Bà Phơi chụp cùng họa sĩ Thanh Tâm (thứ 5 và 6 từ trái sang) trong chuyến trở về Mường Pồn đầy kỷ niệm của ông họa sĩ già.

Phơi, theo tiếng Thái là thứ nhặt được. Trên đường hành quân lên Điện Biên Phủ chuẩn bị cho trận đánh “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, các anh lính Cụ Hồ của trung đoàn Bế Văn Đàn đã nhặt được 1 đứa bé khi em đang thoi thóp thở, đang khát sữa, bấu chặt lấy bầu vú và cơ thể lạnh ngắt đầy máu khô của người mẹ đã tắt thở. Họ bế em theo, nuôi nấng suốt đường hành quân.

Noọng Phơi bây giờ đã ngoài 60 tuổi, vẫn sống tại xã Mường Pồn, tỉnh Điện Biên. Cuộc đời của “em bé Mường Pồn” là một chuỗi những tháng ngày cơ cực, nghèo khó.

Sống sót nhờ máu người mẹ đã chết?

Cuộc đời của Noọng Phơi được khởi đầu từ một câu chuyện thắm tình quân dân, một câu chuyện mà có lẽ khi chứng kiến bất cứ ai cũng phải bật khóc. Chuyện xảy ra vào năm 1954, trước ngày chiến thắng Điện Biên lịch sử. Bấy giờ, một đại đội quân ta đang đóng giữ ở bờ suối cạn Mường Pồn (cách TP.Điện Biên hiện nay chừng 20km về phía thị xã Lai Châu). Bất ngờ, pháo địch bắn cấp tập vào đội hình và khắp thôn bản xung quanh.

Trong lúc làng bản còn đang bốc cháy, người chết la liệt ấy, một người lính trẻ tên là Xương – chiến sĩ của Đại đoàn 316 – chạy vào bản cứu người và thu dọn chiến trường thì nghe được tiếng khóc yếu ớt phát ra từ sau nách một thi thể phụ nữ bị đạn pháo giết chết. Anh nhìn thấy một đứa trẻ khoảng 3 tháng tuổi đang nằm trong vòng tay của bà mẹ đã chết trong vũng máu. Được tin, cả đơn vị lặng người đi. Từ đó, các chiến sĩ đã coi cháu như một đứa “con nuôi” của trung đoàn, như một minh chứng cho sức sống bền bỉ của nhân dân ta trong bom đạn chiến tranh và được gọi là “con gái nuôi của đơn vị Bế Văn Đàn”.

Bà Lò Thị Phơi

 

Do phải tiếp tục hành quân, chuẩn bị cho những trận chiến ngày càng ác liệt, trung đoàn đã gửi em Phơi cho cặp vợ chồng hiếm muộn là ông Lò Văn Pâng và bà Lò Thị Hưa (người bản Đính, xã Mường Pồn) nuôi, lấy họ Lò của cha mẹ nuôi. Lúc đó, ông Lò Văn Pâng cũng đang làm cán bộ xã Mường Pồn. Những lúc dừng chân dọc đường hành quân, chiến sĩ – họa sĩ Thanh Tâm đã bắc giá vẽ, vẽ chân dung Phơi. Sau ngày đại thắng, họa sĩ Thanh Tâm đã quay trở lại Mường Pồn tìm Phơi và hoàn thành bức tranh nổi tiếng: “Em bé Mường Pồn”.

Chúng tôi có được những dòng nhật ký đầy nước mắt và thấm đẫm lòng nhân ái của hoạ sĩ Phạm Thanh Tâm (nguyên Giám đốc Xưởng Mỹ thuật Quân đội – Tổng cục Chính trị) về nhân vật bé Phơi – nguyên mẫu của bức tranh “Em bé Mường Pồn”. Trong những tháng ngày bom đạn ác liệt, họa sĩ Thanh Tâm đã viết: “Kể từ ngày 12.12.1953, sau khi anh Bế Văn Đàn dũng cảm hy sinh trong trận đánh Mường Pồn lịch sử, đơn vị của chúng tôi đã mang tên liệt sĩ Bế Văn Đàn. Lúc mới được cứu sống, tình trạng của em rất thương tâm. Không có sữa cho Phơi bú, mỗi lần Phơi đói khóc là bố mẹ nuôi chỉ biết ngồi và… khóc theo.

Phơi khóc suốt 7 ngày, 7 đêm liền, có lẽ vì thế mà một ổ rốn thòi ra đến 1/3 gang tay, sau này phải lấy quả trứng gà mà ấn ổ rốn lồi đó vào. Mấy ngày đầu, sau thảm hoạ, Phơi đi ngoài ra độc một thứ gì màu đỏ sậm như… máu khô. Có người bảo, có lẽ vì lúc bom đạn ập đến, ngực mẹ em loang toàn máu, mà em thì quá đói, em tưởng máu mẹ là sữa, em đã bú máu mẹ để sống (!?). Trên đầu em cũng đầy máu và có vết thương ung mủ ở đầu gối xước xuống cổ chân bên phải, ấn vào đó mủ chảy ra. Và cả mấy mảnh đạn cũng tòi ra. Bố mẹ nuôi phải đi xin lá rừng rịt các vết thương cho Phơi, hai ông bà thương cô con nuôi như con đẻ”.

Phác thảo chân dung Noọng Phơi của họa sĩ Thanh Tâm trong một lần ông quay trở lại Mường Pồn.

 

Năm 1960, cũng trong chuyến trở về Mường Pồn ấy, họa sĩ Thanh Tâm đã dành tất cả tâm huyết và niềm say mê để hoàn thiện bức vẽ về cô con nuôi của đơn vị Bế Văn Đàn. Bức vẽ nổi tiếng “Em bé Mường Pồn” ấy đã ra đời như thế. Khi là nguyên mẫu cho bức tranh, Phơi mới 6 tuổi, khăn đội đầu, cúc bướm, váy Thái, ngồi ngơ ngác bên chiếc ghế mây, khuôn mặt thơ ngây của em đã xóa nhòa đi biết bao nhiêu là ẩn ức đau thương của cuộc chiến. Trong nhật ký, họa sĩ Thanh Tâm có kể về sự kiện vẽ tranh này hết sức sinh động: “Bảo noọng (em – tiếng Thái) đứng làm mẫu vẽ, noọng thích lắm. Được một lúc mỏi chân rồi, noọng cứ ngả vào đồng chí Xương, nhưng noọng vẫn đứng. Và suốt cả một buổi chiều noọng cũng không bỏ đi chơi, chỉ quanh quẩn để cho hoạ sĩ vẽ. Thấy họa sĩ đánh rơi bút xuống gầm sàn là noọng chạy xuống nhặt ngay”.

Dường như duyên nợ với Mường Pồn quá lớn, vừa qua, người hoạ sĩ già tâm huyết ấy đã cùng đoàn hoạ sĩ của Hội Mỹ thuật Việt Nam lại vượt hàng nghìn cây số từ TPHCM đến với Điện Biên. “Em bé Mường Pồn” năm xưa nay đã là một thiếu phụ người Thái với 7 mặt con. Khuôn mặt già nua, hằn lên nhiều khổ ải. Họa sĩ và nhân vật đều đã già, họ chỉ còn biết thở vắn than dài, lật giở những dòng nhật ký, những bức ảnh kỷ vật mà rơi nước mắt.

Treo vỏ bom trước nhà để… sống tử tế

Hàng trăm người, trong đó có bố mẹ Phơi đã chết cùng lúc, trong trận thảm sát kinh hoàng của thực dân Pháp. Nhưng Phơi đã sống. Đứa con nuôi của trung đoàn về lại cuộc sống êm đềm với những vườn cam trĩu quả cùng các thiếu nữ nhan sắc nổi tiếng của rừng núi Mường Pồn dịu ngọt. Bố mẹ nuôi chết, cán bộ giúp Phơi về Sơn La tìm ông bà ngoại. Rồi các cụ cũng về trời cả. Phơi lấy chồng, chồng của bà đã từng làm trưởng bản Lĩnh (xã Mường Pồn), tham gia dân quân xã, được phát súng AK bảo vệ bản mường. Thế mà, bây giờ Noọng Phơi cũng đã là người thiếu phụ Thái với 7 mặt con, với một cuộc hôn nhân nhiều trắc trở, người chồng phạm tội và bị bệnh tâm thần, khiến cuộc sống không ít khi nhuốm màu ngột ngạt.

Bức tranh “Em bé Mường Pồn” của hoạ sĩ Thanh Tâm.

 

Một ngày nắng lửa ở đất Mường Pồn, chúng tôi đến thăm ngôi nhà nghèo khó của Noọng Phơi. Bà không muốn nhắc lại những ký ức đau thương của đời mình nữa. Thế nhưng, những hàng nước mắt cứ dẫn dắt nỗi buồn đến, không gì ngăn cản được. Những năm tháng cuối đời, chồng của bà Phơi chìm đắm trong hơi men, thường xuyên đánh đập, thậm chí là cầm dao rượt đuổi, chém nhiều nhát vào mặt, vào vai của bà. Bà chỉ những vết sẹo sâu hoắm trên má và trên vai, nhớ lại: “Nếu không nhanh chân chạy kịp và có bà con trong bản lao vào cứu giúp, có lẽ tôi đã chết dưới tay ông chồng tôi rồi. Ông ấy lao theo tôi, vừa chạy vừa chém loạn xạ”. Mọi người xung quanh vẫn bảo, chồng bà Phơi dở điên dở dại, có rượu vào là không biết trời đất gì. Vào một buổi bà Phơi và các con vắng nhà, chồng bà đã thắt cổ tự vẫn, kết thúc những tháng ngày đau khổ cho vợ con và cho chính mình. Nỗi khổ của bà Phơi vẫn chưa hết, khi bà có mấy đứa con để nương tựa cuối đời, nhưng đứa thì sa chân vào ma túy, đứa lại tàn tật ốm đau.

Bà Phơi lại tìm những bức ảnh cũ cất kỹ trong góc nhà cho chúng tôi xem. Bà vừa chỉ vào từng bức ảnh, vừa nói mấy câu tiếng Việt lơ lớ khó nghe: “Đây là bố mẹ nuôi của tôi, đây là bức ảnh chụp cùng họa sĩ Thanh Tâm…”. Mấy đứa con và cháu của bà Phơi ngồi xung quanh nghe mẹ kể chuyện, chính họ cũng không thể tưởng tượng nổi về cuộc đời nhiều truân chuyên của mẹ mình. Khi nỗi buồn trôi qua, bà trở nên vui vẻ. Hỏi bà có nhớ câu chuyện được bộ đội cứu không, bà cười trả lời: “Lúc ấy còn bé lắm, không nhớ được đâu. Sau này nghe bố mẹ nuôi, bà con rồi họa sĩ Thanh Tâm kể lại thì mới biết đấy mà”. Rồi bà lại khoe: “Đây là đứa cháu nội tôi, nó học giỏi lắm, sau này được đi đây đó như các anh chị thì tốt”. Rồi bà dắt đứa cháu, dẫn chúng tôi ra trước cửa nhà. Bên cạnh ngôi nhà có một gốc cây cũng đã lâu năm, bà đã treo vỏ quả bom lớn trên ấy, khiến ai đi qua đoạn đường này cũng phải ngước nhìn và thắc mắc. Bà bảo: “Nó là chiến tranh. Đời tôi bước ra từ cuộc chiến ấy. Tôi treo nó ở đây để suốt đời tôi, con cháu tôi cũng không quên được. Phải biết mình đã trải qua khổ ải thế nào để mà sống tốt”. Thế rồi, vỏ quả bom lớn ấy cũng trở thành quen thuộc với lũ trẻ. Hằng ngày, chúng chơi đùa cạnh đó, viết lên đó những chữ mới học được trên trường lớp.

Tôi cứ ám ảnh mãi khuôn mặt của Noọng Phơi, với những nếp nhăn sâu và nụ cười rất sáng. Nụ cười của một người đàn bà hiền lành, tử tế, dù đã nhiều năm ròng sống trong đau khổ. Noọng Phơi ôm đứa cháu gái xinh đẹp như hoa vào lòng vẫy chào tiễn chân chúng tôi. Vỏ quả bom lớn treo trước cửa nhà sạm đi trước vẻ đẹp hồn hậu của hai bà cháu.

Theo Lao động online