Nhà thơ Tạ Hữu Yên

Tôi được biết ông đã gần bốn mươi năm rồi. Ngày ấy, ông còn ở gian nhà một mái rất thấp, lợp ngói tây, ngoài phố Trương Định. Gian nhà hẹp và nóng. Một chiếc giường cá nhân, một giá sách đầy sách, xếp ngay ngắn. Dưới con mắt của tôi ngày ấy, đấy là căn phòng lý tưởng cho người viết độc thân, cho dù đơn sơ và thanh đạm. Rồi ông chuyển vào căn hộ khu tập thể Trương Định, từ năm 1976. Căn hộ lắp ghép hai tầng có đàng hoàng hơn gian nhà cũ, nhưng nó cũng nhỏ bé và gọn gàng. Gian gác tầng hai ông ở, vẫn chiếc giường một và giá sách. Nhưng giá sách được nối cao thêm và nới dài ra, sách xếp ngăn nắp. Tôi vẫn nhận rõ nét sinh hoạt đơn sơ và thanh đạm của một nhà văn mặc áo lính quen một đời binh nghiệp.

Ông quê ở thôn Đông Hội, xã Ninh An, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Năm 1948, hai mươi mốt tuổi, ông đi khỏi làng theo tiếng gọi của cách mạng. Năm hai mươi hai tuổi, ông được kết nạp vào Đảng. Tổ chức phân công ông tham gia công tác địch vận. Năm 1962, ông được cử đi học khoa báo chí. Cùng học với ông năm đó, nhiều người trở thành những cây bút có nhiều đóng góp, như nhà thơ Nguyễn Bao, nhà văn Bích Thuận, nhà báo Trần Can. Năm 1966, ông được điều vào Vĩnh Linh, làm trưởng ban địch vận. Dòng sông Bến Hải, cây cầu Hiền Lương, hình tượng giới tuyến phân chia hai miền nam bắc ngày ấy, gắn bó với ông mấy nắm liền. Hệ thống loa phóng thanh bờ bắc vọng sang bờ nam, chuyển tải bao nỗi niềm thương nhớ, không chỉ khơi gợi tình cảm bà con đôi bờ, mà còn làm bao anh lính bên kia chiến tuyến bỏ súng về với quê hương, góp phần tích cực cho cuộc đấu tranh thống nhất đất nước. Không chỉ là người phụ trách, ông còn là người sáng tác hàng trăm bài thơ, ca dao, hò vè đọc trên loa phóng thanh, làm tốt công tác địch vận. Đất nước thống nhất, công tác địch vận đã xong sứ mệnh của mình, năm 1976, ông được điều về làm biên tập văn nghệ Nhà xuất bản Quân đội nhân dân. Năm 1989 về hưu, ông lại tham gia biên tập Báo Cựu chiến binh Thủ đô, cho tới khi tuổi già sức yếu, không đi lại được nữa, nhà thơ đại tá mới chịu nghỉ việc cơ quan, ở nhà sáng tác.

Ông là một nhà văn lao động cần mẫn và bền bỉ. Một đời cầm bút, ông đã cho ra mắt bạn đọc trên năm chục đầu sách, gồm: thơ, văn, ca dao, sưu tầm, trong đó có 15 cuốn viết về Bác Hồ. Đặc biệt, ông là nhà thơ có số lượng thơ được phổ nhạc nhiều nhất nước. Trong số 165 bài thơ của ông đã được các nhạc sỹ phổ nhạc, có nhiều ca khúc nổi tiếng, như bài Đất nước ( nhạc: Phạm Minh Tuấn), Đôi dép Bác Hồ ( nhạc: Văn An), Cảm xúc tháng Mười ( nhạc: Nguyễn Thành)... Đất nước tôi thon thả giọt đàn bầu, nghe dịu nỗi đau của mẹ. Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ. Các anh không về, mình mẹ lặng im… Lời ca da diết, trầm hùng và đầy bi tráng. Mỗi lần nghe hát, lại khơi gợi bao niềm tự hào thẳm sâu của mỗi con người đã từng đi qua một thời máu lửa của đất nước.

Văn chương của ông, như con người ông. Chân tình và giản dị. Hễ ai có dịp tiếp xúc, dù chỉ một lần, hẳn cũng dễ nhận được tình cảm và ấn tượng tốt lành về ông. Trong cuộc sống, ông không phải là người may mắn gì, nhưng tôi chưa bao giờ thấy ông một lời ca thán. Ông là người tin yêu con người, tin yêu cuộc sống như tới độ tuyệt đối. Nhiều bạn văn của ông đều nói vui, ông là người mẫu mực của hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ. Tôi được biết ông, khi ông còn độ tuổi trung niên, nay ông đã là một ông già cao tuổi, vậy mà tính tình ông như không thay đổi, vẫn ân cần, chân tình với mọi người. Hình như ông không muốn làm tổn thương tình cảm với bất kỳ ai ông quen biết.

Nhóm bạn viết gần gũi của ông, vì tuổi tác, đã ra đi quá nhiều. Đó là các nhà văn nhà thơ Ngô Quân Miện, Trần Lê Văn, Lê Bầu, Lữ Giang, Vũ Bão, Băng Sơn, Thanh Hào… toàn những người tốt, đôn hậu. Mới ngày nào, họ vẫn thường gặp gỡ, đàm đạo văn chương với ông, mà nay đã thành thiên cổ. Ông là người luôn biết chia sẻ với bè bạn. Vì thế, những ngày cuối đời, ông càng nhớ những kỷ niệm.

Cái gian gác chon von áp mái tầng ba, gia đình ông Lữ Giang ở một thời, là nơi thường gặp gỡ của nhóm nhà văn đôn hậu của ông. Ông rất nhớ cái cầu thang xoắn chôn ốc dựng ngược, người khỏe leo lên đã toát mồ hôi, vậy mà với đôi chân tập tễnh, hầu như hôm nào ông cũng ngược lên. Khi thì đưa cho bạn tờ báo, tập sách mới. Khi thì chai nước mắm, lọ ruốc mà ông mua được ở nơi ông vừa đi thực tế về. Nhà thơ Lữ Giang đận ấy kinh tế khó khăn, con đông lương thấp, nhà thơ Tạ Hữu Yên thường dành tiêu chuẩn tem phiếu mua gạo, thịt, đậu… của mình, để đỡ phần bạn. Sự yêu thương đùm bọc nhau thời bao cấp của hai ông, hơn cả tình anh em ruột thịt. Ông rất nhớ ngày rằm tháng tám năm nào, nhóm bạn văn tri kỷ đón trung thu trên mảnh sân gian nhà áp mái của nhà thơ Lữ Giang, thanh đạm, mà ấm cúng làm sao. Không cao lương mỹ vị gì, chỉ là ấm nước chè xanh ủ khéo, bánh đa vừng, kẹo bột và khoai lang luộc bở, mà nhà thơ Quang Dũng đem đến góp vui. Những người bạn đêm trung thu ấy, nay chỉ còn mình ông ở lại. Mỗi lần có việc đi qua cuối phố Bà Triệu, ông lại ngước nhìn căn gác cheo leo ấy, để nhớ lại kỷ niệm một thời.

Mang tiếng là nhà thơ đại tá lương cao một thời đấy, nhưng tôi thấy đời sống gia đình ông bao năm vẫn luôn vẻ thanh đạm. Căn nhà tập thể liền kề, các hộ cùng dãy thi nhau cải tạo, nâng cấp. Riêng căn nhà của nhà thơ Tạ Hữu Yên, bao năm vẫn cũ càng và ngày thêm cũ càng. Cánh cửa gỗ đơn sơ, cầu thang bé xây ngoài trời dốc ngược, những mảng tường vôi in loang lổ dấu vết năm tháng. Căn phòng nhỏ gác hai là nơi ở và là phòng làm việc. Chiếc bàn gỗ cũ càng, chiếc ghế gỗ cũ càng. Tôi để mắt đọc mảnh giấy nhỏ dán sau lưng tựa của ghế, thấy ghi chiếc ghế đó là quà tặng của nhà thơ Lữ Giang, tặng ông từ năm 1980. Hẳn vì tuổi cao, không bắt kịp nhịp điệu mới, ông không dùng máy tính, máy chữ, mà các bản thảo của ông vẫn viết tay. Góc bàn, có lọ to đựng bút. Có đến chục chiếc bút, màu sắc khác nhau để ông viết, sửa bài. Ông có thói quen viết chữ chân phương, rõ ràng, sạch sẽ. Mấy năm trước, hễ tết đến, có đến mấy chục tờ báo đến đặt ông viết thơ, câu đối. Ông vốn là người coi trọng lời hứa, đã nhận viết, dù bận mấy, ông cũng quyết hoàn thành và nộp bài đúng hẹn. Ngoài tiền lương, thì tiền nhuận bút, dù nhỏ bé, cũng góp phần tích cực trong việc chi tiêu của gia đình ông. Bạn bè thân, ai cũng ái ngại với cảnh ngộ nhà ông. Ông bà sinh con một bề, lai đơn neo, vậy mà người con rể thảo lại phải hy sinh khi tuổi quá trẻ, vì một quả mìn sót lại sau chiến tranh, khi anh đang làm nhiệm vụ. Người vợ lam làm chịu khó bao năm công tác xa chồng, khi về hưu mới có điều kiện về sống gần gũi với ông, nhưng rồi lại sớm đổ bệnh. Bệnh nặng và kéo dài, thần kinh phân liệt, nhiều lần bà gào thét, xé tung chăn màn. Mỗi lần đi làm về, chứng kiến cảnh người vợ phát bệnh, ông tràn nước mắt thương xót. Ông lặng lẽ dọn dẹp nhà cửa, rồi ông lại cần mẫn nấu mấy món ăn truyền thống mà khi bà khỏe thường ưa thích. Tiền lương hưu của ông bà, tiêu pha tằn tiện, cũng vừa đủ chi phí sinh hoạt và thuốc thang.

Ngày bà mất, ông cùng gia đình đưa bà về yên nghỉ tại nghĩa trang quê hương. Cái làng nhỏ Đông Hội xa xôi vẫn ân cần dành phần mộ cho ông bà. Ông nói rằng, mai kia có mệnh hệ gì, thì tâm nguyện ông, lại được đưa về chôn cất bên cạnh ngôi mộ của bà ở nghĩa trang quê hương. Cái làng nhỏ còn nghèo khó, nhưng tình làng nghĩa xóm nơi ấy thật giầu có. Tâm trí ông luôn nhớ về cái làng quê mà ông phải xa khi thời trai trẻ. Những người nông dân thuần khiết ở làng quê ông, họ rất tự hào vì có những người con tham gia cách mạng sớm như ông. Đặc biệt hơn, họ rất tự hào mỗi khi thấy vô tuyến, hay đài phát thanh phát những ca khúc nổi tiếng mà nhạc sỹ phổ lời thơ của ông. Đã nhiều lần ông mang sách báo về tặng quê hương. Năm vừa qua, dù kinh tế gia đình ông chưa dư dả gì, vậy mà ông đã tích lũy số tiền nhận bút in sách ở mấy nhà xuất bản, đủ món tiền về quê xây thư viện ba chục mét vuông tặng bà con làng xóm. Ngày khởi công động thổ, rồi ngày lễ khánh thành thư viện, ông cùng con cháu đem về rất nhiều sách báo quý, tặng bà con thôn xóm. Ông muốn góp chút sức lực đem ánh sáng văn hóa về làng quê xa xôi của mình. Tuổi cao, tình cảm quê hương, với ông lại thêm sâu đậm. ở con người ông, sự sống như chưa hề chán nản. Bao năm, hàng tháng, các tòa báo, các nhà xuất bản ở thủ đô vẫn thường thấy một nhà thơ già vận áo quần bộ đội bạc màu, bền bỉ đạp xe đạp đến cộng tác bài vở. Ông còn là người chân tình góp ý xây dựng cho các tờ báo mà ông từng cộng tác. Tình cảm ông dành cho các tòa báo, các nhà xuất bản thật thân thiện, ấm áp.

Đã hai năm nay, sức khỏe giảm sút, không đạp xe được nữa, con cháu lại thay ông đến gửi bài vở cho các tòa báo. Ông có ông bạn già cùng phố, là nhà thơ Phan Xuân Hạt, thường cung cấp báo chí và sách mới xuất bản cho ông đọc. Tình cảm tri âm tri kỷ của lứa bạn già, làm thế hệ hậu sinh chúng tôi nhiều cảm kích. Ông vẫn cố gắng đọc và viết, để không chịu tụt xa với thời cuộc. Cuối năm 2011, Nhà xuất bản Hội nhà văn in tuyển thơ 560 trang cho ông. Tuy ốm yếu bệnh tật, ông vẫn chưa muốn khép lại đời văn của mình. Tôi thầm cảm phục ý chí, nghị lực của ông, của một nhà thơ, một vị lính già chưa hề muốn ngơi nghỉ. Đã hai năm nay, ông kiên trì chống chọi với bệnh tật. Đã hai năm, ông phải luyện ngủ ngồi. Lá phổi của ông đã xơ nát. Đi bệnh viện chụp chiếu, thấy chỉ còn một phần tư lá phổi làm việc. Đầu gường, bình ô xy luôn để thường trực. Thi thoảng, ông lại phải nhờ ô xy cấp cứu, trợ giúp. Đôi chân dẻo dai của nhà thơ từng bôn ba khắp miền đất nước, nay viêm khớp nặng, bước chân lảo đảo. Lâu nay, ông chỉ còn xê dịch nhờ chiếc gậy chống, quanh quẩn trong căn gác nhỏ. Từ đầu năm 2012 đến nay, đã ba lần ông phải đi cấp cứu. Đã có lần bệnh viện tưởng ông không qua khỏi. ấy mà ông vẫn tồn tại, vẫn bền bỉ sống.

Một buổi sáng cuối hạ, đến thăm ông, tôi thấy ông ngồi bất động bên giá sách, mắt hướng qua ô cửa nhỏ. Bầu trời sau ô cửa sổ vẫn xanh thăm thẳm. Tôi liếc nhìn trên bàn viết, cuốn sổ vẫn mở. Hình như ông vừa viết dở một câu thơ nào đó. Trên tường, mấy khung kính huân chương, huy chương công trạng của ông như đã ngả màu thời gian. Ông chỉ tôi khung ảnh chân dung treo trên tường. ảnh một người lính già, cương nghị mà nhân hậu. Ông nói rằng, đấy là ảnh dành để mai kia tang lễ ông. Tôi chợt se buồn và thêm nhận rõ ý chí và nghị lực của một nhà thơ chiến sỹ. Ông đã chuẩn bị đón nhận tất cả. Vì ông đã sống và luôn tin yêu cuộc sống.

Nguồn: Vannghe