Sau tất cả những biến cố mà người dân Nepal đã trải qua sau một năm trận động đất kinh hoàng xảy đến, câu chuyện về một cậu bé mới tròn một tuổi đã khiến người ta tin rằng cậu chính là người “may mắn nhất”, luôn được hộ mệnh trong biến cố.
Chị Dolma bế cậu con trai nhỏ trong tay, gương mặt toát lên vẻ hạnh phúc rạng ngời. Chỉ vài ngày nữa, cậu bé sẽ trải qua sinh nhật đầu tiên trong đời – một ngày mà ngay cả người mẹ như chị cũng đã có lúc không tin mình và con sẽ có thể chứng kiến.
Dù mới chỉ gần tròn một tuổi, nhưng cậu bé Nishan Naoki đã trải qua hai biến cố lớn – hai trận động đất dữ dội xảy ra ở quê nhà Nepal. Nishan được sinh ra ở thời điểm nửa tháng sau khi ngôi nhà của gia đình đổ sập đè lên người mẹ đang mang thai của cậu. Sự việc xảy ra vào ngày 25/4 năm ngoái sau một trận động đất dữ dội khiến gần 9.000 người Nepal thiệt mạng.
Trong ngôi làng nhỏ nơi gia đình Nishan sinh sống, có tới 160 người thiệt mạng. Người ta đã tưởng mẹ con cậu cũng chịu chung số phận bi thảm như những người bị vùi sâu dưới đống đổ nát, nhưng thật may mắn, người mẹ đã sống sót mạnh khỏe và cho ra đời một cậu con trai sau đó ít lâu.
Chỉ vài ngày sau khi Nishan ra đời, cậu lại trải qua một cơn dư chấn thứ hai gây nhiều hoảng loạn, nhưng lần này, hai mẹ con cậu không gặp vấn đề gì nguy hiểm.
Chị Dolma nhớ lại: “Khi tôi nằm vùi trong đống đổ nát, tôi đã nghĩ mình sẽ không thể sống sót. Tôi nghĩ mình sẽ chết nhưng cũng đồng thời hy vọng mình có thể thoát nạn. Quá nhiều ngôi nhà bị đổ sập và nhiều người trong làng đã chết. Tôi lo lắng cho đứa con trong bụng đến mức quên tất cả những đau đớn của chính mình, khi đó toàn thân tôi bị thương và tôi còn bị khó thở”.
Khi trận động đất xảy ra, chị Dolma đang mang thai tháng thứ 9, dù bị vùi trong đống đổ nát, nhưng may mắn, mẹ con chị vẫn bình an. Vợ chồng chị Dolma đã may mắn được đưa ra khỏi đống đổ nát kịp thời. Ngôi làng của họ nằm ở trong một vùng đồi núi hẻo lánh ở huyện Sindhupalchowk.
Ba tuần sau khi trải qua trận động đất kinh hoàng, chị Dolma trở dạ. Điều đáng sợ nhất là trạm y tế địa phương đã bị sụp đổ, khiến tình trạng của mẹ con chị Dolma một lần nữa lại rơi vào nguy hiểm.
Muốn tới được bệnh viện ở thị trấn gần nhất phải mất 3 giờ đi bộ. Bản thân gia đình chị Dolma và người dân trong làng không có bất cứ phương tiện nào để di chuyển trên đường núi tại thời điểm hỗn loạn đó. Nhưng Nishan có lẽ là một cậu bé vô cùng may mắn.
Khi chứng kiến chị tìm tới trạm xá để sinh con, một nhân viên Chữ thập Đỏ đến từ Nhật Bản đã chú ý tới chị giữa rất nhiều người đang cần sự giúp đỡ. Nhân viên y tế đó đã lái xe suốt 90 phút để chở chị Dolma xuống núi, tới được bệnh viện gần nhất.
Cậu bé Nishan Naoki được sinh ra ngay sau khi chị vừa kịp tới bệnh viện. Để ghi nhớ sự giúp đỡ của nhân viên y tế, chị đã đặt tên con là Nishan theo tên của người đàn ông tốt bụng.
Tuy vậy, khó khăn vẫn chưa hết đối với gia đình nhỏ của chị Dolma khi vào ngày 12/5, tiếp tục một cơn dư chấn thứ hai xảy đến.
“Chồng tôi khi đó đang đi tìm kiếm vật liệu dựng lều tạm. Tôi một mình ở tạm trong chuồng gia súc, chúng tôi buộc phải ở đó sau khi ngôi nhà đổ sập. Bất ngờ, cái chuồng bắt đầu rung lên bần bật. Tôi ôm lấy con và chạy ra ngoài. Tôi vừa bước ra khỏi thì cái chuồng đổ sập sau lưng. Những thanh xà lớn rơi xuống” – chị Dolma nhớ lại.
Sau tất cả, cuối cùng gia đình 3 người của chị Dolma vẫn bình an, nhưng chị không thể nào ngờ con mình ngay từ lúc chưa ra đời đã phải trải qua hàng loạt những biến cố, bất an như vậy: “Tôi đã nghĩ mẹ con tôi sẽ chết tới vài lần. Chúng tôi chẳng có tiền bạc, thực phẩm, thuốc men. Mọi người xung quanh cũng vậy…”.