”Chai thời gian” là một tiểu thuyết nổi bật với thế hệ học sinh, sinh viên Thái Lan thập niên 1970. Nhân dịp ra mắt cuốn sách tại Việt Nam, tác giả Prabhassorn Sevikul có buổi gặp gỡ giao lưu với độc giả Việt vào 20/8.
– Tiêu đề “Chai thời gian” giúp ông truyền tải thông điệp gì của cuốn sách?
– Khi viết cuốn tiểu thuyết này, tôi vẫn chưa biết nên đặt tên là gì. Tôi rất thích bài hát “Chai thời gian” của Jim Croce. Ngay mở đầu cuốn sách cũng có chi tiết và ca khúc này xuất hiện, nội dung cuốn sách cũng là những hồi ức về một quãng thời gian đã qua. Vì thế tôi lấy tên ca khúc làm tên tiểu thuyết của mình, nó cũng mang ý nghĩa như lời của ca khúc: “Nếu cất được thời gian trong chai/ Điều đầu tiên tôi mong được làm/ Là chắt chiu dành dụm từng ngày? Cho tới khi vĩnh hằng trôi qua/ Chỉ để dành trọn chúng bên em”.
– Dường như nhân vật chính Nat mang rất nhiều tâm sự của ông, vậy “Chai thời gian” có phải là một cuốn tự truyện?
– “Chai thời gian” là một cuốn tiểu thuyết, tuy nhiên khi viết nó tôi đã rất nhập tâm vào nhân vật chính, tôi thấy mình giống như một người bạn thân với nhân vật vậy, hiểu, cảm thông, sẻ chia… Cuốn sách được viết bằng những hồi ức về tuổi trẻ của tôi, cũng như một thời tuổi trẻ đầy biến động của Thái Lan những năm 1970. Chính vì thế, có thể coi đây là một dạng tự truyện hư cấu.
– Truyện có nhiều nhân vật với các tính cách khác nhau, vậy khi viết, ông đặt nhiều cảm tình với nhân vật nào nhất?
– Tôi có cảm tình với nhân vật Nat, đó là hiện thân của tôi, thể hiện quan điểm của tôi. Các nhân vật khác như Porm, Chai, Eik… bạn của Nat đều được lấy hình mẫu, cảm hứng từ bạn bè tôi. Tôi cũng rất hạnh phúc khi viết cuốn sách này, vì nó giống như là viết về chính tôi và người thân xung quanh vậy.
Tác giả Prabhssorn Sevikul. |
– Truyện viết cho tuổi mới lớn nhưng ông để cả những chi tiết đau buồn như việc nhân vật Ning sau tai nạn không thể sinh con. Cảm xúc của ông thế nào khi quyết định cho nhân vật một số phận bất hạnh như vậy?
– Tôi rất đau khổ khi phải quyết định số phận nhân vật như thế, nhất là cô gái trẻ, mới lớn. Song, cuộc sống không thể nào toàn bích, toàn những điều hạnh phúc, bên cạnh những cái đẹp, niềm vui không thể tránh được cái bi cùng nỗi buồn.
– Thái Lan là một đất nước Phật giáo, vậy chi tiết người mẹ sống cùng và chăm sóc một người đàn ông đã có vợ vấp phản ứng gì từ độc giả?
– Đúng là ở Thái, hành động đó bị coi là tồi tệ, khó chấp nhận. Nhưng ở trong truyện này, người mẹ đã bị chồng bỏ đi trước, nên khi bà sống cùng một người đàn ông đã có vợ, thì dễ được công chúng cảm thông hơn.
Chai thời gian là một cuốn tiểu thuyết viết về thế hệ học sinh sinh viên Thái thập niên 1970, khám phá khoảng cách thế hệ cha mẹ, những nhức nhối của hành trình trưởng thành, những giằng xé giữa tình bạn, tình yêu trong trái tim tuổi mới lớn. Truyện được đông đảo bạn đọc Thái Lan yêu mến, tái bản hơn 20 lần trong vòng 10 năm. |
– Tại sao trong cuốn sách này, ít thấy ông đưa vào những không gian văn hóa đặc trưng của Thái Lan?
– Bởi với “Chai thời gian”, tôi muốn viết một câu chuyện, chứ không chủ định viết một cuốn cẩm nang du lịch hay sách về văn hóa Thái. Hơn nữa, nếu hiểu biết về Thái Lan, bạn sẽ thấy văn hóa đất nước tôi ẩn sâu trong cuộc sống, sinh hoạt gia đình, nếp sống, chứ không hiển lộ qua những không gian, địa danh nổi tiếng của Thái.
– Được dịch ra nhiều thứ tiếng và tái bản hơn 20 lần tại Thái Lan, vậy “Chai thời gian” đã được dịch ra những ngôn ngữ nào của Đông Nam Á?
– Việt Nam là nước đầu tiên. Đại diện cuốn sách cũng đã đặt vấn đề xuất bản tại các nước khác như Indonesia, Malaysia… song tìm được người dịch tốt không phải là vấn đề đơn giản. Tôi được biết bản tiếng Việt của cuốn sách này cũng phải dịch trong ba năm mới xong.
– Ông vừa là nhà văn, vừa là nhà ngoại giao, vậy tính quyết đoán, rành mạch của một nhà ngoại giao có ảnh hưởng như thế nào tới viết lách?
– Dù gì thì tôi cũng làm cả hai công việc đó, với những tính cách, quan điểm của tôi. Với tư cách một nhà ngoại giao, tôi được đi nhiều, tiếp xúc nhiều với thế giới, với mọi người. Với tư cách nhà văn, tôi lại được diễn tả, thể hiện những gì mình thấy, mình cảm nhận được và quan điểm của mình.
– Là người hiệu đính và viết lời giới thiệu cho cuốn “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” ra tiếng Thái, ông thấy tác phẩm của mình và Nguyễn Nhật Ánh có nét tương đồng gì khi viết về tuổi mới lớn?
– Nguyễn Nhật Ánh đã rất thành công khi viết về tuổi thơ, tuổi mới lớn, và ông cũng đã cho thiếu niên Thái Lan một câu chuyện hay. Tôi không dám nói về cái hay của “Chai thời gian” và “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”, cũng như không so sánh tôi với Nguyễn Nhật Ánh.
Tác giả Prabhssorn Sevikul sinh năm 1948 tại Bangkok, viết thơ và truyện ngắn từ nhỏ. Ông là một nhà ngoại giao kiêm nhà văn nổi tiếng với các tác phẩm được bao thế hệ thanh niên Thái Lan say mê. Ông là tác giả của hơn 60 tiểu thuyết, trong đó nhiều tác phẩm được dựng thành phim. Trong vai trò Chủ tịch Hội nhà văn Thái Lan (2005- 2009), ông nhiều lần tới Việt Nam, ký kết nhiều dự án hợp tác về xuất bản và dịch thuật. |
Nguồn: Vnexpress