Hoàng Thị Diệu Thuần không phải là cây bút đầu tiên được biết đến nhờ kỳ tích vượt lên số phận. Văn chương chị viết ra cũng không phải quá thành thạo, trau chuốt. Nhưng những điều Diệu Thuần viết ra lại đủ sức lay động bất cứ ai, khiến cho người đọc tin rằng: Cuộc sống đích thực còn những điều kỳ diệu.

Với ý chí sắt đá và tinh thần lạc quan, Diệu Thuần đã nhìn thấy những trang tươi sáng
của cuộc đời

Món quà của số phận

Trước khi ra mắt tác phẩm mới nhất “Muôn ánh mặt trời”, Hoàng Thị Diệu Thuần được biết đến là một “cô gái hướng dương”. Bởi cô gái này có một sức sống mãnh liệt, một tinh thần lạc quan đến phi thường giống như loài hoa hướng dương luôn tìm đến ánh mặt trời. Phát hiện mắc phải căn bệnh ung thư máu từ khi mới 18 tuổi, khi vừa trở thành cô sinh viên của Đại học Quốc gia Hà Nội, Diệu Thuần phải gác lại tất cả để tập trung chữa bệnh. Từ một cô gái nhỏ nhắn, xinh xắn, hồn nhiên, vui vẻ, Diệu Thuần phải trải qua những tháng ngày đau đớn, vật vã trong bệnh viện, với những đợt xét nghiệm, truyền hóa chất, chọc tủy… triền miên. Tuy nhiên, ngay cả khi đã bị đẩy vào hoàn cảnh khiến con người ta kiệt quệ về ý chí nhất, cô gái này chưa bao giờ đầu hàng số phận. 

Nếu như cuốn sách đầu tiên của Diệu Thuần “Như hoa hướng dương” ghi lại quá trình 7 năm đấu tranh với tử thần thì “Muôn ánh mặt trời” lại là một chương khác của cuộc đời Diệu Thuần – suy tư của cô trong thời gian điều trị ghép tủy. Năm 2012, Diệu Thuần nhận được đề nghị ghép tủy khi đang điều trị tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương. Với một cô gái đã 7 năm chống đỡ với căn bệnh hiểm nghèo, cơ hội giành giật sự sống vẫn còn hết sức mù mờ, thì đây như một ước mơ có thật. Nhưng ghép tủy cũng đối mặt với nguy cơ thất bại và chi phí cho phẫu thuật cũng rất cao. Trong khi, gia đình cô gần như đã kiệt quệ sau thời gian dài chữa chạy cho cô con gái nhỏ. Tuy nhiên, với niềm tin sắt đá và với những vòng tay giúp đỡ, ca ghép tủy đã thực hiện thành công và cô gái Nghệ An đã nhìn thấy những trang tươi sáng của cuộc đời.

Hành trình tìm “khu vườn hạnh phúc”

Nếu nói cô gái này lúc nào cũng kiên định, lạc quan và mạnh mẽ thì không đúng. Bởi bất cứ ai rơi vào hoàn cảnh như Diệu Thuần thì dù có ý chí đến đâu, cũng không thể tránh khỏi những lúc lo lắng, sợ hãi tột độ, thậm chí muốn buông xuôi. Từng nhận mình là “yếu đuối nhất trong những kẻ yếu đuối”, cô gái nhỏ nhắn ấy đã từng rơi vào tuyệt vọng, bị nhấn chìm trong nỗi cô đơn và đau đớn. Cô đã từng “muốn vào viện và chết ở đó” khi chứng kiến những bệnh nhân khác đã rời bỏ tuổi trẻ, rời bỏ gia đình để ra đi. Và Diệu Thuần cũng từng phó mặc cho “lão già số phận” đã phũ phàng ném vào cô căn bệnh quái ác khi chưa đầy 18 tuổi, mà bỏ qua quy luật của đời người là “sinh – lão – bệnh – tử”.

Chuỗi ngày nằm trong phòng ghép chờ diệt tủy của Diệu Thuần là giai đoạn “mắc kẹt trong một thế giới vắng lặng, buồn tẻ”. Ở đó, cô gái 25 tuổi không thể tự ăn uống, đi lại, sinh hoạt, đối phó với cơn co quắp, lở loét, đau đớn đến ngất đi mỗi lần lấy tủy. Từ một cô gái hoạt bát, Diệu Thuần gầy rộc, chỉ còn có 34kg, da sạm đen như bị hun cháy, đầu chỉ còn vài cọng tóc lơ thơ. Nhưng chính trong thời điểm đó, bạn đọc lại thấy hình ảnh một cô gái hồn nhiên, vô tư, hài hước như chưa từng mắc phải căn bệnh hiểm nghèo. Diệu Thuần thậm chí còn ví bộ dạng của mình lúc đó như quái vật Gollum trong phim “Chúa tể của những chiếc nhẫn” và sau bỗng trở thành trò vui cho những y tá, bệnh nhân trong viện.

Và cũng chính trong những dòng hồi tưởng của mình, cô gái tưởng như mạnh mẽ ấy lại bộc lộ những khía cạnh hết sức mong manh, nhạy cảm trong tâm hồn. Những đêm dài đằng đẵng vì mất ngủ khiến cô nghĩ về “khu vườn hạnh phúc” của riêng mình, nghĩ rằng mình vừa hụt mất một mùa thu trong cuộc đời, mà đến cơ hội được chạm, được hít hà những sợi nắng, gió của mùa thu cũng không có nổi…

Chính trong những thời khắc ở trên giường bệnh, Diệu Thuần lại chuyển hóa những cảm xúc của mình thành những dòng nhật ký và bằng thơ: “Tôi nếm trên môi giọt lạnh đầu đông/Thu đã chết thật rồi xác em gầy trên tay tôi xơ xác/Mưa lạnh lùng thấm qua tôi phủ vào mục nát/Khẽ giật mình bởi tiếng gọi hư vô…”. 

Giờ thì Diệu Thuần đang trong quá trình bình phục và trở thành một biên kịch phim hoạt hình. Với Diệu Thuần, được sống, được tự lo cho bản thân, được tham gia các hoạt động xã hội, có thể giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, đã là một may mắn cho cô. Và dù chưa biết tương lai như thế nào, nhưng Diệu Thuần đủ sức đi tiếp con đường số phận. Bởi “thời gian giống như một món quà quý giá mà tôi là một đứa trẻ hiếu động, luôn mong muốn có được nó”.

Theo Mai Anh – An ninh Thủ đô
Exit mobile version