J.Hillis Miller (1928-) là một trong những nhà phê bình văn học hàng đầu của nước Mỹ hiện đại. Các công trình của ông thể hiện tầm hiểu biết sâu rộng và cái nhìn sắc sảo trên nhiều lĩnh vực: văn học, triết học, ký hiệu học…

Với tư cách giáo sư Văn học so sánh của Đại học California Irvine, đồng thời là người có ảnh hưởng sâu rộng đến khuynh hướng giải cấu trúc, J. Hillis Miller luôn kết hợp những suy niệm văn – triết trong các công trình của mình.

Công trình Bàn về văn học (On literature) cũng thế. Đây là công trình ông viết vào năm 2002, với ý định là một đề dẫn về văn chương dành cho độc giả phổ thông. Tuy nhiên, cách viết súc tích, khoa học nhưng vẫn giàu xúc cảm, cùng những lý giải tinh tế của Miller vẫn tạo nên sức hấp dẫn với mọi độc giả.

Xin trích dịch một phần viết trong chương 1. Văn học là gì? của công trình này. Phần viết này, J. Hillis Miller đặt tiêu đề là: Sự kết thúc của thời đại in ấn.


Sự kết thúc của thời đại in ấn

J.Hillis Miller


Phần lớn những đặc trưng định hình nên văn học hiện đại, ngày nay, đang thay đổi chóng vánh hoặc được tra vấn lại. Giờ đây, con người không còn xác tín về tính đơn nhất và sự vĩnh bền của cái tôi, cũng không xác tín rằng tác phẩm có thể được giải thích bằng quyền uy của tác giả. Công trình Tác giả là gì? của Foucault và Cái chết của tác giả của Roland Barthes báo hiệu sự kết thúc những ràng buộc xưa cũ giữa tác phẩm văn học và tác giả của nó – vốn từng được nhìn nhận như cái tôi thuần nhất, một con người có thực, chẳng hạn: William Shakespeare hay Virginia Woolf. Tự bản thân văn học đã góp phần vào sự phân rã của cái tôi.

Những ảnh hưởng kinh tế, chính trị và sự toàn cầu hoá về mặt công nghệ, theo nhiều đường hướng, dẫn đến sự suy giảm tính chất riêng biệt, đơn nhất và toàn vẹn của các quốc gia. Ngày nay, các quốc gia xem như được chia tách và tồn tại theo những biên giới mềm. Giờ đây, văn học Mỹ bao gồm cả những tác phẩm viết bằng tiếng Tây Ban Nha, tiếng Trung, các ngôn ngữ thổ dân Mỹ, tiếng Do thái, tiếng Pháp và những thứ tiếng khác, cũng như những tác phẩm viết bằng tiếng Anh trong phạm vi những cộng đồng trên, chẳng hạn văn học của người Mỹ gốc Phi. Hơn 60 ngôn ngữ và văn hoá thiểu số được tìm thấy ở Cộng hoà nhân dân Trung Hoa. Nam Phi sau nạn phân việt chủng tộc Apartheid có tới 11 ngôn ngữ chính thức, 9 ngôn ngữ của Phi châu cùng với tiếng Anh và tiếng Afrikaans. Việc thừa nhận sự phân chia có tính nội tại này là điểm kết thúc khuynh hướng thể chế hoá nghiên cứu văn học theo các nền văn học dân tộc, mỗi một nền văn học được cho là có lịch sử khép kín, sáng tác bằng một ngôn ngữ riêng của dân tộc mình. Những sự kiện kinh hoàng vào giữa thế kỷ 20 : Chiến tranh thế giới thứ II và Cuộc thảm sát người Do Thái, làm thay đổi cả nền văn minh và văn học phương Tây của chúng ta. Maurice Blanchot và những người khác khẳng định một cách thuyết phục rằng văn học theo nhận thức cũ là không còn nũa, kể từ sau cuộc tàn sát người Do Thái.

Hơn nữa, những thay đổi của công nghệ và sự phát triển cùng lúc của những phương tiện truyền thông tân tiến dẫn đến sự chết mòn của văn học theo ý nghĩa mới của từ này. Tất cả chúng ta đều biết những phương tiện truyền thông hiện đại ấy : radio, phim ảnh, truyền hình, video, và mạng Internet, sắp đến là mạng video không dây rộng khắp.

Một hội thảo gần đây mà tôi tham dự ở Cộng hoà nhân dân Trung Hoa (PRC) giúp các học giả văn học Mỹ và các đại diện của Hội nhà văn Trung Hoa có dịp gặp gỡ. Tại cuộc gặp đó, điều rõ ràng là những tác giả được hâm mộ và có ảnh hưởng nhất đối với các nhà văn Trung Hoa hiện nay là những người mà tiểu thuyết hay truyện ngắn của họ được dựng thành các loạt phim truyền hình. Nguyệt san in thơ ở Trung Hoa trong thập niên qua đã giảm phát hành từ con số đáng kinh ngạc 700000 bản xuống chỉ còn 30000 bản, dẫu sự gia tăng của hàng tá hoặc nhiều hơn những tạp chí mới có dấu ấn thơ ca giúp giảm bớt phần nào sự suy thoái, và là dấu hiệu tích cực của sự đa dạng hoá. Tuy nhiên, sự chuyển đổi, hướng đến những phương tiện truyền thông tân tiến là điều không thể chối bỏ.

Văn học in ấn đã từng là cách thức chủ yếu mà qua đó, công dân của một đất nước lĩnh hội những lý tưởng, những hệ tư tưởng, cách thức cư xử và phán xét, giúp họ trở thành những công dân tốt. Giờ đây, vai trò đấy ngày càng được thực hiện tốt thêm hay tệ đi,, trên khắp thế giới, thông qua radio, phim ảnh, truyền hình, đầu video, các đĩa DVD, và mạng Internet. Đây là một trong những lời giải thích cho những khó khăn ở khâu tìm kiếm nguồn tài trợ của các khoa văn thời buổi này. Xã hội không còn cần đến những trường đại học như nơi chốn chủ yếu giúp hình thành trong mỗi công dân nét đặc trưng của đất nước mình . Công việc này đã từng được các phân khoa khoa học nhân văn ở nhiều trường cao đẳng và đại học tiến hành, chủ yếu thông qua những nghiên cứu văn học. Bây giờ, càng lúc nó càng được thực thi bởi truyền hình, radio, chương trình phỏng vấn và phim ảnh. Người ta không thể đọc Charles Dickens, Henry James hay Toni Morrison cùng lúc với việc xem truyền hình hay một bộ phim trên đầu video, dù có người khẳng định họ có thể làm được điều đó.

Những ý kiến có căn cứ cho rằng mọi người ngày càng tốn nhiều thời gian để xem truyền hình hay lướt web. Hầu như, ngày càng nhiều người đã từng xem những bộ phim mới đây dựa theo các tiểu thuyết của Austen, Dickens, Trollope hoặc James so với việc đọc trực tiếp tác phẩm. Trong một số trường hợp (dù tôi tự hỏi nhiều đến đâu), người ta đọc sách vì họ đã từng xem sự chuyển thể của chúng trên màn ảnh. Những cuốn sách in vẫn giữ lại được những giá trị văn hoá trong khoảng thời gian nào đó, nhưng sự thống trị của nó rõ ràng đang kết thúc. Những phương tiện truyền thông tân tiến, gần như thay thế nó một cách nhanh chóng. Đây không phải là sự kết thúc của một thế giới, mà chỉ là buổi bình minh của một thế giới mới chịu sự chi phối của những phương tiện truyền thông.

Một trong những triệu chứng rõ ràng nhất cho cái chết trước mắt của văn học là con đường mà những bộ môn mới hơn, trong các phân khoa về văn học trên khắp thế giới, chuyển hướng từ nghiên cứu văn học sang nghiên cứu lý thuyết, văn hoá học, nghiên cứu hậu thực dân, nghiên cứu truyền thông (phim, truyền hình…), nghiên cứu văn hoá đại chúng, nghiên cứu về phụ nữ, nghiên cứu về người Mỹ gốc Phi… Họ thường viết và giảng dạy theo những đường hướng gần với khoa học xã hội hơn là khoa học nhân văn như quan niệm truyền thống. Việc viết lách và giảng dạy của họ thường xem nhẹ hoặc phớt lờ văn học. Dù cho nhiều người trong số họ được đào tạo bằng lịch sử văn học đã lỗi thời và lối đọc sâu những văn bản kinh điển

Những người trẻ tuổi ấy không phải là ngốc, cũng không phải là người kém hiểu biết. Họ không nhất quyết huỷ hoại văn học hay việc nghiên cứu văn học. Họ biết nhiều hơn các bậc cha chú, song, họ nắm được cả xu thế thời đại. Họ có một sự quan tâm sâu sắc và đáng khen ngợi về phim hoặc văn hoá đại chúng, phần vì, những thứ này giúp họ khẳng nhận mình. Họ cũng có tiên cảm, rằng nghiên cứu văn học theo cách truyền thống đang từng bước bị xã hội và người nắm quyền ở các trường đại học tuyên bố là lỗi thời. Điều này hầu như chắc chắn xảy ra, không phải nói nhiều. Nhưng những nhà quản lý ở các trường đại học không làm theo cách đó. Điều này sẽ diễn ra theo một phương thức hiệu quả hơn của việc cắt giảm quỹ đầu tư gắn với mỹ từ “ kiểm soát tài chính” hoặc “ tinh giảm”. Những phân khoa về các ngôn ngữ cổ điển và hiện đại khác, trừ tiếng Anh, ở các trường Đại học ở Mỹ, sẽ mở màn trước nhất. Hẳn nhiên, trong nhiều trường đại học, việc này đang diễn ra, ban đầu thông qua sự hợp nhất. Bất cứ một phân khoa tiếng Anh – Mỹ, rồi đây cũng sớm như vậy, nếu cứ dại khờ mà tiếp tục giảng dạy chủ yếu về văn học Anh kinh điển, với ảo tưởng rằng có sự miễn trừ trong vấn đề cắt giảm, vì những văn bản đang giảng dạy thuộc ngôn ngữ chính của đất nước.

Ngay cả chức năng truyền thống của trường đại học như địa điểm có các thư viện bảo quản tác phẩm văn học mọi thời và bằng mọi ngôn ngữ, cùng nhiều thứ khác ít quan trọng hơn, thì giờ đây, đang bị soán ngôi bởi cơ sở dữ liệu số. Dạng này có thể dùng được cho bất kỳ ai với một máy vi tính, một modem, và truy cập vào mạng Internet thông qua một máy chủ. Ngày càng nhiều tác phẩm văn học có sẵn miễn phí trên mạng, thông qua hàng loạt website. Một dẫn chứng là trang “The Voice of the Shuttle”, được duy trì bởi Alan Liu và các đồng nghiệp của ông ở trường Đại học California tại Santa Barbara (http://vos.ucsb.edu) Trang “Project Muse” của Johns Hopkins thực hiện số hóa một số lượng lớn các tạp chí có thể sử dụng (http://muse.jhu.edu)

Một ví dụ đáng lưu ý về điều này, khiến những thư viện nghiên cứu trở nên lỗi thời là trang William Blake Archive. Trang này đựơc Morris Eaves, Robert Essick, và Joseph Viscomi phát triển. Bất cứ ai ở bất cứ nơi nào, miễn là có một máy tính với đường truyền Internet (ví dụ, như tôi đang ở một hoàn đảo cách xa bờ biển Maine – nơi tôi sống phần lớn thời gian trong năm và viết cuốn sách này) có thể truy cập, tải và in ra những bản sao chính xác một cách tuyệt đối so với bản chính tác phẩm Cuộc hôn phối giữa thiên đường và địa ngục của Blake và một số tác phẩm khác có tính dự báo của ông. Những bản gốc của các tác phẩm “có tính soi sáng” này bị phân tán trong nhiều thư viện nghiên cứu khác nhau ở Anh và Mỹ. Trước đây, chỉ những chuyên gia về Blake, những học giả lắm tiền cho những chuyến nghiên cứu mới có. Những thư viện nghiên cứu sẽ vẫn cần giữ gìn cẩn thận những bản gốc các cuốn sách cùng những bản thảo như thế này. Chúng ngày càng ít vai trò hơn, tuy nhiên, chúng có vai trò như cách thức ban đầu cho việc tiếp cận những tác phẩm ấy.

Văn học trên màn hình máy tính có sự chuyển đổi tinh tế, với những phương tiện truyền thông mới. Nó trở thành điều gì đó xa lạ với chính nó. Văn học được chuyển đổi bởi sự dễ dàng trong cách thức tìm kiếm và sử dụng mới, bởi sự liền kề nhau của mỗi tác phẩm với hàng chuỗi những hình ảnh khác trên web. Tất cả nằm trên cùng mặt phẳng trực tiếp. Chúng ngay tức thời được đặt kề nhau và tạo nên sự xa lạ, khác thường. Tất cả những trang trên mạng, bao gộp các tác phẩm văn học, cùng trú ngụ như những thành viên trong cõi phi không gian mà chúng ta gọi là mạng thực tại ảo. Sử dụng một chiếc máy tính khác xa hoàn toàn với hoạt động cơ thể cầm một cuốn sách trong tay và lật giở từng trang. Tôi đã cố gắng một cách nghiêm túc để đọc một tác phẩm văn học trên màn hình, ví dụ, cuốn Suối nước thiêng của Henry James. Trong giây lát, bỗng dưng tôi không có một phiên bản sách in trong tay, thay vào đó là một phiên bản trên trang web. Tôi cảm thấy khó khăn cho việc đọc theo hình thức ấy. Nó minh xác tôi như một người mà toàn bộ những thói quen cơ thể vĩnh viễn bị trói buộc vào thời đại của sách in.

Lê Minh Kha dịch từ The end of the print age, trích trong công trình: J.Hillis Miller: Bàn về văn học (On literature), Routledge ấn hành, 2002, tr.8-12.

Văn nghệ Trẻ