Kamel Daoud tới Việt Nam nhân dịp ra mắt “Phía sau vụ án người xa lạ”. Ông chia sẻ với độc giả về tác phẩm và sở thích viết lách của mình.

– Cuốn sách “Phía sau vụ án người xa lạ” đề cập đến vấn đề gì?

– Tác phẩm của tôi có liên quan tới cuốn Người xa lạ của Albert Camus (được xuất bản tại Việt Nam với tên Người dưng). Trong cuốn sách đó, Camus viết về tên Meursault giết một người Ảrập. Meursault sau đó bị án tử hình, không phải vì tội giết người mà vì hắn đã không nhỏ một giọt nước mắt nào trong đám tang của mẹ đẻ. 70 năm từ khi tác phẩm Người dưng ra đời, nhân vật Meursault đã tốn biết bao giấy mực tranh cãi của dư luận, nhưng chẳng ai để ý tới nhân vật bị giết hại trong tác phẩm.

Tôi viết Phía sau vụ án người xa lạ cũng về vụ án trong tác phẩm Camus, nhưng dưới góc nhìn của nạn nhân. Tôi sử dụng lời kể của người em nạn nhân để trình bày câu chuyện. Tác phẩm của tôi có liên quan tới công lý, nhưng không nói đến việc trả thù.

Nhà văn Kamel Dauod tại Hà Nội.

– Lý do gì khiến ông muốn viết cuốn sách “lật lại” một tác phẩm kinh điển?

– Tôi là nhà báo, giữ chuyên mục “Sự việc hàng ngày” trên tờ Oran của Algeria trong 17 năm qua. Mỗi ngày tôi viết một bài cho chuyên mục này, với những chủ đề khác nhau. Có lần tôi viết bài với đề tài: “Meursault hay là Ả Rập hai lần bị giết”. Sau đó, tôi thấy đây là đề tài hay, cần triển khai thêm. Đó là lý do cho sự ra đời cuốn tiểu thuyết này.

– Ông gặp khó khăn gì khi viết cuốn sách này?

– Tôi không gặp khó khăn gì khi viết tiểu thuyết này. Tôi là nhà báo, viết lách hàng ngày trong gần 20 năm nay. Tôi vô cùng yêu công việc này, cảm thấy vui vẻ khi viết. Quá trình viết cuốn này, tôi chọn văn phong đơn giản, nhưng trực tiếp, làm sao chuyển tải được ý của tôi. Tôi cũng dùng nhiều hình ảnh miêu tả cho tác phẩm.

– Nhà văn, triết gia Albert Camus có ảnh hưởng như thế nào tới ông?

– Về mặt ngôn ngữ, tôi yêu thích văn phong tiếng Pháp tuyệt vời của ông ấy. Về mặt triết lý, Camus từng nói rằng “thế giới này là phi lý, mọi sự giải thích đều không đủ”. Đối với dân tộc có tôn giáo như Algeria chúng tôi, triết lý đó gần như là một phát hiện. Mọi thứ để giải thích cho thế giới đều không đủ, nhưng kể cả khi mình không hiểu về thế giới này, mình vẫn phải sống sao cho xứng đáng với nó.

– Trong cuốn sách, ông thường lặp lại câu văn của Camus với mục đích gì?

– Tôi muốn độc giả của tôi được đọc lại những câu nói của Camus, nhưng theo một cách nhìn khác với tác phẩm Người dưng.

Rõ ràng tôi lấy lại câu chuyện của Camus, và viết lại câu chuyện theo cách của tôi. Đó là cách tôi tưởng nhớ Camus, nhưng mục đích của tôi là buộc độc giả đi tìm và đọc lại Người dưng, rồi đọc với một cái nhìn khác.

– Độc giả tại Pháp và Algeria phản hồi thế nào với cuốn sách của ông?

– Sách của tôi được yêu thích ở Pháp và Algeria. Sau khi Phía sau vụ án người xa lạ xuất bản, số lượng sách Người dưng của Camus bán ra tăng vọt. Trong vòng ba tháng liên tiếp, Người dưng luôn đứng trong top 10 sách bán chạy tại Pháp.

Sách “Phía sau vụ án người xa lạ”.

– Vì sao chọn ông chọn Việt Nam để quảng bá cuốn sách sau Algeria và Pháp?

– Tôi muốn cuốn sách của tôi được độc giả khác ngoài Pháp hay Algeria biết đến, bởi tác phẩm của tôi viết về con người nói chung, chứ không chỉ riêng về con người một vùng đất, văn hóa nào. Lý do nữa là, Việt Nam cũng có lịch sử bị thực dân đô hộ giống bối cảnh tác phẩm, như vậy độc giả Việt sẽ dễ hiểu cuốn sách của tôi hơn.

– Sau Việt Nam, cuốn sách còn được xuất bản ở những đâu?

– Hiện tôi có dự án dịch và xuất bản cuốn sách ở 22 nước. Hôm 2/6, sách đã xuất bản ở Mỹ, cùng ngày sách xuất bản ở Việt Nam. Trong thời gian tới, trung bình cứ một tháng sách sẽ xuất bản ở năm quốc gia khác nhau.

Tác phẩm cũng đang được chuyển thể thành phim, thành kịch. Tôi cũng có kế hoạch viết một cuốn tiểu thuyết mới.

Kamel Dauod sinh năm 1970 tại Algeria. Ông làm Tổng biên tập tờNhật báo Oran của Algeria, giữ chuyên mục sự việc hàng ngày trên báo này trong vòng 17 năm nay. Ông tới Việt Nam giới thiệu tác phẩm Phía sau vụ án người xa lạ tại Hà Nội vào ngày 5/6 và tại Huế vào ngày 8/6.

Phía sau vụ án người xa lạ từng nhận giải Francois- Mauriac của Viện Hàn lâm Pháp, giải Năm châu lục do Cộng đồng Pháp ngữ (OIF) trao, giải Goncourt 2015 cho tiểu thuyết đầu tay. Tác phẩm được bạn đọc và giới phê bình Pháp yêu thích.

Theo Lam Thu (Vnexpress)

Exit mobile version