Chiều nay (15/3), tại Hà Nội, đã diễn ra buổi ra mắt bộ ba tác phẩm tản văn “Từ xa Hà Nội”, “Xa rồi ngày xanh”, “Chỉ còn tuyết trắng” của tác giả Mai Lâm với nỗi day dứt của một người sống xa quê. Sách do Nhà xuất bản Văn học xuất bản và phát hành.

Ba tập tản văn của Mai Lâm được in lần lượt năm 2014, 2015 và 2016 nhưng đây là lần ra mắt đầu tiên của tác giả trước công chúng.

Buổi ra mắt sách của tác giả Mai Lâm do nhà văn Di Li dẫn chương trình


Tác giả Mai Lâm định cư ở Cộng hòa Liên bang Đức từ năm 1987. Ông đồng thời là một nhạc sĩ với các album đã được phát hành rộng rãi ở Việt Nam như “Hà Nội mùa thu sớm”, “Từ xa Hà Nội”…

Tác giả Mai Lâm có thể coi là đại diện cho dòng văn học hiện đại của các tác giả Việt kiều sống ở châu Âu trong hai thập kỷ trở lại đây đã mang lại một đóng góp không nhỏ cho nền văn học Việt Nam, đặc biệt là khi các tác phẩm đó đã đặc tả cuộc sống và số phận của người dân bản địa cũng như cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Nhờ họ, độc giả trong nước có được một cái nhìn tổng thể hơn cả về văn học lẫn đời sống có hài, có bi của không ít người Việt sống ở nước ngoài. Trong số đó có thể kể đến các tác giả đã được nhiều người biết đến như Đoàn Minh Phượng, Nguyễn Văn Thọ, Nguyễn Huy Hoàng, Hiệu Constant…

Tác giả Mai Lâm là một gương mặt mới của làng văn dù tuổi đời không còn trẻ. Tuy nhiên, có thể vì vậy mà những tản văn của anh có sự điềm đạm của người khởi đầu văn chương bằng những chiêm nghiệm suốt chiều dài cuộc đời và cảm xúc tự đáy lòng chứ không phải bằng bản năng chữ nghĩa thông thường.

Bìa cuốn “Chỉ còn tuyết trắng” của tác giả Mai Lâm


Gần một trăm tản văn của Mai Lâm trong ba tập sách là sự lưu luyến day dứt của người thương nhớ Hà Nội, với những hồi ức về nơi xa lắm và thời xa lắm mà ngay cả người Hà Nội nay cũng không biết hoặc không còn nhớ đến nữa. Bên cạnh đó, Mai Lâm cũng đã “cày xới” vào “địa hạt” một thể loại thông thường là chân dung nhưng theo một cách khác thường. Đó là sự phác họa khuôn mặt của những người rất bình thường, thay vì viết về người nổi tiếng. Các gương mặt đời thường của bạn bè thân quen như Phương “nâu”, Sơn “lim”, Châu “sầu”, Cường “lừa”, Minh “thứ”, Cương “râu”… đã vì thế mà dần dần hé lộ đời sống bộn bề cả nơi xứ ta lẫn xứ người. Cái duyên viết chân dung của Mai Lâm khiến mỗi gương mặt dù rất đỗi bình thường cũng khiến độc giả phải bật cười, và sau mỗi chân dung, không chỉ là số phận, nước mắt, mà còn là bức tranh toàn cảnh của cuộc sống người Việt tại hải ngoại.

Nhà văn Lê Minh Hà chia sẻ: “Ít thấy người viết nào nói được hay đến thế về sự chơi. Chơi như là hành một thế sống, chơi như là một nghệ thuật tầm người… Những điều ấy, tác giả kể lại bằng một giọng ngỡ như khó có ở thế hệ của anh, thế hệ tuổi trẻ luôn phải đối mặt với cam go của đời sống, bất bình thường không hẳn vì chiến tranh. Đằng sau giọng kể cà rỡn, lè phè, ta sẽ thấy một con người như đang phân thân: Sống đấy mà như tự lùi ra sau mình để soi xét đời người, để thiết tha hơn với đời, với những phận người có danh mà thêm tủi, tủi còn hơn cả vô danh.”
Theo Tuyết Minh – Hà Nội mới