1. Phần đầu cuốn tiểu thuyết dầy gần 500 trang này là lịch sử một làng quê, làng Phù. Vốn là một làng cổ thuộc địa phận cố đô Châu Phong xưa, làng Phù có đền chùa đình miếu bề thế, lại là đất học hành khoa bảng. Nhưng đây lại là một vùng quê có số phận vô cùng hẩm hiu trong lịch sử trường tồn của mình.

Vào cuối thời Lê – Trịnh, 18 vị quan làng Phù đang nhậm chức trong triều đình được vua cho về làng ăn Tết và mở hội Khai xuân khánh hạ. Thôi thì có dịp vui nào bằng! Có hay đâu, đang nô nức trong các trò chơi dân gian đậm đà ý nghĩa phồn thực như Sờ vú Bắt lươn hay Ăn mía nhả bã chấm cằm thì một âm mưu tàn độc đã được bọn quan tham nịnh thần sắp đặt  bất ngờ giáng xuống. Bị vu âm mưu phản loạn, 17 vị quan bị chặt đầu, riêng quan Gián nghị đại phu Hương cống Nguyễn Bá Hiến bị chém ngang lưng và dòng họ Nguyễn Bá của ông cùng gia tộc 17 vị quan với hơn 200 người chịu nhận cái chết thê thảm trong hình phạt tru di tam tộc. Toàn bộ các cơ sở thờ cúng đều bị tàn phá, huyệt đạo nơi được coi là long mạch của làng bị chém đứt để triệt tiêu đường học hành khoa cử. Chưa hết, theo chỉ dụ của nhà vua, tất cả trai đinh của làng phải sung lính nơi biên ải. Gái thanh tân đến tuổi kết hôn chỉ được nhận phần lẽ mọn. Cư dân bị đuổi khỏi đất cũ. Ai oán quá vì kẻ chủ mưu vụ đại án gây oan khốc ngút trời, làm tan hoang cả một vùng quê thanh bình trù phú này lại chính là Nguyễn Bá Tuyển, một đứa con hoang được quan Gián nghị đại phu Nguyễn Bá Hiến nhặt được, đem về nuôi. Từ một gã trai lêu lổng, lợi dụng lúc triều chính suy vi, nhờ nghĩa phụ được tập tước ở bộ Hình, y leo lên chức Án sát, rồi sau đó bằng mọi thủ đoạn gian manh nghễu nghện ở chức Tuần phủ tỉnh  Sơn Tây. Thôi thì còn thiếu gì những hành động tàn ác, hoang dâm đồi bại và cuối cùng là trả nghĩa cha nuôi bằng tội ác tầy trời là triệt hạ cả một làng quê, tuyệt diệt cả dòng họ Nguyễn Bá vẻ vang.

Làng Phù tan hoang. Không! Sức sống của con dân nước Việt đâu có dễ  bị vùi dập. Cuộc sống lại hồi sinh dần dần. Nhưng tai ương vẫn liên tiếp đổ xuống. Suốt từ vụ đại án thảm khốc thời vua Lê – chúa Trịnh trở đi đất này có mấy khi được yên bình. Sơ sơ thì cũng có thể kể đến vụ đổ máu thê thảm vì tranh chiếm bãi nổi giữa làng Phù và làng Mục. Hơn hai chục người chết. Sáu mươi người bị thương. Làng Phù trắng xóa khăn tang. Phải ba ngày mới chôn hết người. Cho đến thời hiện đại là những biến cố thăng trầm liên tục từ các cuộc vận động xã hội đến cuộc kháng chiến chống Pháp. Tiếp đó đặc biệt là cuộc Cải cách ruộng đất. Một ngôi làng gần trăm nóc nhà xưa nay vẫn chung sống trong thanh bình nào đâu có cảnh ai bóc lột đè nén ai. Nay bỗng dưng có đến năm địa chủ cường hào. Kế đó là phong trào đập phá đình chùa đền miếu để bài trừ mê tín dị đoan, chống phong kiến. Và làng xóm lại một phen hoang tàn. Hoang tàn lặp đi lặp lại như một cái dớp, một tiền định mang sắc màu phong thủy từ lâu đã ám ảnh làng quê này.

Lịch sử bầm dập một làng quê, phần quan trọng của cuốn sách này được nhà văn viết khá kỹ càng. Vì sao?Chiều chiều lại nhớ chiều chiều”. Vì đó  chính là quê hương, nguồn cội, là kí ức, là sợi dây kết nối, là nội lực tiềm ẩn của các nhân vật chính, những người con của làng quê ly hương, dấn thân vào cuộc  trường chinh của dân tộc, sẽ xuất hiện ở phần sau cuốn sách. Một kết cấu như thế có thể coi là hợp lý và đặc sắc.

2.

Viết cuốn cách này, nhà văn Nguyễn Trọng Tân đã tự đặt mình vào thế bất lợi. Cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước đã lùi xa hơn bốn chục năm. Đã có cả triệu trang từ góc nhìn nhiều phía, viết về cuộc chiến tranh vĩ đại này.  Cũng vậy là đề tài cải cách ruộng đất và nông thôn trong những đảo trộn xã hội – kinh tế trong những năm vừa qua.

Jose Ortéga Y Gasset, một tiểu thuyết gia Tây Ban Nha nói đại ý: Nhà văn viết tiểu thuyết không phải chỉ bằng cảm hứng. Mà còn phải bằng chất liệu. Mà chất liệu thì không phải là cái giếng không đáy. Múc mãi thì nguồn nước cũng cạn kiệt.

Như vậy thì có thể nói, giống như một mạch quặng, những người nhanh chân đến sớm trước Nguyễn Trọng Tân đã khai thác đến cùng kiệt rồi thì liệu nhà văn đến sau có còn đào bới được thêm  chút quặng quý nào  nữa không? Thiếu chất liệu mới, lạ, tiểu thuyết sao giữ được sự lôi cuốn bạn đọc!

Chất liệu mới lạ tất nhiên được hiểu không phải là cái xác, cái vỏ bên ngoài mà là cái hồn cốt quyến rũ bên trong. Và do vậy công việc càng trở nên không dễ dàng gì! May thay, đó lại chính là chuỗi hình ảnh sinh động,  chưa trở nên nhàm chán cũ kỹ, và nhờ thế đã tỏa ra một trường lực hấp dẫn  khá đặc sắc từ bên trong, có ý nghĩa như định hình, định tính cho các nhân vật của cuốn sách sẽ xuất hiện tiếp sau, như đã nói ở trên về phần đầu cuốn sách. Đáng kể hơn nữa, ưu điểm này, thật sự đã được thể hiện tập trung với độ đậm đặc cao hơn ở phần tiếp nối, chuyện kể về những nhân vật của làng Phù.

Trong những năm cả nước ra trận thì làng Phù gần như toàn dân mặc áo lính.

Chuyện về các chiến sĩ ngoài mặt trận đánh Mỹ, một đề tài được nhiều người viết rồi. Thậm chí dường như đã biết cả rồi. Làm sao giữ được sức cuốn hút bạn đọc đây. Thách thức đang chờ! Quả nhiên, cố kết được bạn đọc với những trang văn của mình trong suốt trường đoạn 10 năm Nhã ở chiến trường, kể từ lúc vượt qua hàng rào điện tử Mác Namara, vào đất địch, rồi chuyển vào Bê trọc cho đến những ngày cuối cùng của cuộc chiến là gì, nếu không phải là những trang văn đầy cảm hứng dựa trên những chất liệu mới với ý nghĩa là nội dung mới được khám phá trong hành động tâm lý nhân vật của nhà văn.

Đường ra trận mùa này đẹp lắm! Nhã có tâm thức chung cùng thế hệ mình. Nhã đi vào cuộc chiến tranh với ý thức dấn thân, dám chịu đựng hy sinh, chấp nhận cái nghiệt ngã khắc nghiệt của hoàn cảnh. Hành quân và  những buổi leo dốc đứt hơi. Những cơn mưa rừng triền miên. Ruồi vàng, bọ chó, gió Kon Tum. Có cái gì đó thật bất nhẫn nhưng cũng thật dũng cảm, run rẩy kinh hoàng nhưng không hề nao núng trong thái độ của một chàng trai 17 tuổi cậu ấm nhà quê tình nguyện khi đi vào cuộc chiến hòa nhập với cuộc sống của hàng chục vạn con người ngày ngày đối mặt với tử thần. Nếu tôi không nhầm thì sau một số không nhiều truyện, ký, tiểu thuyết như cuốn Ngày ấy ở Tây Nguyên nổi tiếng của bác sĩ Lê Cao Đài, thì đây là những trang viết  để lại nhiều ấn tượng khủng khiếp nhất về những cái chết bất ngờ không thể tưởng tượng nổi. Như cái cảnh mối ăn hết thịt người tử sĩ trong chốc lát. Như cái chết vì dùng tên lửa để đánh cá của bốn chiến sĩ trẻ. Như những cái chết oanh liệt anh hùng của chiến sĩ trong cuộc  đối đầu đẫm máu với hai trăm tên lính dù ở sân bay Thành Sơn. Rồi những cái chết tức tưởi kinh hãi khó hiểu của một tổ trinh sát bởi một loại vũ khí lạ… Cùng với  những trang viết về tình yêu của Nhã với Ngàn Chi, cô y tá xinh đẹp, những câu chuyện vui đùa tếu táo, âm điệu tươi sáng của cuộc sống chiến sĩ trong cuộc sống ngày thường, tất cả những chất liệu thẩm mỹ mới lạ dầy đặc dồn dập thể hiện một bản lĩnh văn chương dầy dặn của người viết, hợp thành một trữ lượng không nhỏ để tạo nên một bức toàn cảnh của cuộc sống nơi chiến trường với sức cuốn hút có sắc thái riêng khó lẫn. Sức mạnh của tiểu thuyết sẽ là kỳ diệu, nhưng muốn đạt được hiệu quả đó phải tạo được một không gian khép kín, vây bọc được độc giả bằng một khối lượng to lớn các chi tiết vặt vãnh bé nhỏ. Đó là một ý kiến rất đáng chú ý nữa của nhà tiểu thuyết Tây Ban Nha Ortéga Y Gasset!

Còn có điều gì mới lạ nữa ở những người chiến sĩ trẻ của làng Phù khi họ rời làng quê ra trận? Còn! Ra trận vì nghĩa lớn. Ra trận, họ là những mảnh linh hồn của một làng quê Việt, một làng quê có tên mộc mạc  là làng Phù, nơi có lịch sử, cảnh sắc, ngôn ngữ, thói quen riêng. Cái chết anh hùng đầy tức tưởi của chiến sĩ Cao Mừng càng trở nên xót xa khi gắn liền với số phận buồn thảm của người mẹ anh, chị Thứ câm khốn khổ ở quê hương. Số phận oái oăm và bí hiểm của Hoàng Vĩnh Trạm nơi chiến trường là nỗi băn khoăn day dứt khôn nguôi của người thân nơi thôn làng. Có thể nói, nếu  mối quan hệ máu thịt của chiến sĩ với quê hương là nét đặc sắc của các nhân vật trong cuốn sách thì điều đó cũng đã được thể hiện tập trung nhất ở nhân vật Nhã. Những ngày thơ bé  bú trực bà Như. Những câu chuyện về bà Buộm, về anh Phèo, cụ Bảng, lão Tế, bủ The, ông giáo Mực… Câu chuyện tình dị thường của anh Bạng. Những cuộc đấu tố bi hài đẫm nước mắt trong cải cách ruộng đất. 6 tuổi rời làng ra đi nhìn thấy một chân trời mới ngoài cái làng Phù ủ dột của mình với mùi ô tô lần đầu cảm nhận. Cây ruối già ở chùa Tiên. Mối tình e ấp thuở đầu đời với cô bé Tấm. Những trưa nắng đỏ lửa đi cắt cây phân xanh đói mệt đến ngất xỉu ngang đường… Quê hương phận người gắn chặt với cuộc đời Nhã. Con sông Thao đỏ quạch vĩ đại và bí ẩn. Bãi cát sa bồi và những trận cầu của trai làng với trái bóng bưởi. Đặc biệt là chuyến Nhã từ chiến trường trở lại miền Bắc về thăm quê năm 1971, đúng lúc làng Phù của anh phải phá đê chịu cảnh úng lụt để cứu lũ cho thủ đô Hà Nội. Lịch sử làng quê cật ruột nặng trĩu phận đất phận người! Ăm ắp, chật ních trong một tiểu thuyết viết về chiến tranh những ảnh hình nơi chôn nhau cắt rốn, vui có buồn có, trớ trêu quái dị có, sống động và thật sự phong phú đã in sâu không thể phai nhòa trong ký ức Nhã, đã tạo nên một chiều sâu tâm tình, trở thành nỗi trăn trở khắc khoải của anh. Sau cùng, từ cuộc đời của mình, một người con may mắn còn sót lại sau vụ án oan khuất, Nguyễn Bá Nhã một gương mặt chiến sĩ vui tươi quả cảm, chính là hình ảnh con người vượt qua số kiếp phong trần của dòng họ, hóa giải cái nghiệp chướng của làng quê, mở ra một trang đời mới cho tương lai của quê hương.

3.

Một tư duy có hệ thống, một vốn sống kỹ càng để có được khối lượng chất liệu thẩm mỹ đáng kể và một khả năng kể lại câu chuyện bằng một giọng điệu trẻ trung hoạt bát. Đó là những điều dễ nhận ra ở cuốn tiểu thuyêt viết về chiến tranh này của nhà văn Nguyễn Trọng Tân.

Đây là hình ảnh đại đội trưởng Thách, một cựu binh dầy dạn trận mạc:

Đến tiểu đội Nhã, Thách dừng bước. Khuôn mặt xạm đen của anh ta dạo này càng nổi dày mụn trứng cá. Đám lính đùa tếu bảo Thách có đủ “tứ đức” đàn ông thời đại: To, cao, đen, hôi. Cùng với vóc dáng ấy là sức hấp dẫn chết người của một con đực rựa. Thách có nụ cười ngợp nắng. Hàm răng lóa sáng thật dễ gần bởi hai chiếc răng thỏ. Nụ cười của hắn thật trái ngược với làn da thâm xịt và cái cằm bạnh ra dữ tướng.

Còn đây là nguyên nhân dẫn đến sự triệt hạ làng Phù lần thứ hai:

Từ năm đó dòng sông Cả thay đổi tính nết đến kinh ngạc. Giống như giấc ngủ ngàn năm của thủy thần thức giấc. Nó cựa mình liên tục. Mùa nước thứ năm, một đụn cát vồng lên ngay chỗ hợp lưu của hai con sông. Nước bị chặn lại bất ngờ liền bẻ dòng lao về bên tả ngạn. Nó lừng lững tiến đến, vấp phải chân bãi làng Phù, sóng dựng bờm lên cao vài chục mét. Mỗi lần rút trở ra là lôi theo một tảng bãi xuống sông. Vỉa đất có tuổi đời mấy trăm năm bỗng chốc rùng mình theo nhau tan biến trong dòng chảy cuồn cuộn…

Có thể dẫn ra nhiều đoạn văn được viết một cách khá kỹ lưỡng trong các trang văn của cuốn sách này. Và đó có lẽ cũng chỉ là để có thêm những dữ kiện nữa cho tôi tin rằng, đây là một cuốn tiểu thuyết có sức hấp dẫn đặc biệt, một cuốn sách hay của nhà văn Nguyễn Trọng Tân.

Ma Văn Kháng Nguồn Văn nghệ