Một cảnh trong bộ phim “50 Sắc thái”.

Năm 2013, theo ước tính của Hiệp hội Các nhà văn Lãng mạn Mỹ (RWA), tổng doanh số bán sách tiểu thuyết lãng mạn trên toàn cầu là 1,08 tỉ USD, chiếm 13% trong tổng lượng tiêu thụ dòng sách tiểu thuyết dành cho người lớn trong cùng năm đó. Năm 2015, chỉ tính riêng ở Anh đã bán được 39,8 triệu bản cứng các cuốn sách thuộc thể loại lãng mạn và khiêu dâm với trị giá lên tới gần 257 triệu USD.

Đây là thể loại có nhiều hình thức hoạt động sáng tạo nhất trong việc xuất bản độc lập và tự xuất bản. Trong những cuốn e-book đầu tiên cũng có tên của những cuốn tiểu thuyết lãng mạn. Theo công ty phân tích dữ liệu e-book Jellybooks, độc giả của thể loại này có xu hướng đọc sách lãng mạn trên smartphone nhiều gấp đôi so với thể loại tiểu thuyết văn chương hay so với các độc giả của dòng sách phi hư cấu.

Dẫu vậy, những thành kiến gắn với thể loại sách lãng mạn và sách khiêu dâm vẫn tồn tại phổ biến, một ví dụ điển hình trong thập kỷ qua là trường hợp của bộ ba cuốn tiểu thuyết “50 Sắc thái” của E.L. James. Bộ sách ra mắt công chúng lần đầu theo hình thức tự xuất bản dưới dạng e-book vào năm 2011, nhưng khi được chuyển sang bản in vào năm 2012, bộ sách đã bán được trên 125 triệu cuốn trên toàn thế giới. Năm ngoái, tập bốn của loạt sách với tên gọi “Grey” tiếp tục làm khuynh đảo thị trường sách người lớn; đồng thời, bộ phim chuyển thể từ loạt sách cũng phá vỡ kỷ lục các phòng vé trên toàn cầu. Thế nhưng thái độ của công chúng đối với bộ sách chủ yếu vẫn là những sự phê phán gay gắt đầy tính khinh miệt.

Sở dĩ công chúng có thái độ như vậy một phần là do những thành kiến lỗi thời về giới tính. Tiểu thuyết lãng mạn, cùng với bất kỳ dòng sách nào đề cập đến những cảm xúc mạnh như sự đau khổ, trả thù và mất mát, có sức thu hút rất lớn đối với nữ giới. Theo ước tính của RWA, 84% người mua sách lãng mạn là nữ giới, và 41% thuộc độ tuổi 30-54. Có lẽ vì thế mà sau sự xuất hiện của bộ ba cuốn “50 sắc thái”, thể loại sách này đã được gán cho một biệt danh khá nhạy cảm là “sách khiêu dâm cho các má” (mummy porn). Nhưng một số nhà hoạt động vì quyền phụ nữ vẫn tỏ ra không mặn mà với thể loại này, họ cho rằng bộ sách của E.L James là suy thoái, thậm chí là nhục mạ phụ nữ.

Tâm lý chỉ coi trọng những tác phẩm lớn cũng có ảnh hưởng ở đây. Các tiểu thuyết lãng mạn thường tuân theo một mô típ là nói về một mối quan hệ ban đầu có nhiều rắc rối trở ngại nhưng về sau lại có một kết thúc tốt đẹp – vì thế mà nhiều người có quan điểm coi thường dòng sách này, cho rằng sách được viết theo một công thức cho sẵn và chỉ phù hợp làm sách giải trí so với các tiểu thuyết văn chương. Các nhà phê bình có quan điểm vững chắc hơn về vấn đề này. Một độc giả trung bình thường chỉ cần 3-6 ngày để đọc hết một cuốn tiểu thuyết lãng mạn, trong khi với các tiểu thuyết văn chương, thời gian này có thể lên tới 1-3 tuần, và với các sách phi hư cấu là 3-6 tuần.

Tin vui cho các nhà xuất bản là các độc giả dòng sách lãng mạn ham đọc và trung thành đến kỳ lạ. Theo một nghiên cứu mới đây của Nielsen, khoảng 15% độc giả hâm mộ dòng sách này mua sách mới với tần suất ít nhất một lần một tuần. Mills & Boon, nhà xuất bản sách lãng mạn hơn trăm tuổi tại Anh, đã biết cách tận dụng lòng say mê này của độc giả bằng cách cung cấp dịch vụ đăng ký mua e-book và sách giấy hàng tháng.

Tuy nhiều người vẫn quan niệm rằng sở dĩ thể loại sách lãng mạn đạt được thành công rực rỡ khi xuất bản ở định dạng e-book là do độc giả cảm thấy “ngượng ngùng” khi mua sách giấy về đọc, song quan niệm này đang dần thay đổi. Năm ngoái, Ripped Bodice, cửa hàng chuyên bán sách lãng mạn đầu tiên ở Mỹ đã ra đời bằng số vốn 100.000 USD kêu gọi được từ những độc giả hâm mộ.

Theo Quỳnh Ca – dịch từ Economist

Exit mobile version