Tôi có trong tay cuốn “24 giờ lên đỉnh” của nhà văn Nguyễn Thị Anh Thư đã gần hai tháng nay, nhưng vẫn thơ ơ chưa vội đọc. Rất nhiều tiểu thuyết của Việt Nam viết hô hào kêu gọi như báo tường, viết như “câu trang viết” cho đủ số trang theo đơn đặt hàng, viết như tuôn chảy không cầm được những kỷ niệm hồi ức xúc động hoàn toàn riêng tư người đọc không sao có thể cùng chia sẻ được. Chính vì vậy rất nhiều người đọc hiện nay đã quay lưng với văn học của ta cho dù có nhiều cuốn tiểu hay thực sự, có đổi mới cách viết đã được xuất bản. Với tôi, cuốn tiểu thuyết phản ánh được hiện thực muôn màu, nêu những vấn lớn của xã hội, nhưng viết không thức tỉnh được người đọc, thì cho dù có đọc vẫn như thế thôi: tất cả vẫn nguyên như trước khi đọc.

Tình cờ tôi đọc được bài viết của Mai Thanh về cuốn tiểu thuyết này trên báo Văn Nghệ ngày 1 tháng 8 năm 2009.  Mai Thanh đã nhận thấy cốt lõi của cuốn tiểu thuyết là “Quan hệ cha con. Song  nó còn là quan hệ của hai thế hệ, là quan hệ của chuyển giao sứ mạng và quyền hạn” trong “sự tương tác ở vài con người trong làng, chủ yếu là ở phạm vi gia đình”. Tôi rất quan tâm tới tiểu thuyết gia đình và đọc nhiều tác phẩm kinh điển về quan hệ cha và con trai. Người mẹ chỉ cần con trai khoẻ mạnh, ngoan, hiếu lễ, sống yên ổn là chấp nhận được. Đối với người cha như thế là chưa đủ. Người cha đặt hết hy vọng, mong ước vào con trai; mong con thành đạt, thực hiện những điều mình không làm được trong cuộc đời. Đây chính là nỗi khổ sở, mệt mỏi, mâu thuẫn muôn đời trong quan hệ cha và con trai. Vì vậy tôi vội vàng lấy cuốn “24 giờ lên đỉnh” ra đọc ngay. Nhưng không hoàn toàn vấn đề chỉ có như Mai Thanh nhận thấy.

Những trang đầu của cuốn tiểu thuyết như dòng sông êm ả mênh mang tràn bờ, nhưng con người vẫn cảm nhận đây đó phía trước sự nguy hiểm đang rình rập chờ đời sẵn, thời gian và không gian như nén lại gấp gáp hơn.

Và đây, vực thẳm đã ở ngay trước mặt mà ta không kịp nhận ra… Oanh trong cơn tuyệt vọng đau khổ đã gọi điện thoại tới Sáng cầu xin được cứu vớt. Lần đầu tiên Oanh gọi tới bằng giọng run rẩy, bập bẹ, cầu khẩn, có lúc phải lấy hơi. Nhưng Sáng vẫn hờ hững không cảm nhận được sự kêu cứu, lại còn nghĩ không biết “Cô định làm trò gì chứ?”. Vậy mà người đọc đã cảm nhận được sự hoảng hốt thất thần của Oanh bị nén lại. Bắt đầu từ đây cuốn tiểu thuyết như dòng nước chảy xiết cuốn người đọc đến trang sách cuối cùng.

Đây không phải là mối quan hệ chuyển giao sứ mạng và quyền hạn trong dự tính có sự chuẩn bị, càng không phải là sự đối mặt mâu thuẫn cái xấu và cái tốt giữa hai thế hệ cha và con trai. Đây chính là bi kịch đổ vỡ không thích ứng được khi thời cuộc đã thay đổi. Người dân làng Hoàng Ngôn đen đúa cổ hủ không thích ứng được với nền kinh tế thị trưởng thời mở cửa, bám chặt vào tập tục và thói quen nếp sống của thời bao cấp, nghèo hèn vẫn khư khư ôm giữ cái sỹ diện thanh bần từ chối Sáng – người con của làng quê muốn giúp đỡ xây dựng cổng làng. Hình ảnh điển hình của một bộ nhỏ trong xã hội từ chối không tiếp nhận sự đổi mới với cái nhìn ganh ghét ấm ức.

Bên cạnh đấy người cha cổ hủ, một con người làm kinh tế giỏi giang được người làng kính trọng, giờ đây cảm thấy nhỏ nhoi không áp chế được con trai đã thành đạt giàu có. Người cha không chịu hiểu, không thừa nhận được thằng con trai Sáng, cái thằng “Giời đánh thánh vật” lúc còn bé ở làng lại có thể trở thành một doanh nhân cao sang. Đây chính là thế hệ trưởng lão cổ hủ mất vị thế trong xã hội, không tin có nhiều cách, nhiều con đường làm giàu nhanh chóng, chính đáng; họ bất lực, rồi quay sang chỉ chích la ó, chỉ muốn làm “con rùa níu giữ chân con hạc trên lưng đứng trong đình chùa”.
Trên hết trong sâu thẳm tình cha vẫn chỉ lo âu sự vung phí tiêu tan tài sản, sự lụn bại trong làm ăn của con trai như “Nước biển thì vô cùng” nhưng “Lạc lối lên bờ là thành muối tất”.

Nhưng còn điều đáng sợ hơn là: Giàu có thành đạt đấy, nhưng lầm đường lạc lối, liệu có thanh thản hưởng mãi được không? Đây mới chính là thông điệp nhà văn Anh Thư muốn thức tỉnh người đọc.

Thật vậy, Sáng thành đạt giàu có, nhưng vẫn cô đơn bất ổn. Tình cảm của Sáng dần dần lạc lối, lầm lỡ, đánh mất bản thân, không biết trong sâu thẳm bản thân mong muốn gì nhất. Sáng hão huyền muốn được vinh danh ở làng quê bằng việc bỏ tiền xây dựng cổng làng. Sáng mất đi sự cảm nhận nỗi thống khổ của Oanh, bỏ mặc nàng trong cơn tuyệt vọng cần có anh ở bên cạnh. Sáng về quê ngay lập tức để rồi nghe dân làng từ chối thẳng thừng sự giúp đỡ tiền xây dựng cổng làng. Sáng rầu rĩ quay trở về thì Oanh đã ngã nhào từ trên tầng bốn trong khốn nhục tủi thân và tuyệt vọng. Sự thức tỉnh của Sáng đã quá muộn.

Vấn đề xã hội đặt ra lớn, nhưng nhân vật ít với tình tiết đơn giản của cuốn tiểu thuyết mà viết theo lối truyền thống cho các nhân vật song hành, hoặc đứng đối mặt với nhau tranh đấu về cái tốt cái xấu, cái thiện cái ác thì rất dễ nhàm chán.

Tác giả đã tạo ra không gian hư ảo để cho Sáng và Oanh đuổi bắt, gọi với theo nhau theo hai đường tròn xoắn ốc đồng tâm. Nhiều lần họ hoảng hốt, hấp tấp bổ nhào xuống phía dưới cắt ngang đón đầu, nhưng không bao giờ gặp được nhau. Họ là những người đánh mất bản thân, mất phương hướng, đáng thương, cô đơn, không hiểu nhau, tương phản soi sáng nhau, nhưng không thể hoà quyện vào nhau. Tình cảm của họ như hai hình tượng âm nhạc trong hình thức Xônát, làm người đọc liên tưởng đến một vở bi kịch cổ điển.

Hiện thực và hư ảo trong tiểu thuyết đan xen, dồn nén và tương phản. Người đọc có cảm giác không những hư ảo phủ lên câu chuyện, mà còn là phần hồn lung linh đầy ấn tượng của toàn bộ diễn biến tấn kịch tình yêu bi thương giữa Sáng và Oanh.

Ngay từ những trang đầu tiên, phần “Mong manh hơn cả linh hồn” như một bức hoạ siêu thực được vẽ bằng tiềm thức chỉ gặp trong mộng mị, hiện dần lên với vẻ đẹp linh hồn của Nàng mỏng manh, thanh khiết, oan khuất với biết bao khao khát yêu thương. Đoạn này hoàn toàn không để lại ấn tượng căng thẳng, khiếp đảm, lo âu cho người đọc như thường  xem tranh của các hoạ sĩ trường phái siêu thực. Từ đoạn “Vẫn bay trong cõi điêu linh” đến hết, trường đoạn này linh hồn của Nàng hiển hiện như một con người bằng xương bằng thịt, tuyệt vọng khi cố nhìn vào lattốp thấy chỉ số chứng khoán tụt sâu xuống đáy thêm một năm sau nữa. Và đến những dòng chữ cuối cùng của cuốn tiểu thuyết, khi Sáng “Khẽ khàng đặt một cái hôn trinh bạch lên vầng trán tinh khiết của Phượng Oanh. Sáng thấy vầng trán Phượng Oanh dãn ra phẳng lặng trong vẻ thanh thản vô cùng của đá”. Linh hồn thoát xác tan trong cõi vĩnh hằng, khi tình yêu của Oanh được minh oan và đền đáp.

Thủ pháp của tác giả có một cái gì đó gần với thuật gọi hồn, để hiện thực không ẩn giấu sau cái giống sự thực, mà hình như đối lập với nó.
Thế giới hư ảo trong tiểu thuyết không những được miêu tả, được nhìn thấy như nhiều nhà hiện thực chủ nghĩa. Hơn thế nữa thế giới hư ảo này còn được nghe thấy (tiếng nói suy tư từ bên trong của các nhân vật). Người cha, Sáng và Oanh đã được tác giả đốt sáng (như thuật lên đồng, gọi hồn) để gỡ bỏ mặt nạ của sự yên bình cùng vẻ hào hoa thành đạt trước đấy. Họ chỉ là những cái bóng, những vong hồn khi họ còn nín lặng. Họ chỉ nổi bật sống động khi được đốt cháy trong cơn hưng phấn kích động, trong đau khổ tuyệt vọng, trong hận thù và hối hận: họ phải nói bộc lộ ra hết. Lời nói ngắt quãng, bập bẹ, những lần lấy hơi… Người đọc nhận ra sự xúc động bị nén lại, không những nghe thấy điều đã nói ra mà còn nghe thấy được những gì họ muốn giấu đi (lời lẽ Oanh gọi điện thoại cho Sáng, dòng chữ nhắn tin “Phượng Oanh dang…”).

Thế giới hư ảo trong tiểu thuyết còn được đẩy tới cùng cực của sự tương phản khó tin nổi. Tác giả đan chéo cùng lúc hai mặt của cuộc đời trần trụi tàn nhẫn với khao khát khát tình yêu. Linh hồn oan khuất khao khát tình yêu với Anh đang luống cuống, hấp tấp trở về kẻo mặt trời hừng đông sẽ làm tan biến; nhưng Nàng vẫn “ước muốn cho ngón tay út của ông ta lướt nhẹ vào chỗ bàn phím máy tính” Nàng tuyệt vọng cảm giác đang tan rã khi thấy dự đoán vào ngày 24/2/2009 của năm sau, chỉ số chứng khoán tụt sâu xuống 235,5 điểm. Nàng nhìn đọc rõ ngày tháng và số điểm tới chữ số thập phân. Tác phẩm nổi tiếng “Thằng Ngốc” của nhà văn vĩ đại người Nga Dostoievsky đã làm các nhà phê bình thế kỷ 19 kinh hãi trước thế giới hư ảo bằng chi tiết quỷ quái phá vỡ cái cao cả bi thương như vậy: hai người tình, hai kẻ tình địch đứng trước xác nàng Nastassya; họ hỏi nhau xác đã có mùi, phải cần 5m vải của Mỹ và 4 lọ khử trùng (chính xác từng con số). Sự hư ảo cũng thể hiện tình yêu của Sáng và Oanh không phải trạng thái đau khổ hay hạnh phúc; mà đơn giản chỉ là cấp độ của cuộc sống, chống lại số phận, không bao giờ tìm được sự yên tĩnh. Tình yêu như vậy có vẻ không thực,  bởi vì thay được tạo hình, họ được tác giả thanh cao hoá.

Tác giả đã lặn sâu vào sâu thẳm trong tâm hồn các nhận vật trong cơn kịch phát khủng hoảng, quá khứ và hiện tại được dồn nén lại chỉ trong một ngày, buộc các nhân vật phải bộc lộ hết con người thực của mình. Bởi cuộc sống thường nhật sống động không phải là một tiến trình liên tục, theo trình tự, khả tín; mà chỉ là những mảnh vỡ  vụn của ký ức ngổn ngang, chồng chất, đa tầng, đa phương lên thực tại.

Sự tự ý thức của nhân vật là nét nổi trội trong cuốn tiểu thuyết. Nhờ đó những điều thầm kín sâu xa của người cha, Sáng và Oanh mới mới được hé mở. Tư tưởng của họ trở lên độc lập, đứng ngang hàng, nhiều lúc chống lại cả tác giả. Vì vậy họ được tái tạo nhiều sắc thái,  phức tạp, sống động, không thể rút cạn vào một loại người( tốt, xấu, ích kỷ, vị tha, tham lam, yếu đuối…)
Cũng có thể xem đây là câu chuyện tình yêu thương cảm. Tình yêu thức tỉnh con người trong tiểu thuyết, thường được các nhà văn coi như mặc cảm Eđíp với chất liệu và hình thức của thời đại hiện tại, là cốt lõi để xây dựng hình tượng nhân vật. Trong “24 giờ lên đỉnh” cũng vậy,  Sáng đã mất đi vĩnh viễn niềm hy vọng khao khát ước  ao tình yêu của tuổi trẻ mà anh đã cố quên đi, cố vùi sâu vào trong sâu thẳm của tâm hồn. Sáng càng trốn chạy vào việc kiếm tiền và những hư danh, nhưng mặc cảm Eđíp, tình yêu thủa xưa ấy sẽ đến đối diện với bộ mặt hung tợn ác nghiệt hơn bằng cái chết của Oanh. Còn Oanh, mặc cảm về sự dơ bẩn lúc bé bị lão Hanh cưỡng hiếp, đã trốn chạy không dám đến với Sáng, muốn Sáng giữ mãi hình ảnh đẹp về mình; để cuối cùng bị chính Sáng (do hiểu lầm) mà “Ghê tởm nàng… không cả thương xót nàng như một người anh trai thương xót một cô em gái”, bỏ mặc Oanh trong cùng quẫn tuyệt vọng. Oanh cao quý, thanh khiết như nàng tiên cá trong truyện cổ tích của Anđecxen.

Người đọc không thấy Sáng và Oanh được miêu tả bằng một hình tượng đã được định trước. Nhưng thấy được tác giả cật vấn, kích động, châm nọc họ. Buộc họ phải bộc lộ tình cảm thật, sống động trong cơn kích động; buộc họ phải lựa chọn cách xử sự mà trước đấy không được định trước trong tâm hồn (người đọc không phán đoán được trước). Nếu không như vậy, họ sẽ nín nặng, tự khép kín, tự đông cứng không còn sinh khí nữa [Bức thư Sáng để lại cho Oanh “Anh rất buồn khi thấy em nghiện ngập, rượu chè bê tha như vậy…”. Và Oanh đã “nhếch mép cay đắng mỉm cười… Ôi dối trá! Ôi chót lưỡi đầu môi! Ôi đàn ông là một lũ khốn nạn!”. Thế mà trước đây họ vẫn trân trọng, nâng niu, đam mê tình yêu của mình và có lẽ có cả sự tự phỉnh phờ bản thân nữa].

Cuộc gặp mặt tất cả các nhân vật tại nhà văn hoá thôn bàn việc xây cổng làng là những đối thoại sân khấu thuần tuý, tuy chưa tới mức căng thẳng, tạo sự biến bất ngờ, điều hành toàn bộ cuốn tiểu thuyết. Nhưng là một trường đoạn kịch tính, bi hài, đọc rất thích thú. Cuộc họp bàn với những con người cũ kĩ, mục ruỗng, trì trệ, cổ hủ với lý lẽ nực cười từ chối Sáng bỏ tiền xây cổng làng, tương phản với Oanh cô đơn tuyệt vọng với rượu Uytski ở khách sạn chờ đợi Oanh đến cứu giúp.

Cuộc họp như bức tranh sinh động đã được Cácnavan hoá (hội hoá trang) với trò hề tấn phong (đồng ý tổ chức họp bàn vinh danh việc cha con nhà Sáng bỏ tiền xây cổng làng), hạ bệ (từ chối thẳng thừng với những nụ cười méo mó, hỉ hả), bê bối (cha của Sáng la ó phát khùng với cả làng) và là ngày hội của các chàng ngốc (dân làng phát biểu từ chối lý lẽ hết sức ngớ ngẩn ; bà vợ ông bí thư và chủ tich xã nhường nhau bỏ tiền xây công làng còn ngớ ngẩn hài hước hơn ; cha con Sáng bị biến thành hai thằng ngờ nghệch, dại khờ, tưng hửng, không dưng bị bẽ bàng).

Những đối thoại Cácnavan hoá trong cuộc họp đã vượt ra khỏi nền nếp thường nhật, như cuộc đời lộn trái bởi: được ăn nói tự do, bộc trực, suồng sã, cử chỉ thoải mái phóng túng cho phép bộc lộ những ẩn giấu trong tâm hồn (như lời nói báng bổ cả thần thánh của ông trưởng thôn an ninh “bọn tham nhũng, bọn quan tham… chui vào tận gian hậu của nhà đền, góp tiền từ thiện ghi tên công đức lên bia đá, bảng vàng nhiều nhất”).

Văn của Anh Thư trước đây vốn dung dị, đằm thắm. Với bạn đọc, đấy là quan hệ bạn bè thân mật tin cậy. Nhưng với tác phẩm “24 giờ lên đỉnh”, quan hệ này đã biến đổi thành quan hệ đam mê kiểu giữa đàn ông và đàn bà. Người ta có cảm giác tác giả muốn chiếm lấy tâm hồn người đọc.

Những cuốn tiểu thuyết kinh điển nổi tiếng thức tỉnh con người, thường lược bỏ gần hết những tình tiết riêng biệt, thời sự ; thậm chí không cần đến miêu tả cảnh trí, vật dụng của các nhân vật để dồn nén căng thẳng diễn biến câu chuyện.  Với tiểu thuyết “24 giờ lên đỉnh”, Anh Thư đã định hình được thủ pháp, phong cách riêng biệt của mình. Tuy nhiên, khi tái bản cuốn tiểu thuyết này, tác giả cần xem xét nên chăng đưa đoạn Oanh gọi điện thoại  cho Sáng lên phía trước nữa (đánh động người đọc sớm hơn) và lược bỏ một số đoạn mang tính chất cung cấp thông tin cho diễn biến sự việc đậm đặc hơn, lôi cuốn người đọc hơn nữa.