Nhà văn Anh Đức qua đời vào khoảng 21h ngày 21/8 tại TP HCM vì tuổi cao sức yếu. Ông hưởng thọ 79 tuổi.

Nhiều năm qua, nhà văn Anh Đức không còn sáng tác vì tuổi cao và bệnh nặng. Ông từng trải qua nhiều trận ốm thập tử nhất sinh. Tối 21/8, sau thời gian nằm bệnh, nhà văn không qua khỏi.

Nhà văn Anh Đức, tên thật là Bùi Đức Ái, sinh năm 1935 tại Châu Thành, An Giang. Từ khi còn trẻ, Bùi Đức Ái rời gia đình, vào chiến khu tham gia kháng chiến. Năm 1953, ông được điều về làm ở báo Cứu Quốc Nam Bộ. Ông được trao giải thưởng Văn nghệ Cửu Long trong giai đoạn này. Người đầu tiên được coi là đã phát hiện ra năng khiếu văn học của Bùi Đức Ái là nhà văn Đoàn Giỏi.

Nhà văn Anh Đức.

Thời gian sau, khi tập kết ra Bắc, ông tiếp tục viết văn và được gặp, tiếp xúc với nhiều nhà văn lớn cùng thời tại Hà Nội. Giai đoạn này, nhiều nhà văn nổi tiếng góp phần truyền đạt kinh nghiệm giúp đỡ và góp ý bản thảo cho ông. Trong số đó, cố nhà văn Nguyễn Huy Tưởng là người kèm cặp khá sát tác giả miền Nam.

Đi nhiều, tiếp xúc nhiều, với vốn sống và trải nghiệm phong phú, Anh Đức có các tác phẩm để lại dấu ấn của một cây bút miền Nam. Văn của ông đậm đà hương sắc về cảnh vật và con người của vùng đất phương Nam, như:Một truyện chép ở bệnh viện (chuyển thể thành phim Chị Tư Hậu với diễn xuất của Nghệ sĩ Nhân dân Trà Giang), Hòn Đất (được lấy làm kịch bản cho phim truyện Chị Sứ), Người khách đến thăm vườn nhà tôi, Cái bàn bỏ trống, Miền sóng vỗ, Bức thư Cà Mau, Giấc mơ ông lão vườn chim, Đứa con của đất… Ông nhận được các giải thưởng: Giải nhất truyện ngắn của tạp chí Văn nghệ (1958), giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu (truyện, 1965), giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học – Nghệ thuật, đợt hai, năm 2001.

Nhà văn Anh Đức từng làm Tổng Biên tập tạp chí Văn Nghệ Giải Phóng, Ủy viên Ban thư ký Hội nhà văn Việt Nam, Ủy viên Ban thư ký Hội nhà văn TP HCM, Tổng Biên tập tạp chí Văn, Ủy viên Đảng đoàn Hội Nhà văn Việt Nam các khóa hai và ba, đại biểu quốc hội khóa thứ bảy…

Các tác phẩm văn chương của ông được trích giảng dạy trong nhà trường ở các bậc học phổ thông và đại học nhiều năm liền như: Một chuyện chép ở Bệnh viện, Bức thư Cà Mau, Hòn Đất, Giấc mơ ông lão vườn chim…

 

Bạch Tiên

Nguồn: vnexpress.net

Exit mobile version