Trong số các tác giả trẻ thế hệ 7x lớn lên ở Quảng Ninh, cho đến nay, Uông Triều (tên thật là Nguyễn Xuân Ban) có vẻ như đã thực sự khẳng định được mình một cách rõ nhất. Tập truyện ngắn đầu tay của anh (tập “Đôi mắt Đông Hoàng”- Nxb Hội Nhà văn, 2010) vừa ra mắt đã gây được sự chú ý của độc giả. Ngoài ra, vào dịp 30-4-2012, anh đã được báo Văn nghệ chọn là mười gương mặt văn xuôi tiêu biểu sinh sau năm 1975. Và trước đó, Báo Văn nghệ số tết Nhâm Thìn cũng đã chọn truyện ngắn của anh vào top ten tặng thưởng truyện ngắn hay nửa chặng đầu cuộc thi truyện ngắn của Báo Văn Nghệ. Hiện anh đang phụ trách trang văn học nước ngoài ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội…


– Quê gốc ở Hải Dương, nay lại đang sống và làm việc ở Hà Nội, nhưng bút danh thì là Uông Triều (ghép tên địa danh sông Uông ở Uông Bí với tên huyện Đông Triều). Xem ra vùng đất Quảng Ninh khá là “nặng lòng” với bạn?

+ Tôi sinh ra, lớn lên ở Đông Triều và dẫu bây giờ đang làm việc tại Hà Nội thì trong nhận thức của tôi, tôi vẫn luôn là người Quảng Ninh trên mọi phương diện. Hiện thời, tôi vẫn giữ hộ khẩu Quảng Ninh, vẫn luôn trả lời rằng mình là người Quảng Ninh, kể cả giữ nguyên biển số xe. Tôi không có ý định trở thành người Hà Nội, người Hà Nội không đồng nghĩa với có sổ hộ khẩu. Quảng Ninh là quê hương tôi, cha mẹ tôi vẫn ở đó. Hàng ngày tôi vẫn đọc báo Quảng Ninh, xem truyền hình Quảng Ninh. Tôi vẫn hò reo khi thấy một em học sinh phổ thông Quảng Ninh đoạt giải nhất Olympia; vẫn cau mày tức tối khi nghe ai nói Quảng Ninh quá bụi và bẩn. Tôi nghĩ mỗi người sinh ra đều có một vùng đất của mình, tính cách của mình, ngôn ngữ của mình mà sau này có đi đâu, làm gì cũng khó phai nhạt hay tẩy rửa đi được. Về văn chương cũng vậy, Quảng Ninh cho tôi những xúc cảm đầu đời, là nơi bồi dưỡng tâm hồn tôi. Mảnh đất vùng Đông Bắc luôn cho tôi niềm cảm hứng sáng tạo và cho tôi cảm giác yên bình mỗi khi nghĩ về nó…

– Vậy hiện nay ở Hà Nội cuộc sống của bạn như thế nào? Công việc ở Tạp chí Văn nghệ quân đội có làm bạn hài lòng không?

+ Tôi xa Quảng Ninh đã gần 2 năm, công việc và gia đình đều tốt. Riêng về cơ quan nơi tôi công tác, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, thì tôi có thể tự hào nói rằng nếu cần một môi trường văn chương chuyên nghiệp ở Việt Nam không có nơi nào tốt hơn. Chúng tôi có đủ các điều kiện cần thiết, về truyền thống (có rất nhiều nhà văn danh tiếng như: Nguyễn Minh Châu, Nguyên Ngọc, Trần Đăng Khoa, Hữu Thỉnh…), về thời gian và không gian được tạo điều kiện tối đa và các nhà văn cũng không phải quá lo lắng về điều kiện kinh tế. Chúng tôi thường nói với nhau rằng ở Văn nghệ Quân đội mà không viết được cho ra hồn thì chỉ nên trách mình thôi.

– Người ta nói Quảng Ninh là vùng đất rất lạ, ấy là nơi “xuất phát điểm” của nhiều tài năng VH-NT. Nhưng rất nhiều trong số đó chỉ “thành danh” sau khi đã ra đi… Bạn nghĩ gì về điều này?

+ Tôi cũng thường nghe mọi người nói về điều này! Và tôi nghĩ, có thể đó là do “địa linh sinh nhân kiệt” chăng? Bởi nếu nói về mặt khoa học thì nơi đây có đủ yếu tố địa lý cần thiết: biển rừng, sông suối, đồng bằng, khoáng sản, khí hậu ôn hoà; các yếu tố xã hội là lịch sử, vị trí địa chính trị, kinh tế, tâm linh… nên nhờ đó mà mầm mống văn nghệ có cơ hội phát triển chăng? Còn khi rời Quảng Ninh mà mới thành danh ư? Điều này ta nên nói thật với nhau, đã có một thời chúng ta chưa thực sự khuyến khích và trọng dụng người tài khi họ đang ở giai đoạn tiềm năng và có hướng phát triển tốt. Tôi cũng từng muốn ở Quảng Ninh nếu được tạo điều kiện thuận lợi. Nhân điểm này tôi lại nhớ đến truyền thống của Văn nghệ Quân đội mà các bậc đàn anh thường nói: “Chúng tôi luôn mong muốn tuyển những người giỏi hơn mình về làm việc và tạo điều kiện thuận lợi nhất.” Tôi về Văn nghệ Quân đội mà không “mất mát” bất cứ thứ gì, vì thế mà chúng tôi rất tôn trọng nhau và thoả sức sáng tạo. Quảng Ninh về kinh tế đã là một trong những tỉnh mạnh nhất của cả nước, về văn hoá văn nghệ, chúng ta hoàn toàn có thể làm được điều tương xứng. Tôi nghĩ rằng điều quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người. Liệu chúng ta đã thực sự muốn và có những giải pháp cụ thể để quy tụ những người có tài để cống hiến cho cái chung chưa? – Đó là một vấn đề cũng đáng suy nghĩ đấy chứ?

– Là người từng ở đây, nay đã ra đi, đến một nơi mà bạn nói là “môi trường văn chương chuyên nghiệp nhất Việt Nam” hiện nay, vậy bạn có nhận xét gì về đời sống văn nghệ ở Quảng Ninh? Cái nhìn của bạn về vấn đề này có gì khác so với hồi bạn đang ở Quảng Ninh? Và trong bối cảnh chung của cả nước, các cây bút Quảng Ninh, nhất là các cây bút trẻ, theo bạn thì như thế nào?

+ Quảng Ninh là tỉnh được nhắc đến trên bản đồ văn nghệ cả nước, nhưng hình như chưa có gì thật đột biến mạnh mẽ khiến cho mọi người phải ngỡ ngàng như cách người ta vẫn trầm trồ về kinh tế. Gần đây, văn nghệ sĩ Quảng Ninh nhận được nhiều sự quan tâm thiết thực, đúng nghĩa hơn, thật đáng mừng và cũng chúc mừng những bạn bè văn nghệ sĩ của tôi ở Quảng Ninh. Đi xa thì nhìn về chắc khách quan và nói thật hơn. Tôi thấy các cây bút trẻ Quảng Ninh bắt đầu có những khích lệ đáng kể, ví dụ như Đinh Phương và Cao Nguyệt Nguyên đã có thành công bước đầu. Đinh Phương được nhận vào Hội Văn nghệ Quảng Ninh, Cao Nguyệt Nguyên cũng có những tác phẩm được đánh giá tốt và nhiều bạn trẻ khác nữa. Đó cũng là điều mừng cho giới trẻ Quảng Ninh. Nếu làm được nhiều hơn như thế thì càng tốt. Tôi cũng mong rằng các bạn trẻ hãy nghĩ rộng và xa hơn một chút, đừng bao giờ cho rằng cứ quẩn quanh chiếu sáng bên cái “ao nhà” là đủ…

– Còn với cá nhân mình, bạn có những trăn trở và những dự định gì trong “nghiệp viết” của mình?

+ Sắp tới tôi sẽ tái bản tập truyện ngắn “Đôi mắt Đông Hoàng” và trong năm nay sẽ ra mắt tiểu thuyết đầu tay “Bản Quỷ” sau nhiều lần trì hoãn. Tôi cũng đang viết tiếp tiểu thuyết mới và tiếp tục dự thi truyện ngắn trên báo Văn nghệ…

Tôi tâm niệm phải tập trung sức lực để viết được một cái gì đó có ý nghĩa như các bậc đàn anh đã làm. Tôi rất kính trọng các nhà văn lớp trước ở Quảng Ninh như Lý Biên Cương, Trần Nhuận Minh, Dương Hướng… Những bậc đàn anh đó luôn là tấm gương để chúng tôi phấn đấu hướng tới.

– Xin cảm ơn Uông Triều về cuộc trò chuyện rất cởi mở này!


Nguồn: QNCT

Exit mobile version