Cuốn tiểu thuyết mới nhất Chuyện của Lý đến với bạn đọc khi nhà văn Ma Văn Kháng đã tiến gần đến tuổi “bát tuần”. Không riêng gì tôi mà đông đảo bạn đọc thật sự khâm phục và kính nể sức vóc lao động, sáng tạo chữ nghĩa của nhà văn. Còn nhớ, sau khi tiểu thuyết Một mình một ngựa(2010) ra mắt, có vẻ như nhà văn đã muốn “rửa tay gác kiếm”. Nhưng không! Con chữ cứ gọi đòi được sinh ra, bạn đọc cứ thiết tha chờ đón tác phẩm mới của một nhà văn mà họ yêu quý. Tôi nghĩ, rất có thể khi viết Chuyện của Lý, là nhà văn muốn trả ơn bạn đọc, trả ơn cuộc đời, dù cho cuộc đời không chỉ có những năm tháng ngọt ngào, mà còn có cả những năm tháng đắng cay. Có người nói,Chuyện của Lý như là một thứ “quả ngọt cuối mùa”. Riêng tôi không nghĩ thế.
Nhan đề tiểu thuyết mới nhất của nhà văn Ma Văn Kháng,Chuyện của Lý, không hẳn là chuyện của một người, mà là chuyện của nhiều người. Nghĩa là nỗi đau này (dù không muốn nó cũng cứ đến), cũng như niềm vui này (mà nhờ dày công phấn đấu Lý có được), khiến nhiều người soi vào đó mà thấy được cái nỗi đời cũng như lẽ đời. Nó tiêu biểu cho con đường đau khổ đi tìm chân lí và hạnh phúc của con người trên cõi trần gian này. Nhà văn có ý đồ nghệ thuật, và thực tế đã thực hiện được, tái hiện một kiếp người với thân phận đặc biệt, từ khi mới sinh ra cho đến khi trưởng thành. Nhưng câu chuyện của Lý không thể đầy đủ cái nghĩa lí của nó, nếu thiếu câu chuyện của người mẹ đã mang nặng đẻ đau, sinh hạ ra Lý, đó là Mẹ Nhu, và những người đã bao bọc và cưu mang Lý như bà ngoại Pham, ông Thòn, bố dượng…Nhưng rạng rỡ nhất vẫn là mẹ Nhu. Một nhà văn đã viết, đại ý, không có người mẹ thì không có mặt trời, không có anh hùng và cũng không có thi nhân.
Hai mươi sáu chương tiểu thuyết Chuyện của Lý, tôi nghĩ, như là một “biên niên” cuộc đời, cả trong những nốt thăng, cả trong những nốt trầm của nó. Bắt đầu một sự sống nhỏ nhoi “Trong cái nôi đan vành quết dầu nâu óng, giữa những chăn tã, cái trắng tinh, cái xanh chàm là khuôn mặt tròn trịa trắng hồng của cái Lý mới hai tháng tuổi. Cái Lý vừa tỉnh giấc. Nó đưa hai nắm tay lên dụi mắt, rồi ngáp một cái rõ to, đoạn ngọ nguậy hai bàn chân mũm mĩm, miệng kêu hẹ hẹ”. Cứ thế với thời gian, cứ thế với cuộc đời trong mọi thăng trầm, cứ thế bất chấp rủi ro, Lý lớn lên như một bằng chứng của quy luật “sự sống chẳng bao giờ chán nản”, của quy luật “ sự sống có thể đứng ngoài mọi sự hủy diệt” (kể cả lúc hổ dữ đổ bóng xuống, cái chết kề gang tấc, chẳng hạn). Không hẳn là “trời sinh voi trời sinh cỏ”, nhưng riêng tôi, cứ váng vất cái ý nghĩ, nhà văn trong khi kể câu chuyện về Lý, đã ngụ ý về “cỏ” chăng? Riêng tôi khi đọc tiểu thuyết Chuyện của Lý, lại có một so sánh nó với bài thơ Quả sấu non trên cao (1967) của thi sĩ Xuân Diệu. Hơi khập khiễng chăng? Nhưng riêng tôi thấy cái “cấu tứ” để nhà văn Ma Văn Kháng thiết kế, dàn dựng nên cuốn tiểu thuyết của mình có nét gần gũi tương đồng với cái “tứ thơ” của Xuân Diệu “Ôi! Từ không đến có/ Xảy ra như thế nào? Nay má hây hây gió/ Trên lá xanh rì rào/ Một ngày một lớn hơn/ Nấn từng vòng nhựa một/ Một sắc nhựa chua giòn/ Ôm đọng tròn quanh hột/ Trái non như thách thức/ Trăm thứ giặc, thứ sâu/ Thách kẻ thù sự sống/ Phá đời không dễ đâu”.
Một cái kết “có hậu” nhưng không ai không “đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu” cả. Khi Lý tròn mười bảy tuổi (tại sao lại không là mười tám nhỉ?!), đẹp rạng rỡ như trăng rằm, ấy là khi câu chuyện kết lại “Biết bao thời gian đã qua đi và đọng lại cho hôm nay. Em là đứa bé được mẹ ấp ủ, được cha đẻ và bố dượng soi đường, được bà ngoại, bà Pham ông Thòn thương yêu nuôi dưỡng, dạy bảo. Bất chấp những đổi thay của thời cuộc, thể chế và thời gian, với em đó sẽ mãi mãi là những con người đẹp nhất, hoàn thiện nhất của mọi cuộc đời. Em là Lý đây. Em đã được sống trong lòng cuộc sống của Phong Sa với đủ cả các cung bậc buồn vui, đau khổ và sung sướng. Em là con đẻ của cuộc đời. Là con của người đời, em đang can đảm bước vào đời đây”.
Có cảm tưởng như nhà văn Ma Văn Kháng xa lạ với các “chủ nghĩa” (như hậu hiện đại chẳng hạn) ngày nay đang “hớp hồn” những cây bút thích “làm mới” văn chương. Ông cứ viết theo cái mạch nguồn đã khai mở sẵn từ những Mưa mùa hạ, Mùa lá rụng trong vườn, Đám cưới không có giấy giá thú, Ngược dòng nước lũ, Một mình một ngựa… Cái lối kết cấu tác phẩm theo trình tự thời gian, bây giờ nhiều người cho là “cũ mèm”, vẫn cứ được nhà văn sử dụng một cách đắc dụng. Hai mươi sáu chương tiểu thuyết là nương theo cái tư thế từ khi còn nằm nôi, cho đến sau này là những bước đi chập chững của Lý vào đời, đến tuổi trăng tròn, căng tràn nhựa sống “mười bảy bẻ gãy sừng trâu”. Không đồng hiện, không “gián ghép” hay “sắp đặt”, không “phản tiểu thuyết” mà dòng đời cứ hiện lên, cứ tuôn chảy, cứ biến ảo qua biết bao nhiêu vật đổi sao dời ở trần thế. Riêng tôi thấy, dường như đứng về một “phe tiểu thuyết” là Ma Văn Kháng, Lê Lựu, Nguyễn Khắc Trường, Dương Hướng… theo lối “cổ điển mới”. Dường như nó phù hợp với cái “gu” thẩm mĩ của người đọc (truyền thống) Việt.
Có người nhận xét về phong thái “sống chậm” của thế hệ nhà văn như Ma Văn Kháng dễ bị thu hẹp thị phần văn chương trong sáng tác. Không hẳn như thế, theo tôi, vì văn chương cần độ lắng kết, không chấp nhận chạy theo “mốt”, ít dung chứa cái lạ (vì cái lạ không trở thành cái mới, tuy nhiên trong cái mới ít nhiều có cái lạ). Không phải không có người thích cái lối kể chuyện nhẩn nha của tác giả trong tiểu thuyết này. Rõ ràng là không tốc độ như lối kể chuyện của Thuận (tiêu biểu gần nhất trong tiểu thuyết Thang máy Sài Gòn, 2013), nhưng không thể nói là Chuyện của Lý thuộc kiểu “thực phẩm cho người già” mà tôi bất chợt nghe một lời bình giá về tác phẩm mình đang quan tâm. Ở đây tưởng như có một mâu thuẫn giữa cái nhiệt hứng văn chương (luôn luôn sục sôi, nồng nàn, vồ vập với đời, với người, cả với cảnh vật) ở một nhà văn đang tiến tới tuổi “bát tuần” với lối kể chuyện có sự tiết chế về nhịp điệu (rythme). Tôi nghĩ, cái nhìn nghệ thuật của nhà văn, trong trường hợp này là, “nhìn lại”, “nhìn sâu” vào cuộc đời và số phận con người. Vì thế mà đầy ắp sự nghiền ngẫm, chiêm nghiệm để triết lí. Nhưng thật đáng mừng cho độc giả, chúng ta không phải gồng mình lên để tiếp nhận một thứ “triết lí vặt”, như đâu đó từng chịu đựng.
Có người nhận xét, khi viết Chuyện của Lý, Ma Văn Kháng hơi “tham”. Cũng không sai, khi độ dài của tác phẩm lên tới 445 trang. Ai đó nói cũng có vẻ có lí, cái tâm thế của nhà văn lúc viết tác phẩm này, giống như là nhận ân sủng cuối cùng mà Tạo hóa ban tặng cho nhà văn. Nhưng tôi cứ ngờ ngợ rằng, chưa hẳn nhà văn đã “gác kiếm” (là vì khi Một mình một ngựa ra mắt, nhiều người vẫn tưởng đó là cuốn tiểu thuyết cuối cùng của đời văn Ma Văn Kháng). Nếu sự “ngờ ngợ” của tôi mà ứng vào hiện thực thì đó là hạnh phúc của bạn đọc. Nghĩa là chúng ta vẫn còn cơ hội tiếp nhận và thưởng thức tác phẩm mới của một nhà văn có khả năng gieo nhiều hi vọng văn chương.
Bùi Việt Thắng
Nguồn: vannghequandoi.com.vn