mình rất sai, nhưng tôi vẫn quan niệm đàn ông chẳng đóng vai trò gì trong quá trình phát triển nhân loại cả (cười). Tương lai thì bắt đầu từ những đứa trẻ, và quá khứ thì bắt đầu từ những bà mẹ. Đàn ông chỉ như một anh chàng bảo vệ gìn giữ hoặc thúc đẩy những điều như thế diễn ra mà thôi.

– (Cười) Đọc anh càng củng cố trong tôi niềm tin về tính chất đúng đắn của lời khuyên, rằng hãy đọc không ngừng, cả những gì nằm ngoài lĩnh vực chuyên môn của mình, nằm ngoài vùng hứng thú của mình. Anh có thể chia sẻ thêm về sự đọc của bản thân?

+ Không hiểu sao tôi vẫn nghĩ, nhà văn thì nên ít đọc… văn đi (cười) mà nên xem nghe đọc những thứ khác, những thứ ngoài văn chương như điện ảnh, âm nhạc, hội hoạ, khoa học, sinh vật học… Hoặc đi ra ngoài đường… la cà.
Có thể bạn không tin, nhưng nhiều năm nay về mặt văn chương, tôi gần như chẳng đọc cái gì cho ra đầu ra đũa. Thậm chí càng ngày, tự thân bên trong càng có vẻ như muốn chống đối lại điều đó.
Ngược lại, tôi thích nhìn ngắm cuộc sống, thích trải nghiệm những thứ lặt vặt có thật. Và sự trải nghiệm ở đây không nhằm mục đích để lấy kinh nghiệm. Chưa bao giờ như lúc này, tôi nhận ra kinh nghiệm là thứ buồn chán nhất, thứ hủy hoại con người viết lách nhất.
Tôi nhận ra việc đọc sách đôi khi lại như một nhược điểm, một giới hạn, nó cho bạn cảm giác như là “trí khôn”. Nhưng càng đọc bạn càng có cảm giác không đủ, càng có cảm giác giống như ngu muội hơn, lệ thuộc hơn.
Tôi đã từng nhìn thấy rất nhiều con người không thể đứng bên ngoài những cuốn sách để làm một thứ gì khác, ngoài ước muốn đọc và đọc nhiều hơn nữa. Mặc dù họ rất giỏi, giỏi hơn tôi rất nhiều lần, nhưng họ không có tác phẩm, hoặc tác phẩm chỉ toàn dựa dẫm vào những thứ họ đã đọc. Với tôi đó là một sự lãng phí.
Tuy vậy cũng không có nghĩa đọc sách là xấu. Có những thời điểm tôi cần đọc nhiều thứ nhưng có những thời điểm tôi thấy mình cần phải đi ra phố gặp gỡ, vui chơi, hoặc xem phim hoặc làm những điều đơn giản khác như tưới cây.
Khi viết Về cô gái này có nhiều điều buộc tôi phải đọc tí chút về y khoa. Điều đó thì tôi công nhận không thể khác. Nhưng cũng chỉ một chút thôi.

– Nhân vật của anh truy vấn, rằng “cuộc sống của mình có thực sự là cuộc sống không”, rằng cuộc đời này “là không sao đâu nhưng sao nước mắt cứ muốn trào ra”… Và họ cứ nỗ lực tìm cách kéo dài sự sống, tìm cách tự khỏa lấp khối trống rỗng, tự nới giãn đường viền cuộc sống của mình…

+ Về cơ bản thì chúng ta sống bởi những mặt đối lập. Chúng ta vừa sợ hãi vừa tự nhủ mình rằng không sao đâu. Chúng ta ít khi nào đủ bình thản để đứng bên ngoài những sự việc đó. Biết làm sao được.

– Anh vừa trải qua một cuộc đại phẫu thuật. Theo dõi những gì anh chia sẻ trên trang facebook cá nhân những ngày trước khi diễn ra ca mổ, tôi cứ tủm tỉm nghĩ, rằng đến cả… tử thần chắc cũng nực cười, chào thua bởi cái sự hài hước, cái sự không sợ hãi của người bệnh – nhà văn có tên Nguyễn Ngọc Thuần… (cười)

+ Tôi không phải là người can đảm, chắc chắn rồi, tôi vẫn có nhiều nỗi lo sợ trong sự tếu táo nào đó thuộc về bản năng. Khi nằm lên bàn mổ, tôi luôn tưởng tượng mình sẽ đau như thế nào, vì người ta chỉ gây tê chứ không gây mê. Có lẽ họ cần nhìn thấy sự tỉnh táo của tôi trong quá trình mổ xẻ để kịp thời xử lí chẳng hạn, tôi đoán thế. Thậm chí tôi còn chuẩn bị tinh thần, nếu bị đau quá thì mình sẽ la to như thế nào (cười).
Nhưng cuộc sống là thế, tôi không thể từ chối điều đó. Tôi bị một hội chứng có thể chết bất kì lúc nào trong lúc ngủ say, dầu rằng chẳng bệnh tật gì cả. Tôi cần phải cấy một cái máy vào người để chặn đứng điều đó. Tôi có hơn 10 ngày chờ đợi để thực hiện ca phẫu thuật. Trong 10 ngày đó trái tim tôi không ngừng run lên. Và, về lí thuyết, có nhiều nguy cơ nó sẽ đứng lại trước khi đến ngày cái máy được cấy vào người.
Khi tôi đang trò chuyện với bạn là lúc tôi vừa rời khỏi phòng mổ được 3 ngày. Đáng lí tôi sẽ từ chối cuộc gặp gỡ này, nhưng rồi bỗng dưng tôi lại nghĩ, những ngày tháng ở đây thật dài, trò chuyện với bạn sẽ làm tôi bừng tỉnh tâm trí trở lại. Ít ra thì tôi cũng không bị chia cắt với cuộc sống ở ngoài kia về mặt cảm giác. Điều đó tuyệt biết bao. Và hẳn là bạn sẽ không bao giờ biết, điều bạn đang đem đến cho tôi tuyệt vời biết bao.

– Và hẳn là anh cũng không biết tôi vui như thế nào khi anh chấp nhận lời mời trò chuyện đâu… Tôi muốn hỏi anh câu cuối, anh có tán thành với phát biểu của nhà văn Hồ Anh Thái, rằng danh thiếp của một nhà văn chính là một tác phẩm tiêu biểu nhất của anh ta? Nếu chọn một tác phẩm làm tấm danh thiếp của mình, thì anh sẽ chọn…?

+ Tôi lại nghĩ khác. Cuộc đời nhà văn là một quá trình lao động dài lâu, dọc suốt cuộc đời của anh ta. Tác phẩm tiêu biểu nhất của nhà văn chính là cuộc đời của anh ta, không một cuốn sách nào có thể đại diện cho điều đó được.

– Cám ơn nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần vì cuộc trò chuyện này. Chúc anh chóng khỏe để sớm có thể kể hầu bạn đọc câu chuyện mới.

Theo Văn nghệ quân đội

Exit mobile version