Nhà văn Nguyễn Chí Trung năm nay đã bước sang tuổi 83, nhưng dường như sức sáng tạo vẫn còn bền bỉ qua từng bản thảo viết tay. Nhân dịp công bố kết quả xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước (2006-2011) của Hội đồng cấp Nhà nước, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với ông.

PV: Được biết, tới đây Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật sẽ được công bố và trao giải. Ông là một trong số các tác giả được đề cử Giải thưởng Nhà nước với hai tác phẩm “Bức thư làng Mực” và “Tiếng khóc của nàng Út”. Sau khi hai tác phẩm này được đề cử Giải thưởng Nhà nước, ông có nhận được những phản hồi nào của độc giả, bạn bè cùng giới?

Nhà văn Nguyễn Chí Trung.
Nhà văn Nguyễn Chí Trung.
Nhà văn Nguyễn Chí Trung: Tôi cũng được bạn bè thông báo. Nhưng vừa qua rất bận, công việc thế mà vẫn bề bộn lắm, cho nên tôi cũng không hiểu được kết quả thế nào?

PV: Giới văn học cả nước cũng đang chờ đợi kết quả. Với báo chí thì kết quả cuối cùng bao giờ cũng là một tin thời sự hấp dẫn. Nhưng với chúng tôi, và có lẽ, đối với ông nữa, điều quan trọng là sự tìm hiểu và suy nghĩ về quá trình sáng tạo ra tác phẩm ấy. Ông đã có một số tác phẩm được độc giả cả nước biết đến như “Bức thư làng Mực” rất nổi tiếng, tập “Truyện ngắn và Ký”, tiểu thuyết “Tiếng khóc của nàng Út” từng được giải thưởng của Hội Nhà văn, của Bộ Quốc phòng và Giải thưởng văn học Asean… Hầu hết những tác phẩm của nhà văn Nguyễn Chí Trung đều liên quan đến người lính, đến chiến tranh… ông có thể chia sẻ với độc giả về hai tác phẩm có tên trong đề cử Giải thưởng Nhà nước?

Nhà văn Nguyễn Chí Trung: Tôi xin được nói đôi điều về “Bức thư làng Mực”.

Đầu năm 1962, tôi về công tác ở Trà Bồng và Tây Quảng Nam. Âm vang cuộc khởi nghĩa Trà Bồng còn rạo rực trên vùng đất ấy và trên gương mặt những con người quật cường ở đó.

Đầu năm 1963, Mỹ chuyển sang “chiến tranh đặc biệt”, sử dụng toàn bộ đội quân ngụy quyền ráo riết tiến hành chiến tranh tổng lực. Ở đồng bằng thì tập trung dồn dân vào các “ấp chiến lược”. Ở miền núi thì càn quét dài ngày, đánh phá liên miên, ném bom từ các rẫy non đến những con đường mòn ven suối… Nhân dân không trồng tỉa được, đói muối, đói sắn, phải ăn rau rừng và cháo củ mài. Những con người, bằng chông thò, giáo, ná, đã vùng dậy từng khởi nghĩa giành lại và giữ được căn cứ địa miền núi rộng lớn, đã từng phá tan các cuộc càn quét dài ngày của Sư đoàn 22 ngụy, nay cảm thấy không chống nổi với máy bay phản lực Mỹ, bọn giặc không đi dưới đất mà đi trên trời, tiếng động cơ rít và tiếng bom nổ còn dữ tợn hơn sấm sét. Những con người vừa đói vừa đau, nhức nhối và mệt mỏi, tìm cách chui vào rừng sâu, bỏ nóc, bỏ rẫy, phân tán tránh phản lực ở các khe núi sâu, sợ sệt bàng hoàng.

Bỗng một hôm, Quân khu nhận được tin, như một tia chớp rực sáng giữa bầu trời tưởng như âm u đó: Có một du kích tên là Nhất (từ Nhất của người Cờ Tu được phát ra vừa có âm dấu sắc, vừa có âm dấu nặng), với một khẩu súng trường cũ, bằng một viên đạn, bắn rơi một phản lực Mỹ. Anh ta chưa học bắn đón đầu, cho nên anh chờ máy bay bổ nhào xuống, ngắm bắn thẳng vào đầu máy bay. Máy bay phản lực Mỹ bốc cháy ngay trên đám rẫy của anh. Con người ấy, lâu nay lẩn khuất không ai biết tên, biết mặt, tâm hồn chất phác, sự căm thù quân giặc thăm thẳm như đống than hồng vùi tro, âm ỉ mãi, tôi chưa thể hiểu thấu.

Quê hương anh không gần dòng A Vương lắm đâu, nhưng dòng A Vương lấp loá chảy dưới vòm trời ngày nắng lại là tiếng gọi róc rách mà vang động trong mỗi con người ở miền núi phía Tây Quảng Nam.

Không diễm phúc nào hơn đối với đời viết khi biết được một con người như thế.

Hồi ấy, năm 1963, ở căn cứ, dầu hoả rất hiếm. Sắn, gạo có thể sản xuất tự túc được, nhưng dầu hoả thì không thể tự sản xuất được. Xin được một chút dầu, thì dành dụm một chút. Ăn thì sắn nhiều hơn cơm, với muối ớt. Viết thì thắp một loại đèn tự làm bằng một lọ dầu măng đã dùng hết, xin được khi đi công tác ở đồng bằng. Nhưng không phải là thắp đèn liên tục, chỉ thắp đèn khi viết, còn lúc ngừng bút suy nghĩ thì lại tắt đèn. Nghĩ ra được ý rồi thì mới thắp đèn lại để viết.

Viết trên một chiếc bàn nứa tự làm. Ghế ngồi là một thân cây vạc bằng, dưới một túp lều nhỏ, che nắng che mưa lợp bằng lá mây, cột bằng lạt giang và dây rừng. “Bức thư làng Mực” viết đầu năm 1963, in trong tạp chí Văn nghệ Quân Giải phóng Trung Trung bộ số 2.

PV: Thế còn về tiếu thuyết “Tiếng khóc của nàng Út”?

Nhà văn Nguyễn Chí Trung: Cũng quãng tháng 4/1962 tôi về vùng Mỹ Diệm chiếm đóng ở Quảng Ngãi, tại thôn Phước Thuận, Bình Sơn, nơi Mỹ Diệm chọn làm thí điểm chiến dịch “tố cộng”. Ngày chui xuống hầm bí mật, đêm đi hoạt động, khuya về nghe các mẹ, các bác, các anh, các chị kể những ngày địch bắt đầu gây ra những cuộc tàn sát đẫm máu. Lâu lâu, tôi lại về căn cứ huyện, nghe các đồng chí đội công tác và cán bộ nói về thời kỳ đen tối khi quân đội và chính quyền ta tập kết ra Bắc. Tôi cùng đội công tác xuống sâu dưới vùng Đông, vùng bầu Man, bầu Trúc, bầu Lớn, bầu Cói, mà trong tiểu thuyết được đặt tên là bầu Ốc. Tôi cũng được nhiều cán bộ ở lại khu V sau tháng 7/ 1954 nói về nỗi đau thời ấy, ta mắc phải sai lầm hữu khuynh, có súng trong tay mà gặp phải lúc giặc vây bắt lại bắn chỉ thiên, để địch trói được và đem bắn. Nhiều cô chỉ mới yêu, chưa làm lễ hỏi mà chờ đợi người yêu xa đằng đẵng. Tôi cũng được gặp gia đình có ông cụ bị Mỹ Diệm chém đầu và bêu thây, địch dẫn ra trường chém vẫn sang sảng đọc thơ:

Thân già nào hết nhục

Thương vận nước gập ghềnh.

Bình Sơn là một cửa ngõ từ đồng bằng lên miền núi. Tôi đã được gặp những người lãnh đạo và các dũng sĩ làm nên khởi nghĩa Trà Bồng, những đồng chí người Kinh, cà răng, căng tai, mặc khố, đầu trần, chân đất, mùa đông ngủ lửa, đội mưa đội nắng làm rẫy, sáng tạo ra chữ viết cho dân tộc Kor, dạy dân biết chữ. Tôi được dự một đêm Khóc Trâu. Đêm Khóc Trâu diễn ra trước ngày lễ Đâm trâu. Lạ lắm. Tình người và nhân nghĩa lắm. Tôi đi dọc triền núi Ngọc Linh ven theo dãy Trường Sơn, đến vùng dân tộc Chăm Roi ở Tây Phú Yên, quê hương lãnh tụ Xăm Brăm, nghe kể về phong trào đi lấy Nước Thần hồi 1935 – 1936 và hủ tục giết người ma – lai. Những ngày lặn lội ấy đã dạy cho tôi những hiểu biết sâu hơn về con người miền núi và đồng bằng Khu V, những đau buồn, những ẩn ức, những thầm lặng, những hy vọng xa xăm một ngày mơ sẽ đến, về tình yêu người nghèo khổ, tình yêu đồng bào dân tộc ít người, về làng và về ngọn lửa âm ỉ cháy trong lòng những người khởi nghĩa, về những chuyện cổ tích, chuyện hòn đá Ông Cốt Cơl hùng mạnh trước thiên nhiên khủng khiếp. Người yêu núi là người có nhân.

Năm 2006, có thời gian dành cho viết văn hơn trước, tôi viết tiểu thuyết “Tiếng khóc của nàng Út”. Nói về cuộc đời một anh cán bộ ở lại tên là Toàn và gia đình của anh, gia đình ông bà On, một gia đình mẹ chiến sĩ, trong những năm phong trào cách mạng khu V đang lâm vào khó khăn, tưởng như bế tắc (chữ bế tắc là chữ khi kiểm điểm về thời kỳ đó Trung ương đã dùng).

Để vượt qua sự tưởng chừng như bế tắc ấy, do bạo lực đàn áp man rợ của Mỹ Diệm gây nên, Toàn và các đồng chí ở miền núi và đồng bằng sáng tạo một điều kỳ diệu: Khởi nghĩa.

Trong những ngày công tác ở Trà Bồng, Toàn yêu một cô gái người dân tộc Chăm Roi bị người làng ruồng bỏ vì cho rằng cô gái nhỏ ấy, nàng Út, là ma lai. Ma lai là con ma ăn người, hình dáng nó là người nhưng nó chính là ma, phải giết nó thì mới trừ được hậu hoạ cho làng. Trong khi lẩn trốn người làng, nàng Út nghe tiếng hát buồn của ông Xăm Brăm, nghe tiếng người rì rầm giữa rừng khuya, đâu đó, nàng thốt lên: Tôi là người, tôi là người, không phải là ma – lai. Nàng Út được ông Thương, người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Trà Bồng cứu sống đem về, khi ông dẫn những người con Trà Bồng vượt qua bao con suối đi lấy Nước Thần ở tận miền tây Phú Yên.

Trong cuộc khởi nghĩa Trà Bồng, Toàn hi sinh.

Nàng Út ngồi bên thân Toàn, tóc buông xoã, mặt xanh xao, đôi mắt to vốn ẩn giấu nỗi buồn mang theo từ xứ sở, đầm đìa nước mắt. Một sợi chỉ trắng cột ở tay Toàn nối với cổ tay Út.

Út khóc – Bầu Cói trời cho để làm ra chiếu thế mà xác cha không có chiếu gói. – Ông lái đò trên sông Trà Bồng nhiều vực, mãnh lưới và thân ông trôi. Hường chết với tâm linh ẩn ức, tưởng chết đi cho mãn một kiếp người nhưng liệu số phận người trên lưng đất có thể tìm được sự mãn kiếp khi còn đó, bọn người – thú đày đọa con người tan nát lương tâm để trở thành phản phúc…

Qua sông rồi phải nhớ lúc chưa qua sông.

Mỗi lần qua một con sông, con suối, tiền hiền lại thắt một nút để nhớ.

– Nhớ để làm chi?

– Nhớ là để cho khỏi quên.

Tiếng khóc của nàng Út là tiếng khóc của đời, của xứ sở về một con người, khổ tận cùng và yêu đau đáu ở một thời bi tráng của dân tộc.

Thân thể Toàn khoả đầy mái tóc dày của Út nóng ran và lạnh buốt. Mây vẫn trôi đó, trên bầu trời lam tím mà đêm chưa qua”. *

Có người nào viết văn và làm thơ mà không khóc.

PV: Hai tác phẩm “Bức thư làng Mực” và “Tiếng khóc của nàng Út” có phải là tác phẩm tâm đắc nhất của nhà văn không?

Nhà văn Nguyễn Chí Trung: Có lẽ thế.

PV: Thế còn những tác phẩm sau và các tác phẩm đang dang dở của nhà văn?

Nhà văn Nguyễn Chí Trung: Như đã trình bày, có người viết văn nào mà không khóc. Tiếng khóc là tiếng riêng của con người. Tiếng khóc đi suốt một đời người lương thiện.

Song, tiếng khóc chào đời, nói cho cùng, là tiếng khóc sinh học. Lớn lên, bởi cảm nhận đau đớn và hạnh phúc, con người khóc. Tiếng khóc từ thuở đó là tiếng khóc nhân sinh. Mãi mãi, cho đến ngày nhắm mắt, tôi biết ơn cha mẹ, bạn bè, cháu chắt, Đảng kính yêu, nhân dân và người chiến sĩ – anh bộ đội Cụ Hồ, đồng nghiệp văn chương gần xa, đã cho tôi hiểu đặng vui buồn và khát khao chân lý, khóc với đời với giấy, từng trang…

Tác phẩm nào viết ra cũng gửi gắm ở đó tấm lòng và hi vọng.

PV. Cảm ơn những chia sẻ của nhà văn, chúc ông sức khoẻ để có nhiều tác phẩm mới đến với bạn đọc!

Hiền Nguyễn (thực hiện)

___________________

* Trích tác phẩm


Exit mobile version