Một dấu hiệu quan trọng của tình huống văn học thời kì đó chính là cái mà người ta thường gọi là “văn học phục hồi” ám chỉ sự trở về với bạn đọc những tác phẩm mà vì điều này, lẽ nọ, không thể in ở Liên xô trong vài thập kỷ trước đó.
“Văn học được phục hồi” bao gồm một số trào lưu. Thứ nhất, đó là những tác phẩm của các nhà văn của đợt sóng lưu vong thứ nhất ở Nga, bị cấm trong thời kì Xô Viết: những tác phẩm của Ivan Bunin, Ivan Smelev, Boris Raisev, Arkadi Averchenko, Nadezda Tephi, Arseni Nesmelov, Mark Aldanov, Dmitri Merezkovski, Georgi Ivanov, Vladislav Khodasevich và nhiều các nhà văn Nga khác đi khỏi nước Nga sau cách mạng 1917: tới phương Tây (Pháp, Đức, Tiệp, Serbi) và phương Đông (Kharbin, Thượng Hải).
Thứ hai, đó là những tác phẩm của các nhà văn bị gán cho mác “chống Xô Viết” và bị cấm in trong nước, nhưng có sách xuất bản ở phương Tây, và một trong những dẫn chứng tiêu biểu, đó là tiểu thuyết “Đốc tờ Jivago” của Boris Pasternak (lần đầu tiên in lại Ytaly). Cuối cùng, trào lưu thứ ba của dòng “văn học phục hồi” – đó là những tác phẩm được viết từ lâu, song không thể in khi đó: chẳng hạn, “Kinh cầu hồn” của Anna Akhmatova, được viết trong suốt những năm 1930-1940, lần đầu tiên được in vào năm 1987.
Giai đoạn hiện đại của văn học Nga được xác định một cách ước lệ bắt đầu từ những năm 1985-1986: đó là thời kì đầu của phong trào Cải tổ, Công khai. Chính khi đó, trên các trang tạp chí xuất hiện ba tác phẩm của ba tác giả nổi tiếng, được tôn vinh như là sự mở đầu cho thời kì văn học mới: đó là “Thám tử buồn” của Viktor Astafiev, “Đám cháy” của Valentin Rasputin và “Đoạn đầu đài” của Tringiz Aitmatov. Đây là những tác phẩm viết về những đề tài cấm kị trước đó đối với văn học Xô Viết: đề tài về tội hình sự; nạn nghiện rượu, ma túy; bản chất hiện sinh của cái ác.
Lúc đó có vẻ như những tác phẩm trên đã mở ra một khuynh hướng mới cho văn học Xô Viết. Về sau, hóa ra chính những tác phẩm này đã kết thúc nó. Những đề tài nêu trên được những tạp chí nổi tiếng bắt chộp và bắt đầu thời kì của publikatorctvo(*). (Cả các nhà văn cũng trở thành những nhà publikator, chẳng hạn trong những bài chính luận của mình, họ đau buồn nhận thấy rằng thế giới nghìn năm của nông thôn Nga giờ đây không còn nữa, điều đó có nghĩa đề tài văn xuôi viết về nông thôn, một truyền thống lớn của văn học Nga, cũng biến mất). Bắt đầu sự bùng nổ của tạp chí, tyra xuất bản của các tạp chí văn học – nghệ thuật lớn như “Ngọn lửa”, “Thế giới mới”, “Tháng Mười”, “Neva”, “Ngọn cờ”, “Lửa Siberi” v.vv, đạt tới hàng triệu bản. Tính chất của quá trình văn học giao thời 1980-1990 đã thay đổi một cách đột ngột. Giờ đây nó được định tính bằng những dấu hiệu cơ bản sau:
Ngày hôm nay sách không còn là giáo khoa cuộc đời.
Nhà văn không còn là “lương tâm dân tộc”.
Văn học Nga giờ đây không còn bị chia thành văn học chính quốc (tức văn học được tạo dựng tại lãnh thổ nước Nga – metropoli), và văn học Nga hải ngoại. Văn học Nga thống nhất không phụ thuộc vào nơi sinh sống của tác giả. Chẳng hạn, các nhà văn Nga hiện đại như Sasa Sokolov sống tại Canada, Mikhail Siskin – Thụy Sỹ, Dina Rubina – Israel…
Dấu hiệu quan trọng của văn học ngày hôm nay – đó là sự thay đổi những đề tài và motif truyền thống, bổ sung chúng bằng các nội dung khác và mới hơn. Trước hết là đề tài Kafkaz và đề tài chiến tranh.
5. Trong văn học Nga xuất hiện khuynh hướng xóa nhòa các ranh giới:
* giữa các khuynh hướng hiện thực và phi hiện thực trong văn học;
* giữa văn học trí thức và đại chúng;
* Giữa văn học và macc – media (ceteratura)
Xuất hiện khái niệm mới trước đây chưa từng có: ceteratura. Đó là văn học mạng mà lớp trẻ hiện nay đọc nhiều hơn là sách truyền thống.
Văn học hiện đại Nga được xác định bởi sự tương hỗ giữa hai hệ thống mĩ học – nghệ thuật: hệ thống của chủ nghĩa hiện thực truyền thống và hệ thống mới – hậu hiện đại.
Chủ nghĩa hiện thực trong thời kì hiện tại vẫn là một hệ thống mĩ học – nghệ thuật bao trùm, có khả năng giải thích thế giới và con người trong đó – điều này được minh chứng bởi các tác phẩm của A. Solzenitsin, nhà văn kinh điển Nga, người nhận giải thưởng Nobel văn học. Những tác phẩm của Solzenitsin là sự tổng kết bằng nghệ thuật thế kỉ XX. Tuy nhiên, chủ nghĩa hiện thực ngày hôm nay thể hiện ở nhiều dạng khác nhau (modification), đó là hậu hiện thực, chủ nghĩa hiện thực bản thể, tân hiện thực phê phán và chủ nghĩa hiện thực mới.
Chủ nghĩa hậu hiện thực trong văn học Nga hiện đại đại diện bởi sáng tác của Vladimir Makanhin và Ludmila Uliskaia. Makanhin trong những tác phẩm của mình suy ngẫm về bi kịch của thời hậu Đổi mới (tiểu thuyết “Andegraun, hay là nhân vật thời đại chúng ta” của ông nghiên cứu hiện tượng nặc danh tố cáo đối với số phận của các thế hệ khác nhau). Tiểu thuyết “Asan” của Makanhin nói về những sự kiện chiến tranh ở Kavkaz đã gây lên những cuộc tranh cãi, luận chiến dữ dội.
Những tác phẩm của Ludmila Uliskaia hướng tới số phận của giới trí thức Nga: đó là những tiểu thuyết “Vụ án Kukoski” (được giới phê bình đánh giá là “bách khoa thư của đời sống Nga thế kỉ XX”), truyện vừa “Sonechka”, tiểu thuyết “Daniel Stain, nhà phiên dịch” và “Medea và những đứa con”). Vấn đề “con người nhỏ bé” – đề tài truyền thống của văn học cổ điển Nga được nói tới trong tập truyện ngắn của nữ văn sĩ – “Những người bà con nghèo”.
Đại diện của chủ nghĩa hiện thực bản thế (chủ nghĩa hiện thực hướng tới đời sống, nghiên cứu cuộc đời con người), với gốc rễ của nó từ văn xuôi Nga viết về nông thôn, là Mikhail Siskin (tiểu thuyết “Mái tóc của Venera”, là Olga Slavnikova (“Người bất tử. Truyện về một con người chân chính”). Aleksei Varlamov với tư cách đại diện cho chủ nghĩa hiện thực bản thể (hiện ông không chỉ là nhà văn, mà còn là hiệu trưởng Trường Viết văn mang tên M. Gorki) trong các tác phẩm của mình hiện thực hoá những khả năng mới của nguyên tắc điển hình hóa của chủ nghĩa hiện thực và thử nghiệm đứng ngoài hệ tư tưởng nhìn nhận những vấn đề của hiện thực đương đại trong tiểu thuyết “Lokh” và “Con tàu bị đánh chìm”.
Những đại diện tiêu biểu của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo là Iuri Mamleev (chủ tịch Câu lạc bộ chủ nghĩa hiện thực siêu hình SDL – Trung tâm của các văn sĩ). Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo (hay ma thuật) – là một phương pháp sáng tác, trong đó những yếu tố thần bí được lồng vào bức tranh thế giới hiện thực được xây dựng bởi nhà văn (tiểu thuyết “Những đôi cánh của sự kinh hoàng” của Mamleev tiêu biểu cho khuynh hướng sáng tác này). Sáng tác của Mamleev chứng tỏ những khả năng hiện đại của chủ nghĩa hiện thực đứng giáp ranh với văn học hậu hiện đại chủ nghĩa.
Chủ nghĩa tân hiện thực phê phán hướng tới thái độ phê phán hiện thực, thường khi là phủ nhận nó. Những đại diện của khuynh hướng sáng tác này là Cergei Kaledin (truyện vừa “Tiểu đoàn xây dựng”, “Nghĩa trang khiêm nhường”) và Oleg Pavlov. Oleg Pavlov là một nhà văn rất thú vị và vô cùng độc đáo nên chúng tôi sẽ dừng lại để định tích sáng tác của ông cụ thể hơn. Vào năm 2010 tiểu thuyết của ông nhan đề “Asistologia” (thuật ngữ y học chỉ sự ngừng hoạt động của tim – ND) được xuất bản. Tiểu thuyết tràn nhập những tình huống bi thảm khiến cảm xúc của người đọc rơi vào trạng thái sốc. Cũng vẫn đề tài này – đề tài về “con người nhỏ bé” – Oleg Pavlov tiếp tục trong tiểu thuyết “Nhật kí của người bảo vệ bệnh viện” (2011) như một kiểu “vào sổ” hàng ngày của bộ phận tiếp nhận bệnh nhân của một bệnh viện bình thường ở Moskva. Vì những đóng góp cho văn học Nga đương đại nhà văn được trao “giải thưởng Alekcandr Solzenitsin” năm 1912. Chúng ta hãy đọc những lời nói về lí do trao tặng giải thưởng cho nhà văn: “Vì những tác phẩm văn xuôi mang tính phản tỉnh thấm nhuần sức mạnh thẩm mĩ và sự cảm thông, vì những tìm kiếm ý nghĩa triết học và nghệ thuật của sự tồn tại của con người trong những hoàn cảnh giáp ranh”. Hoàn cảnh “giáp ranh” ở đây được hiểu như lằn ranh giữa cái sống và cái chết.
Mấy năm trước trong văn học Nga hiện đại xuất hiện khái niệm chủ nghĩa hiện thực mới (những đại diện của nó là Sergei Sargunov, Roman Senchin, Zakhar, Prilepin, Pavel Sanaev). Chủ nghĩa hiện thực mới bắt đầu bằng việc xuất bản tuyên ngôn về một khuynh hướng văn học mới với cái tên “Phủ nhận đám tang” và tác giả của nó là nhà văn hai mươi tuổi Sergei Sargunov.
Trong bản tuyên ngôn “Phủ nhận đám tang” – cơ sở của sự xuất hiện một khuynh hướng văn học mới – chủ nghĩa hiện thực mới – nhắm tới việc chống lại chủ nghĩa hậu hiện đại, nhà văn trẻ khẳng định: chủ nghĩa hiện thực không bị cạn kiệt. Chủ nghĩa hiện thực “liên tục tự đổi mới cùng với bản thân hiện thực, trên thực tế là trẻ trung một cách thần kì so với chủ nghĩa hậu hiện đại”. Để trả lời câu hỏi nhìn chung văn học có còn tồn tại hay không, Sagunov trong bản tuyên bố của mình trả lời: “Câu trả lời thật đơn giản: như trước đây, vẫn đang diễn ra sự tuyển mộ các nhân vật. Một khi có nhân vật thì với văn học chắc chắn sẽ không có điều gì xảy ra”. Bỏ qua chủ nghĩa hiện thực như “bông hồng trong khu vườn nghệ thuật” nhà văn thuyết phục người đọc: “Trong hoàn cảnh của những luồng tư tưởng mới, văn xuôi không né tránh đi đâu được, ngoài chủ nghĩa hiện thực”. Chủ nghĩa hiện thực mới trả lại cho nền văn học Nga hiện đại “tinh thần của văn hóa truyền thống”(1)
Cuốn sách có tên “Nhà Eltysev” của Roman Senchin xuất bản năm 2009 (được đưa vào danh sách đề cử giải văn học “Bukker Nga”) được xây dựng dựa một phần vào những tình tiết lấy từ tiểu sử tác giả (nhiều tác phẩm trước đó của nhà văn cũng được viết từ những sự kiện trong tiểu sử của nhà văn). Cuốn tiểu thuyết mang tính tư liệu nghiêm ngặt: các nhà phê bình ví cuốn sách của Senchin với “tạp chí mạn tàu của các nạn nhân của vụ đắm tàu”. “Nhà Eltysev” – đó là lịch sử bi thương của một gia đình Nga, mà trong các trang đầu cuốn tiểu thuyết được mô tả là một gia đình thành đạt: ông bố – đại úy cảnh sát, bà mẹ – thủ thư của một thư viện thành phố. Họ có hai con trai và cả gia đình sống trong căn hộ công của cơ quan an ninh nơi ông bố công tác. Tuy nhiên, thời kì khó khăn đã xảy đến với gia đình có cuộc sống tưởng chừng ổn định đó: vì những hoàn cảnh đầy kịch tính ông bố bị đuổi khỏi ngành và kết quả là căn hộ nơi họ sống cũng bị cơ quan thu hồi.
Lối thoát duy nhất trước hoàn cảnh xảy ra đó là cả gia đình phải chuyển từ thành phố về sống ở nông thôn – ở nhà bà cô, người sống trong một ngôi nhà tồi tàn, cũ kĩ. Lúc đầu họ nghĩ, đó là lối thoát duy nhất đúng đắn và tốt đẹp – quay trở về với cội nguồn, về với thôn quê, làm việc lao động chân tay trên mảnh đất của mình – chả lẽ đó không phải là điều mà nhiều tác phẩm kinh điển của văn học Nga đã nói tới? Nhà Eltysev lúc đầu tin tưởng rằng cuộc sống nông thôn của họ chỉ là một bước tạm thời, rằng chẳng bao lâu họ nhất định sẽ trở về thành phố sống đời sống quen thuộc của mình. Song chẳng bao lâu họ nhận ra rằng khả năng nhanh chóng quay về thành phố là không có và buộc phải làm quen dần với lối sống nhà quê và làm công việc đồng áng để sinh nhai.
Độc giả Nga được giáo dục bởi những truyền thống của văn học cổ điển Nga (chúng ta nhớ lại nhân vật Levin trong tiểu thuyết “Anna Karenina” của L. Tolstoi), khi đọc tiểu thuyết của Senchin, hi vọng rằng gia đình Eltysev bắt đầu cuộc sống mới trên mảnh đất của mình. Tuy nhiên, nhà văn hiện đại lại chỉ ra rằng, những hi vọng đó chỉ là mộng ảo văn chương, mà lần này không thể thực hiện được. Cuốn sách của Senchin – đó là câu chuyện trung thực và chính trực về một gia đình Nga bình thường, về bi kịch của nó, sự suy sụp và cái chết của nó. Những gia đình như thế hiện có hàng triệu. Trong ý nghĩa này, phương pháp sáng tác của Roman Senchin quả thật là một thứ hiện thực mới, vì rằng nó giải thoát cho văn học Nga hiện đại khỏi những khuôn mẫu đã trở nên sáo mòn chán ngắt.
Truyện vừa “Hãy chôn tôi sau chân tường” của Pavel Saniev được viết bằng thể loại biên niên gia đình. Cuốn sách được in lần đầu vào năm 1996 và năm 2010 được tái bản mở rộng và bổ sung thêm ba chương trước đây chưa đưa vào. Hiện nay tác phẩm này đang được chuyển thể điện ảnh. “Hãy chôn tôi sau chân tường” – cuốn sách về tình yêu, một thứ tình yêu giết chóc. Cuốn sách viết về việc chúng ta khi yêu lại thường làm tình làm tội những người gần gũi nhất với ta và những người ruột thịt của ta. Đó là thiên truyện theo hình thức tự thuật về một cậu bé tám tuổi Sasa Saveliev ở với ông bà, chứ không sống với bố mẹ. Bà của Sasa Saveliev mang cậu đi từ nhỏ bởi rất yêu thương đứa cháu mình và không tin vào sự giáo dục con cái của con gái mình, người mà bà coi là “phóng đãng” khi cô tìm được vị hôn phu mới và lấy làm chồng vì tình yêu. Bà không cho người mẹ gặp con trai mình. Tình yêu “nghiệt ngã” của bà đối với đứa cháu giống với sự căm hận nhiều hơn. Sự quan tâm mang tính “hi sinh” kiểu đó khiến bà cảm thấy mình là người quan trọng và tận hưởng nỗi “thống khổ” của bản thân mà bà cho rằng những người xung quanh, những kẻ dối trá, vô ơn, đểu giả (kể cả đứa bé) đã gây ra cho bà. Đứa cháu mà bà dạy phải căm thù mẹ mình không chịu uốn theo cách dạy dỗ của bà, cố gắng bứt khỏi ách thống trị nghiệt ngã của gia đình. Cuốn sách chỉ ra rằng với loại “tình yêu” như vậy theo năm tháng sẽ làm tổn thương tâm hồn, ý thức của con trẻ và trở thành nguyên nhân của nhiều những di chứng “ám ảnh” tinh thần. Khác với vô vàn những tác phẩm của văn học Nga viết về trẻ em và tuổi thơ, cuốn sách của Pavel Sanaev mang tính tư liệu chân thực tới mức nghiệt ngã.
Trong số những đại diện của chủ nghĩa hiện thực mới nổi lên trường hợp Zakhar Prilepin – nhà văn, nhà hoạt động chính trị, nhạc sĩ, ca sĩ nhạc ráp, – nổi tiếng bởi hai tiểu thuyết gần đây của mình: “Sankia” (2006) và “Tu viện” (2014).
Tiểu thuyết “Sankia” của Prilepin nói tới những vấn đề của giới trẻ Nga hiện nay, không hài lòng với các quá trình diễn ra bên trong đất nước, dùng vũ khí chống lại chế độ. Nhan đề của cuốn tiểu thuyết hoàn toàn không bình thường – đó là tên của nhân vật chính – Sasa Trisin mà ông bà của anh ta sống ở nông thôn đặt cho cháu mình. Sasa – là người hoạt động tích cực của tổ chức “Hội những người sáng tạo”, một tổ chức yêu nước cực tả. Mặc dù những trang miêu tả đời sống nông thôn không quá nhiều trong tiểu thuyết, song chỉ với cái tên “đặc quê” của cuốn sách cũng cho thấy tầm quan trọng của “tổ quốc thu nhỏ”, gốc rễ nông thôn của nhân vật chính.
Cuốn sách của Prilepin chân thực, công khai, quyết liệt về một đề tài xã hội cấp thiết đã dấy lên những ý kiến trái chiều, đa dạng trong công chúng bạn đọc cũng như giới phê bình – từ những tán dương cho tới những chê bai, dè bỉu cay nghiệt(2). Cho tới hôm nay tác phẩm này đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới và nhận được nhiều giải thưởng văn học danh giá. Đó là giải văn học “Tiếng vọng” (2006), “Iasnaia Poliana” (mang tên L. Tolstoi, 2007) và giải văn chương quốc tế toàn Trung quốc “cuốn sách nước ngoài hay nhất năm 2006 (2007).
Với tư cách là tác giả những cuốn sách như “Sankia”, “Con khỉ đen”, “Tu viện”, Prilepin khẳng định rằng tất cả các tác phẩm của ông là các giai đoạn của con đường sáng tác nhất quán. Từ trước khi cuốn “Tu viện” ra đời nhà văn đã nhận xét: “Khi đọc tất cả những cuốn sách (hoặc những cuốn chủ yếu) của một nhà văn ta sẽ thấy đó không chỉ là văn bản, đó còn là con đường. Hoặc là một vài con đường chia ngả. Hoặc con đường dẫn tới ngõ cụt, điều cho ta không ít tò mò và nhận thức. Kết quả, tất cả các văn bản của tôi, bằng cách này hay cách khác, xâm nhập vào nhau. Từ tác phẩm này sang tác phẩm khác lượn lờ cũng những cái bóng ấy và thổi qua cũng những cơn gió ấy. Và nếu như ở một văn bản này người ta kêu gào, cầu xin sự giúp đỡ – thì ở tác phẩm khác có thể nghe thấy, nếu không là sự đáp lại, thì chí ít cũng là tiếng vọng”(3)
“Tu viện” – một cuốn sách thấm đẫm bi kịch: tác phẩm kể về cuộc sống trong trại tù đặc biệt Solovetski cuối những năm 1920. Đây là một tác phẩm mang tính tư liệu nghệ thuật, bởi nhiều nhân vật trong đó có nguyên mẫu thực ngoài đời: đó là viện sĩ Dmitri Likhchov, một nhân cách vô cùng nổi tiếng trong văn hóa Nga, trong tác phẩm được đặt dưới cái tên Mity Selkachov (có nghĩa họ và tên của các nguyên mẫu dễ đọc và dễ nhận ra). Sauk hi cuốn sách ra đời cả độc giả lẫn các nhà phê bình đều đồng thanh nói về Zakhar Prilepin như về “nhà văn đương đại tiêu biểu”.
Tác phẩm “Tu viện” có khối lượng nhân vật khổng lồ (các cha cố, trước đó từng là các nhà quý tộc, những thương nhân, những thợ thủ công, sĩ quan quân đội Kolchak, các nhà khoa học, những người Kazac, những người đánh cá, các nhóm cướp, những nghệ sĩ, họa sĩ, nhạc sĩ và đông đảo những con người thuộc các tầng lớp khác), nhiều những cốt truyện được gắn kết bằng hình tượng nhân vật chính và tập hợp xung quanh anh ta, vô vàn những phác thảo tuyệt vời về đời sống sinh hoạt. “Con người đen tối và khủng khiếp, nhưng thế giới thấm đẫm tính nhân và sự ấm áp” – nhà văn khái quát như vậy ở đoạn kết của tiểu thuyết, và khái quát này đã đưa cuốn sách của Zakhar Prilepin vào truyền thống của văn học cổ điển Nga với cảm hứng nhân đạo của nó. Thời gian hiện tại việc chuyển thể điện ảnh cuốn tiểu thuyết đang được kết thúc, một cuốn tiểu tiểu thuyết nổi tiếng hơn cả giữa những tác phẩm đương đại của các tác giả Nga. Năm 2015, tiểu thuyết “Tu viện” đứng đầu danh sách xếp hạng trên mạng sách bán chạy nhất và được đọc nhiều nhất trong các thư viện ở Moskva.
Nói tới chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn xuôi được đại diện bởi những tên tuổi trong văn học đương đại Nga như Vlagimir Sorokin và Viktor Pelevin, – chúng tôi nhận thấy rằng hiện nay trong lĩnh vực lí luận văn học (ở Nga, cũng như ở phương Tây) xuất hiện một cụm từ “sự mệt mỏi của chủ nghĩa hậu hiện đại”: các nhà lí luận và phê bình đã thấm mệt bởi những định đề lí thuyết của chủ nghĩa hậu hiện đại. Ở phương Tây hiện rõ sự rời bỏ những luận điểm lí luận cơ bản của nó. Nhiều nhà nghiên cứu nhìn nhận chủ nghĩa hậu hiện đại như giao thời tiến tới một thời kì văn hóa mới, bởi kinh nghiệm lịch sử chỉ ra khả năng không thể tồn tại một nền văn hóa ổn định bên ngoài hệ thống xác định của những giá trị.
*
Thành phần quan trọng của văn học Nga hiện đại, đó là thơ. Tuy nhiên, ngày hôm nay thái độ của xã hội đối văn học nói chung, thơ ca nói riêng, đã biến đổi: nếu như những năm trước đây thơ ca xác lập thế giới quan của những người đương đại – thì giờ đây nó đã không còn đóng vai trò xây dựng – thống nhất. Nét đặc trưng của trạng huống văn học ngày hôm nay – đó là sáng tác không chỉ như nó vốn có, mà còn là những tranh luận, cãi vã, luận chiến và những “bàn tròn” về tình trạng của nền văn học đương đại.
Tình hình thơ ca đương đại có nhiều biến đổi. Trước đây, các nhà nghiên cứu bận tâm tới tính vấn đề và thi pháp của tác phẩm thể hiện ở câu trả lời những câu hỏi chủ yếu: “cái gì” và “như thế nào”, – thì giờ đây thay vì “cái gì” và “như thế nào” chúng ta bắt đầu hỏi “ai” và “để làm gì”.
Trước đây những buổi đọc thơ của các thi sĩ tập hợp được cả một sân vận động người nghe, thơ ca “cho tất cả mọi người”. Ngày nay nhiều người thống nhất rằng “thơ, đó là công việc đơn độc” và việc đọc thơ là hoạt động chủ yếu mang tính thầm kín”, như nhà thơ đương đại nổi tiếng Evgeni Bunimovich nhận xét(4). Chính vì thế không phải ngẫu nhiên mà tuyển thơ năm 1990 có cái tên thú vị “Công việc cá nhân”.
Thơ ca hiện đại được chia thành thơ lãng mạn, thơ hiện thực và thơ hậu hiện đại. Loại đầu – thơ ca lãng mạn – được đại diện bởi sáng tác của Iuri Kuznesov – nhà thơ của “đề tài Nga”. Trong sáng tác của nhà thơ này là sự xung đột giữa hai thực tại: thực tại bình thường, hàng ngày – và thực tại huyền ảo. Thiện cảm của Kuznesov nghiêng về phía thực tại huyền ảo. Nếu như thực tại này thắng – khi đó thống soái thế giới là những thần thoại diệu kì. Nhưng sẽ là khủng khiếp, nếu như chiến thắng thuộc về thực tại thường ngày – đề tài này được nói tới trong bài thơ “Cổ tích bom nguyên tử”.
Ngôi nhà, đó là hình tượng của văn học Nga cổ điển, ấm áp và tràn ngập ánh sáng, biểu tượng của tổ ấm gia đình, trong thơ Kuznesov nhận được kiến giải mới (bài thơ “không phải nhà – cái xe là nơi ở…”). Và trái tim Tổ quốc ăn mòn cả thép – có nghĩa, thậm chí một trái tim sống động cũng trở thành gang thép.
Đại điện lớn hơn cả của thơ ca hiện thực đương đại – Boris Chichibabin. Đó là nhà thơ Nga cả đời sống ở Kharkov (Ukraina), sau khi Liên Xô sụp đổ ông ở lại đất nước xa lạ, bên ngoài Tổ quốc mình. Sự sụp đổ Liên Bang Xô Viết – là một bi kịch lớn đối với nhà thơ, và đề tài này được nói tới trong nhiều bài thơ của ông (“Số phận đừng réo gọi: “trur-trura!”…), “Nỗi đau buồn choán lấy tôi…”, “Em đừng viết cho anh những bức thư mời gọi…”). Trong một bức thư gửi nhà Slavơ học người Pháp J. Niva, nhà thơ thừa nhận rằng ông đã chờ mong những cải cách chính trị, nhưng không hề mong muốn sự sụp đổ của văn minh Xô Viết.
Nét đặc trưng của thơ Nga hiện đại – đó là sự phân chia theo cấp độ văn hóa: bên cạnh thơ triết học, tôn giáo mang tính chất elite, là một dòng thơ khác không kém phần elite, song với dấu hiệu ngược lại – đó là thơ mang tính trò chơi, giải trí. Thơ Nga bao giờ cũng là sự chống lại tính đơn điệu, bình quân, chuẩn hóa của nghệ thuật, nó luôn nổi loạn giật đổ những khuôn sáo, tính chính thống hóa, những quan niệm thủ cựu, già cỗi, giật đổ “từ bên trong”. Nhưng ngày hôm nay giới trẻ nổi lên chống lại những khuôn mẫu bằng những hình thức cực đoan – điều này gắn trước hết với thơ trên Mạng internet, như một hiện tượng của trạng thái văn học hiện đại (Ceteratura).
Xuất hiện những hợp tác riêng biệt của các nhà thơ gần gũi nhau về đề tài và thẩm mĩ. Sự tách biệt này gắn không chỉ với sự khác biệt về những nguyên tắc nhìn nhận thế giới, mà còn với chí hướng xây dựng cho mình một hệ thống thẩm mĩ riêng, mà bên trong nó là những biến thể thể loại độc đáo, bằng cách này xây dựng phong cách riêng của mình. Trong số những dẫn chứng, chúng tôi dẫn ra đây tác phẩm “Chu kì lặp lại” của Dmitri Prigov, “Những bài ca” của Timur Kibirov, “Trường ca – ngụ ngôn” của Igor Kuznesov, “Odnostisia” của Vladimir Visnevski, “Gariki” của Igor Gubeman, “Khúc bi ca” và “Nhạc phẩm” của Vadim Stepansov, “Những bản sonat ngữ văn” của Genrik Saptir, “Thơ trên những tấm danh thiếp” của Lev Rubinstein v.v…
Ngày hôm nay ở nước Nga đương đại thường xuyên diễn ra những liên hoan thơ và những cuộc thi thơ. Hai năm một lần – liên hoan thơ quốc tế ở Moskva (hoặc dưới cái tên quen thuộc khác – “biennale của các nhà thơ ở Moskva”, hiện được tiếp nhận vào Hiệp hội liên hoan thơ quốc tế). Cuộc liên hoan thứ ba trong số các liên hoan thơ nêu trên với phương châm “Sự hòa trộn không gian” được tổ chức năm 2003. Hàng năm, bắt đầu từ năm 2001 diễn ra các liên hoan thơ trẻ, trùng với ngày Thơ toàn thế giới (lần đầu tiên diễn ra vào năm 1999). Nhiệm vụ chính của Liên hoan, như ý đồ của những người sáng lập, đó là nhiệm vụ “Đưa thơ từ không gian tờ giấy “vào dân”(5). Hàng năm diễn ra Liên hoan thơ tự do (verlibra). Và cuối cùng, chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng năm 2015 được tôn vinh là Năm văn học, và trong khuôn khổ của nó diễn ra một số lượng lớn những hình thức sinh hoạt văn học khác nhau.
Nhiệm vụ đặt ra trước thơ ca Nga đương đại, như một số những nhà nghiên cứu hiểu, – “đó là “tìm kiếm những hình thức mới, khác biệt về cơ bản với những gì đã được sáng tác trước đây”(6)
Trong công trình “Katalog thơ mới” in bằng tiếng Nga và tiếng Đức năm 1990(7) Mikhail Epstein tiến hành phân loại, một dạng “kiểm kê” những khuynh hướng thơ hậu hiện đại những năm 1980. Gọi thơ là “quảng trường thí nghiệm nền dân chủ mới”(8), Epsten chia ra gần mười nhóm thơ (hay trường phái thơ). Đó là các nhà thơ thuộc trường phái ý niệm (Dmitri Prigov, Lev Rubinstein, Vilen Barski), các nhà hậu ý niệm (Timur Kibirov, Mikhail), tân nguyên thủy (Andrei Turkin, Iuli Gugolev, Irina Pivovarova), “Không phong cách” (Andrei Monastyrski, Pavel Peperstein), thơ giễu nhại (hay thơ hài hước – nghịch dị) (Igor Irteniev, Viktor Korkia), thơ hiện thực siêu hình (Igor Zdanov, Olga Sedakova, Viktor Krivulin, Elena Svars), thơ liên lục địa (Arkadi Dragomosenko, Vlladimir Aristov), thơ trình bầy, sắp đặt (Aleksei Sarikov, Ilia Kutik, thơ chính trị (Aleksandr Eremenko, Nina Iskrenko), “thơ trữ tình lưu trữ” (Sergei Gandlevski, Bakhyt Kenziev, Aleksandr Soprovski).
Cũng xin nói rằng sự phân loại của Mikhail Epstein, cũng như mọi cách phân loại khác, luôn mang tính ước lệ và gây tranh cãi; bản thân tác giả cũng thừa nhận rằng bản đồ thơ ca đương đại là quá rộng lớn, khó bề bao quát, rằng bảng danh sách của ông có thể còn “bổ sung thêm hàng chục, thậm chí là hàng trăm loại thơ”, bởi “mỗi một tác giả độc đáo – đó là một loại thơ”(9).
Như vậy, đặc điểm chính của văn học hiện đại Nga – đó là tính cực kì đa dạng của nó, còn đặc điểm chủ yếu của thơ ca hiện đại – đó là việc đưa vào lớp vải ngôn ngữ thơ ca những hình thức ngoài văn chương khác nhau.
(Tạp chí NV&TP– Đào Tuấn Ảnh dịch từ nguyên bản tiếng Nga)