1. Càng ngày tôi càng tin câu đúc kết của ông cha rằng Văn là người. Chí ít là đối với Kiều Vượng, một nhà văn xứ Thanh đã có cả một thời tuổi trẻ đứng chênh chao trên những chiếc thuyền nan đánh Mỹ.

Nhà văn Kiều Vượng

Sống thế nào viết như thế, với cuốn sách gần như là hồi ký, là tự truyện này, ông không hư cấu, không thêu dệt như căn bệnh thông thường của văn chương mà thấy gì viết đó, trải nghiệm đến đâu tuôn ra đến đó.

Cho nên nó thật như hương vị đất đai rơm rạ tro trấu, khét như mùi diêm sinh lưu huỳnh trộn ngào trong bom đạn và tanh lợm như mùi thi thể người khi đang phân huỷ trong rừng sâu, trên bến bãi.

Nhưng nồng nàn. Đó là cái nồng nàn của khí phách, hoài bão, lý tưởng một khi người nông dân mồ hôi dầu áo vải biết đứng lên hiên ngang bảo vệ bờ cõi giang sơn, đồng bào trước con quái thú hùng và mạnh nhất hành tinh của mình.

Và lãng mạn. Đó là cái lãng mạn của tình yêu, tình đồng đội, cái lãng mạn tinh khiết được chiết ra, bay lên từ đau thương và mất mát. Cái lãng mạn như những giọt phù sa màu mỡ đắp đổi cho khúc tráng ca giữ nước mãi vỗ sóng vào đôi bờ cần lao. Thử hỏi nếu không có cái lãng mạn từ ngàn năm vọng về, hà hơi đó thì cuộc chiến đấu không cân sức sẽ chịu những thảm bại khó lường làm sao. Như những đội thuyền nan mỏng manh, dễ vỡ làm nhiệm vụ chuyển gạo chuyển đạn vào chiến trường trên sông và trên biển đã làm cho hàng đàn phi cơ tối tân hiện đại của đối phương phải cúi đầu khâm phục. Như nụ hôn mặn máu của chàng trai đặt vào môi cô gái trước khi đi vào cõi vĩnh hằng. Như dòng sông này, bãi biển này vốn ngàn năm hiền hoà êm dịu nhưng khi cần cũng biết nổi bão giông để nhấn chìm kẻ ác…

2.

Thể loại hồi ký hay tự truyện thường là người viết hay tránh né những sự thật trần trụi, những mất mát đau thương khôn tả nhưng không, ở đây, tác giả vốn là một người lính quả cảm, một chỉ huy kiên cường đã không bỏ sót bất cứ một chi tiết nào. Bởi ông hằng tâm đắc: “Chiến tranh là chiến tranh, tô hồng nó, nó lắc đầu và bôi đen nó, nó càng lắc đầu. Chiến tranh nó muốn con người phản ảnh nó như chính nó, hào hùng và lãng mạn, đau thương và mất mát, có như thế cuộc chiến đấu này mới có cái giá của chiến thắng”.

Đọc những trang viết cuồn cuộn sông nước đỏ, bầm máu đỏ của ông, ta không khỏi thấy rợn người, chờm ngợp nhưng sau đó, gấp sách lại có một cái gì đó như sự tự hào khe khẽ nhen lên. Đó là bản chất của văn học cách mạng, của những con chữ tử tế được chắt ra từ một tâm hồn tử tế.

Thể loại này cũng khiến cho người chấp bút hay vấp phải một cái lỗi thông thường là, đôi khi thiếu tỉnh táo đưa cái Tôi của mình lên quá cao mà quên mất cái Ta cộng đồng. Nhưng ở đây thì không, hoàn toàn không.

Tất cả mọi hoạt động đều diễn ra trước cái nhìn khách quan, trung thực của ông mà không có một dòng nào khai thác, nhấn mạnh về công cán của mình, như thể trong sinh tử sống còn, cái Tôi mặc nhiên không là cái gì cả, nó sẽ trở nên vô nghĩa, bẽ bàng trước cái toàn cục thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước. Bởi chất anh hùng ca trong tâm hồn con người một thời là có thật, là tự nhiên chứ không ai nhồi nhét, tuyên truyền, đầu độc như một số kẻ ngoài cuộc đứng nhìn vào buông lời phán xét.

Văn của ông không trau chuốt, đánh bóng, làm duyên, bổng trầm vít vổng mà từng câu từng dòng nó cứ xát muối vào lòng người đọc, nó đều công phá vào hiện thực, phá toang sự bông lơn, giả dối hay triết lý viển vông và phải chăng vì thế nó mang một sức truyền cảm mãnh liệt, sự truyền cảm của lòng yêu nước, ý chí tự cường và khát vọng xả thân vì nghĩa cả.

Nhất quán với dòng sáng tạo này, những cuốn sách về sau viết về dựng xây, về con người thời bình ông vẫn thuỷ chung và quả cảm với phương pháp cảm nhận và khai triển bút pháp như thế. Cho nên không phải ông không gánh chịu những sự rầy rà những lời thị phi tìm đến. Nhưng ông không thay đổi thái độ. Trước trung trinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, nay vẫn trung trinh vì công cuộc đổi mới dựng xây có quá nhiều ngổn ngang bừa bộn. Đối với ông, Kiều Vượng, cây bút bao giờ cũng là vũ khí của đạo lý và lương tâm.

3.

Mười năm đánh Mỹ, bốn mươi năm cầm bút, vào tuổi xưa nay hiếm sức khỏe ông đã hy sinh, mất quá nhiều trong chiến tranh nay có chiều sa sút. Khi tôi viết những dòng này đây, được biết ông hoàn thành cuốn sách này trong sự dày vò đau đớn cùng cực vì căn bệnh ung thư thực quản, nhưng lần gặp gần đây nhất, ánh mắt người chỉ huy binh đoàn thuyền nan năm xưa vẫn ánh lên vẻ dạn dĩ chống chọi và yêu đời thao thiết.

Cũng như cuốn sách này, có lẽ là cuốn sách hay nhất đời ông, cuốn sách đã làm nên một tài văn chương mà ông được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.

Người đi hồn ở lại. Đây chính là hồn ông hiển hiện lên từng câu chữ dâng hiến cho cuộc sống sẽ ở lại mãi với chúng ta.

Những con chữ trần trụi và chân thành. Những con chữ ánh lên như một nén tâm nhang của ông thắp cho những trang sử vinh quang và bi thương của dân tộc.

Chu Lai – Nguồn Văn nghệ

Exit mobile version