Trung tâm Bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du – Hội Nhà văn, tổ chức lớp bồi dưỡng lí luận phê bình văn học. Tập hợp nhiều cây bút làm lí luận phê bình và một số tác giả từ Bắc chí Nam; từ miền xuôi tới miền ngược về hội tụ tại số 9 – Nguyễn Đình Chiểu. Nhà thơ Pờ Sảo Mìn tác giả “Cây hai ngàn lá nổi tiếng”, dân tộc Pa-dí cũng được mời đi học. Thế là xuống núi đi học.

Nhà thơ Pờ Sào Mìn

Quen biết với nhà văn Nguyên An từ lâu, nay lại biết ông làm phó giám đốc thường trực Trung tâm, nhà thơ Pờ Sảo Mìn bèn tìm đến nhà ông, vừa là đến thăm nhau nhân dịp xuống núi, vừa là đến để hỏi xem tình hình học hành thế nào. Tới nhà riêng của nhà văn Nguyên An ở Nghĩa Tân, đang lạc giữa chốn phồn hoa náo nhiệt, bụi bặm, lại thấy đường phố – chỗ gia đình nhà văn Nguyên An – có vẻ yên tĩnh, cây xanh mát mẻ, khác hẳn không khí ngoài kia, nhà thơ bèn ngồi quán nước vỉa hè ngay gần cổng nhà bạn văn, chưa vào nhà vội.

Dáng gầy gầy, đen đen lại có điệu đi như muốn đổ xiêu, đổ vẹo, khoác cái áo chàm dân tộc đã sờn màu, khuôn mặt ngờ nghệch (Chỉ có dáng vẻ ngờ nghệch thôi đấy! Đừng lầm tưởng), ngồi xuống ghế quán nước, nhà thơ nói:

– Chị chủ quán cho mình mượn cái điếu, ăn điếu thuốc.

Hơi giật mình với câu nói lạ, chị chủ quán đưa điếu cho nhà thơ, liếc nhìn kĩ hơn nhân vật này, ngờ ngợ với câu nói lạ. Chị chủ quán lên tiếng hỏi:

– Bác ở đâu mới đến ạ?

Nhà thơ trả lời trong làn khói thuốc lào bằng cái giọng lấp lửng:

– Mới ở trại về.

Hơi run, chị chủ không dám hỏi gì thêm. Lát sau, thấy ông khách lạ vào bấm chuông vào nhà nhà văn Nguyên An, lại ở rất lâu trong ấy. Nói thêm, khu dân phố chỗ gia đình nhà văn Nguyên An vốn an ninh rất tốt nên việc xuất hiện một nhân vật có bộ dạng khác thường, lại nói ăn thuốc, ở trại về khiến cho khu dân phố hôm ấy cảnh giác, mọi gia đình đều có ý đề phòng.

Tối ấy, tình cờ tôi qua thăm nhà văn Nguyên An, thấy anh công an khu vực vào “làm việc” với nhà văn. Anh công an hỏi:

– Phiền bác, bác thứ lỗi, ông khách buổi chiều có quan hệ thế nào với bác?

Nhà văn Nguyên An chỉ tủm tỉm cười.

– Sao anh lại hỏi vậy? Có chuyện gì à?

Anh công an: bác cứ cho cháu biết thân phận của người này cái đã. Và anh thuật lại một hồi toàn bộ lời chị hàng nước và mấy người trông thấy vị khách lạ buổi chiều. Anh công an khu vực cứ hỏi dồn và khuôn mặt trở nên căng thẳng, đúng là khuôn mặt khi thực thi công vụ. Vốn có chút hóm của ông đồ Nghệ, nhà văn Nguyên An tủm tỉm ra chiều bí ẩn, chất hóm của ông đồ Nghệ có dịp được phát huy đây.

Anh công an diễn thuyết một thôi, một hồi nào là: vì an ninh của khu dân cư, nào là đối tượng nghiện thì phải vào diện quản lí. Quan hệ của nhà văn thế nào mà trước nay vốn nghiêm chỉnh, mực thước là vậy, nay lại giao du với đối tượng có sổ đen v.v… Nghe anh công an diễn thuyết một hồi, nhà văn mới lên tiếng.

– Ông ấy là nhà thơ đấy!

Anh công an không tin hỏi vặn lại:

– Nhà thơ sao lại ở trại về mà trông sao kì cục thế? Nhà thơ thì phải khác chứ đằng này ăn mặc thì…, dáng người thì…

Nhà văn Nguyên An cười thật tươi:

– Nhà thơ thật, mà xịn hẳn hoi.

– Bác cứ đùa em – Anh công an sốt ruột.

– Ông ấy là nhà thơ dân tộc.

– Thế thì đúng rồi. Trên dân tộc nghiện là đúng. Chắc trên chỗ ông ấy trồng thuốc phiện nên ông ấy bị bắt đi trại cai nghiện.

Anh công an phân bua rồi hỏi tiếp:

– Vậy ông ấy cai được chưa và ở Hà Nội lâu không? Để chúng em còn lập danh sách quản lí.

Nhà văn Nguyên An lại cười, anh công an lại ngơ ngác, một lát sau, nhà văn mới thủng thẳng giải thích:

– Ông ấy vừa ở trại sáng tác về ghé thăm tôi và xin đi học chứ có nghiện ngập gì đâu mà anh định quản lí.

Anh công an ngớ người, trách:

– Thế mà bác không nói sớm làm em chưa được ăn tối. Từ lúc nhận được tin báo em phục ở cổng nhà bác mấy tiếng đồng hồ.

THUẦN NGUYÊN

ÔNG CỐNG LÀM TRÂU

Có một năm trời làm đại hạn, quan tri phủ Vĩnh Tường sửa soạn cầu đảo và cấm giết trâu bò. Hồ Xuân Hương là vợ quan tri phủ, hôm đó bỗng thấy một lá đơn của một ông Cống mới thi đậu xin phép giết trâu để ăn khao. Bà liền cầm bút phê ngay:

Người ta thì chẳng được đâu

Ừ thì ông Cống làm trâu thì làm

Sau đó, nhân lại thấy một lá đơn hàng tổng xin mổ bò tế lễ, bà liền cũng phê rằng:

Chuẩn y quả việc tế thần

Bằng gian bán thịt bà dần xương ra

Manh lòng dối trá cửa ta

Bà thì chọc tiết không tha một thằng

CÂU ĐỐI HÀNG PHÂN

Một hôm gần tết, Lê Thánh Tôn vi hành ra phường phố xem xét dân tình. Khi đi qua một nhà kia, thấy cửa ngõ quạnh hiu, bèn ghé vào thăm hỏi. Người chủ nói là mình làm nghề hèn hạ, cho nên tết đến cũng chẳng thiết sắm sửa chi nhiều. Ngài hỏi nghề chi mà nói là hèn hạ thì người nọ đáp là nghề gắp phân. Ngài bèn bảo:

– Can chi điều ấy! Để ta ra cho mấy chữ hơn người!

Nói xong bảo chạy đi mua tờ giấy đỏ rồi viết hai câu:

Ý nhất nhung y, năng đảm thế gian nan sự

Đề tam xích kiếm, tận thu thiên hạ nhân tâm

Dịch nghĩa:

Mặc chiếc áo nhung, đảm đang việc khó thế gian

Cắm ba thước kiếm, thu hết lòng người thiên hạ.

ĐƠN TRÂU

Một hôm ông Nghè Tân đi thanh tra các hạt, khi đến địa hạt Bình Giang, nhân ghé vào một quán hàng nghỉ mát. Chợt một người đàn bà hớt hải đi qua quán hàng, thấy ông ăn mặc nho nhã, liền kể tình cảnh rằng bà có con trâu chết, đã nhờ thầy Lý làm hộ lá đơn khai để nộp tiền chôn trâu, chẳng may bà giắt lưng đánh rơi mất lá đơn, xin ông viết hộ. Ông Nghè Tân hỏi rõ đầu đuôi, mới rõ cái tệ của quan phủ nơi đó: ông này là người xứ Nghệ, ra lệnh rằng cứ ai có trâu chết phải nộp năm quan, còn bò chết phải nộp ba quan mới được phép đem chôn. Ông Nghè Tân liền viết hộ bà lá đơn khác:

Mỗ niên hiệu nguyệt nhật, mỗ phủ huyện tổng xã

Tôi là phận gái nữ nhi

Có con trâu chết, tôi đi trình ngài

Vội vàng, váy trụt đơn rơi

Tôi mượn một người mần cái đơn ni

Quan Tri kia hỡi quan Tri

Xin quan chấp lấy đơn ni làm bằng

Dù quan có hỏi: “Mần răng”

Rồi quan cắn cỏ lạy thằng mần đơn

Người đàn bà kia không biết chữ, nên mới cầm thẳng đến phủ.

Quan phủ xem xong mướt mồ hôi, hỏi cặn kẽ, rồi cho lính đi dò kẻ làm đơn. Đến khi biết là quan thanh tra làm, quan vội vàng đi đón rước, lạy van. Ông Nghè Tân nhiếc quan phủ một hồi, và bắt phải bỏ ngay cái tệ tục ấy, từ giờ trâu bò chết cứ cho chôn, rồi tổng lý sau sẽ trình chiểu, cấm không được vòi tiền.

VỎ QUÝT DẦY

Có một sư tiểu đi cúng làng trên về. Qua cánh đồng gặp cô con gái chăn trâu ở ruộng, nhà sư trông hay mắt, đọc ngay rằng:

Ngưu nữ tại trung điền, nhất luân hướng tiền, nhất luân hậu.

Nghĩa là: “Người trâu ở giữa ruộng, một đồ hướng trước một đồ hướng sau”. Không ngờ gặp cô con gái biết chữ, đối lại một câu, làm cho sư tiểu nhà ta chết điếng:

Sư đệ hành ngoại lộ, lưỡng đầu thùy địa, lưỡng đầu thiên.

Nghĩa là: “Sư tiểu đi ngoài đường, hai đầu cúi xuống, hai đầu chầu lên”.

(Rút từ Văn đàn bảo giám)

 

Theo Hội Nhà văn Việt Nam