Nhà văn Kao Sơn được nhiều bạn đọc nhỏ tuổi biết đến với tác phẩm Khúc đồng dao lấm láp, Xúc xắc… Nhưng trong cuộc thi “Vượt qua sợ hãi” ông góp mặt bằng một tác phẩm với giọng văn của miền Tây sông nước và nhà văn đã chia sẻ về sự thay đổi này với báo điện tử Tổ Quốc.


Các tác giả đoạt giải cuộc vận động sáng tác dành cho thiếu nhi 2012-2013

Viết bằng giọng Nam bộ vì mê mảnh đất miền Tây

PV: Thưa nhà văn Kao Sơn, được biết ông sinh ra và lớn lên ở miền Bắc, cụ thể là mảnh đất Ninh Bình. Thế nhưng vì sao khi tham dự Cuộc vận động sáng tác Thiếu nhi, thuộc dự án Hỗ trợ Văn học Thiếu nhi của Hội Nhà văn Đan Mạch, do Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức năm 2012 – 2013 với chủ đề Vượt qua sợ hãi, ông lại có tác phẩm “Trăng vàm cọp” đoạt giải nhì mang đậm phong cách văn chương Nam Bộ?

Nhà văn Kao Sơn: Đúng là tôi sinh ra và lớn lên ở miền Bắc. Nhưng từ năm 2009 cả gia đình tôi đã chuyển vào Sài Gòn sinh sống. Trước đó tôi đã tham gia Cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi 1999-2000 của Nhà xuất bản Kim Đồng và tác phẩm Khúc đồng dao lấm láp được giải A.

Nhưng lý do chính là khi vào công tác ở miền Nam, tôi được trung tâm kiến trúc miền Nam mời đi làm tư vấn “Ảnh hưởng của văn hoá trên kiến trúc” thì tôi có điều kiện được đi đến một số nơi ở miền Nam, trong đó có miền Tây. Tôi mê mảnh đất miền Tây ghê lắm, đặc biệt là Cà Mau, vừa hoang dã, vừa hào sảng lại vừa có chút gì đó như kiểu giang hồ, nhưng con người sống thì tuyệt vời. Tôi thích lắm. Và có lẽ không cứ văn học thiếu nhi, mà trong các sáng tác mới tôi sẽ dành nhiều thời gian viết về miền đất này.

PV: Có một thực tế khá thú vị nữa là, trong nhiều cuộc thi văn học dành cho thiếu nhi thì các tác giả phía Nam thường được giải cao. Phải chăng vì thế mà ông viết truyện ngắn này với giọng miền Nam để dễ được giải hoặc chí ít là sẽ có may mắn được giải?

Nhà văn Kao Sơn: (Cười) Ồ không có chuyện đó đâu. Cảm xúc của miền đất mới vừa đặc biệt, vừa mới lạ nên nhân dịp cuộc thi tôi cũng muốn thử sức. Tôi muốn viết về vùng đất Nam bộ chứ không phải vì viết về miền đất này sẽ may mắn được giải.

PV: Nghĩa là vì yêu quý miền Tây – một vùng đất nhà văn mới được biết đến mà sáng tác của ông sẽ dành phần nhiều viết về miền Tây hay là ông cảm thấy với tác phẩm này thì phải có giọng điệu Nam bộ mới thích hợp?

Nhà văn Kao Sơn: Tôi muốn thử sức một thủ pháp nghệ thuật để phù hợp với chất văn chương của Nam bộ, đặc biệt của miền Tây nó hơi ảnh hưởng của văn hoá cải lương. Hơn nữa, tôi có cảm giác là chất văn của tôi hình như hợp với chất văn Nam bộ. Khi sử dụng ngôn ngữ Nam bộ với loại đề tài thế này dường như tôi nói được nhiều hơn.

PV: Thế còn các sáng tác khác mà không dành cho thiếu nhi của nhà văn Kao Sơn có bị ảnh hưởng chất giọng miền Nam không?

Nhà văn Kao Sơn: Nói chung là tôi không rạch ròi sáng tác cho thiếu nhi hay không mà trong các tác phẩm văn học của tôi thì hầu như tác phẩm nào cũng có nhân vật là thiếu nhi. Bởi vì tôi nghĩ thế này, khi mà thực sự sáng tác văn học thì nhân vật chỉ là phương tiện thôi chứ không cứ khi viết cho thiếu nhi nhân vật chính là thiếu nhi thì người lớn không đọc được và ngược lại. Với một tác phẩm văn học lớn vẫn có thể nhân vật chính là thiếu nhi. Mà tôi rất thích viết cho thiếu nhi nên sẽ tiếp tục viết cho thiếu nhi.

PV: Nhà văn Kao Sơn là một trong số rất ít những nhà văn của Hội Nhà văn Việt Nam tham dự và được giải. Theo ông thì lợi thế của một nhà văn từng viết cho thiếu nhi khi tham dự một cuộc thi là gì và tại sao các nhà văn tham dự lại không nhiều?

Nhà văn Kao Sơn: Đúng là hình như không có nhiều nhà văn tham dự cuộc thi. Nhưng tham dự cũng… sợ chứ! Cuộc thi này là Vượt qua sợ hãi mà. Nói chung là ít nhiều tôi cũng có băn khoăn. Vì dù sao tôi cũng là người có chút danh rồi, đã từng dự thi và đoạt giải nhất rồi. Lần này mà thi nữa, nhất là lại thi cùng “các cháu” ít tuổi, hoặc mới cầm bút thì cũng hơi… băn khoăn. Nhưng sau đó thì tôi nghĩ lại và cho rằng, đó chỉ là cái cớ rất nhỏ thôi, thoáng qua thôi. Còn cái chính vẫn là làm thế nào để viết một tác phẩm văn học xúc động cho bạn đọc chứ không cứ là thi với ai.

PV: Giả sử nhà văn Kao Sơn không được giải thì sao?

Nhà văn Kao Sơn: Thì cũng… hơi ngượng thật!

PV: Nếu thế thật, ông có dám nói với mọi người, bạn bè thân quen rằng: tôi cũng tham dự cuộc thi viết cho thiếu nhi này đấy, nhưng mà tôi không được giải, có thể sáng tác của tôi kém hơn những người được giải và tò mò thử đọc các giả được giải xem họ viết thế nào không?

Nhà văn Kao Sơn: Tôi có nói ra hay không thì mọi người đều biết cả mà.

PV: Không, nhưng rõ ràng chính ông nói ra thì tính chất sẽ khác là không nói ra mà mọi người tự biết chứ?

Nhà văn Kao Sơn: Nói chung cái đấy chỉ là phụ thôi. Cái chính là chủ đề cuộc thi nó có gợi cho mình hay không, gây cho mình chú ý hay không, làm cho mình xúc động hay không. Nếu mình cảm thấy cái đó phù hợp với điều mình sắp nói, muốn nói thì tham gia thôi. Các nhà văn tham dự ít có thể vì lý do, điều họ muốn nói, sắp nói không nằm trong chủ đề thôi.

PV: Trong bản tổng kết cuộc thi, nhà văn Trần Đức Tiến có nhận xét “cách sử dụng ngôn ngữ Nam bộ của tác giả chưa thật chuẩn”, nhà văn có nhận thấy đúng không?

Nhà văn Kao Sơn: Tôi sẽ sửa chữa. Vì dù sao tôi vẫn là anh nhà văn miền Bắc. Tất nhiên bây giờ ngôn ngữ hai miền có sự giao lưu nhiều nhưng tôi vẫn muốn truyền tải cái đặc trưng của ngôn ngữ miền Tây Nam bộ.

Trong quá trình viết, còn một vài từ chưa thật chuẩn thì dần dần tôi sẽ khắc phục.

PV: Là một nhà văn từng có nhiều giải thưởng, như giải Truyện ngắn báo Văn nghệ, giải thi thơ Lục bát báo Văn nghệ, giải của UBTQ Liên hiệp các Hội VHNT, trong đó có cả giải thưởng về văn học thiếu nhi. Ông có cho rằng mảnh đất Nam bộ sẽ mang đến cho văn chương của mình thêm khởi sắc?

Nhà văn Kao Sơn: Tôi vẫn cho rằng, đất văn chương là miền Bắc chứ không phải miền Nam.

Văn học làm theo mẫu là triệt tiêu văn học

PV: Vâng, bây giờ xin quay trở lại tác phẩm được giải nhì của nhà văn Kao Sơn – “Trăng Vàm Cọp”. Tác phẩm viết về một cô bé vượt qua nỗi sợ, vượt qua bài tập làm văn mẫu trong sách để viết trung thực bằng cảm xúc của mình. Cuối cùng bài văn đã được cô giáo đánh giá cao. Có thể khẳng định câu chuyện là một bài học sâu sắc, lại có tính thời sự trong bối cảnh giáo dục, văn học trong nhà trường. Vậy xuất phát từ đâu mà nhà văn viết “Trăng Vàm Cọp”?

Nhà văn Kao Sơn: Thực ra tôi có ấn tượng mà là ấn tượng xấu với cách thức dùng văn mẫu trong nhà trường. Toán hay Lý có thể làm mẫu nhưng văn thì không thể làm mẫu. Tôi nghĩ cực đoan như thế không biết đúng không. Do nữa là các thầy cô giáo hiện nay trong ngành giáo dục biết tới văn học còn hơi ít. Hồi trước, khi còn công tác ngoài Bắc, tôi được mời đến một số trường để nói chuyện với sinh viên và các thầy cô giáo dậy văn. Và tôi khám phá ra một điều rằng, các thầy cô giáo đọc rất ít. Thực tế ta thấy là văn học được truyền tải đúng chất của văn học thì trong nhà trường làm rất yếu. Cùng với nhiều ảnh hưởng tác động đến đã tạo nên một thói quen xấu học theo mẫu, làm theo mẫu. Văn học mà làm theo mẫu là triệt tiêu văn học. Đọc tác phẩm của anh cũng giống như của tôi thì đọc làm gì. Cái này là tôi rất bức xúc. Cuộc thi này là cơ hội, là dịp để tôi được nói thôi.

PV: Ông có suy nghĩ này từ trước hay đúng dịp diễn ra cuộc thi?

Nhà văn Kao Sơn: Tôi bức xúc lâu lắm rồi, chứ không phải đến cuộc thi này mới bức xúc.

PV: Tức là nhà văn muốn thông qua truyện này để nói về một phần thực trạng giáo dục văn học trong nhà trường, với hi vọng phần nào làm người trong cuộc thức tỉnh, có cách ứng xử khác để cho văn học trong nhà trường có cơ hội phát triển?

Nhà văn Kao Sơn: Tất nhiên là tôi mong muốn thế. Nhưng tôi sợ nó cũng hơi to tát vì giữa mong muốn với thực tế lại khác nhau thì sao.

Nguồn: Toquoc