Hôm 23/6, nhà văn nổi tiếng Hàn Quốc Shin Kyung Sook (52 tuổi) đã xin lỗi người hâm mộ và thừa nhận có sao chép một số đoạn trong cuốn truyện ngắn Chủ nghĩa yêu nước của nhà văn Nhật Bản Yukio Mishima để, đưa vào truyện ngắn Huyền thoại (1996) của mình.

Shin đã phá vỡ sự im lặng 6 ngày sau khi bị nhà văn kiêm nhà thơ Lee Eung Jun viết một bài báo trên tờ Huffington Post, cáo buộc tác phẩm Huyền thoại của Shin có nhiều phần trong truyện của Mishima, đã được nhà thơ nổi tiếng Kim Hu Ran dịch sang tiếng Hàn từ năm 1983.

Tuy nhiên Shin khẳng định sẽ không dừng sự nghiệp cầm bút. “Tôi không thể nói mình sẽ ngừng viết để tránh sự chỉ trích hiện nay, khi văn học là con người tôi. Nếu không viết, tôi không sống nổi” – chị nói.


Nhà văn Hàn Quốc Shin Kyung Sook

Một số người cáo buộc Shin đã đạo văn trong nhiều tác phẩm khác, gồm cả cuốn tiểu thuyết đoạt giải Man Booker châu Á là Hãy chăm sóc mẹ. Tuy nhiên Shin đã bác bỏ các thông tin đó. “Khi đọc tiểu thuyết của những người khác, tôi chỉ nghĩ rằng sao lại có những câu văn, thậm chí đoạn văn giống với suy nghĩ của mình đến thế” – Shin bày tỏ.

Sau bê bối, nhà xuất bản Changbi đã tuyên bố hoãn lịch phát hành tuyển tập truyện ngắn Potato Eaters, gồm có 6 tác phẩm của Shin.

Tuần trước, Hyun Taik Soo, Viện trưởng Viện Y tế & Quan hệ Xã hội, đã gửi đơn tới cơ quan công tố Hàn Quốc, nói rằng Shin đã lừa dối các nhà xuất bản và độc giả. Mặc dù Shin đã đưa ra lời xin lỗi, ông Hyun vẫn khẳng định sẽ không buông xuôi chuyện này. Ông nói rằng Shin vẫn đang cố biện minh cho mình thay vì thừa nhận hành vi đạo văn.


Bìa cuốn tiểu thuyết ăn khách Hãy chăm sóc mẹ bản tiếng Việt của nhà văn Shin Kyung Sook

Thực ra Shin đã dính vào bê bối đạo văn từ lâu. Cách đây 15 năm, nhà phê bình Jung Mun Sun đã đặt vấn đề đạo văn quanh một số tác phẩm văn học của Shin, trong đó gồm cả truyện ngắn Huyền thoại. Tuy nhiên, thời gian đó cả giới phê bình và xuất bản vẫn im lặng, bởi những người như Shin giúp thu hút mạnh độc giả, trong bối cảnh ngành xuất bản đang phải chật vật sinh tồn.

Theo Tuấn Vỹ – Thể thao & Văn hóa (dịch từ Korea Times)

 

Exit mobile version