Tác giả Cầm Sơn tên thật là Nguyễn Đức Sơn, sinh ra và lớn lên tại Hà Nội nhưng lập nghiệp rồi sinh sống tại Phú Thọ. Hoạt động trong ngành lâm nghiệp, Cầm Sơn là người gắn bó với rừng. Ông từng xuất bản 3 tập thơ, đều có tên gợi liên tưởng tới rừng như: Tình rừng, Tình núi, Miền xanh. Trước khi phát hành tiểu thuyết Xuyên qua cánh rừng, Cầm Sơn đã có sự tập dượt với văn xuôi khi cho ra mắt tập truyện và ký Đỗ quyên đỏ.
Bìa sách Xuyên qua cánh rừng. |
Xuyên qua cánh rừng là câu chuyện về tình yêu rừng, rộng lớn hơn là tình yêu với thiên nhiên. Qua 12 chương của tiểu thuyết, bao thăng trầm đã xảy đến với nhiều số phận: Những người dân ở một làng nhỏ với sự trả giá cho ước vọng đổi đời, hay những cuộc đấu tranh giữa người có tâm và kẻ xấu ở công ty lâm nghiệp…
Nhà văn Văn Chinh, vốn là người xuất thân từ Phú Thọ, bạn với Cầm Sơn, cho biết cuốn sách được viết với chất liệu hiện thực, đôi khi là những chuyện mà chính tác giả đã trải qua. Ông nói: “Khi làm giám đốc một công ty lâm nghiệp, Đức Sơn là người có tâm, ông trồng, bảo vệ rừng không chỉ ở Phú Thọ mà còn ở cả các lãnh địa của tỉnh Hòa Bình, Sơn La. Nhiều chi tiết trong tiểu thuyết này được viết từ những sự việc từng xảy ra với Đức Sơn”.
Nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng cho rằng, tác giả Cầm Sơn có một kho chuyện về rừng, và đã sử dụng cái kho chất liệu phong phú ấy vào trong tác phẩm. Ông nói: “Xuyên qua cánh rừng không mở rộng không gian – thời gian của câu chuyện để có được cái phẩm tính mà các nhà nghiên cứu gọi là sử thi. Cầm Sơn chọn chiều sâu, chọn điểm, khoanh vùng đối tượng để mổ xẻ, phân tích bằng ngôn từ những chuyện của rừng, người trồng rừng và gắn bó cả đời với rừng”. Cái kết nhìn về tương lai của tác phẩm cũng được Bùi Việt Thắng đánh giá cao.
Tác giả Cầm Sơn và nhà văn Trung Trung Đỉnh. |
Nhà văn Nguyễn Khắc Trường bên cạnh ca ngợi bố cục, vốn sống của tác giả đưa vào truyện, cũng thẳng thắn nhận xét: “Truyện có nhân vật dàn trải, chưa tập trung khắc họa nhân vật nên tính hấp dẫn của tác phẩm chưa cao”. Cả Nguyễn Khắc Trường và Bùi Việt Thắng đều cho rằng Cầm Sơn chưa sử dụng hết quyền của nhà văn, tác phẩm chỉ mới kể chuyện chứ chưa chăm chút vào dựng truyện.
Nguồn: vnexpress