Nhà thơ – dịch giả Tạ Minh Châu
Nhà thơ Tạ Minh Châu:
Có một miền ký ức mãi miên man
HUYỀN VŨ
NVTPHCM- Nhắc đến Tạ Minh Châu, là nhắc đến một người đàn ông vẹn tròn với nhiều chức phận. “Minh Châu”- có nghĩa là viên ngọc sáng, xoay hướng nào cũng thấy lấp lánh đủ màu. Nhà thơ, nhà văn, dịch giả, tiến sỹ văn hóa, Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan và Lào…
Thế nhưng, tôi không thích nhớ về Minh Châu như thế. Tôi chỉ muốn nhớ về anh đúng với ấn tượng đầu tiên, đó là một người đàn ông hào hoa. Mái tóc xoăn gợn sóng, chiếc chemise màu kem không vệt nhàu, mùi nước hoa mang phong vị gỗ trầm và thảo mộc. Ngồi nói chuyện với anh, tôi có cảm giác mình đang vô thức bị dẫn dụ vào một rừng phong đang mùa thay lá, cứ từng tầng, từng lớp tính cách đợi chờ được khám phá…
Café Aloha, trưa đầu tuần, đúng giờ nghỉ của dân công sở, tiếng nói cười ồn ã, khói thuốc bay mông lung và hỗn độn. Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh một Minh Châu điềm tĩnh ngồi nơi góc hơi khuất của quán café. Ánh mắt thả lơ đễnh, hai tay nhịp nhịp xuống bàn, ung dung và thong thả. Không hiểu do ánh sáng đèn, hay vì thứ không gian hư ảo khói thuốc, mà tôi thấy quanh anh, dường như hắt ra một thứ ánh sáng bàng bạc nào đó. Thứ ánh sáng đủ để anh nổi bật lên, không bị lẫn lộn trong đám đông huyên náo. Anh ngồi đó, khá chừng mực và xa cách…
Thế nên tôi bất ngờ khi đột nhiên sau vài câu chào hỏi xã giao, Tạ Minh Châu bất chợt trầm ngâm rồi chép miệng với tôi: “Em ạ, anh tự nhiên thấy thèm món cơm nắm bằng mo cau mà trước bà nội vẫn nắm cho anh ăn quá. Bà anh mất lâu rồi. Cũng chả ai nắm cơm cho anh ăn nữa”. Rồi anh cười hồn hậu. Sự nghiêm cẩn mặc định về một vị Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền, một con người thuộc về thế giới ngoại giao phút chốc được xóa tan đi. Thì đây, ngồi trước mặt tôi, chỉ đơn thuần là một người đàn ông gần nửa đời người lăn lộn với những chuyến bay dài, đã bắt đầu mỏi bước phiêu du, hoài niệm về một miền xa vắng.
Minh Châu nói: “Anh là một người hoài cổ. Đôi lúc anh tưởng rằng mình cứ như một con thuyền lững lờ trôi về một miền ký ức bồng bềnh xa lắm. Anh đã đặt chân tới hàng trăm đất nước khác nhau, tiếp xúc với đủ nền văn hóa Tây Tàu hiện đại. Cũng không ít lần được nghỉ trong những khách sạn sang trọng bậc nhất, dùng bữa cùng nhiều vị nguyên thủ quốc tế với những mỹ vị cầu kỳ, tinh tế. Nhưng lúc nào anh cũng thèm quay quắt được quay trở về rúc đầu vào ổ rơm say sưa ngủ như thời thơ bé, hít căng phổi cái mùi khói đốt rạ mỗi khi chiều về, thèm nhâm nhi cái vị ngòn ngọt, chát chát của quả cọ kho – thứ quả mà chỉ ngon nhất khi mọc trên triền đồi Phú Thọ quê anh…”.
Tạ Minh Châu say sưa kể về gia đình có truyền thống làm nghề giáo của anh, từ thời cụ nội, ông nội đến cha và cô ruột anh đều là nhà giáo. Người ta vẫn hay trêu riêng gia đình anh đã đủ mở một ngôi trường. Anh nhớ hồi còn bé, anh vẫn thường được cha cho “bám đuôi” đến lớp. Mỗi khi cha lên lớp giảng bài, thì Minh Châu ngồi lì ở thư viện, hau háu “nuốt” hết không biết bao nhiêu cuốn sách. Cứ thế, cái nòi văn chương ăn sâu vào máu của Minh Châu từ tấm bé. Anh bắt đầu lén viết trên trang vở xé vội những mẩu truyện ngắn nho nhỏ, viết, rồi tự mình đọc, rồi giấu đi.
Những ngày tháng thơ ấu của anh gắn liền với sự thiếu vắng người cha. Thời ấy, làm nghề giáo đâu được phân công về công tác cố định tại một nơi như bây giờ. Cha anh bị phân đến những huyện hẻo lánh, xa xôi khác nhau để giảng dạy. Một tay mẹ chèo chống nuôi bốn anh em anh ăn học thành người. Hình ảnh mẹ trong anh là dáng đi đổ về trước, dáng đi của người luôn phải lo toan, người nhỏ xíu nhưng lại có sức mạnh phi thường. Mẹ dậy sớm gánh rau đi bán từ 3,4 giờ sáng. Cứ giờ chợ chiều bốn anh em lại nheo nhóc kéo nhau ra cửa ngóng xem mẹ có bán được mớ rau con cá nào không. Có những ngày nhà anh chỉ còn độc có nắm gạo con. Đến bữa, cả nhà chỉ được có bát cơm lưng lửng, nhão nhoét. Khi lũ con ngấu nghiến ăn thì mẹ anh lảng đi, đứng dậy vớ tạm củ sắn luộc nguội ngắt, sót từ sáng, trệu trạo nhai. Mẹ anh luôn có lý do để bỏ bữa, lúc thì ngán cơm, lúc thì nói nhạt miệng không muốn ăn. Anh hồi đó thấy lạ quá chừng, nhưng vì đói nên đứa nào cũng đánh một mạch hết phần của mình. Mãi sau này, lớn lên, anh mới hiểu. Có lần Minh Châu lén giấu sách vào bụng, vừa canh nồi cơm sôi vừa đọc. Nồi cơm cháy khét lẹt khi nào không biết, anh hốt hoảng tìm mọi cách “chữa cháy” nhưng không được. Bữa đó, nhai những miếng cháy đen, khô nghét. Anh toát mồ hôi lén nhìn mẹ, mẹ anh vẫn cười: “Cháy hôm nay giòn và ngọt…”. Anh thở phào, nhưng mắt cay cay. Mẹ của anh, độ lượng đến nỗi không nỡ thốt ra một lời làm đau anh!
Cái chum đựng gạo trở thành một nỗi ám ảnh của Minh Châu. Đi học xa, mỗi lần được nghỉ về nhà, việc đầu tiên của anh là lẻn xuống bếp, thò tay khoắng xuống cái chum sành, xem còn gạo hay hết. Ngạn ngữ có câu chỉ cần nhìn vào bếp là biết một gia đình có yên ấm, hạnh phúc hay không. Chính vì thế, chỉ cần thấy chum gạo đầy hay vơi, là anh biết ngay mọi người ở nhà sống no đủ hay thiếu thốn. Biết, cũng không giúp đỡ được gì, chỉ biết xót xa, mà nhủ lòng cố gắng thêm…
Châu nói: “Anh già rồi, mà càng về già người ta càng có xu hướng sống với quá khứ. Có những chiều lá buông lơ thơ và nắng gần nhạt màu, anh ngồi thơ thẩn nghĩ miên man về những ngày tháng đã qua. Anh chợt nghĩ cuộc đời anh như một cuốn phim, tua đi tua lại có những chớp hình vô cùng đắt giá”. Có lẽ hạnh phúc nhất đối với anh là quãng thời gian anh học tập và sống ở Ba Lan. Năm 1967, do có thành tích học tập tốt, Tạ Minh Châu được cử đi học tại Trường Đại học Tổng hợp Warsawa (Ba Lan). Trong những ngày tháng học tập ở đây, anh đã mê đắm con người cũng như đất nước Ba Lan. Anh say sưa làm thơ để thỏa nỗi nhớ nhà, anh tiếp cận đến văn học xứ Ba Lan và bắt đầu dịch nhiều tác phẩm nổi tiếng của văn học nước này. Minh Châu bắt đầu xuất hiện ở vài tờ báo dành cho các tác giả nước ngoài. Ngoài niềm đam mê tự nhốt mình và làm thơ như “nhập đồng”, anh còn có sở thích vào mỗi chiều hoàng hôn tản bộ ở công viên trung tâm Warsawa. Công viên rộng thênh thang, với những tán cây xanh um khiến anh trở nên thư thái. Cứ mỗi chiều thu chủ nhật, dưới tượng đài Chopin, người ta mời những người chơi nhạc của Chopin điêu luyện nhất chiêu đãi dân tình những bản nhạc đường phố tuyệt đỉnh. Anh mê Chopin điên cuồng. Anh tự tìm thấy bản thể trong âm nhạc. Một bản thể đa cảm và cô đơn…
Một miền ký ức nữa Minh Châu thường xuyên tìm về, đó là quãng thời gian anh còn làm Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan. Có lẽ chẳng có vị Đại sứ nào lại “bình dân” như anh. Để thành lập nên Đội Văn nghệ cho đồng bào Việt xa xứ ở Ba Lan, đã có lúc đích thân vị Đại sứ phải dò hỏi đến những khu chợ xập xệ để tìm kiếm “nhân tài ẩn dật”, rồi viết thư mời họ đến Đại sứ quán để… tập văn nghệ. Anh quý người tài và tôn sùng nghệ thuật. Minh Châu sẵn sàng hỗ trợ các nghệ sỹ vay tiền của Đại sứ quán để mua nhạc cụ hay thuê trang phục, chẳng chút đắn đo. Rồi có những buổi tập kéo dài đến tối, đích thân Đại sứ bảo nhân viên nấu cháo bồi dưỡng cho anh em. Cuối cùng, đêm diễn đầu tiên của Đội Văn nghệ thành công ngoài mong đợi, được kiều bào hưởng ứng, ủng hộ nhiệt tình, có thêm nguồn kinh phí dồi dào. Minh Châu kể, có một cô gái đến giờ anh vẫn còn nhớ, làm nghề buôn hoa quả ở khu chợ đầu mối tại Warsawa. Gương mặt đã chớm già dặn, phong sương.
Đến ngày biểu diễn, cô ca sỹ không chuyên đẹp rực rỡ như một nữ hoàng. Mãi sau này, cô mới tâm sự với anh để sắm được hai bộ váy hàng hiệu, cô đã phải thức dậy từ 2 giờ sáng, đứng trong cái rét căm căm dười trời tuyết trắng xóa để bán được nhiều hàng hơn. Cô nhoẻn cười ngây thơ: “Em hát hai bài khác nhau, chẳng lẽ mặc độc có một chiếc váy. Thế thì khán giả sẽ thấy nhàm chán. Mà đã là nghệ sỹ thì phải làm khán giả vui. Em chẳng tiếc đâu, anh à”. Hình ảnh người phụ nữ mảnh mai, đứng co ro trong giá lạnh, dưới chân là thùng hàng khổng lồ đã ám ảnh Minh Châu. Sau này, anh có viết một bài thơ tặng cô gái ấy, có tên Về đi em: “Chiều buông chợ vắng teo người/ Đứng làm chi nữa thêm bơ vơ chiều/ Bán mua được những bao nhiêu/ Thiệt hơn bấm được mấy điều hỡi em (…)/ Về thôi kẻo lỡ chiều buông/ Hình như có kẻ ngược đường đợi em”. Bài thơ sau này được phổ nhạc và khá nổi tiếng trong cộng đồng kiều bào Việt ở Ba Lan. Anh cứ bâng khuâng mãi, không biết rằng cô gái có tâm hồn tuyệt đẹp ấy, mỗi lúc mệt nhoài với cuộc sống mưu sinh… khi thoáng nghe những câu hát, liệu có thấy ấm lòng hơn chút nào không?
Minh Châu là người khiêm nhường, anh nói rất ít về mình. Anh dành những lời có cánh, sự trìu mến thực tâm cho người thân, cho bạn hữu trong làng văn chương, cho Szymborska, nhà thơ thần tượng của anh. Bà là nhà thơ người Ba Lan đoạt giải Nobel được Minh Châu dịch sang tiếng Việt. Khi bị tôi “dồn ép” nói về bản thân, anh ngượng ngùng, rồi rất nhanh đọc một vài câu thơ tự họa: “Đó là tôi/ Một dòng sông chảy đến cạn mình/ Cây bàng trụi trơ cho sân trường sẫm đỏ/ Một khoảng trống hòa tan nghìn ngọn gió/ Chiếc sáo diều lặng chao bóng đêm” (Viết cho ngày sinh của mình – Tạ Minh Châu).
Trước khi tạm biệt, anh bắt tay tôi rất chặt: “Khi nào có dịp anh tặng em hai tập thơ của anh nghen!”. Tưởng rằng, anh nói xã giao cho vui. Vậy mà, hôm sau, khi đang mải miết loay hoay với đủ thứ tin bài, thấy chuông điện thoại reo. Là Tạ Minh Châu, giữa chiều nắng hè đổ lửa, anh đi xe gắn máy mang sách qua tận cổng cơ quan cho tôi. Tôi áy náy nhìn gương mặt anh ửng đỏ vì nắng nóng. Minh Châu cười hiền, thận trọng đặt vào tay tôi hai tập thơ mỏng, sạch tinh không một hạt bụi: “Anh hứa rồi, nên anh mang qua tặng em”. Thế rồi, trước sự ngỡ ngàng của tôi, anh phóng xe đi.
Vẫn cái dáng ấy. Phiêu diêu và thong thả. Tôi đồ rằng, trước những bon chen đến điên loạn của cuộc sống, anh vẫn ung dung sống trong một thế giới rất “Minh Châu”. Thế giới mà đầy ắp những ký ức vụn, những chuyện kể không bao giờ hết. Nơi chốn để con người thơ trong anh mặc sức thả hồn sáng tạo, chiêm nghiệm, hoài niệm. Một thế giới an yên…
Theo An Ninh Thế Giới Cuối Tuần