Nhà văn Nguyễn Triệu Luật (1903-1946) là một nhà viết tiểu thuyết lịch sử có tên tuổi của văn học Việt Nam hồi đầu thế kỷ 20. Ông còn là một người nặng lòng với văn hóa dân tộc, đã có những bài viết bàn về ngôn ngữ, giáo dục, văn học với những ý tưởng mới mẻ.

Nhân dịp hội thảo Nguyễn Triệu Luật – con người và tác phẩm do Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức sáng nay (23/8/2012), TT&VH xin giới thiệu bài viết của PGS-TS Trần Thị Băng Thanh về một ý tưởng văn hóa của nhà văn Nguyễn Triệu Luật.
Kỳ I:
Giữ Quốc hồn
1.
Nguyễn Triệu Luật trước hết là một nhà viết tiểu thuyết lịch sử. Ông lại là một nhà giáo, và lý tưởng của ông là đào tạo những con người Việt Nam biết yêu đất nước Việt Nam. Mục tiêu ấy được thể hiện rất rõ ở ý tưởng “gây dựng một nền văn hóa riêng cho dân tộc Việt Nam”.

Trong loạt bài về văn hóa viết trên Tao đàn tạp chí, ông nêu khá tập trung những quan niệm của mình về ý tưởng này. Bài đầu là Làm sao mà gây được một nền văn hóa riêng cho dân tộc Việt Nam (đăng trên số 5, 1939) nêu vấn đề có tính khái quát và phương pháp luận, những bài sau đi vào nhiều vấn đề cụ thể, từ việc chuẩn xác cách xưng danh các dòng họ, “quốc hiệu” của nước, đến việc chuẩn hóa về ngôn ngữ văn tự.


Nhà văn Nguyễn Triệu Luật với các nam sinh tại Vinh


Nguyễn Triệu Luật quan niệm mỗi nước có một nền văn hóa riêng. “Mỗi dân tộc có một cách vận chuyển, phô diễn tư tưởng riêng”, đó là “tinh túy riêng của một ngôn ngữ, một dân tộc”, là “Quốc hồn”.

Cơ sở triết lý của sự khác nhau đó là: “Người Âu châu lấy cá nhân chủ nghĩa làm gốc cho văn hóa, tư tưởng của mình, đặt mình làm trung tâm vũ trụ”, còn “Người Đông phương lấy mình là một hiện tượng nhỏ mọn giữa vũ trụ …”, “Tư tưởng của người Tây từ trong ra ngoài. Tư tưởng của người Nam từ ngoài vào trong”. Muốn “gây dựng một nền văn hóa riêng” trước hết phải xuất phát từ cơ sở triết lý đó.

2.
Nhưng Nguyễn Triệu Luật viết bài này khi nước ta đang bị người Pháp đô hộ. Chính phủ bảo hộ mở trường nhằm mục tiêu chính là đào tạo những người làm việc cho Chính phủ, tất nhiên dạy theo chương trình Tây, văn hóa Việt không phải là vấn đề mà nhà trường quan tâm. Và trong quá trình “Tây hóa” đó, hàng ngày hàng giờ tâm hồn Việt, tính cách Việt bị bào mòn tiêu hao dần.

Để chống lại điều đó, để truyền bá, cổ súy nâng cao văn hóa dân tộc, Nguyễn Triệu Luật đặt niềm tin trước hết vào sự nghiệp giáo dục, “hết thảy những ai lấy cái tương lai tinh thần của giống nòi làm sự băn khoăn tha thiết trên mọi băn khoăn tha thiết” phải thấy “Bổn phận của ta là phải gây lấy một cái trường của ta”. Thực ra đây là một vấn đề rất lớn phải đặt ra ở quy mô quốc gia, nhưng bấy giờ ta là dân nô lệ, triều đình không thể tự quyết, cho nên “cái trường của ta” mà thực chất là giới trí thức yêu nước đương thời phải tự nguyện gánh vác. Nguyễn Triệu Luật đã nhân danh “cái trường của ta” đề xuất những vấn đề quan trọng đó.
Thứ nhất là “cách đối đãi với các nền văn hóa ngoại nhập”. Theo ông, đối với các nền văn hóa ngoại nhập, về kỹ xảo cơ khí, tư tưởng triết học học thuật, ta có thể thu nhận mà “không hại gì cho cá tính của ta”, bởi “tính cách phổ thông” của các bộ môn khoa học ấy. Tuy nhiên muốn thu nhận chúng thì tốt nhất là phải dịch ra tiếng Việt. Ông cho rằng dịch, cắt nghĩa bằng tiếng ta thì mới chuyển tải được tư tưởng, văn hóa của nước khác cho ta. “Văn dịch sẽ làm giàu nền văn của ta”.

Ngày ấy chúng ta học tiếng Tây, học văn hóa Pháp, nhưng không thể chỉ thạo tiếng Tây mà phải giỏi. Giỏi để thu nhận, học hỏi kỹ thuật, kỹ xảo phương Tây, chắt lọc những điều hay, điều tốt từ tư tưởng triết học, học thuật, văn minh phương Tây để làm giàu cho văn hóa nước nhà. Theo ông, điều quan trọng khi học hỏi văn hóa các nước khác là phải “Việt hóa” được, “nắm được cái lẽ phải riêng cho mình”, nói như chúng ta ngày nay là học để làm việc có ích cho dân tộc mình chứ không phải chỉ bắt chước, “học đòi” để làm sang, để trở thành những “Tây lai” “mất hết tính cách cũ của giống nòi”, để rồi khinh thị dân tộc mình, coi rẻ văn hóa nước mình.

Ông đưa ra mấy dẫn chứng thành công trong việc tiếp thu văn hóa ngoại nhập của một số nước, ví như Trung Hoa khi dịch hết kinh chữ Phạn sang chữ Trung Quốc thì đạo Phật đã thành “của riêng Trung Quốc rồi”, kinh Phật đã bị lọc qua cái bình lọc của ngôn ngữ Trung Hoa mà bị Trung Hoa hóa; Nhật Bản Âu hóa mà vẫn giữ được nguyên tinh thần của Nhật cũng vì “Nhật họ Âu hóa bằng tiếng bản quốc, họ Âu hóa cái đã bị Nhật Bản hóa”.

Ông còn dẫn ra một nhân vật khá cực đoan của Nhật là giáo sư Gorai, thầy dạy lịch sử, triết học và văn chương ở trường Đại học Đông Kinh. Ông Gorai không viết thạo, nói thạo một thứ tiếng nào của châu Âu, bởi vì ông chủ trương học để biết để “xem sách của họ và hiểu họ thôi” chứ không học để làm văn. Đồng thời ông cũng cảnh báo cách làm trái ngược ở nước ta. Trong các trường Tây ở nước ta hồi đó có những thầy giáo “tự phụ mình là Tây lắm. Song nói đến văn hóa Âu – Tây thì mù tịt”, lại “chúa ghét” những loại sách có tư tưởng, như Kant, Descartes, thậm chí cả Georges Sand, còn về văn hóa Việt thì các vị ấy coi thường, có thể còn xấu hổ khi nói tiếng mẹ đẻ! Đối với những vị ấy đương nhiên văn hóa dân tộc chẳng trông mong gì. Nhưng ngay cả nếu có những thầy tận tâm, dạy được nhiều người thạo tiếng Pháp cũng chưa hẳn đã đào tạo được người tài để làm văn hóa dân tộc.


Quan sát cách dạy tiếng Pháp đương thời, Nguyễn Triệu Luật cho rằng dùng phương pháp trực thụ để dạy (penser en francais), luyện mãi thì thành công, nhưng lại không đủ bản lĩnh để bảo vệ lối tư duy, “phô diễn” Việt nên kết quả là “cái óc Việt Nam cứ lùi bước dần dần cho đến khi bị tiêu hẳn”. Cho nên ông cho rằng mỗi giờ giảng văn Pháp, ngữ pháp tiếng Pháp là một giờ dùng vào việc “phá hoại quốc hồn Việt”; thầy giáo Pháp văn nào càng thạo thì sức phá hoại càng tai hại…


Kỳ 2: “Kiêu ngạo” làm người Việt Nam

(Còn tiếp)
(Thể thao & Văn hóa)

Exit mobile version