Năm 1929, nữ văn sĩ Mỹ Virginia Woolf, nhà nữ quyền nổi tiếng của phương Tây, từng mong muốn phụ nữ tìm được tiếng nói trong văn học. Bà viết: “Giá như chúng ta được sống ở một thế kỷ khác, mỗi năm tự kiếm được 500 USD và có một căn phòng riêng”.

Nhưng những ngày tháng cuối 2012, đầu năm 2013 đã chứng kiến sự trỗi dậy của giới nữ trong văn chương và nó cũng cho thấy mơ ước của Virginia Woolf đã lỗi thời đến chừng nào.

Từ thành công của phụ nữ ở giải văn học Costa (Anh và Ireland) mới đây, khi cả 5 tác giả lọt vào vòng chung khảo đều là nữ, có vẻ như vai trò của lớp phụ nữ hậu sinh trong văn học đã vượt quá hình dung của Virginia.

Thêm vào đó, mỗi tác giả nữ lọt vào chung kết giải Costa (kết quả chung cuộc sẽ được công bố vào 29/1) được tặng thưởng 5.000 bảng (tức hơn 8.000 USD) vì đã thắng cuộc ở 5 hạng mục lẻ: tiểu thuyết, tiểu thuyết đầu tay, thơ, tiểu sử, sách thiếu nhi. Còn người chiến thắng chung cuộc sẽ được tặng 30.000 bảng (gần 50.000 USD). Nhà văn Hilary Mantel, chủ nhân giải Man Booker danh giá năm ngoái, đang là ứng cử viên sáng giá.

Lời thách thức với nam giới

Sau tín hiệu từ giải Costa, trên các báo phương Tây xuất hiện hàng loạt bài viết bình luận về sự trỗi dậy mạnh mẽ của phụ nữ trong văn học.

Hầu hết các bài báo đều đến từ các nhà báo nữ vốn yêu thích chủ đề nữ quyền và trích dẫn nhiều thông điệp từ các nhà văn, nhà phê bình nữ. Điều này khiến nữ quyền trở thành chủ đề nổi bật của văn chương thế giới từ cuối năm 2012 đến đầu năm mới 2013 này.


Nhà văn Hilary Mantel, chủ nhân giải Man Booker danh giá năm ngoái, đang là ứng viên sáng giá của giải Costa.

Bên cạnh mảng văn học hàn lâm, trong thị trường sách năm qua, những cái tên thống trị vẫn là nữ. E.L. James với tiểu thuyết người lớn Fifty Shades Of Grey (50 bóng hình của Grey) thì khỏi phải nói, xếp vị trí đầu vì bán được 65 triệu bản. Còn The Casual Vacancy (Khoảng trống vô định) của J.K. Rowling là tiểu thuyết bìa cứng bán chạy nhất năm.

Đây là thời kỳ rực rỡ của các nhà văn nữ? Wendy Holden, nữ nhà văn Anh kiêm giám khảo giải Costa gật đầu xác nhận câu hỏi này. “Các giải thưởng văn học đang tôn vinh những tác phẩm thực sự xuất sắc, đồng thời gửi một lời cảnh báo đến đàn ông rằng hãy xắn tay áo lên và ngừng ngay việc viết những tác phẩm nhạt nhẽo” – Holden nói khi công bố danh sách chung khảo Costa hôm 2/1.

Khi yêu cầu các nhà văn nam “xắn tay áo lên”, Holden đã đề cập đến vấn đề vẫn luôn sục sôi trong văn học: “cuộc chiến” giới tính. Có phải các nhà văn nam đang gặp khủng hoảng? “Tôi không biết điều gì đang xảy ra với văn học của nam giới. Chúng ta từng có Dickens, Tolstoy, Shakespeare và Waugh, bây giờ chúng ta có hàng đống tiểu thuyết bạo lực từ Scandinavia. Tôi không thấy một sự thay đổi bước ngoặt từ đàn ông nào cả. Họ chỉ dần kém đi, một cách ổn định, mà thôi”.

Holden không hề nghi ngờ 2012 là năm bước ngoặt của văn chương nữ giới. “Phụ nữ đã luôn có tiếng nói trong lịch sử, lâu nay chỉ là đàn ông nói to hơn mà thôi” – bà nói. “Tôi đã đọc hàng trăm cuốn sách để chọn vào danh sách tranh giải Costa năm nay, hầu hết tác giả là đàn ông, nhưng thực tế là phụ nữ viết hay hơn đã nói lên tất cả”.

Phụ nữ không “đột nhiên xuất sắc”

Cathy Rentzenbrink, một chuyên gia về tiểu thuyết của tờ tạp chí The Bookseller, được mệnh danh là “kinh thánh của ngành xuất bản sách”, có chung nhận định với Holden. “Năm ngoái nhiều cuốn sách hay đến từ các tác giả nữ, từ những người mới viết tác phẩm đầu tay cho đến những người đã tạo lập được danh tiếng”.

“Không phải phụ nữ đột nhiên xuất sắc, chỉ là đến bây giờ người ta mới nhìn nhận thành quả của họ đúng cách. Lâu nay chúng ta đã quá chú ý đến những gì đàn ông làm. Quá nhiều chú ý dồn vào Nick Hornby, David Nicholls hay Tony Parsons hơn là các nhà văn nữ như Marian Keyes và Jojo Moyes”.

Sam Baker, một giám khảo khác của giải Costa và là Tổng Biên tập tạp chí Red, kêu gọi: “Đây là lúc để ngành xuất bản sách chấm dứt thái độ phân biệt giới tính”.

Theo Baker: “Tiểu thuyết của nữ giới lâu nay thường không được coi trọng. Khi phụ nữ viết về những mối quan hệ tình cảm, tác phẩm của họ bị gộp vào một nhóm gọi là “chick lit”, bị coi là tô hồng cuộc sống và nông cạn. Còn khi đàn ông viết về các mối quan hệ, tác phẩm được trân trọng như văn học thực thụ. Với độc giả và các nhà xuất bản, có xu hướng coi sách do phụ nữ viết là các tác phẩm thị trường, tôi nghĩ đó là một biểu hiện coi thường”.

Đàn ông phản đối

Bài viết Giải Costa: Phụ nữ đang thống trị thế giới văn chương, vậy tại sao phải tập trung vào đàn ông? của nhà báo Amanda Craig trên tờ Telegraph trình bày quan điểm tương tự, vấp phải phản ứng của độc giả, đa số là nam.

“Phụ nữ thống trị văn chương – đây có lẽ là lý do chính khiến chất lượng văn chương thế giới giảm sút một cách không thể tin nổi trong những thập kỷ gần đây” – độc giả tên Axilleus bình luận.

Quá vui mừng vì những thành tựu của nữ giới, dường như các nhà nữ quyền quên mất rằng trong năm qua việc nhà văn (nam) Mạc Ngôn giành giải Nobel Văn chương cũng là một sự kiện nổi bật, nếu không nói là nổi bật nhất của làng văn.

Và nếu bắt đầu bằng Virginia Woolf thì cũng nên kết lại bằng Virginia Woolf. Với Virginia, một nhà văn tầm vóc cần phải vượt ra khỏi giới hạn giới tính. Nữ văn sĩ từng nói đại ý, nhà văn lớn không để lộ giới tính của mình trong trang sách.

Mi Ly (tổng hợp)

Nguồn: Thể thao & Văn hóa

Exit mobile version