Mặc dù cuộc sống kết thúc quá sớm (khi mới 39 tuổi), song nhà văn Nguyễn Đình Lạp vẫn kịp để lại cho đời những tác phẩm ấn tượng. “Ngoại ô”, “Ngõ hẻm” – hai cuốn sách làm nên thương hiệu Nguyễn Đình Lạp nằm trong số không nhiều những tiểu thuyết được viết và in ra trong thời tiền chiến sau này vẫn được chính quyền cách mạng tiếp tục cho tái bản…
Tìm hiểu một số dữ kiện liên quan tới cuộc đời Nguyễn Đình Lạp, chúng tôi rất bất ngờ và thú vị khi biết, trong những năm đầu thập niên 50 (của thế kỷ trước), ông đã cộng tác khăng khít với một số cán bộ, chiến sĩ Công an nhằm thu thập tư liệu để viết nên cuốn truyện “Chiếc vali trên tàu Amyot d’Inville” (được Ty Công an Hà Nội xuất bản năm 1951). Đây là một trong những tác phẩm văn học sớm nhất viết về chiến công lừng lẫy này của Lực lượng Công an và đây được xem là sáng tác cuối cùng của ông.
Được biết, ngày 19/9/2013, tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam (số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội) sẽ diễn ra lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhà văn Nguyễn Đình Lạp. Xin được xem bài viết dưới đây như một nén tâm nhang thành kính tưởng nhớ tới một nhà văn từng có những gắn bó mật thiết với Lực lượng Công an…
Một gia đình vinh hiển
Khi tìm hiểu những thông tin liên quan tới nhà văn Nguyễn Đình Lạp, điều mà tôi ngạc nhiên trước nhất chính là truyền thống gia đình của ông. Có thể nói, không chỉ mình Nguyễn Đình Lạp nổi tiếng, mà một số người thân của ông cũng thuộc diện những người nổi tiếng, thậm chí rất nổi tiếng. Ông nội nhà văn là cụ Nguyễn Đình Phúc, một nhà chí sĩ từng tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. Chú ruột nhà văn là nhà cách mạng tiền bối Nguyễn Phong Sắc, một trong những Ủy viên Trung ương đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương (hiện ở Hà Nội có một đường phố mang tên nhà cách mạng Nguyễn Phong Sắc). Ngay như em gái ông, bà Nguyễn Thị Tuyên cũng từng trở thành “Nàng Thơ” của thi sĩ Nguyễn Bính, tên bà đã được “mã hóa” trong một bài thơ của Nguyễn Bính. Theo bạn bè cùng thời với Nguyễn Bính cho biết, trong bài thơ “Diệu vợi”, làm lời kẻ thất tình, Nguyễn Bính đã hốt nhiên thốt lên một cái tên: “Tôi tưởng rồi tôi quên được người/ Nhưng mà nản lắm, Tú Uyên ơi!/ Tôi vào sâu quá và xa quá! Đường lụt sương mờ lụt lá rơi…”.
Bình thường, nếu đọc mấy câu trên, bạn đọc sẽ nghĩ Tú Uyên là một cái tên thật, và người con gái đó hẳn phải có quan hệ sâu nặng mức nào mới khiến thi nhân đủ “can đảm” đưa tên công khai như thế. Sự thật thì đấy chỉ là một “bí danh” do Nguyễn Bính tách ra từ chữ Tuyên. Chưa dừng ở đó, trong bài “Người con gái ở lầu hoa”, Nguyễn Bính còn “mã hóa” nơi ở của cô gái qua hai câu thơ: “Nhà nàng bên gốc cây mai trắng/ Trên khóm mai vàng dưới đế kinh”. Theo như Nguyễn Bính giải thích với một người bạn thì nàng Tuyên nhà ở phố Bạch Mai (bấy giờ được coi là một xóm ngoại ô của Hà Nội), vậy “Nhà nàng bên gốc cây mai trắng” chẳng là Bạch Mai là gì? Còn “Trên khóm mai vàng” thì đúng là Hoàng Mai. “Dưới đế kinh”, tức… dưới phố Huế.
Nhà văn của những phận nghèo
Nhiều người đã biết, Vũ Ngọc Phan là một nhà phê bình văn học khó tính. Không phải nhà văn sung sức nào thời tiền chiến cũng được ông nhắc tới và có bài bình luận trong cuốn “Nhà văn hiện đại” (xuất bản năm 1942) của ông. Có những tác giả sau này được nhắc nhiều, như các nhà văn Nam Cao, Hồ Dzếnh, song vì lý do nào đó (theo nhà văn Tô Hoài thì tác phẩm của những nhà văn này thường chỉ được in trên những tờ báo “hẻo lánh”, vì thế lúc bấy giờ ít được đông đảo bạn đọc chú ý) đã không có mặt trong bộ sách nghiên cứu phê bình đồ sộ của Vũ Ngọc Phan. Ấy vậy mà với Nguyễn Đình Lạp, Vũ Ngọc Phan đã không bỏ sót. Điều này chứng tỏ ngay từ thời kỳ trước Cách mạng, tự thân Nguyễn Đình Lạp đã là một cây bút gây được sự chú ý trong dư luận. Trong “Nhà văn hiện đại”, tuy số trang mà Vũ Ngọc Phan dành để nói về Nguyễn Đình Lạp có phần “khiêm tốn” hơn so với nhiều tác giả khác, song ở một số điểm, đặc biệt là khi nhắc tới cuốn tiểu thuyết “Ngoại ô” của ông, Vũ Ngọc Phan đã có những lời nhận xét đầy cảm mến: “Một truyện cảm động, nhiều cảnh khổ của dân nghèo ở miền ngoại ô được tác giả tả rất kỹ…”.
Vụ đánh đắm thông báo hạm Amyot d’Inville của Pháp ở ngoài khơi biển Sầm Sơn, Thanh Hóa đêm 26/9/1950 đã được nhà văn Nguyễn Đình Lạp đề cập rất sớm trong cuốn truyện “Chiếc vali trên tàu Amyot d’Inville” do Ty Công an Hà Nội xuất bản năm 1951.
Bùi Hiển – người cùng với Nguyễn Đình Lạp “có mặt” trong bộ sách “Nhà văn hiện đại” của Vũ Ngọc Phan, trong bài viết “Nhà văn của những thân phận hèn mọn” cũng đã có những nhận xét đầy thiện cảm về tiểu thuyết “Ngoại ô”: “Ngoại ô, cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Nguyễn Đình Lạp xuất bản năm 1941 đã gây được chú ý trong dư luận bạn đọc thời ấy. Ngày nay đọc lại, có thể thấy tái hiện phần nào không khí và quang cảnh đời sống của một góc phố Hà Nội…”.
Nhà văn Vũ Tú Nam, nhân đọc lại những phóng sự Nguyễn Đình Lạp in trên một số tờ báo thời 1937-1938, đã có những nhận xét khái quát về khuynh hướng sáng tác của bậc đàn anh: “Cái thời thanh niên thành thị bị mê hoặc bởi lối sống “vui vẻ trẻ trung”, Nguyễn Đình Lạp đã biết lo cho tương lai của tuổi trẻ lạc đường, biết thương xót những người dân nô lệ và nghèo khổ”.
Như vậy, chỉ với một vài trích dẫn trên, ta có thể thấy, các tác phẩm văn học, báo chí của Nguyễn Đình Lạp đã được nhìn nhận một cách thỏa đáng, với những đánh giá trân trọng từ chính các nhà văn tên tuổi.
“Duyên nợ” với Lực lượng Công an
Như ở phần đầu bài đã nói, Nguyễn Đình Lạp là một nhà văn có nhiều kỷ niệm gắn bó với ngành Công an. Trong tập hồi ký “Nhớ bạn”, nhà giáo – nhà văn Nguyễn Lương Ngọc đã kể câu chuyện: Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ở khu vực núi Nưa, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa, theo gợi ý của một số cán bộ công an, Nguyễn Đình Lạp đã giả vào vai thủ lĩnh nhóm… thổ phỉ để cùng với một số cán bộ, chiến sĩ của ta giăng bẫy, nhử bọn phản động “liên tôn chống cộng” báo cho máy bay Pháp thả dù tiếp tế vũ khí đạn dược cho… ta (vì chúng nghĩ đây là lực lượng chống phá chính quyền kháng chiến). Cấp trên của ta sau khi biết vụ việc đã không tán thành cách làm này, cho rằng dễ lẫn lộn thật – giả, gây hoang mang trong dân chúng. Với Nguyễn Đình Lạp, đây quả là một kỷ niệm sâu sắc với những người bạn Công an.
Tuy nhiên, kỷ niệm lớn nhất – gắn với những hiệu quả công việc cụ thể – phải kể tới những tháng ngày Nguyễn Đình Lạp phối hợp với các cán bộ, chiến sĩ Hà Nội thu thập tài liệu để viết về một số gương điển hình của lực lượng Công an. Đó là vào năm 1951. Cuốn truyện vừa “Chiếc vali trên tàu Amyot d’Inville” (thường được gọi tắt là truyện “Chiếc vali”) kể lại tấm gương hy sinh vì nghĩa cả của nữ điệp viên Nguyễn Thị Lộc (tên thật của chị ở ngoài đời là Nguyễn Thị Lợi), người đã phối hợp với các đồng đội mang mật danh A13, A14, A15 đánh đắm thông báo hạm Amyot d’Inville của Pháp ở ngoài khơi biển Sầm Sơn, Thanh Hóa vào mùa thu năm 1950 đã được ông hoàn thành trong thời gian này. Rất tâm đắc với nội dung mà tác giả đề cập, đặc biệt là sự cảm kích trước gương hy sinh dũng cảm của người liệt nữ, đích thân luật sư Nguyễn Mạnh Tường – một trí thức lớn – đã viết lời tựa cho cuốn sách.
Xung quanh chuyện sưu tầm tư liệu để tái bản cuốn sách này, bà Bạch Liên – vợ nhà văn Nguyễn Đình Lạp đã có những nỗ lực đáng trân trọng.
Nhà văn Nguyễn Đình Lạp ngã bệnh và mất tại Quân y viện 32 ở Thanh Hóa khi tuổi đời còn rất trẻ, mới 39 tuổi. Do hoàn cảnh chiến tranh ly tán nên nhiều tác phẩm của ông bị thất lạc. Riêng với cuốn “Chiếc vali trên tàu Amyot d’Inville”, vì suốt mấy chục năm trời, bà Bạch Liên chỉ nghe nói chứ chưa bao giờ tận mắt nhìn thấy cuốn sách (được Ty Công an Hà Nội xuất bản năm 1951), bởi vậy, đã không ít lần bà tìm đến Sở Công an Hà Nội, đến Phòng lưu trữ của Bộ Công an. Nghe bà trình bày, các đồng chí phụ trách ở đây rất cảm thông, đã hứa tìm hộ bà ở Bảo tàng của Bộ. Rất may, ở đây có một bản lưu cuốn sách. Và thế là, chính bản sách đó đã giúp bà Bạch Liên biên soạn, làm nên bộ sách “Nguyễn Đình Lạp tác phẩm” khá đầy đặn mà nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin đã cho ấn hành quý I – 2003, nhân dịp kỷ niệm 90 năm Ngày sinh của nhà văn.
Nguồn: VNCA