Giới thiệu truyện ngắn “Sương đào phai” của nhà văn Võ Thị Xuân Hà (được in trong tập truyện ngắn “Cành phong hương” của chị)

SƯƠNG ĐÀO PHAI

Võ Thị Xuân Hà


Đêm trước bên hồ Hỏa Tước đã lướt mướt những nụ đào. Sương mù dâng lên từ mặt hồ khiến cho những cành đào phai khẳng khiu chìm trong ánh sương, như vạn vật long lanh mờ ảo dưới ánh trăng chìm khuất trong làn nước. Sương đọng trên những cánh hoa rồi rỏ từng giọt xuống gốc đào, khiến cho những nụ đào thêm mượt như nhung.

Tin con đường mới sẽ chạy ngang qua xóm nổi Thanh Lương khiến cả xóm hồi hộp lẫn lo lắng.

 

Xóm có gần trăm hộ. Sở dĩ gọi là xóm nổi vì tất cả ngần ấy hộ đều đang dựng nhà trên một bãi rác lớn xưa kia của thành phố. Trước đây khi thành phố chưa mở rộng thì khu vực này là bãi rác tạm. Trước kia nữa thì nó là cả một ruộng rau lớn thuộc ấp Thanh Lương. Hợp tác xã trồng rau làm ăn thất bát, chia nhau dần từng mảnh ruộng. Một ngày, thành phố mượn tạm để đổ rác. Bãi rác cao dần, nồng nặc khắp phố phường.

Rồi người kéo về sống trên cái gò nổi ấy. Mùi rác mục ải nồng lên pha trộn với cuộc sống hàng ngày.

Nhà Hoàn đen đến xóm Thanh Lương này từ mấy năm trước, khi mảnh đất trồng đào của vợ chồng gã trên Nhật Tân bị gán nợ. Hoàn đen người như sái nghiện. Mà gã cũng đã từng bị những cơn nghiện vật xuống như con trâu ốm. Cả vườn đào của họ bị gán nợ theo đất. Khi về đất này, là họ coi như đã trắng tay.

Đứng bên hồ Hỏa Tước, Hoàn đen bảo vợ:

–  Đây rồi!

Vợ Hoàn đen không hình dung sẽ sống trên cái bãi rác khổng lồ, bèn kéo tay chồng:

–  Đi thôi, ra phía Trung Hòa, hình như bên ấy cũng có mấy mảnh đất rẻ bèo, chưa quy hoạch dự án gì. Con Liên bạn em nó bảo sau này sẽ có cả siêu thị gì đó to lắm được xây. Giờ thì còn nhiều bãi hoang, người ta cắm sào bán cả khoảnh rộng trăm mét cũng chỉ ngang giá mười mét ở khu tập thể Kim Liên.

Hoàn đen giật tay khỏi cái nắm tay của vợ, cương quyết:

–  Nhìn xem, đất sống của mình đây chứ đâu nữa. Ai lại bỏ hoang bỏ phí ngần này đất cơ chứ. Cứ cho là bãi rác đi thì đã sao? Rồi cô sẽ thấy, tôi sẽ cho cô thấy đào nở hoa ở đây.

Vợ Hoàn đen tròn mắt:

–  Đào? Anh không nói chơi chứ?

Hoàn đen ưỡn ngực:

–  Không nói chơi. Đi, theo tôi vào nhà bác Cả Đương.

 

Vợ Hoàn đen người nhỏ nhắn mong manh như một bông đào phai. Hai vợ chồng mở hàng nước, nhưng thiên hạ dừng chân ngồi vào quán là do cái vẻ mong manh của nàng. Dường như nước được pha từ bàn tay ấy có gì níu kéo. Khách thường ngồi quay mặt ra hồ, ngắm những hơi sương phả trên mặt hồ, được ánh mặt trời soi xuống mà thành những sợi tơ óng ánh. Phía sau lưng khách, là ánh sương mai, là bóng kinh thành cổ kính in dấu trong đáy mắt một người đàn bà mảnh mai như hình bóng hồ ly nghiêng nghiêng bên bờ đất lầm bụi.

Hoàn đen mặc kệ thiên hạ mê đắm vợ mình, ngửa mình trồng cây chuối bên cạnh quán nước hàng tiếng đồng hồ không mệt mỏi. Khách mà không nhìn ra mặt hồ, mặc kệ ông chủ quán, thì không mấy ai là không bùng lên ước muốn được hất ngã cái tên đàn ông ngược ngạo kia.

Mà ngược ngạo cũng phải. Hoàn đen là một tay trồng đào có duyên ở đất cũ Nhật Tân. Về cái hõm đầy rác rưởi giữa thành phố này, gã nhìn thấy một vườn đào nở hoa rực rỡ trong ánh nắng xuân. Ban đầu gã thuyết phục Cả Đương, người đứng đầu tốp những kẻ đến ở xóm nổi Thanh Lương từ ngày đầu, để Cả Đương đồng ý đi nói với từng nhà trong xóm ven hồ. Cả Đương đi một vòng, nói câu chuyện mơ mơ hồ hồ. Ở cái xóm nổi này đã có quá nhiều chuyện khác biệt với thế giới bên ngoài rồi, nên ai nấy đều nhất trí chuyện này. Mọi người đồng ý cho trồng đào ở bất cứ chỗ nào có đất trống. Khác với những nhà ngoài phố, ở đây ranh giới giữa hai nhà là những khe rãnh hẹp làm luôn đường cống thoát nước. Trước cửa mỗi nhà đều có những chỏm đất trống. Cứ nghĩ đến hình ảnh mùa xuân mới sẽ có những cánh hoa đào rung rinh trước cửa mỗi nhà, ai cũng hớn hở. Những nhà còn trống nhiều đất lại còn hình dung khách ngoài phố kéo vào ngả giá mua những cành đào đẹp như đào núi. Cả Đương nói rằng Hoàn đen bàn chỉ nên trồng đào phai, vì giống đào phai vốn là giống cây mọc trên núi, nên chúng sẽ dễ thích nghi với đất lạ. Hoàn đen mua hộ mọi người những gốc đào phai được dăm từ Nhật Tân về dăm trên những dẻo đất thừa thẹo của mỗi nhà.

Nhưng bàn thì dễ. Khi tiến hành trồng đào, lại vướng mấy việc. Đất khu bãi rác có quá nhiều túi nilon và mối. Những tổ mối to, mối lúc nhúc béo mập có thể ăn cả những gốc đào. Túi nilon chìm lẫn với đất rác có thể làm rễ đào không ăn sâu hút nước và khoáng chất một cách tự nhiên. Chắc chắn hàm lượng vi sinh cho cây mọc lên trên đất này sẽ vì rác nilon chìm sâu ngăn trở.

Vậy là cả xóm theo lời ông Cả Đương và Hoàn đen, ra quân đồng loạt để nhặt rác. Những hố đất được đào rộng hơn, nilon được lôi lên nhiều vô kể.

Nhân việc này, cả xóm nổi nghe lời Cả Đương và Hoàn đen, phát động phong trào nói không với túi nilon. Các bà các chị đi chợ, chịu khó mang theo cái làn đựng đồ. Cả dãy chợ nêu gương bà con xóm Thanh Lương, lại thuyết phục bà con những khu phố xung quanh dùng làn đi chợ. Cũng tiện đôi đường, nhất là cánh tư thương ở chợ đã đỡ một khoản chi phí mua túi nilon đựng hàng cho khách.

Chuyện diệt mối thì phức tạp hơn. Cả xóm góp tiền làm thành một quỹ diệt mối. (Sau này nhờ vậy, xóm nổi còn gắn kết nhau xây dựng nên một quỹ đoàn kết). Ông Cả Đương cùng Giang choắt tìm đến công ty diệt mối thuê họ về để tổng diệt. Những đường đi của mối chúa bị chặn đứng sau hàng tuần đặt mồi diệt.

Mối và nilon đã tạm vãn, những hốc trồng đào được Hoàn đen đích thân khoét rộng. Vợ Hoàn đen đi sau bước chân chồng vảy những giọt nước được múc lên từ hồ Hỏa Tước vào những cái hố được khoét rất khéo. Những gốc đào phai được đặt vào hố và vun nhẹ nhàng. Lũ trẻ con gõ trống ầm ĩ mỗi khi có một gốc đào được đặt xuống đất. Người lớn cũng vui lây với không khí tưng bừng của cả xóm. Mấy cô cave thuê nhà trong xóm ban đầu còn lười biếng nhìn dân tình hớn hở. Sau chính họ cũng không thể ngồi ngáp ngủ trong những căn phòng chật hẹp hôi hám, bèn bật dậy ra cửa cùng trồng đào với vợ chồng Hoàn đen.

Cả xóm thấy vui rủ nhau xới đất vun gốc đào. Chẳng ai còn nhớ đến con đường lớn rồi sẽ đi qua, có thể vườn đào mới vun của họ sẽ lại phải trồng lại từ đầu.

Vợ Hoàn đen đi theo chồng đếm từng gốc đào đã được dăm. Nàng nhẹ nhàng bón vào từng gốc đào những vụn bã trà và những giọt nước lấy từ hồ Hỏa Tước lúc canh ba.

Giang choắt cùng mấy tay thanh niên trong xóm cũng tham gia. Mọi khi cánh này thường hay ngồi ngáp vặt bên quán nước, không biết làm gì, giờ nom họ như sinh động hẳn ra. Mấy cô gái cùng họ xới đất tìm rác nilon.

Giang choắt bảo Hoàn đen:

–  Dạy em trồng đào nhé.

Hoàn đen cười hì hì:

–  Cứ nhìn thì biết.

Vợ Hoàn đen bảo mấy cô gái:

–  Hãy tưới nước cho đào như thế này.

Bác Cả Đương chắp tay đi đi lại lại tính toán. Cứ tính mỗi nhà có dăm gốc đào, thì rồi vị chi cả xóm này sẽ có khoảng vài trăm gốc đào. Đào sẽ nở hoa. Xóm nổi Thanh Lương sẽ là vườn đào ngay giữa thành phố. Khi ấy mọi người sẽ kéo vào mua hoa. Cả xóm nổi Thanh Lương ta sẽ thành vườn đào. Vậy thì phải bảo Hoàn đen dăm đào cho có hàng có lối. Tiếc là họ sắp cho san ủi một vệt. Mất khối đào. Mà tiếc thì cũng chẳng để làm gì. Có đường lớn đi qua, sẽ có nhiều điều thú vị bên ngoài kia cuốn theo con đường này đến với xóm Thanh Lương.

 

Dường như cả xóm nổi cứ thao thức hồi hộp mỗi đêm kể từ ngày dăm được những gốc đào phai quanh nhà, ngoài ngõ. Lũ trẻ dường như bớt nghịch ngợm phá phách hơn, chúng bắt chước vợ Hoàn đen, nhẹ nhàng tưới lên gốc đào những giọt nước tinh khiết buổi sớm mai. Người già ngồi ra cửa ngắm mặt trời mọc rồi lại ngồi ra cửa ngắm mặt trời lặn, trong lòng thấy thư thái khi thấy cánh lá đào reo vui mỗi ngày mỗi lớn lên xanh hơn.

Giang choắt nhà hàng xóm ông Cả Đương mang sáo trúc ra thổi. Tiếng sáo Giang choắt vút lên cao dần, rồi nhẹ nhàng bay là là trên mặt hồ Hỏa Tước.

Góc vườn. Nước đổ xuống phiến đá

Hoàng hôn trôi nhanh.

…Giọt sương cuối thu

Trong suốt…

Nghe tiếng sáo da diết của Giang choắt, mấy cô cave trọ phòng bên rủ nhau ra cùng ngồi bên hồ. Nga bán bún ốc bỗng nhiên dịu dàng, mái tóc bay bay theo tiếng sáo khiến Giang choắt nao lòng.

Hoàn đen bảo:

–         Đào này chắc chắn sẽ nở hoa

Vợ Hoàn đen khẽ cười:

–         Toàn đào núi. Nhưng sẽ nở hoa.

 

Long chạy xe ôm từ ngoài phố về. Chưa về đến nhà đã chạy đi tìm Huyền, cave mới giải nghệ, mở hàng bán bánh bao trong xóm nổi.

Long khoe:

–  Hôm nay anh chạy được hai triệu. Vớ được món khách hời. Kiếm hơn cả thằng tắc xi.

Huyền bĩu môi:

–  Không bằng anh Giang choắt. Anh ấy chỉ búng phát trúng ba số đề.

Long cất mũ bảo hiểm xuống cốp xe, lẩm bẩm:

–  Đề đóm hư người. Anh chạy xe làm ăn lương thiện. Em thích thằng làm ăn lương thiện chạy xe ôm hay thích thằng thổi sáo ốp đề?

–  Thích cả hai.

Huyền cười hi hi khiến Long đỏ mặt. Huyền đang nhào bột. Long vuốt mặt mấy cái cho bõ tức rồi ngồi xuống nhào bột bánh với Huyền.

Long bảo:

–  Nhà anh có hai chục gốc đào đấy nhé. Hơn đứt nhà lão già Nê-rô.

Lão già Nê-rô là lão Phước hói. Lão hay triết lý, mở miệng là triết lý, thường lấy hình ảnh bạo chúa Nê-rô ra làm đầu câu chuyện. Nào là Nê-rô đốt thành La mã để lấy cảm hứng làm thơ. Nào là Nê-rô bạo tàn và hoang tưởng. Nhưng Nê-rô có một trái tim nhiệt thành. Lũ trẻ con há hốc mồm khi nghe lão thuyết giảng những câu chuyện ăn chơi của thành La mã xưa.

Chuyện trồng đào, lão già Nê-rô hưởng ứng đầu tiên. Thậm chí lão còn kéo đổ cả cái gian nhà rách bên ngoài, mọi khi hay cho đám bài bạc thuê, giờ lão cút đám bài bạc đi, quyết tâm giải nghệ, được cả một khoảnh đất rộng để trồng đào.

Huyền nghe Long khoe cũng ngạc nhiên.

–  Sao nhà anh có những hai chục gốc đào nhỉ? Anh trồng những đâu?

Long bảo:

–  Trồng cả sân trong. Sân trong nhà anh định để quây một gian nữa cho anh chuẩn bị lấy vợ. Nhưng anh bảo ông bà già, nếu đồng ý cho con lấy Huyền thì sẽ sang nhà cô ấy gửi rể.

Huyền ngúng ngoảy:

–  Ai đã đồng ý lấy anh.

–  Không lấy anh thì em sẽ chết già thôi. Vì anh cứ chặn cửa nhà em, thằng nào dám vác mặt vào đây?

Huyền thật lòng:

–  Nhưng… em đâu có được như người ta.

Long nghiêm mặt:

–  Thì em phấn đấu cho bằng người ta đi. Anh không ngăn cản em phấn đấu đâu mà lo.

 

Giang choắt và Nga bán bún ốc khi ấy đang ngồi sâu sát bụi cây dứa dại ven hồ, cạnh đó là những gốc đào đã lên lá xanh. Cây sáo bị ném sang một bên. Sáo đã im bặt một lúc. Hai người đang nói chuyện gì đó như là chuẩn bị cho tương lai…

 

Vợ Hoàn đen đun một nồi nước chè xanh, bắt chước lối tiếp khách quê chồng, múc ra từng bát khuyến mại cho khách. Khách đôi người đi qua, ngồi xuống quán hút điếu thuốc. Lưng khách quay về phía nàng. Khói thuốc bay lơ lửng lên cao, như những màn sương huyền hồ vấn vít bên trên hồ Hỏa Tước.

Những màn sương bay trên mặt hồ, đọng lại trên những cánh đào phai nở nụ, rồi nhỏ xuống tưới thắm mảnh đất vừa được hồi sinh.

Nàng dựa lưng vào tường, nhìn chồng đang chống hai tay trồng cây chuối bên cửa quán. Trong đầu Hoàn đen dường như đang đoán định tương lai cho những cây đào sẽ được lớn lên, nở hoa trên đất này.

 

Tiếng sáo của Giang choắt lại vút lên cao. Lần này rõ ràng là dành cho ai đó trong lòng.

Nga ngồi bên cạnh Giang choắt rồi mà vẫn ngẩn ngơ.

Nửa đêm mưa lớn

Trong phòng kín đắp thêm chăn

Chảy qua lưng,

nước đọng…(*)

 

Thái Hà, đêm Noen 25.12.2012

* Thơ Mai Văn Phấn

Exit mobile version