Cách đây khoảng mươi năm về trước, Tằng A Tài đã là một gương mặt thơ trẻ khá nổi trên văn đàn thi ca Quảng Ninh. Trong thơ Tằng A Tài, núi đồi, nương rẫy và con người miền núi hiện ra đầy khắc khoải. Tất cả được cất lên với một giọng điệu thơ đôn hậu, giàu trực cảm…
– Thế nhưng sao dạo này cái tên Tằng A Tài bỗng dưng “mất hút” vậy? Hay anh đang ấp ủ những ý tưởng lớn lao hơn…?
+ Đúng là thời gian gần đây thơ tôi ít xuất hiện thật. Lâu lắm rồi tôi không gửi thơ đăng báo. In thành sách lại càng không. Còn vì sao ư? Nói ý tưởng lớn lao thì to tát quá, nhưng đúng là tôi đang muốn làm mới mình. Có một dạo tôi lao vào viết một loạt bài với tên chung “Kháng sinh” theo trình tự “Kháng sinh 1”, “kháng sinh 2”… Rồi chẳng hiểu vì sao mà đang tiếp tục viết theo cái mạch này thì bỗng thấy cụt hứng, không tài nào viết nổi nữa. Tiếc quá… mà không biết làm sao được! Nhưng nói là “mất hút” hoàn toàn thì cũng chưa hẳn. Đấy là chỉ trên báo chí thôi, chứ hàng ngày tôi vẫn đưa thơ mình lên facebook như anh thấy đấy. Tôi thấy đưa thơ lên đó vừa cập nhật được ngay lại vừa tạo ra sự tương tác nhanh, hiệu quả. Trang mạng xã hội đã trở thành ngôi nhà, thành một trang nhật ký cá nhân lưu giữ thơ của tôi. Nó tiện hơn việc in sách, vừa tốn kém lại chưa chắc đã hiệu quả. Giới trẻ bây giờ chẳng phải đang rất chuộng thơ trên facebook đó sao?
– Có người nói thơ anh trẻ trung, mang hơi hướng, màu sắc hậu hiện đại. Anh nghĩ thế nào về điều này?
+ Nói thực, đến tôi, tôi cũng chưa hiểu tường tận hậu hiện đại là thế nào, bộ mặt nó ra làm sao! Đây là vấn đề rất khó, còn gây nhiều tranh cãi. Nhưng tôi luôn ý thức là mình phải tự hiện đại hoá thơ mình. Cũng đúng thôi, thơ mà không đổi mới thì người làm thơ cũng sẽ tự thấy chán chính mình. Cái cốt lõi của công việc làm thơ, theo tôi nghĩ, vẫn là để “giải toả” cái nhu cầu nội tại; tôi làm thơ cho chính mình, giãi bày chính mình. Còn chuyện có hậu hiện đại hay không, có giải quyết hài hoà được chuyện vừa mới mẻ vừa tìm được con đường đến với thật nhiều công chúng hay không thì tôi chưa nghĩ đến vội. Mà cũng chưa nên nghĩ xa đến thế (cười)…
– Đọc những câu như “Trong tiếng khóc, tôi gào tên của núi” và nhiều câu thơ khác anh viết, tôi thấy đề tài miền núi dân tộc với sự nghèo khó cứ trở đi trở lại. Anh có thể chia sẻ về điều này?
+ Tất nhiên rồi. Nếu xa đề tài nông thôn miền núi với những sự khó nghèo, những ngấn núi khô cằn, những thửa ruộng bậc thang v.v.. thơ tôi sẽ không còn là thơ tôi nữa. Xa đề tài ấy, tôi sẽ như “người rừng” lạc vào giữa phố phường…
– Trong những câu thơ, bài thơ viết về miền núi của anh, ám ảnh nhất có lẽ là hình ảnh người mẹ, người phụ nữ đang gồng mình đối mặt với cuộc sống khắc nghiệt…?
+ Gồng lên quá đi chứ. Trước thiên nhiên hùng vĩ thì con người trở nên bé nhỏ. Càng bé nhỏ lại càng muốn khẳng định tầm vóc của mình. Đó có thể là mẹ tôi hay bao bà mẹ miền núi khác. Tôi viết về mẹ tôi, người phụ nữ vất vả, tất tả cả đời nuôi sáu anh chị em chúng tôi. Với tôi, mẹ tôi, gia đình tôi và thơ ca là nơi bình yên để tâm hồn tìm về…
– Tôi nhớ, có một bài báo đăng báo Tuổi trẻ, nói rằng: đời sống công chức làm cho thơ anh mất đi vẻ hồn nhiên… Anh có nghĩ vậy không?
+ Cũng có thể. Nhưng đấy dù sao cũng chỉ là nhận định của một người. Tôi tôn trọng mọi ý kiến của người khác. Nhưng tôi nghĩ, cái cốt lõi làm nên thơ tôi có lẽ chẳng bao giờ mất đi được. Nó hiện ra lúc đậm lúc nhạt, lúc ẩn sâu vào bên trong tiềm thức. Có lẽ, nếu được trở về quê chăn trâu, cắt cỏ thì tôi lại viết được những câu thơ như kiểu ngày xưa chăng?(cười)…
– Anh là một nhà thơ từng khẳng định mình từ thời còn khá trẻ. Vậy nếu nhìn nhận về thơ trẻ Quảng Ninh hôm nay, anh sẽ nói gì?
+ Có một thực tế là lực lượng làm thơ trẻ ở Quảng Ninh hôm nay mỏng hơn viết văn. Tôi cũng không biết rõ là tại sao nữa. Nhưng có lẽ hiện thực đời sống sôi động ở Quảng Ninh khiến thơ không “tải” hết mà người ta phải tìm đến văn xuôi chăng? Và lực lượng viết thơ trẻ thì lại chưa có chiều sâu. Mà cũng thật khó khi đòi hỏi các bạn ấy viết sâu cho được khi mà cuộc sống còn có quá nhiều cái người ta phải quan tâm ngoài thơ ca…
– Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này. Chúc anh tiếp tục có những bước đi vững chắc trên “con đường thi ca” đã chọn…
Phạm Học (thực hiện)
QNCT