Chuyên mục Truyện hay tuần này, Cầm Kỳ Official xin giới thiệu truyện ngắn
Sự trớ trêu của tình yêu | truyện ngắn của nhà văn Hoàng Minh Tường
Nhà văn Hoàng Minh Tường sinh năm 1948.
Quê ở thôn Động Phí, xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội).
Năm 1970, tốt nghiệp hạng ưu khoa Địa Lý, Đại học Sư phạm Hà Nội, ông được cử lên công tác tại Sở Giáo dục, khu Tự trị Việt Bắc (gồm sáu tỉnh Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Bắc Cạn, Thái Nguyên)
Năm 1973, Ông viết cuốn tiểu thuyết đầu tay “Đầu Sông” (NXB Lao Động, 1981), kể về người thầy giáo từ miền xuôi lên miền núi dạy học, được giải thưởng cuộc thi viết về “Thầy giáo và nhà trường” do Bộ Giáo dục tổ chức. Đây cũng là cơ duyên để sau đó, năm 1976, khi Khu tự trị Việt Bắc bị giải thể, ông được chuyển về làm báo Người Giáo viên Nhân dân (thuộc Bộ Giáo dục), bắt đầu cuộc đời làm báo kéo dải gần ba mươi năm.
Năm 1988, nhà văn Nguyên Ngọc khi về làm Tổng biên tập báo Văn Nghệ đã mời ông (cùng nhà văn Trần Huy Quang ở báo Tổ Quốc) chuyển về Ban văn xuôi tại báo Văn Nghệ, góp phần đưa trang văn xuôi báo Văn Nghệ qua hai đời Tổng Biên tập Nguyên Ngọc, và sau đó là nhà thơ Hữu Thỉnh thời kỳ đầu, khởi sắc.
Tiếp đó, Hoàng Minh Tường phụ trách Trưởng ban văn xuôi báo Văn Nghệ, rồi chuyển sang làm quyền Tổng biên tập báo Du Lịch ( thuộc Tổng cục Du Lịch), Q TBT tạp chí Thủy Sản ( thuộc Bộ Thủy Sản). Thời gian này, năm 1996, tiểu thuyết “Thủy Hỏa Đạo Tặc”, viết từ năm 1982, với tựa đề “Vùng gió quẩn”, sau 15 năm chìm nổi, đi suốt bốn nhà xuất bản, mới được nhà xuất bản Văn học in ra. Và ngay sau đó được Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 2000 ông viết tập hai” Đồng sau bão”, sau này in chung với tập 1 Thủy Hỏa Đạo Tặc, lấy tên là “Gia phả của đất” (tiểu thuyết đã được chuyển thể thành phim truyền hình 38 tập, “Gia phả của đất”, công chiếu trên VTV1 vào năm 2016).
Năm 2011, Hoàng Minh Tường nghỉ hưu trí tại Hội Nhà văn Việt Nam (Với chức danh Phó ban sáng tác Hội nhà văn Việt Nam).
Ông đã xuất bản hơn 30 tập tiểu thuyết, truyện ngắn, và ký.
Các giải thưởng
– Giải A Văn học Công nhân 1985 – 1990 với tác phẩm “Những người ở khác cung đường”.
– Giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam 1997 với tiểu thuyết “Thủy hỏa đạo tặc”
– Tặng thưởng văn học Thời kỳ đổi mới 1985-2010 cho 10 tiểu thuyết hay nhất về nông thôn- nông nghiệp do Hội NVVN và Bộ NN&PTNT trao tặng cho bộ tiểu thuyết Gia phả của đất (T1 Thủy hỏa đạo tặc, T2 Đồng sau bão) năm 2011.
Sự trớ trêu của tình yêu
Chưa đầy hai năm, vợ chồng ấy đã ba lần đưa nhau ra tòa. Nói đúng hơn, đứng nguyên đơn là người vợ, một người đàn bà tuy không còn trẻ, nhưng đẹp, một vẻ đẹp không son phấn mà vẫn có sức khiêu gợi, quyến rũ.
Cả ba lần phân xử cho cuộc tình duyên của họ, tôi đều ngồi nghế hội thẩm. Thực ra, đây là một phiên tòa rất đơn giản, không cần công tố viên, không cần luật sư bào chữa, và tất nhiên không hề có vành móng ngựa, cả bên nguyên và bên bị đều có quyền công dân bình đẳng với chánh án và thẩm phán. Thông thường trong những phiên tòa như thế này, người xử không muốn ai thắng, ai thua, chúng tôi cố vận dụng kết hợp mọi lý lẽ, tình cảm để hòa giải. Rất nhiều cặp vợ chồng sau lần đưa ra tòa về lại chung sống với nhau và không ít đôi còn hạnh phúc hơn trước.
Nhưng ở cặp vợ chồng này, những điều phân giải của chúng tôi dường như vô vọng. Người vợ quyết liệt đến sắt đá. Cả ba lần chị đều một mực xin được li hôn, dù đơn phương. Lý do duy nhất: Họ sống không có hạnh phúc, anh chồng sống với chỉ chỉ như sự gá lắp chứ chưa bao giờ có tình yêu. Trái lại, anh chồng cũng cương quyết không kém. Anh thấy không có lý do gì phải li hôn với vợ. Hai vợ chồng và một đứa con sống vui vẻ hòa thuận. Theo anh, gia đình họ hạnh phúc.
Tòa án không có đủ chứng cứ để thừa nhận cuộc li hôn của họ. Lần thứ ba hồ sơ vụ li hôn đành xếp lại.
*
Là một hội thẩm nhân dân, tôi chỉ có một phần nhỏ cái máu của một quan tòa. Trong tôi, cái chất của một công dân thuần túy, tức là cái phần đời thường khong quyền chức, không địa vị vẫn còn rất sâu đậm. Bởi thế, mỗi người đến tòa án đều gợi trong tôi lòng trắc ẩn. Tôi thương người đàn bà trẻ đẹp kia. Mỗi lúc nghĩ đến nàng lại thấy nao lòng. Nàng muốn tự do mà anh chống lại cố ý khước từ?
Tôi tìm cách tiếp xúc với người chồng. Anh ấy tên là Hiệp. Một người đàn ông tỏ ra lịch lãm và có văn hóa.
– Anh Hiệp ạ – Tôi gợi chuyện khi hai chúng tôi cùng vào một quán cà phê vắng – Tôi không hiểu vì sao anh lại cố tình khước từ cuộc li hôn này, trong khi chị ấy lại kiên quyết đến thế?
– Anh muốn biết sự thật à? – Đôi mắt to buồn của Hiệp nhìn tôi, rồi anh bỗng thở dài, đưa tay ôm lấy mặt. Lát sau anh ngẩng lên. Tôi bỗng sững sờ liên tưởng đến gương mặt một người sắp chết – Nói ra điều này thì nhục lắm. Nhưng anh chân tình nên tôi không nỡ giấu – Hiệp lắc đầu đau khổ – Một bi kịch anh hiểu không? Cả tuổi trẻ của tôi phải trả giá cho cuộc tình này.
*
Mười năm trước, tôi hai mươi lăm tuổi. Ngày ấy, tôi vừa tốt nghiệp đại học và được điều lên công tác ở một tỉnh miền núi. Trong số thanh niên trẻ ở cái thị xã heo hút ấy, tôi là một chàng trai có nhiều ưu thế nên nhiều cô gái chết mê chết mệt tôi. Tôi thầm kiêu ngạo và giả vờ phớt đời. Ở thị xã hồi ấy đồn ầm lên về một hoa khôi vừa xuất hiện. Nghe nói nàng là dân Hà Nội chính gốc, lại là con một vị Thứ trưởng. Vì cái máu lãng mạn phiêu lãng mà nàng tình nguyện lên đây. Tôi hồi hộp chờ đợi. Và cuộc gặp gỡ đã xảy ra. Ấy là vào một đêm biểu diễn văn nghệ chào mừng ngày thành lập Đoàn. Qua bạn bè, tôi được biết tên nàng là Ngọc Hoa, một cây đơn ca giọng nữ có hạng. Quả thực nàng là một hoa hậu trong đêm diễn ấy. Hai mươi hai tuổi, bác sĩ đa khoa của bệnh viện tỉnh. Tuyệt hảo vô cùng. Ngay lần tiếp xúc đầu tiên, tôi đã choáng váng. Đôi mắt dao cau vừa liếc nhìn, tôi đã đứng tim. Thế rồi mối tình sét đánh ấy làm tôi ngây ngất đến quên ăn, quên ngủ. Hoa yêu tôi say đắm. Nàng thề thôts: “Sẽ từ bỏ tất cả, cả Hà Nội, cả ông bố Thứ trưởng và ngôi biệt thự xinh đẹp ở phố Trần Hưng Đạo để nguyện sống với tôi trên cái thị xã heo hút này”. Tôi tin nàng như tin Đức Mẹ đồng trinh. Tôi dành dụm tiền lương, tôi vay giật bạn bè để rắp tâm tổ chức một lễ cưới có một không hai ở thị xã.
Nhưng, chao ơi, tuổi trẻ thật viển vông và dễ bị lừa mị. Khi tội gầy rộc đi để lo mọi thứ cho lễ cưới của mình, cũng là lúc mộng vàng tan vỡ. Vào cuối đợt Ngọc Hoa về Hà Nội nghỉ phép để báo cáo với bố mẹ nàng, thì tôi nhận được một bức điện sét đánh: “Hãy tha lỗi cho em. Và hãy quên em đi. Em không thể trở lại trên ấy. Bố mẹ em không đồng ý để em xa Hà Nội”.
Sau này tôi mới biết biết lý do Ngọc Hoa nêu chỉ là một cái cớ để khước từ mối tình của tôi, khước từ cái thị xã miền núi heo hút buồn tẻ không đáng để nàng gắn bó cuộc đời. Chuyến đi phép ấy, nàng đã gặp một anh chàng mới tu nghiệp ở nước ngoài về. Và nàng đã “đá” tôi một cách không thương tiếc. Anh chàng kia có tiền, lại cậy vào quyền thế ô dù nên đã xin được cho nàng vào làm tại một bệnh viện lớn của Hà Nội.
Nửa tháng trời tôi như phát điên lên. Đau đớn quá. Tình yêu thật đen bạc. Thề thốt như thế, đắm say đến thế rồi mà rũ bỏ như vứt đi một tờ giấy lộn.
Tôi lao vào những cuộc ăn chơi rượu chè để trả thù đời.
Quán giải khát tôi thường đến là một ngôi nhà hai tầng bề thế nhất thị xã. Quán có tên Kiều Oanh, tên con gái út của bà chủ quán. Đó là một cô gái khá xinh đẹp, nhưng nghe đồn nổi tiếng trăng hoa. Ngay từ những ngày đầu Oanh đã chủ động đến làm thân với tôi. Bạn bè có đứa bảo: “Mày phải dè chừng con Kiều Oanh nó “cưa” sắc lắm. Đừng có dại mà đụng vào con Thị Mầu ấy, khéo rồi “kẻ ăn ốc, người đổ vỏ”. Tôi mo phú tuốt. Đắm đò thì giặt mẹt. Một nhà văn nào đó từng nói: “Chỉ có thể xóa một người đàn bà bằng một người đàn bà khác”. Và chính tôi đã chủ động một cuộc tình ái với Oanh.
Dạo ấy là mùa xuân. Cái thị xã của tôi nằm kề một rừng đào. Tháng chạp đào bắt đầu đơm nụ. Không chủ nhật nào tôi và Oanh không lạc trong rừng đào ấy. Yêu Oanh, tôi mới ngẫm rằng những lời đồn thổi về nàng đều sai bét cả. Oanh đoan trang và khe khắt hơn tôi nghĩ rất nhiều. Phải đến cuộc đi chơi thứ ba tôi mới hôn được Oanh. Vào lúc mà thằng đàn ông trong tôi bùng dậy, tôi định ôm riết lấy nàng, thì nàng ngúng nguẩy đẩy tôi ra và nói vẻ giận dỗi:
– Em cấm. Không được làm như thế. Nếu em dễ dãi với anh thì em cũng dễ dãi với những người khác. Chúng mình sẽ cưới nhau cơ mà. Đừng vội “ăn cơm trước kẻng” anh yêu ạ.
Tôi cảm phục Oanh, và càng làm tôi khao khát. Nàng đã xóa trắng hình ảnh Ngọc Hoa trong tôi.
Tôi yêu Oanh còn cuồng si hơn cả mối tình đâu. Tôi bất chấp tất cả mọi dư luận. Không này nào tôi không có mặt ở quán giải khát của mẹ nàng.
Thế rồi chiều ấy, một buổi chiều se lạnh tháng chạp, một buổi chiều chủ nhật thần tiên. Mẹ và các anh chị nàng đi ăn cưới ở một làng ngoại ô. Chỉ còn tôi với nàng trong căn nhà rộng mênh mông.
– Hôm nay đóng cửa hàng – Nàng bảo – Em chỉ tiếp riêng mình anh thôi. Cả nhà đi ăn cưới đến tối mới về. Chúng mình sẽ làm một bữa tiệc tưng bừng.
Nàng thay quần áo. Trời lạnh nhưng nàng chỉ phong phanh một chiếc váy mỏng.
– Anh xem có được không? Con bạn đi lao động ở Đức mới gửi về tặng em đấy.
Quả tình là trong chiếc váy đầy quyến rũ ấy, nàng rất đẹp. Đôi vai trần trắng ngà. Đôi bắp chân thon như ngó sen. Chiếc cổ cao đầy khêu gợi…
– Tuyệt vời! – Nữ hoàng của anh! – Tôi thốt lên và xô tới ôm chầm lấy nàng.
– Em cấm – Nàng đưa ngón tay búp măng lên dứ vào trán tôi – Phải nghiêm chỉnh. Mẹ nghiêm lắm đấy.
Nàng ngúng nguẩy trườn khỏi tay tôi, chạy vào nhà trong. Khắp người tôi bừng bừng rạo rực.
Lát sau nàng mang ra một chai rượu Vôtka và một con mực nướng thơm lừng. Nàng rót rượu ra hai ly nhỏ, nhìn tôi đắm đuối:
– Chúng mình sẽ uống cho đến khi mẹ em về. Họ đi ăn cười thì chúng mình cũng ăn cưới nhau.
Chúng tôi cụng ly và uống cạn. Ly rượu làm khắp người tôi bừng bừng, gợi dậy cái ma lực si cuồng. Tôi đặt vội chiếc ly và lao qua bàn, vòng ôm lấy nàng. Tấm thân mềm mại và nóng ấm nằm gọn trong vòng tay tôi. Nàng hoàn toàn không còn tự chủ được mình.
Tôi bế nàng lên giường.
Vào đúng cái lúc chúng tôi đang xoắn riết lấy nhau, quên hết trời đất thì có tiếng kẹt cửa rất nhỏ. Mặc kệ, chúng tôi đang sống lại thời Ađam và Eva.
Mẹ Oanh, như một cái bóng đã đứng trước chúng tôi tự lúc nào. Phía sau bà, gần cửa sau là anh trai Oanh, lừng lững như một vệ sĩ chuyên đâm thuê chém mướn.
– Trời ơi, đẹp mặt chưa! Sao chúng bay lại làm cái trò nhơ nhớp này?
Tiếng kêu se sé của bà khiến tôi hết hồn. Tôi vơ vội quần áo đắp lên người và lắp bắp:
– Chúng con xin mẹ. Chúng con yêu nhau… Chúng con trót dại.
– Dại với khôn gì, anh là cán bộ, lại sắp được đề bạt…. Nếu con tôi nó đĩ thõa thì anh phải kiềng nó ra chứ…
Oanh vẫn nằm trơ ra đó một lúc. Dường như cô ta chẳng cần biết mẹ nói điều gì. Lúc ấy cô ta mới mặc quần áo, ngồi dậy.
– Mẹ đi ra đi – Nàng nói một cách bình tĩnh, nhưu bất cần – Việc gì mà mẹ phải la lối lên thế. Mẹ đừng làm hàng xóm người ta biết, mất uy tín của anh ấy. Chúng con sẽ cưới nhau.
Bà mẹ, dáng chừng rất tủi hổ, hai tay ôm lấy mặt:
– Nhục nhã chưa. Đến lúc cưới xin thì bụng đã ễnh ra rồi. Phải cưới ngay đi chứ còn gì nữa. Không cưới thì thiên hạ họ ỉa vào mặt.
Thế là đám cưới của chúng tôi phải gấp rút tổ chức.
Đau đớn thay cho đời tôi, nửa tháng sau tôi mới hiểu ra rằng Oanh đã có thai ba tháng. Cái thai ấy là sản phẩm của gã thủ trưởng cơ quan Oanh, một con dê già hơn Oanh đến hai mươi tuổi. Chính mẹ Oanh biết quá rõ điều ấy. Và cả nhà cô ta đã cố ý đạo diễn một màn kịch để bắt quả tang tôi, buộc tôi phải đổ vỏ cho kẻ đã ăn ốc.
*
Đám cưới diễn ra giữa mùa xuân, sau cái ngày bi kịch ấy hai mươi ngày. Hoa đào nở bừng thung lũng. Nhưng đối với tôi đó là mùa xuân ảm đạm nhất trong đời.
Lễ cưới do nhà gái bao toàn bộ. Kẹo bánh, lợn, gà, hoa, pháo nhiều không kể xiết. Bà mẹ vợ quí ông con rẻ đến mức thân chinh gọi thợ đến phòng tôi để may đo cho tôi một bộ Complê màu kem sữa bằng chất vải tuýtxi hảo hạng.
Không biết có ai bị bắt quả tang có một không hai trong lịch sử như tôi không? Tôi biết rõ tấn bị kịch này rồi sẽ đeo đuổi tôi suốt đời, nhưng vì trót bị bắt quả tang, nếu chạy làng, tôi sẽ bị các anh chị của Oanh cho lãnh đủ. Vả lại khi ấy, tôi đang là một cán bộ trẻ có triển vọng. Người ta dự định đề bạt tôi. Tôi đành phải ngậm bồ hòn làm ngọt.
Tôi đã khóc mấy đêm ròng. Khóc vì sự mù quáng của tuổi trẻ. Khóc cho số phận nghiệt ngã đã đẩy mình vào một ngõ cụt không thể tìm ra lối thoát.
Ngày cưới, tôi uống rượu như kẻ đi trên sa mạc vục mặt xuống xiếng nước ốc đảo.
Tôi không thể nhớ rành mạch chi tiết nào về đám cưới của chính mình. Chỉ mang máng nhớ rằng, tôi bị hai anh phù rể, kẻ dìu nách, người đỡ vai như một thằng tù. Còn cô dâu, như mụ phù thủy trong những câu chuyện quái đản yêu tinh đội lốt người.
Sáu tháng sau. Oanh, tức vợ tôi bây giờ sinh cho tôi một đứa con trai.
Sau đám cưới mùa xuân ấy, tôi trở thành một kẻ khác. Con người thực của tôi đã chết. Chúng tôi sống với nhau như hai bóng ma trong căn nhà mồ. Anh có tưởng tượng rằng, suốt từ ngày ấy, tôi chưa một ngày nào chăn gối với cô ấy không?
*
Câu chuyện của Hiệp khiến tôi buồn tê tái. Mười lăm năm sống li thân trong một căn phòng, còn gì địa ngục hơn?
– Vậy sao anh không chịu li hôn chị ấy? – Tôi hỏi Hiệp sau một hồi lâu cả hai cùng im lặng.
– Tôi sẽ trả thù đến cùng – Hiệp nói, đôi môi anh mím lại đầy vẻ tàn nhẫn và sắt đá – Sau lễ cưới ấy, tôi hiểu rằng mình đã bị cô ta và cả nhà cô ta giăng bẫy sẵn từ trước. Và tôi đã tự thề với mình: đã vậy tôi sẽ giam cầm co ota cho đến lúc chết. Hãy để cho cô ta mốc meo lên. Hãy để đêm đêm cái con rắn nhục dục cuộn trườn người cô ta mà cắn xé, mà cuộn khuấy. Tôi không hề dằn hắt cô ta, cũng không hề giở trò vũ phu đánh đập. Tôi trả thù theo cách của riêng mình.
– Cách nào? – Tôi hỏi.
– Trở thành một tên cai ngục với cô ta – Hiệp nắm bàn tay lại rồi từ từ xòe ra – Nhưng với mình thì phải trở thành một kẻ đàng điếm. Anh biết đấy. Tôi kiếm được tiền. Và tôi không thiếu đàn bà. Để trả thù cô ta đã quyến rũ tôi “tráng men” cho cô ta, tôi đã ngủ với hàng chục cô gái khác.
– Chị ấy có biết không?
– Biết. Nhưng với cô ta bao giờ toi cũng dịu dàng và tỏ ra là một người có văn hóa. Và thực tình, cô ấy, sau cuộc lầm lỡ được tôi cứu vớt, đã coi tôi như một ân nhân, yêu tôi với một tình yêu tôn thờ và hối cải.
– Vậy thì anh là một kẻ cố chấp – Tôi bỗng nổi nóng, dụi mạnh điếu thuốc xuống gạt tàn, khiến những tàn thuốc bắn lên tung tóe.
Hiệp cúi đầu yên lặng. Mãi sau anh mới nói:
– Tôi ngẫm mình là một thằng hèn. Trả thù một người đàn bà lầm lỡ tội nghiệp là quá hèn. Nhưng biết làm sao được? Tuổi trẻ ngông cuồng và dại dột khiến tôi đau đến tận bây giờ. Càng ngẫm lại, hồi tưởng lại càng thấy đau. Ba lần cô ấy viết đơn li hôn, ba lần tôi đều không chấp nhận. Có lẽ vì tôi quá căm thù cô ấy, muốn hành hạ cô ấy cho đến hết đời. Nhưng cũng có lẽ vì tôi bắt đầu yêu cô ấy, không muốn mất cô ấy. Mười lăm năm làm vợ cô ấy không có lỗi gì. Sau lần lầm lỡ duy nhất, thực lòng, cô ấy hoàn toàn chung tình… Anh là một hội thẩm nhân dân có kinh nghiệm, anh hãy khuyên tôi đi.
Tôi gọi hai ly rượu thuốc.
– Nào, tôi với anh hãy uống cạn. Cùng là cánh đàn ông, tôi hoàn toàn đồng cảm với anh. Tôi hiểu anh. Câu chuyện của anh là một bài học bổ ích cho lớp trẻ. Còn anh, sự thỏa mãn lòng thù hận của thằng đàn ông đã quá đủ rồi. Chúng ta còn ít mùa xuân lắm. Hãy nên cưới lại với chị ấy… Anh nên nghe tôi. Vị tha và bao dung không làm chúng ta hèn kém đi một chút nào.
Hiệp chần chừ một lúc rồi nâng ly cạn với tôi.
Trong đôi mắt Hiệp tôi như thấy phản chiếu những nụ đào đang nở thắm quanh chỗ chúng tôi ngồi.