Bộ ba hoàn hảo

Tác giả Ngọc Linh

Các bạn nhỏ thân mến, ở thành phố nơi tôi đang sống thì một con mèo hay một con bò, thậm chí là một con cuốn chiếu thích đi dạo dưới ánh sao, cũng được phép đưa ý kiến trước hội đồng thành phố. ở đây tôi hoàn toàn hài lòng với cuộc sống của mình. Và tên tôi là Chichi Bé Nhỏ.

Cái đận cầm tờ vé số trên tay, trước sự chứng kiến của Mèo Mimi và Cún Kiki, tôi đã hứa như sau:

“Vì đây là khoản tiền tiết kiệm chung, nếu trúng giải, hẳn nhiên, tớ sẽ chia ba!”.

“Còn nếu không muốn chia ba, cậu hãy hứa là mỗi ngày bắt đủ ba con chuột với số đo chiều dài đuôi là mười hai centimet trên một con trong suốt cuộc đời cậu!” – Mèo Mimi nói lớn.

“Được, tớ đồng ý!” – Tôi đáp.

Tôi suýt ngất xỉu khi nhìn lên màn hình ti vi, từng con số của giải đặc biệt trùng khớp hoàn toàn với từng con số được ghi trên tấm vé đang nằm trong tay tôi đây.

Quỷ thần ơi, nho khô và bích quy ơi, tôi đã trúng giải đặc biệt rồi!

Tôi như rơi vào trạng thái chân không, không biết có giống cảm giác của các nhà du hành vũ trụ khi rời trái đất? Hay tôi đang mơ nhỉ? Trừ phi tôi có thói quen ngủ đứng!

Bạn có cho rằng tôi tham lam hay không, khi tôi bỗng chợt nghĩ mình cần làm gì để giấu cho kỳ được việc trúng xổ số với Mèo Mimi và Cún Kiki? Phải chăng khi người ta nhận ra mình sắp giàu, người ta lại thường tham lam hơn?

Dẫu sao tôi cũng đã hứa, nếu trúng giải đặc biệt sẽ chia đều số tiền thưởng, còn nếu không muốn chia thì tôi phải chấp nhận điều kiện mỗi ngày bắt đủ ba con chuột với số đo chiều dài đuôi là mười hai centimet trên một con trong suốt cả cuộc đời của tôi, một việc quá sức tưởng tượng.

“Này, cậu làm gì mà cứ há hốc mồm ra thế?”

Giọng nói đầy chế giễu của Mèo Mimi làm tôi giật thót, cái giống nhón chân nhẹ như lá bay này thật biết cách dọa người, tôi vội vàng nhét tờ vé số vào túi, quay lại với nụ cười trìu mến:

“Mimi đấy hả, chà, cậu không đi bắt chuột sao, hôm nay rểnh rang nhỉ!”

Mèo Mimi nghiêng đầu dòm tôi đầy nghi ngờ: “Xưa nay cậu chỉ lôi tớ đi chơi mà có yêu cầu bắt chuột bắt chiếc gì đâu, cậu lạ lắm, Chichi Bé Nhỏ!”

Mèo Mimi ngồi trên hai chân sau, cái đuôi cong cong ngoe nguẩy vẻ suy nghĩ. Nó vẫn nghiêng đầu dòm dòm làm tôi thấy xấu hổ, trời ạ, lần đầu tiên tôi cảm thấy xấu hổ, mà lại là trước một con mèo. Tôi đành cố chống chế:

“ồ, không có chuyện gì đâu Mimi, chỉ là bởi lũ chuột hoành hành, chúng đã ăn cắp mất miếng bánh tớ để phần cậu, mà tớ thì ghét điều đó!”.

Nghe thấy thế, Mèo Mimi nhỏm phắt dậy, nó dướn cong người rất kiểu mèo, ngó ngang dọc và gào tướng lên:

“Đâu, lũ chuột đáng ghét, dám ăn cắp đồ ăn của ta, chúng mày hãy đợi đấy!”.

Nói rồi, chẳng kịp cho tôi ngượng vì lời gian dối của mình, nó đã biến mất.

Có tiếng cào cửa, tôi thở dài, là Cún Kiki, thằng cún huyền đề lưỡi đốm có tư chất bẩm sinh là đánh hơi chẳng lẽ cũng đã đánh hơi thấy sự may mắn của tôi hay sao.

“Cậu có muốn đi chơi với tớ không Chichi Bé Nhỏ?” – Cún Kiki khẽ đẩy cánh cửa, thò đầu vào hỏi tôi.

“Tớ vẫn đang học bài chăm chỉ mà Kiki, cậu không thấy sao?” – Tôi đáp, mồ hôi nhỏ từng giọt.

“Ôi chao thật là chán, chẳng có ai chơi trò ném củi với tớ cả, Chichi Bé Nhỏ!” – Cún Kiki nói với vẻ buồn rầu.

“Xin lỗi Kiki, nhưng tớ đang rất bận đấy!” – Tôi đáp với giọng tảng lờ.

“Thôi được, tớ sẽ đi tìm Mèo Mimi vậy!” – Nói rồi, Cún Kiki quay đít, vừa vẫy vẫy cái đuôi xù bông của nó vừa bước xuống cầu thang.

Cứ thế này thì chẳng chóng thì chày, hai đứa chúng cũng sẽ phát hiện ra mất thôi. Chỉ còn một cách duy nhất, là tôi sẽ lặng lẽ đi nhận giải, rồi ngay lập tức thực hiện ước mơ của mình, với một tỷ đồng có đủ cho một chiếc xe đạp màu hồng có chuông kêu kính coong ở tay lái không?

Tôi hồi hộp bước vào văn phòng trao thưởng thành phố. Một chị gái rất xinh có mái tóc màu hạt dẻ chào đón tôi với nụ cười thân thiện. Sau đó chị gái này lại dẫn tôi đến một căn phòng khác, nơi mà tôi lại gặp một chị gái khác, một chị gái với mái tóc màu nâu sậm, người đưa tôi tới phòng chú giám đốc.

Chú giám đốc có mái tóc bồng bềnh như một thi sĩ, người đã nói với tôi rằng tôi mới mười hai tuổi thôi, và nếu muốn lĩnh thưởng, tôi phải có người lớn đi kèm kia – là những người trên 18 tuổi, là người thân, là người có công ăn việc làm, là người có sức khỏe, và là người có tiếng nói trong gia đình. Và cuối cùng, chú ấy nói: “Phải là một ông bố, giống chú đây này!”.

Tôi ước chi có thể nói với chú ấy, rằng bố tôi trên 18 tuổi, là người thân của tôi, có công ăn việc làm, cũng là người có sức khỏe, duy nhất một điều, bố không phải người có tiếng nói trong gia đình, người đó là mẹ tôi kia.

Bạn có tin rằng nói dối luôn dễ hơn rất nhiều so với việc thú nhận một sự thật? Nếu bạn không nghĩ như vậy thì hãy nhìn tôi mà xem. Tôi, ngay lúc này đây, làm sao để có thể thú nhận với hai đứa tai thính mũi tinh kia rồi nhờ vả sự giúp đỡ của chúng, mà không khiến chúng tự ái?

Dưới gốc tường vi đang nở những chùm hoa rực rỡ, Mèo Mimi và Cún Kiki đang tranh cãi ỏm tỏi về việc một con chuột cống hay một con chuột nhắt, con nào sẽ ngủ lâu hơn. Tôi thì tôi cho rằng cả hai con chuột cống lẫn chuột nhắt đều không thể ngủ lâu hơn Mèo Mimi và Cún Kiki được.

Khi tôi tiến đến và thú nhận tất cả sự thật về cái vé sổ xố, tôi đã nghĩ chúng sẽ gào lên mà mắng mỏ tôi, nhưng lạ thay, không đứa nào có phản ứng gì. Mãi sau, Cún Kiki mới nói:

“Cậu làm tớ phật ý ghê lắm, Chichi Bé Nhỏ!”.

Tôi cúi đầu ngượng ngùng, hóa ra chúng đã biết chuyện xấu xí tôi làm, mãi sau tôi mới thốt nên lời: “Tớ cần sự giúp đỡ của các cậu!”.

Mẹ tôi không hiểu tại sao Cún Kiki và Mèo Mimi lại thích đứng bằng hai chân đến vậy. Rồi khi Mèo Mimi đứng trên vai Cún Kiki thì bà thốt lên: “Mấy đứa mày bị điên hết rồi chăng!”.

Nếu bà mà nhìn thấy chúng tôi cặm cụi bên bàn học của tôi, và bàn chân đầy những móng là móng sắc nhọn của Mèo Mimi phải nắm chặt cái bút chì vẽ con con của tôi nhỉ, hẳn bà sẽ lập tức gọi điện cho cảnh sát mà tống cả ba đứa chúng tôi vào bệnh viện cũng nên.

Cuối cùng, tất cả, tức là cả ba đứa chúng tôi đều đã sẵn sàng hành động.

Trước văn phòng trả thưởng thành phố xuất hiện hai vị khách đặc biệt. Chú giám đốc nhìn chằm chằm vào tôi và người đứng bên cạnh tôi – một người đàn ông nhỏ bé, khoác tấm áo choàng dài tới gót chân, đeo găng tay, mang khẩu trang cùng đôi kính râm gọng xanh nước biển (tất cả những thứ của đứa bé gái mười hai tuổi là tôi).

“Dạ thưa, đây là bố cháu!” – Tôi nói.

“Sao bố cháu không cao hơn cháu là mấy?” – Chú giám đốc hỏi.

“ồ, chú biết không, gia đình cháu đều rất thấp nhé, từ thời cụ kị cháu, rồi đến lượt bố cháu, và bây giờ là cháu, cháu sẽ chẳng cao thêm được phân nào nữa đâu ạ!” –Tôi đáp – “Và bây giờ chú đã biết tại sao người ta lại gọi cháu là Chichi Bé Nhỏ rồi đấy!”.

“Sao bố cháu lại phải đội mũ, đeo kính và bịt mặt như một nin-ja thế kia?” – Chú giám đốc lại hỏi.

“Dạ thưa, bố cháu đang bị bệnh, một căn bệnh có thể lây truyền ngay lập tức nếu bố cháu nói.” – Tôi đáp với giọng nghiêm trọng nhưng hàm chứa sự vui vẻ trong đó.

“Ôi trời ơi, chớ có để ông ấy bỏ bịt mặt ra!” – Chú giám đốc vội kêu lên – “Mời ông ký!”.

Lập tức chú ấy đưa cho “bố” tôi một tờ giấy, một chiếc bút. “Bố” tôi thò tay trái ra, rồi vội rụt lại, và thò tay phải ra, và rõ ràng chú giám đốc đã rất ngạc nhiên khi nhìn thấy “bố” tôi mang găng tay giữa trời nóng nực thế này. Nếu nhìn thấy những ngón tay tí xíu và có móng vuốt sắc nhọn của “bố” tôi, hẳn chú ấy sẽ còn kêu lên mà rằng: “úi chà, bệnh tình của ngài quả vô cùng nặng!”.

Người ta đưa chúng tôi một cái túi rất nhiều tiền, hoặc tôi cho là thế, vì tôi đã từng phải mang một cái túi tiền nào bao giờ. Tôi vác cái túi trên vai, đi một quãng rồi bước vào một ngõ vắng, “bố” tôi lộ nguyên hình, đống thời trang khác thường của “bố” tôi đã nằm dưới đáy thùng rác, giờ chỉ còn là tôi, Mèo Mimi và Cún Kiki đang rảo bước. Để khích lệ tinh thần, chúng tôi quyết định mua cho mỗi đứa một que kem phủ đầy là sô cô la. Đến nỗi, miệng tôi có một vòng nâu nâu dấp dính, còn hai đứa kia thì nhuộm nâu cả bộ ria mép.

Chúng tôi vừa đi, vừa ăn, lại vừa bàn bạc rằng với số tiền này hẳn sẽ mua được ối thứ cho mà xem.

“Chiếc xe đạp màu xanh có chuông kêu kính coong ở tay lái, chà, hết ý nhé!” – Tôi thích chí ra mặt.

“Tớ có thể mua một con chuột bằng bông ấy nhỉ!” – Mèo Mimi vừa “ắt xì” vừa nói.

“Thế còn khúc xương của tớ thì sao, nó cũng có thể bằng cao su lắm chứ?” – Đến lượt Cún Kiki.

Khi chúng tôi đang vô cùng phấn chấn với những ước mơ sắp thành hiện thực, chợt ai đó vỗ nhẹ lên vai tôi, chưa kịp định thần, tôi đã thấy nhẹ bỗng sau lưng, rồi tay vụt tuột một thứ gì đó mà tôi nghĩ là nó quý giá.

“Cái… cái… tu… túi… úi!” – Đó là tất cả những gì tôi có thể làm được lúc đó. Hết ngó Cún Kiki lại quay sang Mèo Mimi.

Nếu nhà bạn có nuôi chó và mèo, hay chí ít chỉ cần nuôi một trong hai con tai thính mũi tinh đó thôi, tôi tin chắc các bạn sẽ không thể không nhận ra khả năng nhạy bén kỳ diệu của chúng. Và trong khi tôi vẫn còn đang ú ớ cái câu nói thông báo mất cắp, thì Mèo Mimi và Cún Kiki đã vút lao đi, đuổi theo tên cướp đáng vào tù kia rồi.

Tên cướp chạy vào một ngõ tối, hai hiệp sĩ đuổi cướp vẫn bám gót phía sau. Tên cướp rẽ trái, hai hiệp sĩ rẽ trái, rồi tên cướp rẽ phải, hai hiệp sĩ vẫn kiên trì bám đuổi rẽ phải. Cuối cùng, tên cướp chạy theo lối thẳng. Bất cứ ai đã từng nghiên cứu về giống chó và mèo cũng thừa hiểu, chỉ có kẻ ngốc nhất đời mới chạy trốn một con chó hay một con mèo theo đường thẳng.

Đấy, tôi nói đố có sai!

Đầu tiên là Cún Kiki đuổi kịp tên cướp.

Không một lời chào hỏi lịch sự, Cún Kiki đã xồ tới và táp ngay một miếng đáng đời vào bắp chân trái gã. Gã rú lên, rồi ngã khuỵu xuống.

Đúng lúc đó, Mèo Mimi nhảy phốc tới, dùng bàn chân đầy vuốt nhọn tát một cái như trời giáng giữa mặt tên cướp. Gã rú lên tiếng thứ hai, vội vàng quăng túi tiền xuống đất rồi cố nhỏm dậy mà chạy thục mạng. Tôi tin, gã đã nhận được một bài học thích đáng.

Tôi chạy tới nơi thì mệt đến bở hơi tai, hai người anh hùng liền nói:

“Cậu chả được tích sự gì cả!”.

Tôi khịt mũi, lấy làm đôi chút hổ thẹn, có điều, tôi cũng không còn hơi sức đâu mà tự vấn bản thân, vì tôi vừa chợt nhận ra giờ thì cả ba đều không biết chỗ mình đang đứng đây là chốn nao.

“Đầu tiên là rẽ trái, rồi rẽ phải, rồi đi thẳng…” – Cún Kiki nói.

“Không, đầu tiên là rẽ phải, rồi đi thẳng…” – Mèo Mimi phản đối.

“Không, đầu tiên là rẽ trái…” – Cún Kiki vẫn khăng khăng.

“Không, phải rẽ phải, rồi đi…” – Mèo Mimi gào lên.

Ôi dào ôi, tôi thở dài, mặc kệ hai đứa tai thính mũi tinh ấy đứng đó mà cãi nhau, còn tôi, tôi quyết định sẽ đi thẳng, rồi rẽ phải, rồi rẽ trái! ấy thế là chúng liền lập tức bám gót theo sau tôi.

Trời đã sẩm tối.

Điều khiến tôi lo lắng vô cùng, là tôi đâu có xin phép mẹ về muộn thế này, đã đến giờ ăn tối và hẳn rồi tôi sẽ phải rửa tai mà nghe mẹ tôi mắng. Nhưng, có một chuyện còn đáng lo hơn, là hình như, chúng tôi đã bị lạc đường – đó là một cụm từ kinh khủng hơn bất cứ sự kinh khủng nào mà lũ trẻ con như chúng tôi dám nghĩ đến.

Lúc này, trước mặt chúng tôi là một con ngõ tối, chỉ mờ mờ chút ánh sáng lọt qua khe cửa một vài căn nhà đã lên đèn. May thay tôi có đồng bọn nên cũng vững dạ lắm, buồn cười một nỗi, chỉ có hai đứa đồng bọn với tôi là không vững dạ khi chúng cứ cãi nhau mãi về cái quyết định rẽ trái hay rẽ phải chúng không làm theo, mà lại chạy theo tôi, nhiều tới mức khiến tôi phát bực và hẳn nhiên, đừng hòng tôi chịu quay lại để thử rẽ một bên nào nữa. Và thế là, ba đứa tôi vẫn hiên ngang – thật ra là lùi lũi đi trên con đường lờ mờ ấy.

Chúng tôi cứ đi mãi như thế, cho đến khi một vài ngôi sao bắt đầu thức giấc và bật những chiếc đèn nhấp nháy không đủ để soi sáng đường cho một con cuốn chiếu đang dạo chơi trên một hòn đá nhỏ. Đúng lúc ấy, giữa không gian im ắng, vang lên những tiếng khóc nghẹn ngào làm tôi giật mình, đứng lại và dỏng tai nghe ngóng. Hai đứa thính tai cũng dỏng tai và ngó nghiêng. Tiếng khóc từ một căn nhà phía trước, cách chúng tôi vài bước chân. Chúng tôi lại gần.

Một căn nhà nhỏ, và dù trời đã tối nhưng tôi vẫn nhận thấy sự cũ kỹ và nghèo nàn của nó. Tường bao lở từng mảng lớn như miếng pho mát đầy lỗ, cửa được ghép từ những tấm ván tạm bợ chỉ khép hờ. Ngó qua khe cửa, tôi nhìn thấy một người đàn ông và một người phụ nữ ngồi nơi bậc thềm. Người phụ nữ hai tay ôm mặt, tiếng nấc nghẹn ngào. Người đàn ông lặng lẽ phả khói thuốc. Ôi dào, tôi lẩm bẩm, chắc lại chuyện của những người lớn như bố và mẹ tôi, bạn biết đấy, ngay tối qua thôi, khi bố tôi chỉ ăn một miếng củ cải trong bữa ăn tối, mà sau đó mẹ tôi đã khóc lóc và nói rằng bố tôi chê thức ăn mẹ nấu, và rằng ngày mai mẹ sẽ đi về nhà bà ngoại cho mà xem, để bố con tôi tha hồ ăn món khác!

Đúng lúc định quay đi, tôi bỗng nghe thấy tiếng trẻ con khóc ré trong căn nhà nhỏ, và rồi người phụ nữ lại bật lên những tiếng nấc nghẹn ngào.

Có vẻ Cún Kiki đã biết rõ về tính tò mò của tôi, nó liền khẽ kéo tay tôi. Nó chỉ cho tôi một đoạn hàng rào râm bụt thấp lè tè, tiếp giáp với bức tường bao lở. Chúng tôi cùng nhẹ nhàng lách qua đoạn hàng rào vô hại ấy, cùng nhẹ nhàng tiến tới phía sau căn nhà, nơi cánh cửa sổ đang hé mở. Tôi nghiêng mặt, ghé mắt ngó vào. Phía trái, tôi nhìn thấy bộ bàn ghế cũ kỹ, một cái giường bề bộn chăn màn như người ta ngủ cả ngày ở đó. Ngoài ra không còn cái gì có thể được gọi là quý giá.

Tôi lại ghé nhìn qua phải, ánh mắt chợt dừng nơi đó, nơi khiến trái tim tôi bỗng thảng thốt.

Trên chiếc giường nhỏ, một thằng nhóc gầy còm, ốm yếu đang thiêp thiếp ngủ, nhìn nó tôi cũng khó có thể đoán được là nó đã mấy tuổi, năm hay bảy tuổi, chỉ là một thằng bé gầy còm, ốm yếu. Mắt nó nhắm nghiền, hơi thở khó nhọc. Trên hai cánh tay gầy nhẳng, những vết bầm tím như vết mực đang loang ra. Thằng bé chợt giật mình, mặt nó nhăn lại, chắc là đang mê ngủ, và làm rơi chiếc chăn nhàu nhĩ xuống đất. Tôi đã suýt kêu lên khi nhìn thấy trên hai đùi nó, những vết bầm tím đã trở nên sậm màu, trông như khúc gỗ được người ta đổ mực đen lem luốc. Tôi không hay nó bị bệnh gì, và chắc chắn không phải căn bệnh như tôi đã từng gán cho ông bố giả của tôi.

Thằng bé nằm đó trong tiếng thở khò khè chầm chậm thoát ra từ cái cổ họng cũng chỉ bé như cổ tay tí xíu của tôi, dưới ánh sáng lờ mờ của chiếc bóng đèn bám đầy mạng nhện. Bấy giờ trong cái đầu non nớt của tôi đã hiểu nguồn cơn tiếng khóc của người mẹ, khói thuốc của người cha, cũng như sự tồi tàn trong căn nhà mà chúng tôi đang đứng từ ngoài dòm vào.

Một suy nghĩ thoáng qua nhanh hơn tia chớp, nhưng lại bám chặt và mọc rễ trên vỏ não nhỏ bé khiến tôi quay ngoắt lại nhìn Cún Kiki và Mèo Mimi, chúng cũng đang dòm vào căn phòng ấy như tôi. Như chợt nhận ra ngọn lửa nhỏ đang nhảy nhót trong mắt tôi, chính là cái điều đã nảy sinh trong óc tôi, chúng bỗng ôm chặt cái túi tiền và lùi thật xa.

“Tớ không thích chuyện này tí nào, chúng ta nên rời khỏi đây Ki ạ!” – Mèo Mimi nói.

“Tớ cũng nghĩ thế Mi ạ, đến giờ ăn tối rồi!” – Cún Kiki đáp.

Rồi chúng dợm bước đi, còn tôi chỉ đứng im, nhìn chúng và không nói một lời.

“Thôi được rồi, thôi được rồi, tớ không phải là kẻ xấu tính, tham lam, tớ cũng không phải kẻ thấy chết mà không cứu, nhưng tớ tiếc số tiền này lắm lắm!” – Mèo Mimi kêu lên.

“Và tiếc cả sức đuổi theo tên cướp nữa!” – Cún Kiki đế thêm.

Mèo Mimi nhận nhiệm vụ đột nhập vào nhà, cũng may cửa sổ đã gãy mất một chấn song nên chúng tôi cũng dễ dàng đưa cho nó túi tiền. Mèo Mimi nhẹ nhàng đặt cái túi phía đuôi giường thằng bé. Lúc tần ngần đặt cái túi xuống, nó lấy hai chân trước đập nhè nhẹ lên cái túi như đang chia tay một đứa bạn.

“Chào mày!” – Nó nói.

“Tạm biệt mày!” – Nó lại nói.

Sau đó, bằng sự lẹ làng của giống mèo, nó leo ra ngoài cửa sổ không một tiếng động. Chỉ đến khi ra tới ngoài, nó mới gào tướng lên ba tiếng “Meo meo meo”.

Ngoài rặng dâm bụt, chúng tôi nhìn thấy người cha đang mở tung cánh cửa sổ ngó ra ngoài bóng tối, người mẹ đang ngồi bên cạnh đứa con trai, đưa tay vuốt nhẹ đôi chân còm cõi của nó. ánh mắt bà chợt dừng lại nơi cuối giường, tiếp đó là ánh nhìn sửng sốt đặt vào cái túi lạ. Khi hai vợ chồng mở cái túi, họ hết nhìn nhau, lại nhìn đứa con ốm yếu, lại nhìn ra phía cửa sổ, nơi bóng tối đang phủ dày đặc. Họ ôm nhau, cùng cười rồi cùng khóc, nhưng không còn não nề như lúc nãy mà nó tựa những tiếng reo vui.

Chúng tôi bước đi, chẳng cần tiếp tục chứng kiến những gì tiếp theo.

“Thế là may!” – Mèo Mimi như hiểu lòng tôi, nói.

“Cảm ơn Mèo Mimi!” – Tôi đáp.

“Hừ, may là may cái chuyện dẫu sao chúng ta cũng đã tiêu chút tiền cho mấy cái kem sô cô la!” – Nó cằn nhằn, còn tôi thì phì cười.

Vẫn có chút tiêng tiếc, nói không tiếc hẳn bạn sẽ chẳng tin tôi đâu, nhưng tôi thấy lòng mình thật nhẹ nhàng, như kiểu tôi là vua và nắm cả thế giới trong tay. Tôi còn cố đoán hai đứa đi bên cạnh có nghĩ như thế hay không.

“Chúng ta lại trắng tay!” – Mèo Mimi nói.

“Chúng ta sẽ tiếp tục mua xổ số chứ?” – Cún Kiki hỏi tôi.

“Chắc chắn rồi, dẫu sao tớ vẫn thích một chiếc xe đạp màu cam và có chuông kính coong, chà, thật hay hết ý!” –Tôi đáp giọng phấn khích.

“Còn tớ vẫn mê lên được con chuột bằng bông ở cửa hàng cuối phố!” – Mèo Mimi hào hứng nói.

“Tớ cũng thế, khúc xương năm ngoái cậu tặng tớ đã bị lũ chuột cắn nham nhở mất rồi!” – Cún Kiki thở dài, “Tất cả là tại cậu đấy, Mimi, ai bảo cậu không đi bắt chuột nào!”.

Và thế là lập tức, hai đứa chúng nó lại tranh cãi với nhau về việc một con chuột nhắt và một con chuột cống, con nào sẽ ngủ lâu hơn.

Chúng tôi bước đi vô định hướng, sao trên trời nhiều vô kể và sáng lấp lánh, hẳn là con cuốn chiếu sẽ thoải mái mà đi dạo, còn chúng tôi thì vẫn cứ bị lạc đường. Nhưng chỉ lát sau, chúng tôi đã nhận ra con đường quen thuộc nơi ba đứa ăn những chiếc kem phủ đầy sô cô la mát lạnh. Có lẽ đó là điều kỳ lạ nhất mà chúng tôi vừa mới nhận ra.

Tối đó tôi về quá muộn, và hẳn không cần nói, các bạn cũng đã biết, bà mẹ nào cũng giống bà mẹ nào, nên tôi dù bị lãnh tới ba roi vì tội lang thang đến giờ này mới chịu về thì vẫn được một cái ôm xiết trong vòng tay của mẹ.

Chúng tôi đã mấy lần thử mua xổ số nhưng vẫn chưa trúng thêm lần nào. Hai đứa tai thính mũi tinh kia thì vẫn bám gót tôi mỗi ngày.

Chỉ duy nhất một điều, là không bao giờ chúng tôi nói lại câu chuyện của ngày hôm đó, hoặc thảng tìm lại cái ngõ nhỏ tối tăm nơi có căn nhà tồi tàn và thằng nhóc ốm yếu, mà lại xem như thể chưa từng xảy ra chuyện gì, như thể đó là một bí mật của ba đứa tôi, hay một bí mật của riêng tôi, mà thôi.

Có lẽ hai đứa kia cũng nghĩ như vậy.

(Nguồn: Văn nghệ số 46/2012)