Tính đến thời điểm này, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh là cuốn tiểu thuyết Việt Nam được chuyển ngữ và xuất bản nhiều bậc nhất trên thị trường sách quốc tế.

Do đó, Bảo Ninh có đoạt thêm giải thưởng của Hàn Quốc (đương nhiên là nhờ chủ yếu vào tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh) thì cũng không có gì đáng sửng sốt.

Trong lời nói đầu của bản dịch tiếng Hoa Nỗi buồn chiến tranh, nhà phê bình Trung Quốc Diêm Liên Khoa  đã nói, đây là “Tầm cao của văn học chiến tranh phương Đông”, “một sáng tác hiếm có của châu Á trong văn học thế giới”.

“Nỗi buồn chiến tranh” không đồ sộ về số trang in cũng như không phong phú về số nhân vật. Nỗi buồn chiến tranh chỉ xoay quanh số phận của Kiên trong vai trò một người lính nhiều nhiệt huyết, nhiều trăn trở và nhiều mất mát. 

Nỗi buồn chiến tranh xuất hiện đúng thời điểm văn học Việt Nam hào hứng đổi mới và được giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam năm 1991.

Việt Nam trong thế kỷ 20 là một biểu tượng chiến tranh trong mắt bạn bè năm châu. Tác phẩm của Bảo Ninh chỉ mang lại gợi ý khám phá về một dân tộc, nhưng quan trọng hơn là chạm đến số phận con người.

Nỗi buồn chiến tranh ấn tượng ngay chính cái tên. Nếu tiểu thuyết đổi thành Thân phận tình yêu như một dạo, thì chắc chắn giá trị sẽ tụt giảm ít nhiều. Nỗi buồn chiến tranh được nhìn qua lăng kính nhạy cảm của nhân vật Kiên “có lẽ rất ít người cầm bút đương thời nào chứng kiến nhiều cái chết và thấy phải nhiều xác chết đến như Kiên. Vì thế sách anh đầy rẫy tử thi”. 


Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới

Do đó, bạn đọc ở quốc gia nào cũng có thể đồng cảm “nỗi buồn chiến tranh trong lòng người lính có cái gì tựa như nỗi buồn của tình yêu, như nỗi nhớ nhung quê nhà, như biển sầu lúc chiều buông trên bến sông bát ngát”.

Và cũng không quá khó khăn để nhận ra khát vọng của nhân vật Kiên cũng là khát vọng của Bảo Ninh: “Bằng sự trầm mình sâu xa trong hồi tưởng, trong nỗi đau buồn chiến tranh không bao giờ nguôi mà anh sẽ tồn tại đến trót đời với thiên chức là một cây bút của những người đã hy sinh, là nhà tiên tri những năm tháng đã qua đi, người báo trước thời quá khứ”.

Tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh chưa hẳn là một kiệt tác, nhưng ở đó có mẫu số chung gây xúc động cho bất kỳ bạn đọc màu da nào, quốc tịch nào: sự mong manh của từng con người trước mưa bom bão đạn! Chính cái đề tài và những trải nghiệm thực tế của Bảo Ninh được phơi bày, đã làm nên sức quyến rũ cho “Nỗi buồn chiến tranh”.

Dù khen dù chê, dù ghét dù yêu”, thì Nỗi buồn chiến tranh cũng làm được một sứ mệnh mà tác phẩm văn học phải gánh vác: mang đến cho nhận thức không tô vẽ về cuộc sống. Nhận thức ấy có thể là sự hoang mang, và nhận thức ấy cũng có thể là sự đau đớn. Thế nhưng, khi và chỉ khi, nhận thức từ phía công chúng được gõ cửa thì tác phẩm văn học mới có quyền tồn tại!

Những người từng đọc Nỗi buồn chiến tranh sẽ có cách đánh giá riêng. Và suốt một phần tư thế kỷ qua, Nỗi buồn chiến tranh đã tự đi trong nhu cầu thưởng thức của xã hội một cách âm thầm và bền bỉ. 

Không vì có thêm một giải thưởng mà Nỗi buồn chiến tranh được kê cao hơn, hoặc không vì giảm bớt một giải thưởng mà Nỗi buồn chiến tranh sụt giảm vị trí. Một tác phẩm đích thực phải chấp nhận sự đón nhận từ nhiều xu hướng khác nhau, vồ vập hoặc hờ hững, thân thiện hoặc đả kích. Và càng trải qua thăng trầm, thì những suy tư trong tác phẩm càng được bồi đắp, càng được hiển lộ!

Đối với bạn đọc không bị định kiến dẫn dắt, thì Nỗi buồn chiến tranh rì rầm ở sự âu lo “chiến tranh là cõi không nhà, không cửa, lang thang khốn khổ và phiêu bạt vĩ đại, là cõi không đàn ông, không đàn bà, là thế giới thảm sầu vô hạn và tuyệt tự khủng khiếp nhất của dòng giống con người”, và Nỗi buồn chiến tranh cũng nâng đỡ ở sự chịu đựng “ký ức tình yêu và ký ức chiến tranh kết thành sinh lực và thành thi hứng, giúp anh thoát khỏi cái tầm thường bi đát của số phận anh sau chiến tranh”.

Nếu đọc được Nỗi buồn chiến tranh trong trọn vẹn cấu trúc hồi ức của tác phẩm và tinh thần sáng tạo của tác giả, thì chẳng ai còn quan tâm đến giải thưởng lớn nhỏ và thị phi bủa vây cuốn sách.

Nhiều năm qua Nỗi buồn chiến tranh đã bước ra khỏi biên giới như một đại diện ưu tú của văn học Việt Nam. Ngay cả thị trường sách Trung Quốc cũng chào đón Nỗi buồn chiến tranh một cách trọng thị. Nhà văn – nhà phê bình khá nổi tiếng ở đất nước 1,3 tỷ dân này là Diêm Liên Khoa đã không ngần ngại khẳng định Nỗi buồn chiến tranh là “một sáng tác hiếm có của châu Á trong văn học thế giới”. Tất nhiên, ngôn từ ấy không phải đãi bôi ngoại giao. Nhà văn – nhà phê bình Diêm Liên Khoa đã viết lời nói đầu cho Nỗi buồn chiến tranh dịch sang tiếng Hoa với tựa đề “Tầm cao của văn học chiến tranh phương Đông”.

Xin được lược trích vài dòng hào hứng của nhà văn – nhà phê bình Diêm Liên Khoa về Nỗi buồn chiến tranh để tin rằng bụt nhà rồi đến lúc cũng phải thiêng: “Tôi với tư cách là một tiểu thuyết gia đã có đến 26 năm trong quân đội, đọc xong tiểu thuyết này, cảm giác mãnh liệt nhất, đó chính là giả sử ngay từ cuối những năm 80 hoặc muộn hơn một chút vào đầu những năm 90, chúng ta có thể dịch Nỗi buồn chiến tranh sang tiếng Trung giống như Vòng hoa dưới núi của nhà văn Trung Quốc – Lý Tồn Bảo vừa xuất bản hồi đầu những năm 80 đã gần như đồng thời được dịch sang tiếng Việt, thì nhận thức của chúng ta đối với văn học Việt Nam sẽ không đến nỗi phong bế và hạn hẹp như hôm nay”.

Vài nét về giải Sim Hun của Bảo Ninh

Đây giải thưởng văn học mang tên nhà văn, nhà thơ, nhà soạn kịch, nhà ái quốc nổi tiếng xứ Hàn Sim Daeseop với bút danh Sim Hun (1901-1936).

Giải thưởng Sim Hun do Ban Lễ hội Văn hóa Simhun Sangnok sáng lập (Sangnok Tree là tên tiểu thuyết kinh điển của Sim Hun), được trao lần đầu tiên hồi năm 2014, tôn vinh các nhà văn châu Á đã thể hiện mối quan tâm lớn tới hòa bình và công lý thông qua các tác phẩm văn học của mình. 

Các tác giả được ứng cử cho giải thưởng phải có ít nhất 10 năm trải nghiệm cầm bút và đã xuất bản được một tác phẩm lớn trong 3 năm qua.

Giải thưởng Sim Hun có ba hạng mục: Giải thưởng lớn; Giải thưởng văn học (dành cho các nhà văn Hàn Quốc); Giải thưởng Văn học cho thanh thiếu niên và thiếu nhi.

Hạng mục Giải thưởng Lớn trao cho Bảo Ninh là hạng mục dành cho tác giả có đóng góp cho văn học châu Á và giới thiệu ra thế giới.

Nói thêm về nhà văn Sim Hun. Là một nhà văn viết khỏe, trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, ông đã tung ra nhiều cuốn tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch và thơ. Ông là một nhà văn cẩn thận và luôn giữ bản gốc các tác phẩm của mình. 

Bởi vậy, hầu hết các bản thảo gốc (hơn 4.000 trang) của Sim Hun hiện vẫn tồn tại. Nhiều thập kỷ sau khi Sim Hun qua đời hồi năm 1936, ông vẫn được tôn vinh là một trong những cây bút tiên phong của nền văn học Hàn Quốc hiện đại, với tinh thần yêu nước được thể hiện rõ trong phong trào kháng chiến chống quân Nhật và trào lưu Sangrok, với tài năng nghệ thuật xuất chúng, sáng tác khỏe và tầm nhìn cho tương lai của đất nước khi thoát khỏi ách thực dân.

Các tác phẩm của Sim Hun là những bài học bắt buộc của học sinh, sinh viên Hàn Quốc ngày nay. Thêm nữa, cuốn tiểu thuyết Mask Dance (1926) của ông là tác phẩm văn học Hàn Quốc đầu tiên được chuyển thể thành phim.

Tuấn Vĩ (lược dịch)

Còn tiếp

Lê Thiếu Nhơn
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Exit mobile version