Nhân đọc “Thêm một lần biển gọi”, tập tản văn – thời luận của nhà thơ Phạm Khải, NXB Dân trí, 2016.
Đọc “Thêm một lần biển gọi”, độc giả không khỏi ngạc nhiên khi thấy khả năng “bao quát” của Văn nghệ Công an nói chung và tác giả Phạm Khải nói riêng. Dường như mọi vấn đề của đời sống trong nhiều thời điểm đều được Văn nghệ Công an và Phạm Khải bám sát, đề cập một cách kịp thời, sâu sát, có chính kiến, có tính phản biện cao. Rồi trên cơ sở đó đặng rút ra những bài học xã hội và nhân sinh.
Chỉ cần đọc tít của những tản văn và thời luận trong cuốn sách này thôi, ta đã cảm nhận được điều này, trong đó, nhiều tít bài hấp dẫn nhờ gắn với những thành ngữ hoặc nửa thành ngữ khá uyển chuyển, linh hoạt: “Thuốc đắng dã tật”, “Hệ lụy từ một vụ trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, “Lỗ hà ra lỗ hổng”, “Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”, “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, “Không có lửa, sao có khói”, “Đừng đánh bùn sang ao”, “Có thực mới vực được đạo”, “Danh có chính, ngôn mới thuận”…
Nhiều câu, nhiều ý rải rác trong “Thêm một lần biển gọi” đã hướng người đọc đến những suy nghĩ đằng sau những lời bàn đáng ngẫm ngợi. Đó là: “Rõ ràng, việc đã làm tới vậy mà còn nói vậy, bảo sợ pháp luật thì hẳn là không sợ rồi. Vậy làm sao để những người như ông này phải “sợ” một điều gì khác nữa. Tôi nghĩ, đó chính là sự biết “sợ”, biết trân trọng những yếu tố thuộc về tâm linh” (bài “Sợ pháp luật thôi, chưa đủ”).
Đó là: “Không! Xin đừng dùng mấy chữ “vị tha” để lái sự việc đi chệch với cách hành xử mang tính quy chuẩn từ ngàn đời, bởi làm thế là chúng ta đang dung túng cho cái xấu. Vả chăng, khi ta đã làm lệch chuẩn đạo đức thì đến một ngày nào đó, “chuông nguyện hồn ai” – rất có thể chính ta, chứ không phải ai khác, sẽ… lãnh đủ” (bài “Lệch chuẩn”).
Đó là: “Có một câu danh ngôn nổi tiếng: “Gia tài có được là nhờ bàn tay phải khéo léo, bàn tay trái tiết kiệm”. Đất nước ta còn nghèo, bàn tay phải của chúng ta cũng chưa thật khéo léo, vậy thì bàn tay trái càng phải nên siết chặt” (bài “Lỗ hà ra lỗ hổng”). Đó là: “Thực tế, đã có không ít khán giả đặt câu hỏi với ý quở trách: Tại sao giới nghệ sĩ không tổ chức đêm diễn vì học trò nghèo thay vì ra tay cứu một người nợ nần, bài bạc” (bài “Có cảm thông mới ủng hộ”)…
Thượng tá, nhà thơ Phạm Khải (bên trái) tặng sách “Thêm một lần biển gọi” cho đại diện cán bộ, chiến sĩ đảo Sơn Ca, quần đảo Trường Sa (sáng 23-4-2016). Ảnh: Đinh Thành Đức. |
Có lẽ là một nhà thơ làm báo nên Phạm Khải dành một số lượng thời luận rất đáng kể cho chuyện làng văn nghệ, những chuyện có liên quan đến làng văn nghệ và rút ra những bài học cảnh tỉnh cần thiết. Đó là “Thương thay cái giải khuyến khích”, “Việt Nam có phim màu sớm nhất thế giới?”, “Một cách tính lạ”, “Người viết khỏe nhất thế giới là một nhà văn Việt Nam?”, “Bình xét giải thưởng văn nghệ: Sao cho tâm phục khẩu phục”; “Lỗi không đáng có”, “Có “quá cố” mới dễ được ủng hộ?”, “Đừng coi là chuyện vặt”, “Sai một ly, đi một dặm”, “Dự cảm hay bói nhảm?”…
Trong đó, bằng kiến thức của mình, Phạm Khải khẳng định: Để tránh sai lầm không đáng có, không nên minh họa cho phim tư liệu bằng những cảnh “tái tạo” trên sân khấu. Anh cũng bác bỏ ý kiến cho rằng: Người viết khỏe nhất thế giới, có tới hàng triệu trang viết là một nhà văn Việt Nam.
Riêng hai bài: “Bình xét giải thưởng văn nghệ: Sao cho tâm phục khẩu phục” và “Có “quá cố” mới dễ được ủng hộ?” mặc dù được Phạm Khải cho đăng tải cách đây đã gần 5 năm song vẫn còn nguyên giá trị thời sự, nhất là khi đợt bình xét Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đang diễn ra và đang được coi là vấn đề nóng hiện nay.
Trong “Bình xét giải thưởng văn nghệ: Sao cho tâm phục khẩu phục”, sau khi đưa ra dẫn chứng về một số trường hợp, như liệt kê tên bài thơ (thay cho tên tập thơ – một việc làm không đúng nguyên tắc – có lẽ vì tên bài thơ nổi tiếng hơn tên tập sách?), liệt kê số lượng để lấn át chất lượng, mập mờ việc đã ra tuyển tập hay chưa ra tuyển tập trong hồ sơ xin bình xét giải thưởng, Phạm Khải chốt lại: “Một vấn đề hết sức nghiêm túc đã trở nên “tít mù vòng quanh” như thế đấy”.
Trong “Có “quá cố” mới dễ được ủng hộ?”, từ việc nhắc tới một nhận xét của nhà thơ Pháp Alfred de Vigny: “Thói thường, trong văn học, người ta thích làm cho người đã chết sống lại và làm cho người đang sống chết đi”, Phạm Khải thẳng thắn đề cập đến trường hợp của hai nhà thơ đã quá cố từng được Giải thưởng Nhà nước nay tiếp tục được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.
Trả lời câu hỏi: Nếu các tác giả ấy còn sống và chứng kiến sự tôn vinh hoành tráng này, hẳn họ vui và cảm động lắm nhỉ, Phạm Khải “chốt” vấn đề bằng một câu trả lời không phải không có căn cứ: Nếu những người ấy còn sống, “chắc gì ai đó đã bỏ phiếu” cho họ.
Bìa cuốn “Thêm một lần biển gọi” của nhà thơ Phạm Khải. |
Trong “Thêm một lần biển gọi”, tôi đặc biệt thích “Tranh luận về tiếng vang”. Theo tôi, tản văn này rất có văn và hàm chứa được sự sâu sắc từ cốt lõi, chỉ ra được bản chất của vấn đề. Cũng có thể đặt cho tản văn này một cái tên thứ hai: “Bất phân thắng bại”. Từ một cái tích “Giáp, Ất tranh luận” của quan hiếu sư Âu Dương Tu, người đời nhà Tống (Trung Quốc), Phạm Khải nghĩ tới cuộc tranh luận không có ai thắng, không có ai thua của nhà văn A và nhà văn B, thật sâu sắc! Đó là những cuộc tranh luận thường xuyên diễn ra nhưng không đi đến hồi kết. Đây là câu chuyện của người xưa mà Phạm Khải dẫn ra:
“Giáp hỏi Ất: Đúc đồng làm chuông, đẽo gỗ làm dùi, lấy dùi đánh trống, tiếng kêu boong boong, thì tiếng kêu ấy là gỗ kêu hay đồng kêu?
Ất đáp: Lấy dùi gõ vào tường vách không kêu, gõ vào chuông kêu, thế thì tiếng kêu ở như đồng.
Giáp hỏi: Lấy dùi gõ vào đồng tiền không kêu, thế thì có chắc tiếng kêu ở như đồng mà ra không?
Ất đáp: Đồng tiền đặc, cái chuông rỗng, vậy tiếng kêu ở như đồ vật rỗng mà ra.
Giáp hỏi: Lấy gỗ, lấy bùn làm chuông, đánh không ra tiếng, thế thì có chắc tiếng kêu là ở các đồ vật rỗng mà ra không…?”.
Từ đây, liên hệ đến trường hợp “nổi như cồn” của một cây bút trẻ, Phạm Khải đặt ra cuộc đối đáp giữa hai nhà văn:
“Nhà văn A: Trước đây cậu ta cũng có làm thơ, nhưng không ai để ý. Từ khi nhà phê bình X. viết liên tiếp mấy bài biểu dương, cậu ta được nhiều người biết đến. Vậy tiếng tăm ấy là do thơ câu ta hay, hay do được nhà phê bình X. lăng xê?
Nhà văn B: Trước đây ông X. cũng viết giới thiệu nhiều người, nhưng có ai đứng lên nổi? Vậy nếu cậu ta được nhiều người biết tới mà tranh luận, thì hẳn thơ cậu ta tự thân cũng hay.
Nhà văn A: Cũng là tác phẩm của cậu ta, nhưng sao có những bài trước đây tôi đọc thấy còn có nội dung, tư tưởng, còn dễ hiểu, mà sau này, thấy bên ngoài thì rối mù, nhằng nhịt, bên trong xem ra chẳng có chủ đề, ý nghĩa gì, rỗng tuếch, vậy mà lại được công kênh lên, được “đánh tiếng” liên tiếp, đến độ người đọc phải chú ý. Sao với những bài trước thì người ta không làm thế?
Nhà văn B: Những bài thơ trước của cậu ấy mọi điều đều phơi trải hết ra rồi, ai cũng hiểu. Vậy các nhà phê bình còn chỗ nào mà “gõ” vào. “Đặc” thì chỉ có giá trị khi đem cân, lấy trọng lượng mà thi. Muốn vang cần phải “rỗng” một chút, có khoảng “lờ mờ” bên trong, mới vang được chứ!
Nhà văn A: Tại sao không ít người tập tành làm thơ, họ cũng viết lờ mờ không rõ nghĩa, mà họ có được ai biết, có tiếng gì đâu?”.
Cũng không phải là vô cớ khi “Thêm một lần biển gọi” được chọn làm tên gọi của cuốn sách. Phạm Khải đã quan tâm đến vấn đề nóng bỏng của quốc gia là biên giới và hải đảo. Trong “Thêm một lần biển gọi”, anh dẫn ra lời của nhà văn John Donne (đã được nhắc tới ở lời mở đầu tiểu thuyết “Chuông nguyện hồn ai” của văn hào Mỹ Ernest Hemingway) rất đắt: “Mỗi người là một mảnh của đại lục, một phần của đất liền; và nếu sóng cuốn xuống biển một mỏm đá ven bờ, thì châu Âu sẽ bé đi. Cũng như là nếu nó cuốn mất một mũi đất hay phá đổ nhà anh, cái chết của bất cứ con người nào cũng làm chính tôi bé đi, vì tôi là một thể thống nhất với toàn nhân loại…”.
“Thêm một lần biển gọi” gồm 56 bài; dày 240 trang (khổ 13×20,5 cm), là tập sách thứ 19 trên nhiều lĩnh vực (thơ, phê bình văn học, tản văn, thời luận, bút ký, phóng sự…) của Phạm Khải. Anh cho biết, hiện anh còn hơn chục bản thảo nữa có thể ra mắt bạn đọc trong một, hai năm tới.
Nêu như thế để thấy, trong nghiệp viết, Phạm Khải hiện vẫn còn rất đam mê và sung sức.
Nguồn VNCA.CAND