Bạn có thể đánh giá tình trạng của một quốc gia thông qua văn học của nó. Và, với nhà văn người Scotland, Ewan Morrison, đất nước của ông đang ở trong tình trạng Rối loạn nhân cách ranh giới (Borderline Personality Disorder).
Ewan Morrison
Rối loạn nhân cách là một cụm từ khiến cho ta liên tưởng tới một cá nhân nào đó trong các triệu chứng thần kinh. Nhiều cá nhân cùng mắc chung một triệu chứng sẽ dẫn đến những đánh giá chung cho toàn xã hội. Đó là lý do mà chúng ta thấy, người Mỹ mắc chứng hoang tưởng; người Đức bị ám ảnh bởi những tội lỗi phức tạp gián tiếp; người Mỹ gốc Phi luôn có trong mình cái mặc cảm tự ti; người Do Thái thì giống như chứng bệnh tự kỷ; còn quốc gia Tonga nặng những vấn đề rối loạn nhân cách. Những triệu chứng này đi từ xã hội vào văn chương. Do đó, chúng ta có một Phần Lan lưỡng cực, một Anh quốc phân liệt và một văn học Pháp trầm cảm lâm sàng. Mỗi quốc gia đều có một căn bệnh tâm lý tập thể khác biệt. Tôi tự đặt ra câu hỏi, nếu tỷ lệ ung thư và tử vong ở châu Âu là cao nhất thì liệu rằng, văn học của người châu Âu, cụ thể là Scotland, có mắc bệnh giống như châu lục của nó hay không?
Để tìm hiểu các triệu chứng bệnh tâm lý của các quốc gia, một nhà tâm lý học sẽ phải nhìn vào ước mơ và đại diện của quốc gia đó. Phải chăng, điều này đưa lại kết quả nhanh chóng hơn so với việc nhìn vào văn học? Tôi tự hỏi, có thể có một căn bệnh tâm thần tập thể nào đó tồn tại trong một đất nước hay không? Chính thắc mắc này đã đưa tôi đến việc tìm kiếm bằng chứng trong những cuốn sách.
Đầu tiên, hỗ trợ cho việc tìm hiểu của tôi là một cuốn sách của Carol Craig, mang tên Sự khủng hoảng trong niềm tin của người Scotland (The Scots’ Crisis of Confidence). Đây là một cuốn sách phân tích xã hội đã từng tạo nên những lo lắng cho công tác tự phê bình ở Scotland kể từ khi nó mới vừa ra đời, vào khoảng một thập kỷ trước. Craig đã đem đến một lý thuyết phổ biến, cho rằng, cá tính của người Scotland là sự “chia tách”. Điều này đã từng được Hugh MacDiarmid nhắc đến trong những năm 1920 và đặt tên cho nó là “sự phân cực trong cùng một cá thể” (Caledonian antisyzygy). ý tưởng này của nhà thơ Hugh MacDiarmid đã được coi là sự tiêu biểu cho tinh thần và văn học Scotland. Nhà phê bình văn học G. Gregory Smith đã từng nói trong cuốn sách Văn học Scotland: Nhân vật và ảnh hưởng (Scottish Literature: Character and Influence) vào năm 1919 rằng, “Sự đối nghịch là không cần thiết, tuy nhiên, chúng ta vẫn hỗn loạn. Có lẽ là bởi sự kết hợp giữa các mặt đối lập với nhau.”
Đối với văn học Scotland, sự chia tách này có từ Hồi ức cá nhân và Lời thú tội của một tội phạm bị kết án (The Private Memoirs and Confessions of a Justified Sinner – 1824), được viết bởi James Hogg. Craig, tất nhiên, cũng dựa vào những chẩn đoán trước đó này để phát triển cuốn sách của bà. Tuy nhiên, bên cạnh đó, Craig cũng phát hiện ra rằng, việc “chia tách cá tính” chỉ là một nhận xét sáo rỗng, thiếu tính cụ thể cho một quốc gia. Trong cuốn sách của mình, Craig đã viết rằng: “Nó sẽ thực sự là một quốc gia kỳ lạ… rằng, không thể chỉ ra bản chất chia tách của quốc gia qua kinh nghiệm của một người.”
Trong một cuộc trò chuyện về việc chẩn đoán một cách chính xác tâm lý người Scotland, Craig đề nghị đưa ra một lý thuyết mới được đề xướng bởi Jock Encombe, một chuyên gia tâm lý học đã làm việc với hàng trăm nhà lãnh đạo Scotland trong thập kỷ qua. Từ sự hiểu biết của mình, tôi kết luận rằng, lý thuyết mới của Jock Encombe đưa ra nhận định, người Scotland đang bị rơi vào tình trạng rối loạn nhân cách. Họ nằm lơ lửng đâu đó giữa Rối loạn nhân cách ái kỷ và Rối loạn nhân cách ranh giới.
Với Rối loạn nhân cách ranh giới, nó thường được phổ biến ở những người đã từng trải qua một chấn thương tâm lý nào đó trong quá khứ. Chấn thương ấy khiến cho họ không còn bất cứ sự tin tưởng nào trong các mối quan hệ. Điều này được thể hiện khá rõ ràng qua những tác phẩm như Thời thanh xuân của nàng Jean Brodie (The Prime of Miss Jean Brodie) của đạo diễn huyền thoại Ronald Neame, Ca khúc Hoàng hôn (Sunset Song) của nhà văn Lewis Grassic Gibbon, và Morvern Callar (Morvern Callar) của Đạo diễn Lynne Ramsay. Trong trường hợp có bạo lực hoặc lạm dụng, Rối loạn nhân cách ranh giới có khả năng xảy ra cao hơn. Nhân vật thường cảm thấy bị đe dọa trong suốt thời gian sống. Họ có lối suy nghĩ vô cùng cực đoan. Hoặc trắng hoặc đen, xấu xa hoặc tốt đẹp, đúng hoặc sai, không hề có sự nhập nhòa nào đó giữa hai ranh giới. Những con người này thường trải nghiệm một tình yêu mãnh liệt hoặc là một lòng thù hận tuyệt đối. Họ bị nghiền nát bởi cảm giác bất cập và sự trống rỗng, luôn luôn chỉ có một con đường duy nhất để đi đến kết thúc cuối cùng. Nơi kết thúc có thể là một lý tưởng để sống còn, một tình yêu đích thực hoặc là một cuộc sống hoàn toàn mới. Tất nhiên, không phải Rối loạn nhân cách ranh giới chỉ có những điểm tiêu cực. Những nhân vật này vẫn có những nét đáng yêu. Đó là những mơ mộng, tính cách hóm hỉnh, sự châm biếm, khát khao, lãng mạn, bên cạnh sự bốc đồng, nóng nảy, cứng nhắc và không có giới hạn.
Tất cả những điều này có khiến bạn liên tưởng đến con người Scotland? Nó có giống như những gì mà Hugh MacDiarmid đã mô tả? Cuộc đấu tranh của Hugh MacDiarmid trong tác phẩm Ngã say xỉn nhìn cây kế (A Drunk Man Looks at the Thistle) là sự đấu tranh giữa hai giọng nói trong một con người, một tích cực và một tiêu cực. Đây là một tác phẩm được coi là điển hình của độc thoại và dòng ý thức, thể hiện sự mâu thuẫn nội tâm sâu sắc trong một cá thể. Một trong những tính năng đặc biệt nhất của bài thơ dài này là ngôn ngữ mang tính chất địa phương của nó, với rất nhiều thành ngữ, tục ngữ từ các vùng khác nhau của đất nước Scotland. Nó đã góp phần khẳng định tiềm năng văn học của Scotland, biến ngôn ngữ Scotland vốn không được đánh giá cao trở thành một phương tiện biểu hiện của văn chương. MacDiarmid đã tuyên bố rằng, bài thơ của ông là một tham vọng mang tính quốc gia.
Có thể thấy rằng, sự tiêu cực trong tâm lý Scotland chiếm ưu thế rất lớn, nhất là những suy nghĩ tiêu cực liên quan tới Rối loạn tâm lý ranh giới. Nó áp đảo cuộc sống của người bệnh. Những người mắc chứng Rối loạn tâm lý ranh giới thường rơi vào tình trạng cảm xúc không ổn định, dễ khóc, dễ cười, mắc chứng hoang tưởng nặng về việc bị bỏ rơi và thường dễ sa vào bạo lực với người khác, thậm chí là với chính bản thân khi bị từ chối. “Mọi người đều coi thường tôi”, suy nghĩ này trở thành thường trực. Nó khiến cho con người bị nghiền nát bởi cảm giác tự ti và cảm giác bất công. Đồng thời, nó cũng khiến cho con người trở nên bất lực, chỉ biết hy vọng, trông chờ vào sự cứu rỗi. Nói một cách khác, những con người này tự đặt mình vào một mục tiêu phi thực tế. Họ khát khao thay đổi nhưng lại sợ hãi sự thay đổi. Do đó, họ tự hủy hoại chính mình. Khi cuộc sống không như mong muốn, họ trở nên e dè, ghê sợ tất cả và kết thúc những cảm giác kinh khủng của bản thân bằng hành vi tự hoại. Tự tử trở thành giấc mơ về một con đường giải thoát duy nhất. Đó cũng chính là lý do tại sao những người bị rối loạn tâm lý có một tỷ lệ tử vong cao hơn người bình thường đến 50 lần.
Theo điều tra thống kê, tỷ lệ tự sát ở những người đàn ông Scotland cao hơn người Anh và xứ Wales đến 73%. Bản thân tôi không cho rằng, có thể minh chứng cho bản chất của Scotland thông qua tỷ lệ tử vong của thống kê y tế hoặc là số liệu thống kê gây sốc về việc lạm dụng chất gây nghiện, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tỷ lệ tử vong cao ở Tây Âu, hay những cái chết vì rượu và bạo lực ở Anh. Nhưng, khi nhìn lại lịch sử Scotland, rõ ràng, có một mối liên hệ giữa các chấn thương lịch sử và các khuynh hướng chủ nghĩa lý tưởng vô thực. Điều này được phản ánh rất sâu sắc trong những hậu quả của cuộc nổi loạn thất bại tại Jacobite ở thế kỷ XVIII. Chúng ta cũng có thể thấy được những chấn thương này qua thất bại của Colony Darien vào thế kỷ XVII, sự sụp đổ niềm tin trong World Cup 1978, thất bại của cuộc trưng cầu ý dân vào năm 1979,… Tất cả những biến động trong các mục tiêu không tưởng và sự thất bại của nó ăn sâu vào văn học Scotland, trở thành một cảm giác tự kỷ. Điển hình của cảm giác Rối loạn nhân cách ranh giới này được thể hiện rất sâu sắc trong thơ của MacDiarmid. Bên cạnh đó, nó cũng được tìm thấy trong những tác phẩm lấp lửng giữa chủ nghĩa lãng mạn, sự hối hận và hành vi cưỡng chế gây nghiện của Burns.
Cảm giác tự ghê tởm và tình trạng lạm dụng chất gây nghiện đã tạo nên một chế độ ăn uống hàng ngày của các nhân vật trong Trainspotting (Trainspotting) của Irvine Welsh. Như nhân vật Renton đã nói: “Chúng tôi không ghét tiếng Anh. Chúng tôi chỉ là một Wanker (cách gọi lăng mạ đối với những quốc gia sử dụng tiếng Anh ngoài Vương quốc Anh). Chúng tôi là thuộc địa Wanker. Chúng tôi bị cai trị bởi những kẻ khốn. Những điều đó đã khiến chúng tôi trở thành thứ cặn bã trên trái đất.” Về cơ bản, Renton là một kẻ tự kỷ, luôn bị mắc kẹt trong nỗi đau của riêng mình và không thể tìm ra lối thoát. Heroin, rượu và tình dục trở thành cách để Renton tìm kiếm một khởi đầu mới.
Renton không phải là nhân vật duy nhất tự kỷ trong văn học Scotland. Hành vi tự kỷ này còn được thể hiện trong một nhân vật của cuốn tiểu thuyết đã đoạt giải Booker của James Kelman, Thế nào là muộn, Thế nào là cuối cùng (How Late it Was, How Late). Tôi muốn nhắc đến Sammy, một kẻ thất nghiệp và nghiện rượu nặng, đã bị hành hạ đến mức bị mù. Đây cũng là một trong những nhân vật điển hình nhất về hành vi tự hoại trong văn học. Anh ta từ chối mọi sự giúp đỡ, luôn trong tâm trạng thù định với mọi người, cho rằng số phận của mình là khốn nạn và phải cam chịu cảnh mù lòa. Những suy nghĩ tiêu cực này cũng đầy tràn trong các tác phẩm như: Tuổi trẻ của Adam (Young Adam) của Alexander Trocchi, Thị trấn Lanark (Lanark) của Alasdair Gray, Mẹo giữ hơi thở (The Trick is to Keep Breathing) của Janice Galloway,… Tất cả các nhân vật chính trong những tác phẩm này đều trong một tình trạng rối loạn nhân cách giống nhau.
Tất nhiên, cũng có những trường hợp ngoại lệ. Đó là cách nhân vật ôn hòa và cân bằng của Alan Spence, những cá nhân sáng tạo nhưng hơi lập dị của AL Kennedy,… họ là những tia sáng của hy vọng. Có điều, ánh sáng này cũng bị dập tắt bởi những kẻ rối loạn trầm trọng như Tartan Noir, nhân vật đầy tội lỗi của Grassic Gibbon. Có một motif quen thuộc trong văn học Scotland, đó là: ước mơ lớn lao, thất bại, nghiện ngập, hối hận. Có vẻ như người Scotland rất ngưỡng mộ những thất bại bi thảm và điều đó được viết trong lịch sử của họ. Đó là câu chuyện của William Wallace, một hiệp sĩ và địa chủ người Scotland, được biết đến là nhà lãnh đạo phong trào nổi dậy trong cuộc Chiến tranh giành độc lập Scotland và ngày nay được nhớ đến như là một nhà yêu nước, anh hùng dân tộc; của Mary, Nữ hoàng xứ Scotland hay còn được gọi là Mary Stuart; của Hoàng tử Charlie, người đã thất bại ở trận Culloden với cuộc nổi dậy nhằm khôi phục hoàng tộc Scotland. Toàn là những ước mơ vĩ đại và phía sau nó là những thảm họa khôn cùng bởi những ước mơ phi thực tế. Đây cũng chính là cái vòng luẩn quẩn của những câu chuyện về Scotland trước cả khi có tiểu thuyết Scotland.
Sẽ thế nào nếu đất nước này có thể chữa khỏi căn bệnh rối loạn nhân cách mà không mất đi bản sắc dân tộc? Có phải, liều thuốc này cũng sẽ trở thành chất độc giết chết nền văn học của Scotland? Có lẽ, chúng ta nên bám víu vào căn bệnh của mình, vì e rằng, đó là tất cả những gì mà chúng ta có. Rõ ràng, rối loạn nhân cách là một cái gì đó rất khó để chữa trị. Thật khó để những người chỉ biết có hai màu là đen và trắng chấp nhận được cái màu trung gian là xám. Làm thế nào để có thể từ bỏ “sự hoàn hảo” để tập trung hàn gắn, tu bổ và xây dựng các mối quan hệ mới?
Thêm vào đó, tất cả những câu hỏi này đều liên quan đến chính trị. Nếu Scotland thật sự mắc phải căn bệnh rối loạn nhân cách, liệu rằng các bác sĩ có thể chữa trị nổi hay không? Chỉ e rằng, việc phá vỡ các mối quan hệ và ước mơ về một tương lai hoàn hảo trong mơ sẽ mang lại những điều tồi tệ cho bệnh nhân. Các bác sĩ chuyên khoa có thể nói rằng, Scotland chỉ ước mơ một xã hội minh bạch, hoặc trắng hoặc đen và ghét tất cả những gì lập lờ, phiền phức. Họ sẽ đưa ra một thỏa hiệp nhỏ nào đó để thay đổi quan điểm cố hữu này thay vì hô hào một lý tưởng cũng nên. Một cái gì đó có tính thực dụng.
Tôi sẽ bỏ một phiếu cho ý tưởng này. Nó có thể là một ý tưởng hay ho để bắt đầu một cuộc sống mới, được xây dựng trên các liên kết, cẩn thận, lặng lẽ và có thể đem đến một tương lai hoàn hảo thay vì chờ đợi vào định mệnh. “Yes or No” chỉ mang tới cho chúng ta sự tự ghê tởm khi phải đối mặt với thất bại mà thôi. Và, chúng ta hãy cứ hy vọng rằng, chẩn đoán Rối loạn nhân cách ranh giới trong tâm lý người Scotland chỉ là một sai lầm!
THÁI LƯƠNG
(Lược dịch theo Theguardian.com)
————-
*Nhà văn sinh tại Caithness, tốt nghiệp Trường Nghệ thuật Glasgow, là tác giả của ba cuốn tiểu thuyết: Đong đưa (Swung), Bản in khắc nạo (Menage) và Khoảng cách (Distance).
(Nguồn: Văn nghệ số 40/2013)