TÁC PHẨM “CHÂN LÝ VÀ HƯ CẤU” CỦA NGÔ HƯƠNG GIANG

PGS. TS. Hồ Thế Hà
Trường Đại học khoa học – Đại học Huế

 

Văn hóa là khái niệm bao trùm mà nội hàm của nó là sự kết tinh những giá trị vật chất và tinh thần của một dân tộc, và rộng ra là của toàn nhân loại trong tiến trình lịch sử. Những thành tựu hiển minh của văn hóa, trong đó, có văn học, nhất định sẽ hiện ra có tính chân lý và quy luật. Trong thời đại toàn cầu hóa và số hóa hiện nay mà Thomas L. Friedman đã khái quát một cách hình tượng là thế giới phẳng (flat world), thì những gì thuộc về tinh hoa tư tưởng và văn hóa của nhân loại phải được toàn nhân loại nhận thức và tiếp biến. Đó là quy luật để tồn tại và phát triển của mỗi dân tộc, nếu dân tộc đó không muốn mình bị lạc hậu. Tiếp biến một cách khoa học và thông minh trên cơ sở nền tảng văn hóa riêng của mỗi dân tộc để xác định và mô hình hóa nhữngthành tựu của thế giới thành đặc sắc riêng, mô hình riêng, lý thuyết riêng của mình là ý hướng khả thi để xác lập vị trí độc lập và sự đóng góp tri thức khoa học của mỗi dân tộc vào thành tựu chung của nhân loại.
Công trình Chân lý và Hư cấu của Ngô Hương Giang chính là một trong những nỗ lực mới mẻ nói trên trong quá trình tiếp biến hệ hình lý thuyết thế giới về văn hóa và văn học vào quá trình tri nhận, định hướng nghiên cứu văn hóa – văn học Việt Nam theo tầm đón đợi hiện đại; đồng thời, bước đầu tổng kết những nghiên cứu về lý thuyết Mỹ học và Văn học nước ngoài. Vì vậy, những nội dung bản chất của công trình như: Vấn đề nhận thức luận văn học, Chân lý và hư cấu văn học, để từ đó, quy chiếu vào mục tiêu cụ thể Đường về lý thuyết và thực tiễn văn học Việt Nam…được tác giả đặt ra và giải quyết một cách khoa học với một văn phong luận lý triết – mỹ sắc sảo nhằm gợi mở hướng đi cho thực tiễn sáng tạo và nghiên cứu văn học Việt Nam theo ý hướng tính của mình… 
Chân lý và Hư cấu của Ngô Hương Giang còn gợi mở những đồng cảm và đồng vọng trao đổi học thuật nhằm tái tri nhận những vấn đề thuộc về triết học – mỹ học – văn học của những tác gia và tác phẩm cụ thể thuộc quá khứ gần và quá khứ xa… Đây là một công trình đầy suy tư và thao thức của một nhà khoa học trẻ tự tin và thiết tha hiểu biết, khám phá những giá trị khoa học.

***


Thông tin về sách:
Tên sách: Chân lý và Hư cấu
Khổ sách: 14,5 * 20,5 cm
Số trang: 300 trang
NXB: Khoa học xã hội

Bìa: Nguyễn Anh Vũ.

Sách gồm 3 chương chính và một chương phụ lục:


Chương 1: Vấn đề nhận thức luận mỹ học và văn học


Từ điểm đứng trong triết học, chủ thể tính hướng tới xác lập những vấn đề căn bản của nhận thức luận mỹ học và văn học, từ bản thể nhận thức mỹ học hiện đại tới thực hành nhận thức mỹ học ấy vào văn học, từ nhận thức sáng tạo như là đặc trưng cấp nghĩa ý chủ định về đối tượng đến nhận thức phê bình như là sự cho nghĩa, bung phá các kinh nghiệm hiểu được chủ thể diễn giải dựng lên trên ý nghĩa mà chủ thể sáng tạo phóng xuất trên văn bản.


Chương 2: Chân lý và Hư cấu văn học


Vấn đề chân lý trong văn học vẫn luôn là “hoài niệm” nhức nhối của các lý thuyết gia văn học. Chân lý ấy là chân lý của hiện thực hiện hữu hay là chân lý của hư cấu tinh thần, của sử tính tâm hồn? Đặt ra vấn đề ấy, chủ thể tính kèm theo ý thức truy vấn nghiêm túc về bản chất của lịch sử văn học, về những ngộ nhận giữa hình thức vận động văn học với đặc trưng kiến tạo tư duy về ngôn ngữ văn học. Lịch sử văn học giờ đây không phải là lịch sử của các sự kiện văn học, mà là sự vận động của tính sự kiện văn học xuất hiện trong khoảnh khắc chủ thể sáng tạo tư duy về hiện hữu thông qua các mệnh đề tư tưởng từng được dựng lên trước đó. Từ việc chỉ ra những giới hạn của tư duy lý luận truyền thống về lịch sử văn học, chúng tôi xem việc đánh giá về lịch sử văn học nằm ở sự nhìn nhận đúng đắn bản chất của chân lý văn học thực chất là chân lý của hư cấu văn học xuất hiện trong các biến cố ngôn ngữ mà chủ thể sáng tạo dựng lên cùng tính chủ đích về nó. Chân lý ấy là chân lý của sử tính tinh thần, chứ không phải là chân lý của vận động thời gian từ các trào lưu, khuynh hướng văn học.


Chương 3: Đường về lý thuyết và thực tiễn văn học Việt Nam


Từ nhận thức luận mỹ học và văn học, rồi rẽ ngược vấn đề sang truy cứu về bản chất chân lý của hư cấu, chúng tôi xem việc tìm hiểu, soi chiếu những lý luận đã phác khảo ở chương 1, 2 vào thực tiễn văn học [Việt Nam] là cần thiết. Sự cần thiết của việc “đưa vào” ấy thể hiện ở chỗ: thứ nhất, lấy thực tiễn để chứng minh cho lý luận là căn bản để khẳng định tính xuyên suốt và đặc trưng khả dụng của logic tư biện; thứ hai, mục đích của việc nghiên cứu lý thuyết nước ngoài, xét đến cùng cũng nhằm nhận thức đầy đủ những điểm thiếu và yếu của nền văn học Việt Nam, để từ đó tìm hướng đi cho thực tiễn sáng tạo văn học, nhằm lấp đầy những khoảng trống đó.


Chương Phụ lục: Những thân phận của tinh thần khoa học.


Với việc chọn ra bốn thân phận của tinh thần khoa học khởi từ Trần Đức Thảo tới Brentano rồi qua Wittgenstein, Günther Anders, chương này nhằm làm rõ những
điều kiện’ dẫn đến suy tư và thức nhận của các triết gia mà tư tưởng của họ đã ảnh hưởng hoặc có ảnh hưởng quan trọng đối với tiến trình tư tưởng nhân loại thế kỷ 20 và 21. Chính vì tư tưởng của các triết gia trên thường bắt đầu từ một cảnh huống đời sống nhất định (La Condition de l’homme), cho nên, cả đời họ thường không thoát khỏi các cảnh huống định mệnh quy chiếu tư tưởng đó, đưa họ trở thành những con người “khổ vì trí tuệ hoặc trở thành các bi kịch trí thức. Hành trình ý thức ý hướng của những thân phận tinh thần ấy từ lúc mở ra cho tới khi khép lại đã sống trọn ý nghĩa của hai từ thân phận – Lưu lạc và tha hương với chính mình.

Exit mobile version