Trong cuốn “Tuổi thanh xuân đôi chuyến tàu đi lạc”, Lương Đình Khoa thể hiện cảm xúc của một người trẻ đang bâng khuâng giữa muôn nẻo đường đời.

Các bài tản văn, truyện ngắn trong sách tuy viết về những chủ đề, nội dung khác nhau, nhưng đều giữ mạch cảm xúc của người trẻ cô đơn. Bởi thế, ở mỗi bài viết, lật mỗi trang sách, người đọc đều bắt gặp một nhân vật, đó là “tôi”, là “người trẻ”, là “gã trai”… mang tâm hồn lãng mạn, đang lạc lối giữa muôn nẻo đường đời. Nhân vật trữ tình ấy dẫn dắt độc giả đi qua nhiều cung bậc cảm xúc trong các tác phẩm.

Mượn hình ảnh chuyến tàu, tác giả Lương Đình Khoa thể hiện hành trình tuổi trẻ của một tâm hồn lãng mạn trong cuốn sách Tuổi thanh xuân đôi chuyến tàu đi lạc. Con tàu tuổi trẻ ấy đi qua bảy ga, là bảy chủ đề, bảy miền cảm xúc của tác giả, gồm: “Ga của phố”, “Ga trăn trở”, “Ga tình yêu”, “Ga hoài niệm”, “Ga bình yên”, “Ga kể chuyện”, “Ga tình ca”.

Sách

Sách “Tuổi thanh xuân đôi chuyến tàu đi lạc”

 

Các bài viết trong “Ga của phố” mang tâm thế của một người ở nông thôn ra thủ đô sinh sống. Do đó, thành phố trong tác phẩm là một chiếc áo choàng lấp lánh nhiều khoảng sáng tối hòa trộn. Một tình yêu phố nồng nàn được thể hiện bên cạnh những chênh vênh, hụt hẫng mà chốn đô hội phồn hoa để lại. Giống như một con dế cô đơn trong lòng phố xá thênh thang, các bài viết luôn mang tư tưởng tìm về đồng xanh, yên bình tươi mát với gió và trăng.

“Ga tình yêu” bắt nguồn từ nơi phố nhỏ chật hẹp, quanh co. Người viết thả cảm xúc đi lạc theo một bóng hình, theo năm tháng dài rộng để yêu thương. Dù sau này cảm xúc ấy không về đúng sân ga mong đợi, thì tình yêu từng có vẫn là bạn đồng hành của một người đa cảm trên hành trình tiếp theo.

Từ không gian chật hẹp của phố, của tình yêu, chuyến tàu thanh xuân bứt mình đi xa, lạc tới nhiều sân ga rộng hơn, hòa vào cuộc đời cùng “Ga trăn trở”, “Ga hoài niệm”, “Ga bình yên”. Ấy là lúc nhân vật trữ tình trong các bài viết trưởng thành hơn, tự khám phá ra bản thân mình, từ đó vẽ nên bức chân dung về đời sống của người trẻ trong xã hội đương thời.

Sau những giông gió nơi cánh cửa đầu đời, tác giả đưa người đọc tới “Ga kể chuyện”, để chia sẻ về cuộc đời bằng những chuyện xúc động, chan chứa yêu thương. Những câu chuyện ấy có thể là thực, là một sự việc xảy ra mà báo chí đưa tin, hay là một chút hư cấu, ẩn dụ… nhưng đều được gửi gắm ước mong về tình người ấm áp.

Khép lại hành trình, “Ga tình ca” là một khúc ru ngọt lành bằng âm nhạc. Các bài viết là cảm nhận của tác giả về âm giai của những nhạc sĩ nổi tiếng. Trôi qua cái trăn trở của Trịnh Công Sơn, những khoảng chơi vơi của Ngô Thụy Miên, khắc khoải cùng Anh Bằng và Du Tử Lê… những bài tản văn tạo nốt ngân vang cho chuyến tàu dù nó đã đi tới ga cuối.

Lương Đình Khoa có thế mạnh với thơ ca. Anh làm bút trưởng một nhóm văn học thời tuổi hoa, từng cho phát hành hai tập thơ Khuôn mặt tình yêu Ai rồi cũng phải học cách cố quên đi một người. Bởi thế, các bài tản văn và truyện ngắn của Lương Đình Khoa luôn mang cảm xúc của một nhà thơ, tác phẩm đong đầy chất thơ. Tuổi thanh xuân đôi chuyến tàu đi lạc là tập văn xuôi thứ hai của Khoa, sau Gió mùa thổi mãi. Các bài tản văn đều mới sáng tác, nhiều bài viết đã đăng trên mục “Tác phẩm” của báo VnExpress.

Nhận xét về cuốn sách, nhà văn Nguyễn Đình Tú nói: “Tuổi thanh xuân đôi chuyến tàu đi lạc chính là sự lạc bước của tâm hồn lãng mạn, nỗi bâng khuâng được mất trước ngưỡng cửa cuộc đời, niềm bồng bột dấn thân tuổi trẻ hay đơn giản chỉ là sự phiêu du của lứa tuổi hoa niên trên những thanh ray tàu trôi về trăm ngả số phận được Lương Đình Khoa phóng chiếu qua hình ảnh “nhà ga trung tâm” vốn là nỗi lòng tác giả – một người trẻ đang bâng khuâng trước muôn nẻo đường đời”.

Nhà phê bình Văn Giá đánh giá: “Tản văn là sự lên tiếng trực tiếp của cái cảm, cái nghĩ. Trong số này, có những tản văn khá tinh tế và sâu sắc. Lương Đình Khoa lắm khi rất trẻ thơ, nhiều lúc lại suy tư như một người có tuổi. Nhiều trạng thái, cung bậc, nhiều cái nhìn băn khoăn về nỗi mình, về lẽ người lẽ đời cứ thế chảy tràn lên mặt giấy. Khoa có nhu cầu được giãi bày và được sẻ chia. Văn của Khoa nghiêng về phía ngọt ngào, đẹp, hiền lành, nhiều thương cảm. Tôi muốn văn của Khoa sắc cạnh hơn nữa, đáo để hơn nữa. Nghĩa là cá tính hơn”.

 

Theo Lam Thu – VnExpress

Exit mobile version