Điều Dương Thuấn nói đến cũng đồng thời là nỗi day dứt của những người đã sống cùng thời. Các chính sách áp đặt phá bỏ hàng loạt phong tục tập quán truyền thống có giá trị như những ông tảo, bà pửt, then; tục ngâm thơ, đối thơ trong đám cưới, đền đài miếu mạo… là hậu quả một thời ấu trĩ, dập khuôn máy móc duy ý chí. Những chính sách này không phải chỉ áp đặt cho người Tày mà tất cả các dân tộc khác trên đất nước đều bị chung số phận.
Với gần 600 trang sách của nhà thơ Dương Thuấn nghiên cứu về văn hóa có tên gọi: “Văn hóa Tày ở Việt Nam và tiến trình hội nhập thế giới”, quả thật là một công trì[nh mới mẻ, được nghiên cứu bằng vốn sống từ thực tế và tri thức văn hóa của chính tác giả là người dân tộc Tày.
Trong cuốn sách này, cùng một tinh thần tiến bộ và thái độ trung thực thẳng thắn, không úp mở khoa trương. Và với cách nhìn đương đại, đương nhiên là từ những quan niệm mà tác giả tự đặt ra, Dương Thuấn đã cho người đọc hình dung về một khu rừng rậm rạp về lịch sử phát triển vùng đất và con người, đặt ra nhiều vấn đề quan trọng về tín ngưỡng, văn học dân gian, văn học thành văn và lịch sử chữ viết của người Tày kể từ thời văn hóa Mai Pha, nền văn minh lúa nước Bắc Sơn với vị vua người Tày đầu tiên là Vương Thục Phán cho đến tận ngày nay. Tác giả không ngần ngại đưa ra những đánh giá, nhận xét của riêng mình. Nhiều nhận xét đánh giá rất đáng để cho chúng ta phải suy ngẫm, tiếp tục tìm tòi nghiên cứu nhất là trong tiến trình hội nhập còn sơ khai hiện nay.
Trước hết, tôi nghĩ, cách tiếp cận vấn đề táo bạo mà tác giả đặt ra trong cuốn sách này còn cần phải có thêm thời gian, sự đào sâu nghiên cứu đòi hỏi cần rất nhiều người cùng làm chứ không phải công việc của một người. Ví dụ, những vấn đề mang tính lịch sử về ngôn ngữ và chữ viết rất hệ trọng và mới mẻ: Sự đồ sộ của văn học tín ngưỡng và văn học dân gian Tày được thừa nhận và sức ảnh hưởng như thế nào? Chữ Nôm Tày ra đời từ Thời Nam – Bắc triều Trung Quốc (420-589), sớm hơn chữ Nôm của người Kinh 600 năm. Sự việc Lã Thế Khanh (394-460) là tác giả văn chương chữ Hán đầu tiên của người Tày sớm hơn 600 năm so với bài thơ Thần của Lý Thường Kiệt. Rồi vấn đề tín ngưỡng và khoa học; vấn đề văn hóa truyền thống và các chính sách xa lạ ốp lên mình nó cái không phải của nó; một thứ văn hóa bị áp đặt, buộc chối bỏ. Ở đây không bàn về “đúng hay không đúng” mà cần làm rõ đâu là văn hóa gốc, có giá trị và đâu là sự tô son phết phấn, làm cho văn hóa gốc dị dạng méo mó. Cái gì người Tày có hiện còn giữ gìn như là một tài sản vô giá vẫn đang tồn tại và phát triển mãnh liệt, cái gì bị xâm hại tước bỏ làm cho lu mờ, quặt quẹo dẫn đến sự tàn phá không thể cứu vãn và hậu quả khôn lường do chính sách gây ra. Sau tất cả những chính sách văn hóa áp đặt, gieo rắc lên tấm thân lành mạnh nguyên bản đã làm cho nó không còn là nó. Mọi sự hô hào tụng ca sáo rỗng với đủ mọi chiêng la xiêm áo giả tạo, giờ chỉ là một mớ hỗn độn, không giá trị nếu không nói ngày càng kém cỏi và tệ hại hơn?…
Thật ra, vấn đề mà Dương Thuấn trăn trở cũng chính là vấn đề của nhiều trí thức, nhiều nhà nghiên cứu chuyên môn sâu đã từng mất ăn mất ngủ đêm ngày cày xới suy tư để tìm tới bản chất thực sự của văn hóa dân tộc mình, để từ đó tìm ra giải pháp lựa chọn con đường đi, con đường hội nhập phát triển. Trong cuốn sách này, Dương Thuấn tỏ rõ một thái độ thẳng thắn nhìn nhận lại và đặt lại hàng loạt vấn đề thuộc về lịch sử dân tộc mình đã bị bỏ qua. Chỉ với một thái độ dám nhìn nhận lại sự thật đã là một đối lập với sự mù lòa duy ý chí của không ít người làm văn hóa hiện nay.
Tôi chia sẻ với Dương Thuấn khi ông bỏ công sức sưu tầm rất nhiều những tài liệu mới mẻ để dẫn chứng cho việc người Tày có chữ viết, có tác giả, vượt qua văn học dân gian truyền khẩu từ rất sớm (trước người Kinh khoảng 600 năm), từ đó đặt lại vấn đề về lịch sử văn học Việt Nam, lịch sử chữ viết Việt Nam cũng như các giáo trình dạy văn học sử ở các trường đại học, các trường phổ thông… Đây là một phát hiện thật sự hệ trọng. Nó làm cho người đọc khi tiếp cận vấn đề bị “sốc”. Thiển nghĩ, nếu những tư liệu Dương Thuấn đưa ra là chuẩn xác, có căn cứ khoa học, căn cứ pháp lý thì phát hiện này không những chỉ riêng các trí thức Tày cần phải đầu tư công phu nghiên cứu sâu, mà nó còn cần đến tầm cỡ của một cuộc hội thảo đa ngành cấp quốc gia, để xác tín cụ thể hơn về nguồn gốc, thời gian chữ viết và văn học Tày vào khoảng thế kỷ thứ V. Cũng cần nói thêm, nếu sự thật được khẳng định như phát hiện của Dương Thuấn thì đây là một việc phải làm, phải sửa. Bởi một dân tộc mà quá khứ mù mờ thì tương lai của dân tộc đó cũng rất mơ hồ khi vạch tìm con đường hội nhập phát triển phía trước. Qúa khứ bao giờ cũng dính liền cùng hiện tại. Và có lẽ hiện tại của nước ta hiện nay cũng có nguyên nhân sâu xa từ nhiều vấn đề thuộc về lịch sử bị lẫn lộn, bị bóp méo do duy ý chí, do quyền lực và tính độc tôn văn hóa. Và cũng có thể vì lý do này, nên sự phát triển không phải chỉ riêng dân tộc Tày mà ở các dân tộc khác trên đất nước ta rất chậm chạp, ể oải, nếu không nói là thụt lùi, lạc hậu sau chót so với các nước đồng văn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Và ngay cả so với các nước trong khu vực Asean chúng ta cũng đang bị xếp ở vị trí gần cuối hạng. Nếu không tỉnh táo, không có bản lĩnh dám nhìn vào sự thật, dám tự nhìn nhận mình và dám sửa để đưa ra những quyết sách táo bạo chính xác, thì hậu quả của nó sẽ tiếp tục còn là sự luẩn quẩn, thụt lùi không lối thoát.
Một khía cạnh khác cần phải làm sáng tỏ là dân tộc Việt trong quá khứ đã từng có nhiều thời kỳ đạt tới những đỉnh cao sáng chói về sức mạnh và ý chí trong việc chống xâm lăng. Sức mạnh này không có gì khó lý giải. Nó có thể có rất nhiều lý do nhưng có một lý do căn cốt là sự đoàn kết và quyền tự do bình đẳng; tinh thần tự do, bình đẳng, dân chủ, tôn trọng lẫn nhau, không phân biệt đẳng cấp, điều kiện hoàn cảnh từ bậc quân vương đến người dân các dân tộc trong đại gia đình dân tộc Việt. Và chỉ trên tinh thần này thì sức mạnh dân tộc mới bộc lộ sức mạnh thực sự…
Một vấn đề đồng cảm và chia sẻ khác cùng tác giả về những hậu quả do chính sách văn hóa duy ý chí trước đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự suy đồi về văn hóa và đạo đức ngày nay. Sự tổn thất về văn hóa đã làm lung lay tận gốc những tín ngưỡng và truyền thống văn hóa tích cực được xây dựng từ hàng nghìn đời. Tuy nhiên, tác giả cũng khẳng định sau cách mạng tháng tám 1945, nền văn hóa Tày đã có được một số tiến bộ nhất định, nhưng bên cạnh đó nó cũng kéo theo sự suy thoái triền miên tới tận ngày nay. Hậu quả gốc rễ của nó là sự khủng hoảng trong đời sống tinh thần, dẫn đến sự tàn phá và hủy diệt đời sống mọi mặt. Tác giả cố ý nhấn mạnh những bất cập trong chính sách văn hóa và hậu quả của nó từ nửa cuối thế kỷ 20 cho đến ngày nay cũng không nằm ngoài ý đồ: Cần phải nhận thức lại, cần phải sống khác đi. Quá khứ là những gì vừa được nhưng vừa chưa được, có nhiều điều đáng nói nhưng cũng không ít sai lầm. Vấn đề là cần nhìn nhận nó một cách thỏa đáng, đúng mức để lựa chọn một con đường đi. Hội nhập là câu chuyện của thời đại và là xu hướng đương nhiên ngày nay. Nhưng để hội nhập thành công không thể không tự vấn, trăn trở nhận thức lại. Cho dù nhận thức lại sẽ vấp phải ít nhiều thiên kiến, và không thể có tiếng nói đồng thuận. Nhưng vẫn phải sòng phẳng với nó. Nếu không thế thì không có cơ sở cho hội nhập thành công.
Điều Dương Thuấn nói đến cũng đồng thời là nỗi day dứt của những người đã sống cùng thời. Các chính sách áp đặt phá bỏ hàng loạt phong tục tập quán truyền thống có giá trị như những ông tảo, bà pửt, then; tục ngâm thơ, đối thơ trong đám cưới, đền đài miếu mạo… là hậu quả một thời ấu trĩ, dập khuôn máy móc duy ý chí. Những chính sách này không phải chỉ áp đặt cho người Tày mà tất cả các dân tộc khác trên đất nước đều bị chung số phận. Vấn đề ở đây là người ta thực thi chính sách để hướng tới cuộc sống lý tưởng, nhưng nó rất mung lung, không rõ ràng về con đường lựa chọn. Sau này khi bắt đầu bước vào công cuộc đổi mới, những sai lầm trên được cắt nghĩa đơn giản là do chiến tranh, thực chất là biện minh cho lý do không dám nhìn nhận lại mình, không dám chịu trách nhiệm, tự nhận sai lầm. Một dân tộc không dám nhìn vào sự thật, không dám nhận sai lầm trên thế giới này liệu có ở đâu? Và rằng, dân tộc đó có khả năng tổ chức lại trật tự để hội nhập và phát triển?
Thế kỷ 20 là một thế kỷ mà dân tộc ta phải gánh chịu tổn thất vô cùng xót xa, đau đớn. Thời gian đầu đất nước quằn quại rên xiết trong thân phận bần cùng nô lệ. Sau 1945, khi giành được độc lập thì đồng thời cũng bước vào ba cuộc chiến tranh chống xâm lược tàn khốc, cướp đi sinh mạng của hàng triệu người. Sự tàn phá mang tính hủy diệt toàn diện khiến mọi sinh hoạt về vật chất và tinh thần bị tê liệt, kéo dài mãi cho tới tận năm 1986. Sự thật công cuộc đổi mới chỉ còn lại vài năm cuối thế kỷ. Nhưng cũng chỉ với thời gian rất ngắn này, nó đã làm cho sức sống Việt bừng tỉnh. Nó bắt đầu trở mình thức giấc, bắt đầu trút bỏ mọi son phấn xiêm y lỗi thời xa lạ với chính nó để trở lại cái mà nó từng có. Tôi đồng ý với Dương Thuấn khi ông cho rằng, vào thời gian đầu của đổi mới đã gặp không ít trở ngại. Một mặt đổi mới tìm cách phá bỏ tất cả những gì gọi là rào cản, những giả tạo không phù hợp mà trước đây nó đã bị trói buộc, áp đặt. Nhưng mặt khác nó vẫn còn phải tiếp tục chống trả lại những tư tưởng bảo thủ, hẹp hòi, độc đoán cố tình níu giữ. Lý do tác giả đưa ra là không ít người lo lắng khi đổi mới hội nhập sẽ làm biến mất bản sắc dân tộc. Những người này cho rằng mở cửa sẽ làm cho văn hóa bên ngoài tràn ngập lấn át văn hóa cách mạng và văn hóa truyền thống. Một nhóm khác lại quá đề cao văn hóa ngoại lai và những tệ nạn làm hủy hoại đạo đức xã hội. Một nhóm khác nữa bác bỏ hội nhập. Họ là những người có tư tưởng chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, cực đoan. Công bằng thì những quan niệm trên có tâm lý lo ngại thật cho sự tồn vong của văn hóa dân tộc. Nhưng nếu nhìn kỹ hơn sẽ thấy, không ít người trong số này hoàn toàn chỉ vì lợi ích bản thân. Họ sợ lung lay tới quyền lợi và thói quen hưởng thụ đã được ưu đãi trong quá khứ… Chính vì lý do này mà sự đổi mới chưa hoàn toàn triệt để, có nghĩa là nó chưa thực sự có thay đổi từ trong bản chất.
Không thể phủ nhận, qua 25 năm đổi mới kinh tế của người Tày và nền kinh tế chung cả nước đã có sự phát triển ngoạn mục. Từ một đất nước kiệt quệ trầm trọng tưởng không có đường đi, đã thoát ra khỏi khủng hoảng. Những thành tựu của kinh tế thu được đã làm thay đổi diện mạo đất nước. Quá trình hội nhập kinh tế đã ít nhiều có tác động đến văn hóa dân tộc. Bản sắc dân tộc thông qua hội nhập, đổi mới về kinh tế cũng được khẳng định ở mức cao hơn. Nó không những không mất đi mà ngược lại luôn tồn tại trong phát triển. Vừa khôi phục văn hóa cổ truyền vừa tiếp thu tinh hoa của nền văn hóa thế giới rất đa dạng và tự nhiên.
Đương nhiên, cũng cần phải nhấn mạnh thêm, quá trình hội nhập phát triển cũng là quá trình bắt đầu nẩy sinh những mâu thuẫn không lành mạnh. Sự xuống cấp về văn hóa và sự suy đồi về lối sống đạo đức của một bộ phận lớn trong xã hội đang trở thành nguy cơ làm thụt lùi những thành tựu đã có được trong thời kỳ đầu của đổi mới mang lại. Điều này có nguyên nhân sâu xa là chúng ta mới chỉ đổi mới thực sự trong lĩnh vực kinh tế. Những lĩnh vực khác chưa thực sự thay đổi, hoặc có thay đổi nhưng nửa vời, mới chỉ chạm đến cái vỏ bên ngoài, chưa thấu suốt đi đến tận cùng cái cốt lõi bên trong của tinh thần tự do thực sự. Lịch sử cho chúng ta một cảm nhận rõ rệt, khi văn hóa đến giai đoạn thoái trào thì thể chế cũng suy tàn. Văn hóa thoái trào đến một giai đoạn nào đó thì ngay cả việc hội nhập về kinh tế cũng không tránh khỏi thảm họa.
Vấn đề tác giả đặt ra thúc đẩy quá trình hội nhập lên một chiều kích mới là đương nhiên trong quan hệ thế giới. Ngày nay, rất ít quốc gia có khả năng tồn tại và phát triển bền vững mà lại đóng cửa với thế giới. Nhưng hội nhập là để nhận thức lại. Nhận thức lại không phải để đấy mà khi đã hiểu, đã biết rồi thì phải hành động. Hội nhập về văn hóa cũng vậy. Vấn đề cốt lõi là bắt đầu từ tinh thần tự do, dân chủ và bình đẳng. Tự do, dân chủ và bình đẳng trong từng người, trong quan hệ con người với con người, trong bản chất thực sự của thể chế xã hội, chứ không phải chỉ là khẩu hiệu suông. Chỉ có như vậy mới tạo ra sức sống mãnh liệt và sức sáng tạo của văn hóa, và qúa trình hội nhập thế giới mới hoàn chỉnh. Đây có lẽ là tinh thần và cũng là mong muốn của tác giả đặt ra trong tác phẩm của mình.
Bằng cách nhìn này, cuốn sách của nhà thơ Dương Thuấn không chỉ là tác phẩm đầu tiên và duy nhất hiện nay nghiên cứu chuyên sâu về văn hóa Tày và tiến trình hội nhập thế giới, mà nó còn là món ăn tinh thần thiết thực và rất bổ ích cho những ai quan tâm tới lịch sử, văn hóa và con đường hội nhập thế giới của dân tộc Tày và dân tộc Việt nói chung…
Văn nghệ – số 35-36. Thứ 7, 1-9-2012