Sự xuất hiện của kịch thơ rất phù hợp với quy luật phát triển thể loại của văn học Việt Nam. Kịch thơ ra đời cùng với phong trào Thơ mới, như là một bộ phận của Thơ mới.
Lúc đầu nó được xem là thơ với hình thức kịch, nhưng dần dần trở thành một thể loại văn học tồn tại độc lập, có ý nghĩa trong việc góp phần phát triển đa dạng thể loại văn học Việt Nam.
Từ thế kỉ XX trở về trước, kịch thơ đã phổ biến ở nhiều nước trên thế giới đặc biệt là các nước phương Tây: Anh, Pháp, Đức, Na Uy… Đến đầu thế kỉ XX kịch thơ mới du nhập vào nước ta, chủ yếu là qua con đường giao lưu văn hóa mà trước hết là thông qua các tác phẩm của các tác giả kịch thơ nổi tiếng ở Châu Âu thế kỉ XIX như: Victo Hugo và một số nhà viết kịch của Trào lưu lãng mạn khác…, tiếp sau là công trình nghiên cứu kịch thơ ra đời ở Châu Âu ở thế kỉ XVIII, thế kỉ XIX như tác phẩm Kịch thơ Pháp (Edmond. Rostand), Emile( Paul Frires )… Đây là những tư liệu tiền đề làm cơ sở cho kịch thơ học tập và phát triển thành thể loại ở Việt Nam.
Sân khấu Việt Nam lúc bấy giờ chỉ toàn là kịch hát – chủ yếu là dựa vào các làn điệu dân ca dân gian cũng là nguồn gốc từ thơ ca dân gian, đến kịch thơ (cũng thể hiện bằng ngôn ngữ thi ca) của các nước du nhập vào thì chúng ta tiếp thu càng thuận lợi vì có chọn lọc và cộng hưởng với sân khấu dân gian, nhờ đó chúng ta có những tác phẩm kịch thơ tồn tại một cách độc lập và phát triển đến giai đoạn sau cách mạng, trở thành một thể loại thực sự có ý nghĩa đối với nền văn học nước ta.
Có thể kể đến tác giả kịch thơ Việt Nam đầu tiên như Huy Thông và Thao Thao với những vở kịch thơ mang dấu ấn như là gạch nối giữa Thơ mới và thể loại kịch thơ. Đó là Anh Nga, Tiếng địch sông Ô, Bên bờ Suối dưới ánh trăng, nhìn chung những tác phẩm này mang đậm chất thơ hơn là kịch. Dường như các nhà thơ muốn hiện thực hình thức kịch để bày tỏ cảm xúc của mình một cách dễ dàng tuôn chảy hơn, vì vậy mà có nhà nghiên cứu gọi đó là “thơ kịch”. Nhưng đó chỉ là bước mở đầu cho việc hình thành thể loại khá mới mẻ này. Những năm tiếp theo kịch thơ trở thành một một thể loại thực sự có diện mạo mới, với nhiều tác phẩm thực sự có giá trị và đã có mặt trên sân khấu kịch, có những vở kịch thơ đã được dàn dựng nhiều lần và được khán giả Hà Thành và các tỉnh lỵ, trường học ủng hộ nhiệt liệt, “nhiều kịch bản thơ được các nghệ sĩ thi sĩ đọc, diễn xướng trên các thính phòng và thể hiện dưới các hình thức sinh hoạt văn hóa nghệ thuật tại các câu lạc bộ đáp ứng nhu cầu của ừng nhóm người, từng gia đình yêu thích kịch thơ”[67, 7]. Các tác phẩm như Bóng giai nhân (Yến Lan – Nguyễn Bính), Dương Quý Phi (Thế Lữ- Vi Huyền Đắc), Huyền Trân Công Chúa (Huy Thông ), Hận Nam Quan, Kiều Loan (Hoàng Cầm), Lam Sơn họp mặt (Nguyễn Xuân Trân), Trương Chi, Vân Muội (Vũ Hoàng Chương), Trần Can (Phan Khắc Khoan), Quán Biên Thùy (Thao Thao), Lê Lai đổi áo, Người Hoa Lư , Yêu li , Hoàng Hậu Ba Tư (Lưu Quang Thuận)… Thời kì này người ta xem diễn kịch thơ là mốt thời thượng – thú chơi của các nghệ sĩ. Nó trở thành hình thức giải trí cao sang, của những người “sành điệu”, nhưng dần dần người bình dân cũng quan tâm đến kịch thơ. Không chỉ là một thể loại vì nhờ có số lượng tác phẩm nhiều, mà bản thân các tác phẩm ấy cũng có chất lượng nghệ thuật thực sự xứng tầm là một thể loại văn học độc lập. Kịch thơ quan tâm đến nhiều vấn đề trong xã hội với nhiều cảm xúc và nguồn cảm hứng khác nhau. Các nhà thơ viết nhiều về các mối tình đẹp giang dở như những cảm xúc nồng nàn như trong Thơ mới, với những khát vọng riêng tư của con người về hạnh phúc và tình yêu. Ngoài ra các tác giả còn quan tâm vấn đề dân tộc với tâm trạng hoài cổ, niềm tự hào dân tộc và gửi gắm lòng yêu nước vào các vở kịch thơ mang nặng cảm hứng yêu nước sâu sắc. Ở đây, kịch thơ vẫn tuân thủ quy luật tam duy nhất trong nghệ thuật và thi ca của Arrixtot. Nhưng nó đã mang ra những nét đặc trưng độc đáo bởi nó là những tác phẩm giàu “chất thơ”, “men thơ” của Thơ mới, với tính chất trữ tình lãng mạn nồng nhiệt và cảm xúc, chân thực trong từng tác phẩm. Người đọc, người xem có thể cảm nhận thấy hai yếu tố thơ và kịch, bổ sung cho nhau một nhuần nhị tạo nên vẻ đẹp, sự hấp dẫn của kịch thơ giai đoạn này.
Tác giả Thơ mới có vai trò khởi xướng cho thể loại kịch thơ là nhà thơ Huy Thông, với nhiều tác phẩm đáng chú ý như Anh Nga (1934), Tiếng địch sông Ô, Tần Hồng Châu, Huyền Trân Công Chúa, Kinh Kha. Tác giả thứ hai phải kể đến là Thao Thao với các tác phẩm thực sự có những bước chuyển biến mới về thể loại như tác phẩm Quán Biên Thùy và Người mù dạo Trúc. Một số tác giả kịch thơ tiêu biểu nữa, đó là Phan Khắc Khoan. Ông có những sáng tác mang đậm chất kịch thực sự và giọng thơ đầy bi hùng lãng mạn diễn tả những mâu thuẫn bi kịch giữa tình yêu và quyền lực. Nhà thơ Vũ Hoàng Chương với hai vở kịch Trương Chi và Vân Muội cũng đã làm phong phú thêm cá tính của một cái tôi luôn khao khát yêu đương nhưng chạy trốn thực tại, tìm về cõi hư vô mong tìm hạnh phúc… Tác giả có nhiều vở kịch thơ nhất và thể hiện được tấm lòng tha thiết với lí tưởng khát vọng lớn lao mang tinh thần yêu nước và tự hào về dân tộc là Lưu Quang Thuận, với các tác phẩm Người Hoa Lư, Yêu Ly… Thế Lữ và Vi Huyền Đắc, tuy có ít tác phẩm hơn nhưng với Dương Quý Phi, hai tác giả cũng đã có một tác phẩm độc đáo, mang âm hưởng lịch sử thời thịnh Đường và cũng rất hấp dẫn hơn bởi mối tình tay ba đầy bi kịch. Dương Quý Phi thực sự đã công diễn và được nhiều người khẳng định là vở kịch thơ đạt giá trị nghệ thuật cao. Tác phẩm Bóng giai nhân từ trước đến nay vẫn được xem là của cả Nguyễn Bính và Yến Lan. Đây là tác phẩm được nhiều nhà Thơ mới đánh giá cao và đã được công diễn nhiều lần sau ngày ra đời. Giá trị thực sự của tác phẩm là ngợi ca cái đẹp và khẳng định cái đẹp có sức mạnh vô địch. Ngoài ra chúng tôi không thể không nhắc đến Hoàng Cầm – thi sĩ Kinh Bắc vừa qua đời cách đây không lâu với tác phẩm kịch thơ Kiều Loan được dàn dựng lại và giới nghiên cứu kịch hiện đại đánh giá cao bằng giải thưởng kịch năm 2008. Ngoài ra, ông còn có tác phẩm Hận Nam Quan cũng là một tác phẩm được đánh giá cao và xem là vở kịch thấm đượm cảm xúc và đầy chất thơ. Các tác phẩm của ông thực sự thể hiện được tinh thần sáng tạo nghệ thuật và lí tưởng của một con người mang nặng tinh thần dân tộc. Nhắc đến kịch thơ thời kì này không thể quên tác giả Thanh Huyền với bộ ba vở kịch thơ Bùi Thị Xuân, Đặng Dung, Nguyễn Thị Kim, đều là những vở kịch lịch sử thể hiện ý chí của những con người trước hiện thực đau thương, ca ngợi những người anh hùng bằng chất kịch bi tráng.
Ths. Hoàng Ngọc Hà
Nguồn: Phong Điệp.