Chuyên mục TRUYỆN HAY tuần này, Cầm Kỳ Official giới thiệu chùm truyện ngắn của nhà văn Vũ Thanh Lịch.
Gồm các truyện ngắn sau:
– Giăng chiều gọi bạn
– Suối nữ
– Những cơn sóng màu mật
– Mây vờn trên đỉnh Mã Yên
– Nhà Thánh
Nhà văn VŨ THANH LỊCH
Sinh ngày 23/10/1978 tại huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình
Hiện đang công tác tại Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình
Tác phẩm đã xuất bản:
– Tập truyện ngắn Trú rét, NXB Hội Nhà văn 2013
– Tập truyện ngắn Đi qua đồng cói, NXB Quân đội nhân dân 2015
– Tiểu thuyết Chân núi có một con đường, NXB Hội Nhà văn 2015
– Tập tản văn Đánh thức trái tim, NXB Kim Đồng 2017
– Tập truyện ngắn Người hát gọi mặt trời, NXB Tổng hợp 2017
– Tập truyện ngắn Nhà Thánh, NXB Văn học 2021
Giải thưởng:
- Giải B tập truyện Đi qua đồng cói, Liên hiệp các Hội VHNT VN 2015
- Giải Nhất cuộc thi truyện ngắn Lửa mới, Tạp chí Văn nghệ Quân đội 2019
- Giải A, Giải thưởng Văn học nghệ thuật Trương Hán Siêu, 2022, chuyên ngành văn xuôi, tập truyện Nhà Thánh
- Giải A, Giải thưởng Văn học nghệ thuật Trương Hán Siêu, 2022, chuyên ngành sân khấu, kịch bản Phận Má Đào
(Phận Má Đào được nhà hát Cải lương Hà Nội dàn dựng, biểu diễn, đạt Huy chương Vàng tại liên hoan nghệ thuật Cải lương toàn quốc 2022 tại Long An)
Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ 2020
Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Ninh Bình
Nhà văn Vũ Thanh Lịch luôn tâm niệm: “Mỗi lần đặt bút viết một câu chuyện mới, tôi đều hi vọng câu chuyện mình kể ra sẽ nhóm lên một ngọn lửa, sưởi ấm một tâm hồn, mà đầu tiên là sưởi ấm tâm hồn chính mình. Ngọn lửa cứ thế âm ỉ cháy, dẫn tôi về phía có nhiều ánh sáng hơn”.
Theo nhà LLPB Phùng Gia Thế:
“Trong truyện ngắn Vũ Thanh Lịch, văn hóa tâm linh trở thành một thực tại hiện hữu thường trực, một thực tại dường như chỉ có thể nhìn thấy, cắt nghĩa được bằng con mắt thứ ba. Một mặt khác, dầu không truy nguyên kỳ cùng triệt để, vẫn có thể nhận ra, chút thoáng hoài nghi của chủ thể về sự tồn tại của thế giới thánh thần… Điều đáng nói là, cảm thức vừa tin, vừa giảo ảo này luôn song hành với tình yêu văn hóa sâu thẳm của nhà văn, thể hiện trước hết ở những âu lo, bất an về chuyển dịch văn hóa và những vận hành xung quanh thế giới tâm linh. Truyện ngắn Vũ Thanh Lịch luôn đậm chất luận đề là như thế”
Theo nhà LLPB Nguyễn Thanh Tâm:
“Đánh thức dấu xưa chuyện cũ, gọi dậy những linh hồn ngụ trong các lớp trầm tích, gợi về một nét phong tục tập quán, nhắc lại những tên đất, tên người, những triều đại đã tỏa bóng lên trang sử dân tộc… truyện ngắn của Vũ Thanh Lịch là một nẻo về chầm chậm, giàu suy tư, giàu cảm xúc và đan cài không ít ý tưởng giấu sau hình tượng, chuyện kể”
SUỐI NỮ
Thiếu phụ khoả nước nhìn trăng. Trăng sầm sập đổ lên vai lên ngực. Hơi thở căng tức. Thịt da căng tức. Đôi cánh tay trần ép thật chặt thật chặt… Đôi gò bồng đảo xô dạt, chèn lấp lên nhau… Ngột thở. Mắt nhắm. Môi hớ hênh. Đôi bồng đảo nở dần, nở dần. Quằn quết trong mười ngón tay có vết sần, vết chai, vị thô, vị ráp…
Tạo hoá thật là lạ. Cùng trên một tấm thân người, sao còn bày đặt chỗ này da khô khao cằn cỗi, chỗ kia da căng mịn nõn nường, để người ta có cớ, có chỗ mà tự lừa phỉnh, tự ru rín mình…
Gió lả lướt. Trăng ỡm ờ. Cành lau vừa bung búp trắng xốp, sà xuống. Trượt. Trượt từng khúc từng khúc… man dại… Tiếng rên bất chợt bật lên. Tan biến mọi căng tức.
Bẽ bàng tràn ngập. Thiếu phụ lao ùm xuống suối. Chìm thật sâu vào nước. Vùng vẫy trong nước. Ngập thẫm trong nước… Nước vây chặt xung quanh, luồn lách ì oạp trong hang sâu, trong vách đá, trong chùm rễ ô rô thõng thượi thả từ vách đá xuống suối…Nước ngọt hơn trăng, nước mềm hơn lụa…Nước… nước… nước… nước…
Nước sóng sánh vàng… lấp lóa trắng.
Thiếu phụ ngụp lặn. Sầm sập trong nước. Dập dềnh trong nước… Không gì êm và ngọt như nước…
*
Bậc đá đổ xuống một bóng người, tóc dài như gió, không xống áo, không nai nịt. Bóng người xoài mình trên đá rồi ào vào nước.
Một bóng nữa.
Thêm một bóng nữa.
Thêm một bóng.
Những lọn tóc xổ tràn trên vai ngờm ngợp những trăng.
Ùm!
Ùm!
Ùm!
Những chiếc bóng ào vào nước.
Trong phút chốc, tiếng rúc rích nói cười ùm ũm khắp nơi.
Trăng quá ngày rằm. Càng khuya càng hoang hoải. Những thiếu nữ giỡn mình với trăng, với nước. Gào réo. Hò hét. Nô nghịch…
– Kéo cái Vụ lên đầu nguồn kia chúng mày ơi, hết ca ba hôm nay là nó động phòng đấy. Từ mai thì đừng có mơ được xuống suối nữa nhé.
– Nhớ nhé, có hơi giai là không được xuống suối đâu đấy… kẻo chị em đây lại thèm.
– Tối nay có cần bọn này giữ chân giường cho không?
– Này, kì cọ cho kỹ vào nhé, hay để bọn này kì cho nào, nào, nào…
Các cô gái dồn Vụ lên đầu ngọn nước.
Nước thơm nức mùi cỏ tranh.
Nước tung tẩy trong những tiếng quẫy đập.
Nước…
Từng vốc nước tung vút lên trăng. Từng vốc, từng vốc, đủ mọi cung chiều.
Trăng đầm đìa.
Đổ xuống cơ man nào là pháo sáng.
– Chạy đi Thành ơi, chạy đi… nép vào hốc đá dưới bụi cây cô tiên đằng kia… nhanh lên Thành ơi…
– Cái Hoàn, Hoàn đâu rồi, B52 đấy, chạy đi… chạy đi…
– Chạy đi, nhanh lên, nhanh lên…
– Đến đây chúng mày ơi, ở đây vừa kín, vừa nhìn được pháo sáng đấy, đến đây đi, đến đây…
– Nhiệm ơi, Nhiệm ơi, Nhiệm… ơi… mày ở đâu, đến đây đi, ở đâu Nhiệm ơi…
– Nó ném xuống đằng kia rồi…
– Đâu?
– Đâu?
– Sau chùm pháo sáng vừa lóe lên một cái là nó đổ ụp xuống. Kia kìa, chỗ cái cột khói đen ngòm kia kìa.
– Ở đấy, đấy, chỗ đội 6 thu hoạch dứa ấy.
– Tao sợ quá, nó đến gần đây rồi, chạy đi đâu bây giờ…
– Cái gì, chỗ đội 6 á?
– Tao phải đi…
– Mày điên à? Nấp vào kia nhanh lên, nhanh lên, nhanh lên…
– …
– …
– Anh Thảo ơi… Anh … Thảo… ơi… Đợi em với… em đến đây… đến… đây… anh … Thảo … ơiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiii…
Tiếng gào thét lẫn trong tiếng nước. Hổn hển. Ngột thở. Pháo sáng vẫn đổ xuống từng vốc, từng vốc…
Rồi biến mất.
Đêm im bặt.
Khàn đục tiếng dế gọi bầy…
Pháo sáng trượt trên búp lau. Từng giọt. Từng giọt. Từng giọt…
Búp lau thẫm ướt.
Đổ rạp xuống suối.
Đầm đìa…
Ràn rụa…
Trăng trễ nải đậu lên mỏm đá cao nhất trên đỉnh núi, thõng thượi thả xuống từng mảng sáng lô nhô.
Thiếu phụ uể oải bước lên bậc đá. Suối Nữ thăm thẳm trong màn đêm ngần ngận nước.
*
Mảnh đất này thật lạ. Phía bên kia là đồi, đồi lô nhô khắp nơi. Đỏ au. Trơ trụi. Thậm chí khô nẻ, nứt toác dưới nắng và gió, những vết nứt khiến những người lao động lâu năm ở nơi này không thể không ngoảnh nhìn gót chân mình mà so sánh, mà chia sẻ… Còn phía bên này là núi, núi xanh thăm thẳm, có lúc xanh mượt như tấm áo nhung the của Vụ. Đó là khi mùa xuân đến. Và ban mai rung rẩy thả xuống đỉnh núi những vạt sóng nhung phủ sương… Ở giữa là một bình nguyên mênh mông cỏ, chi chít những hố bom sâu hoẳm. Ban đêm, trăng rọi xuống, bình nguyên lố nhố những hốc mắt đen ngòm và những hõm miệng đang thét gào tuyệt vọng… Ban ngày, bình nguyên mênh mông vẫn nhẫn nại sống, mải miết vươn xanh, trông cậy vào bàn tay con người để lấp dần những dấu tích hận thù… Trong khoảng thời gian không dài sau khi nông trường được thành lập, bình nguyên sôi động tiếng máy cày máy kéo, rộn rã tiếng cười, ngân rung tiếng hát và những cánh đồng mượt như nhung, mềm như lụa mỗi ngày lại toả rộng thêm, rộng thêm, xóa dần những hốc hõm ghê rợn giữa bình nguyên, nối liền dãy núi xa xanh với những quả đồi trọc lốc. Cho đến một ngày, núi, đồi và bình nguyên vô tình hòa kết vào nhau thành một miền đất huyền thoại, tràn đầy sức sống, ăm ắp sức sinh sôi.
Khu lán trại của chị em nữ thanh niên xung phong được dựng ngay bên khu chế biến. Cách đó không xa là một ngọn núi không lớn nhưng cao vời vợi. Điều đặc biệt là ngọn núi ấy không đứng thẳng. Nó nghiêng như cây bút. Nó đổ bóng xuống khu chế xuất như muốn che nắng chắn mưa. Những loài cây may mắn được gieo mầm trong các khe đá trên cao ấy, ra sức buông thả những chùm rễ nâu óng, sõng sượi, lả lơi, thả sức tung mình đón gió và đón nắng… Dưới gốc núi, có một dòng suối bốn mùa nước trong văn vắt. Mặt trời mùa hè khó có thể lách đến suối vì thế dòng nước bất kể sáng trưa chiều tối đều mát ngọt như trăng. Không biết có phải núi muốn giấu giữ trọn vẹn những thanh khiết nõn nường cho các cô gái hay không mà giấu dòng suối thật kỹ, thật bí ẩn. Khó ai có thể tìm được đường đến suối nếu không phải là các cô gái. Xung quanh núi, cỏ lau mỗi ngày vươn lên không biết bao nhiêu là lá non nhọn hoắt. Những mũi lá biết nghiêng tránh mỗi khi bàn chân lấm lem bụi đất của các cô gái rẽ cỏ trở về, nhưng sẵn sàng cào cứa bất cứ người đàn ông nào vô tình hay cố ý đến đây vì bất cứ lí do gì, kể cả để gánh một thùng nước ngọt về cho vợ nấu cơm. Vào mùa đông, khi mặt trời buổi chiều sắp lặn, những tia nắng cuối ngày có thể vươn tới dòng suối, mơn man lên mái tóc ủ đầy hương mần trầu của các cô gái, tỏa sưởi hơi ấm cho các cô tắm tiên sau một ngày lao động mệt nhọc. Tinh sương, khi dòng nước ấm áp trong suối bốc khói tỏa lên gốc núi, cỏ lau phủ một tầng mây trắng ngà, bông xốp dẫn giấu hơi ấm, ủ giữ hơi ấm để đón các cô gái trở về, đằm mình xuống nước sau một ngày lao động vất vả… Có lẽ vì thế mà các cô thanh niên xung phong từ khắp các miền quê về đây khai mở nông trường đã không bị ngã nước, ngược lại, các cô trở nên tươi tắn, nở nang và tràn đầy sức sống.
Ở phía sườn đồi đằng Tây là khu nhà ở của các cán bộ miền nam tập kết và các anh em chiến sĩ miền bắc không còn đủ sức khỏe đi B. Phía trước khu tập thể của họ là một hồ nước không quá lớn nhưng rất nhiều sen, những buổi tối mùa hè, sau khi sinh hoạt đoàn thanh niên, họ thường tụ tập ở bờ hồ hát, chơi đàn ghi ta, và thổi sáo. Những đêm trăng sáng, họ làm việc trên đồng đến khuya mới về. Sen ủ nước cho họ rửa mặt, rửa tay. Những đêm trở gió, các cô gái phía bên này vẫn nghe tiếng sáo réo rắt từ hồ sen đưa lại.
Cách xa khu đất của nông trường, cách xa ngọn núi nghiêng chừng hai ba cây số là một khu làng nhỏ lúp xúp dưới chân núi Mê, dân cư trong làng phần lớn là con cháu địa chủ ở nông thôn miền bắc dạt về sau cải cách ruộng đất, hoặc là những gia đình có con em đầu quân cho phía bên kia, cũng có người tha phương, sống sót sau nạn đói 45 rồi trôi dạt về vùng đất này, một số nữa là con cháu các nông phu làm việc trong các đồn điền, sau khi người Pháp rút đi, họ bám trụ vào nhau, nương tựa vào nhau, sinh con đẻ cái lầm lụi trong một khoảnh rừng chật hẹp với những nỗi lo lắng mơ hồ.
Các anh chị em công nhân trong nông trường lập gia đình mới hoặc đưa gia đình từ nơi khác về đây sinh sống được dựng nhà ở gần khu nông trường bộ, ngay bên con đường trục chính. Tối tối, những ánh sáng le lói hắt ra từ các ô cửa sổ líu ríu đan vào đêm những giọt sáng lung linh. Vào những ngày trời trở gió, tiếng bọn trẻ con nô đùa cười khóc, tiếng những bà mẹ réo gọi con về thỉnh thoảng lọt vào thinh không, lọt đến khu tập thể khiến không ít các chàng trai, cô gái xốn xang. Không ít cô gái giấu nước mắt trên đầu gối ống quần thu lu trong góc lán dưới trời chiều tím thẫm, mặc cho muỗi mắt bâu đặc quanh mình…
Vụ thường thức rất khuya. Cô mang từ thành phố về một ba lô sách. Và thỉnh thoảng về khu chế xuất xin một ít dầu lạc để thắp đèn đọc sách hàng đêm. Cô vẫn nung nấu ước mơ mở một lớp học cho các em nhỏ trong nông trường và cả các em nhỏ trong ngôi làng nép dưới chân núi Mê.
Khi nông trường bắt đầu ổn định sản xuất, ban giám đốc phân công Đoàn thanh niên tham gia dựng lớp học. Lớp học được dựng ngay gần hồ sen, phía sau sân bóng chuyền của khu tập thể công nhân nam. Học sinh không nhiều nhưng Vụ phải chia làm 3 lớp, học 3 ca. Lớp học buổi tối thường kết thúc khi ánh đèn trong các ô cửa sổ đã dần tắt. Mỗi ngày, khi cô đứng lên, rời khỏi lớp học cũng là lúc tiếng sáo phía hồ sen cất lên da diết. Nhiều hôm, nhất là những đêm trăng sáng, bầu trời không một gợn mây, cô lang thang đi hết một vòng tròn quanh hồ sen rồi mới trở về, chân bước đến khu tập thể của mình rồi mà tâm hồn còn lãng du theo tiếng sáo tận góc trời nào.
Lớp học càng lúc càng đông. Cô giáo càng lúc càng bận rộn. Nhưng sau mỗi ngày làm việc, dù mệt mỏi đến đâu, cô cũng không thể ngủ yên nếu không có tiếng sáo.
Vụ đi tìm tiếng sáo.
Tiếng sáo đâu đó trên đồi chè.
Tiếng sáo đâu đó trên đồi dứa.
Tiếng sáo lẫn đâu đó trong tiếng máy cày máy kéo ngoài cánh đồng chang chang nắng.
Tiếng sáo lẩn quất đâu đó ngay sau lưng ngọn núi nghiêng kì dị, lẫn trong cỏ lau, lẫn trong tiếng gió, líu ríu trong nước suối nữ, quấn siết quanh chùm rễ si sõng sượi trên mỏm núi…
Tiếng sáo bám trên tóc, trên mắt, trên vai, trên áo…
Tiếng sáo lửng lơ ngoài ô cửa lớp học, chơi ú tim ngoài vách nứa, chập chờn trong những cơn thiếp ngủ của Vụ.
Tiếng sáo làm Vụ ngã nước sau ba năm tình nguyện đến nông trường. Vụ gầy guộc, xanh xao, mái tóc vốn dài đẫm hương mần trầu rụng dần từng vốc, từng vốc, để lại vài sợi lơ thơ như cỏ tranh dưới chân đồi trọc.
Thảo hì hụi hàng tuần, tranh thủ lên núi vào mỗi sáng tinh mơ, để đào cho Vụ một túi rễ hà thủ ô, tự tay sắc cho Vụ uống. Anh chọn những sợi rễ to nhất mang về phơi khô, tán thành bột cho Vụ cất đi dùng dần… Anh mang tiếng sáo về cho Vụ trong một đêm trăng xanh như ngọc. Tiếng sáo trượt từ chùm rễ si trên đỉnh núi nghiêng, sóng sánh lên mắt Vụ. Tiếng sáo đậu lên môi, lên mắt Vụ… Tiếng sáo ấm hơn lửa, rực rỡ hơn mặt trời, ngọt thơm hơn nước suối nữ… tỏa lan râm ran khắp cơ thể Vụ… Tiếng sáo… Tiếng sáo… Tiếng sáo khiến trái tim Vụ tràn ngập giai điệu sống, tràn ngập giai điệu sinh sôi…
Còi báo động từ khu nông trường bộ rú gào từng hồi vội vã, gấp gáp. Núi đồi vùng dậy, hoảng hốt. Đế quốc Mỹ đã tràn ra miền Bắc, rải B52 bất cứ nơi nào chúng muốn.
Miền Bắc nghi ngút khói bom, ầm ào súng đạn…
Nông trường vừa sản xuất vừa chiến đấu. Ban ngày, những cánh đồng chang chang nắng, xơ xác gió. Dứa thản nhiên chĩa lên trời cơ man nào là mũi chông nhọn hoắt. Chè âm ỉ hứng nắng, hứng gió, âm ỉ tỏa lên trời tất cả sắc xanh phẳng lặng. Ban đêm, cùng với đèn dầu lạc, cùng với những đốm lửa nhỏ đủ để tung lên trời hàng đàn đom đóm lấp lánh, anh chị em công nhân lại ríu ran bài ca lao động, và những chồi non vẫn ngồn ngộn sinh sôi, những quả chín vẫn âm thầm tụ ngọt.
Chỉ có lớp học ban đêm của Vụ là dừng lại vì một số học sinh đi làm đêm, một số khác vào đội dân quân tự vệ của nông trường… Vụ tham gia vào đội hậu cần, đêm đêm chuẩn bị đồ ăn, nước uống mang đến các đội sản xuất cho anh chị em công nhân. Công việc ấy khiến Vụ có nhiều thêm những cơ hội chăm sóc Thảo. Trước đây, mỗi lần nghe tiếng sáo trầm nặng nỗi niềm của Thảo cô không thể nào ngủ được, đã có những đêm, cô không kìm được nước mắt, thậm chí, muốn phá tung tấm vách để ào đến lau nước mắt cho Thảo, an ủi và chia sẻ với Thảo. Mãi sau này cô mới biết, trên đường hành quân vào miền Nam, Thảo đã bị thương, vết thương trên đầu khiến tâm tính anh có nhiều thay đổi. Mỗi khi trở trời anh thường không ngủ được vì đau đầu, vì cả những cảm xúc lộn xộn khiến anh cồn cào nỗi nhớ, cồn cào nỗi hoài tiếc cho một hành trình lý tưởng không thành… Vụ đã cẩn thận nhặt từng mẩu tâm sen từ các đài sen nặng hạt rồi phơi sương, làm trà hãm cho anh uống trong những ngày trở gió, chỉ mong anh có một giấc ngủ thật sâu, một sự an tĩnh tinh thần để anh làm việc, để anh vui vẻ và để anh có thể ngân lên những âm điệu trong trẻo, yêu đời từ cây sáo nhỏ bé kia. Cô không muốn anh buồn, cũng có thể cô không muốn nỗi buồn của anh lây lan đến cô hay đến bất cứ chàng trai cô gái xa nhà nào đang thử thách sức trẻ của mình trên mảnh đất đầy khắc nghiệt này.
Thảo trở thành đội trưởng đội sản xuất số 6 nhờ những sáng kiến đặc biệt mới mẻ trong lai tạo và thử nghiệm thành công giống dứa mới. Anh miệt mài vận dụng tất cả những gì đã được đọc, được học ở trường đại học để áp dụng vào công việc, cho dù sự học hành của anh còn quá dở dang. Công việc bận rộn khiến anh vô cùng mệt mỏi nhưng anh chưa một ngày để cây sáo ngủ yên trên vách đất, nhất là khi anh biết, hằng đêm có người dõi theo tiếng sáo, đợi chờ tiếng sáo, nhờ tiếng sáo mà người ấy có thể bền bỉ hơn, vững tin hơn vào cuộc sống đầy thách thức nơi rừng thiêng nước độc này, những hoài nhớ về cuộc sống hào hoa thanh nhã nơi thành đô nhờ thế cũng được sẻ san. Hơn thế, dường như trong tiếng sáo, từ tiếng sáo, anh được hành quân cùng đồng đội, những nam sinh ưu tú của trường Đại học Tổng hợp hướng về miền đất phương Nam. Những mặc cảm vì bị trở về giữa đường ra trận cũng vợi bớt khi anh được thả mình vào sáo, chìm đắm trong tiếng sáo…
Ngày tiếng bom dội xuống nông trường, anh chưa kịp đặt lên môi Vụ một nụ hôn sau những lời yêu thương cất lên từ sâu thẳm tâm hồn. Những khát khao mong nhớ lúc lúc lại cồn cào trong tâm thức Thảo, anh càng cố gắng giấu giữ nó càng cuồn cuộn dâng trào. Anh không có thời gian cho riêng mình. Vụ cũng vậy. Ban ngày đào hầm trú ẩn, ban đêm tất bật lên đồi tay cày, tay cuốc… Những phút họ có thể dành được cho nhau là những khoảnh khắc ít ỏi khi ánh mắt chạm vào ánh mắt trong bữa ăn ca hàng đêm giữa một trời đom đóm bập bùng…
Những ngày cuối cùng năm 1972, B52 bới tung nông trường, vùi lấp bao nhiêu xương máu, bao nhiêu mồ hôi nước mắt, để lại những hố bom đỏ quạch đất đồi. Những lô dứa trở nên ốm yếu khi khắp mình mẩy đầy những vết lở loét. Ban đêm, những sườn đồi có vô số hốc mắt đen ngòm và những hốc miệng không ngừng kêu la thảm thiết…
Nông trường vẫn bền gan, vững chí. Giám đốc tổ chức kỷ niệm ngày 22 tháng 12 cho các anh em đã từng là chiến sĩ, cho cả đội tự vệ của nông trường trong một đêm trăng khuya thưa vắng tiếng bom. Bao nhiêu tiếng đàn, bao nhiêu tiếng hát. Tiếng sáo của Thảo không thể thiếu trong bữa tiệc ấm cúng của đêm rừng. Lần này là Kachiusa, là Triệu đóa hồng, là Thời thanh niên sôi nổi… tiếng sáo thổi lửa cho bao nhiêu trái tim rực cháy đam mê và khát vọng… Khi tiếng vỗ tay còn chưa dứt, Thảo trịnh trọng giới thiệu bản tình ca dành cho Vụ, tiếng reo hò lại bừng lên, nước mắt Vụ lăn dài trên má khi nghe giám đốc tuyên bố sẽ đứng ra tổ chức lễ thành hôn cho hai người. Có ai đó đã len qua đám đông để mang đến cho Thảo và Vụ một ôm đầy hoa, đủ các loại hoa của núi rừng. Cả một ôm hoa trên tay Vụ lấp lánh sương trăng. Trăng hôm ấy không tròn, nhưng sáng trong như ngọc, sáng đến tận khi ban mai ửng hồng trên đỉnh núi Mê, cũng là lúc đích thân giám đốc đưa Thảo và Vụ đi đăng ký kết hôn, ông còn cắt cử một số anh em chuẩn bị mọi thứ để đêm ấy tổ chức đám cưới, sẵn sàng mọi phương án kể cả tổ chức dưới hầm trú ẩn, vì sau khi ông bấm xem ngày, thì hôm đó là ngày đẹp nhất trong tháng để hai người có thể kết hôn…
Quả bom cuối cùng làm vỡ vụn ngọn núi nghiêng khi Vụ đã lao ra khỏi nơi ẩn nấp, hốt hoảng chạy lên đồi, lao về phía những cánh đồng đang thu hoạch dứa, không quần áo, không giày dép, chỉ đăm đắm một nỗi lo sợ không được nhìn thấy Thảo. Cô chạy như bay, chạy đến ngạt thở, gào gọi đến lạc giọng, nhưng trước mắt cô chỉ còn lại một đám đất đỏ quạch nhầy nhụa những ngón tay, những mớ tóc và những đôi mắt trơ lạnh…
Núi đồi nín thở trong nỗi hoảng loạn tận cùng.
Tiếng gào thét của Vụ khiến tất cả rùng mình.
Những âm thanh ầm ĩ của kẻ thù đã tắt ngấm từ lúc nào.
Nhưng mùi bom đạn…
Cái mùi khiến không khí núi rừng trở nên đặc quánh, tanh nồng, khét lẹt lẫn trong đất, thấm trong nước…
Ám đẫm trong từng giọt trăng rịn đầy hai bên thái dương Vụ…
*
Bậc đá trơn và lạnh.
Thiếu phụ đặt chân mình lên vết lõm mòn bóng trên phiến đá. Vết lõm lâu nay đã giữ cho chân nàng khỏi trượt ngã mỗi khi bước lên từ dòng suối này. Mặc dù nó đã mòn bóng, có thể cũng rất trơn, nhưng nàng vẫn muốn đặt chân mình vào đó. Vết lõm không thay đổi bao nhiêu từ khi nàng đến nơi này, nó chỉ nhẵn hơn, bóng hơn và đựng nhiều nước suối hơn, nhất là những giọt nước rơi xuống từ đôi gót chân hồng của các cô gái trẻ…
Nàng đặt lưng xuống phiến đá. Da thịt nơi lưng nàng dịu mát dần khi chớm chạm vào đá, thả buông vào đá…
Thiếu phụ thiêm thiếp. Hơi thở nén lặng, thỉnh thoảng bật thoát trên lồng ngực rồi lại nén xuống.
– Thưa cô, cô ơi, cô… em đưa cô về, sương xuống lạnh rồi…
Cái âm điệu thanh nhẹ như sáo của cô học trò nhỏ trong ngôi làng dưới chân núi Mê ngày nào khe khẽ vang lên.
Thiếu phụ giật mình thảng thốt. Đôi bàn tay cô học trò khẽ nâng tay nàng lên. Bàn tay nó ấm như có lửa. Bàn tay…
Những ngón tay khô ráp đầy những vết sần chai. Vết sần chai vì cuốc cày, hay vết sần chai vì miết nhịp lên ống sáo… Người ta thổi sáo liệu có vết chai sần không nhỉ? Chai sần trên mỗi đầu ngón tay hay cả trên bờ môi?…
Đôi bàn tay không lướt trên ngực.
Đôi bàn tay luồn sau gáy nâng đầu thiếu phụ lên khỏi phiến đá…
Thiếu phụ giật mình:
– Cô xin lỗi, cô không sao. Em về đi. Cô không sao mà…
– Thưa cô, mấy tuần rồi cô không về nhà ngủ. Em thấy lo nên mới đi theo cô…
– Cảm ơn em, cô không sao…
Cô học trò lùi lại. Bàn tay ngập ngừng cầm bộ áo quần được gấp cẩn thận đặt trên hốc đá cách hai cô trò hơn một sải tay.
Thiếu phụ đờ đẫn nhìn trăng vỡ vụn trên mặt nước. Khuôn mặt cô gái cũng nhòe nhoẹt dưới trăng… Cô gái đến từ chân núi Mê, người đã giúp cô gom nhặt tất cả những mảnh vụn quanh các hố bom ngờn ngụa ngày nào. Ở đó có cả cha mẹ, anh chị em và cả người bạn thân nhất của nó. Cũng là nó, ngày ngày theo cô đến trường, đêm đêm cùng cô đọc sách, chiều chiều cùng cô về suối Nữ tắm tiên… Mới đó, mới đó… cái cô bé ngũng nguẩy hai bím tóc cứng như rễ tre…
Sau ngày thống nhất, trường học của cô mỗi lúc mỗi đông đúc, đông cả người dạy và người học, cô bé dưới chân núi Mê không còn là học trò nữa, nó là bạn, rồi là đồng nghiệp, là người ở chung một gian nhà tập thể với cô. Nó lớn từ ngày nào cô cũng không biết nữa. Nhưng nó sắp lấy chồng. Cô đã vô tình nhìn thấy bọn trẻ hôn nhau say đắm dưới gốc bàng trong một đêm trăng… Nụ hôn… nụ hôn say đắm… và ánh trăng xanh như ngọc… bao nhiêu lần cô tự hỏi, liệu nó có ngọt như nước suối nữ, liệu nó có thơm như tiếng sáo trên đồi chè hay có mềm như đọt cỏ lau…
Cô bé khoác áo lên người thiếu phụ, nó giật mình khi vô tình nhìn xuống đôi nhũ hoa đỏ hồng nổi bật trên vồng ngực trắng ngần mơn mởn dưới trăng… Một thoáng bàng hoàng, khuôn mặt nóng ran, và hơi thở như ứ nghẹn … Vòm ngực của tiên nữ.
Thiếu phụ hờ hững đón tấm áo nhẹ phủ lên vai mình, tận hưởng chút cảm giác lạ lùng của hai vòm ngực râm ran ấm sau cái nhìn bất chợt thảng thốt của cô học trò đã cùng tắm tiên với cô bao nhiêu năm dưới dòng suối này…
Im lặng.
Hai tiếng thở hình như lỗi nhịp.
Hai ánh nhìn thăm thẳm tìm trăng trong suối…
Trăng xộc xệch. Dãi dề.
*
Tiếng thở dài bật thoát khi thiếu phụ ngước tìm vầng trăng trên đỉnh núi Nghiêng.
Ngọn núi Nghiêng không còn nghiêng nữa, nhưng cái tên vẫn không đứng thẳng lên được, nó không thể đổ bóng che ánh trăng rót mật xuống suối nữa. Chùm rễ si lả lướt trên ngọn núi Nghiêng hôm nào đã tan vào đá, vào đất, vào khói bom… Nơi vách đá bị bửa vỡ đã phủ rêu, những loài cây may mắn được gieo mầm nơi khe đá vẫn không ngừng sinh sôi, bám cấu từng chùm rễ gai góc vào vách đá… thách thức với gió mưa…
Ngọn núi.
Và trăng.
Chầm chậm rời khỏi đôi hàng mi ràn rạn vết chân chim, rơi xuống đôi gò má thiếu phụ cùng những giọt nước mặn chát…
Mái tóc thơm hương mần trầu xõa buông dưới trăng, chìm lẫn trong hoa cỏ lau màu trắng bạc, lấp lóa, lấp lóa…
Búp cỏ lau vi vút những giai điệu ngọt thơm hơn suối, nồng nàn hơn lửa, rực rỡ hơn mặt trời…
Suối Nữ càng về khuya càng đầm đẫm những trăng.