Nelle Harper Lee sinh ngày 28 /4/1926 là một nhà văn người Mỹ nổi tiếng với cuốn tiểu thuyết đạt giải Pulitzer năm 1961 To Kill A Mockingbird (Giết con chim nhại). Tác phẩm đề cập đến những vấn đề đấu tranh chống phân biệt chủng tộc mà tác giả quan sát thấy ở quê nhà Monroeville, Alabama thuở còn thơ ấu. Mặc dù là tác phẩm duy nhất được xuất bản đại chúng của Lee, cuốn sách đã giúp bà nhận được Huân chương Tự do của Tổng thống cho những đóng góp đối với nền văn học Mỹ. Được coi là một trong những nhà văn thích sống ẩn dật, Lee đã nhiều lần được trao bằng danh dự nhưng luôn từ chối phát biểu trước công chúng.

Cuộc sống của hầu hết các nhà văn chuyên nghiệp khá giống nhau. Họ viết một cuốn tiểu thuyết rồi phát hành sau đó họ bắt tay vào chiến dịch quảng bá. Họ xuất hiện tại các diễn đàn văn học, nơi họ thu hút được một số lượng lớn khán giả nhờ truyền thông và rồi cố gắng ký tặng được cho càng nhiều càng tốt tại những buổi giao lưu. Sau tất cả, một tiểu thuyết gia luôn phải cố tỏ ra vui vẻ, niềm nở và kiên nhẫn. Ba năm sau, chính vị tác giả đó sẽ xuất bản cuốn tiểu thuyết khác, và toàn bộ những trải nghiệm lặp lại. Như Samuel Beckett từng viết trong Worstward Ho: “Toàn những thứ cũ rích. Chẳng bao giờ đổi khác. Thay đổi. Thất bại. Bận tâm. Làm lại. Thất bại. Thất bại thành công hơn”.

To Kill the Mockingbird – tác phẩm duy nhất của Harper Lee

Tuy nhiên đối với một số nhà văn, sự cần thiết phải thử lại để lại thất bại hầu như không phát sinh. Sự nghiệp khác thường – hoặc có lẽ cũng chẳng được coi là sự nghiệp – của Harper Lee là minh chứng về một hình thức gây dựng sự nghiệp khác đối với một nhà văn chân chính. Bà đã viết một cuốn tiểu thuyết thuộc hàng kinh điển và ngay lập tức có lẽ là cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất của thế kỷ 20, Giết con chim nhại. Nhưng kể từ khi cuốn sách được phát hành vào năm 1960, Lee đã không cho ra thêm một tác phẩm thứ hai.

Lee đến từ một trong những ngôi trường văn học giàu có nhất của thế kỷ 20 ở miền Nam nước Mỹ. Là nơi những tác phẩm của Faulkner, Tennessee Williams, Carson McCullers, Eudora Welty và Flannery O’Connor mang đến những trải nghiêm về hương vị miền Nam mãnh liệt, của sự lịch thiệp vị kỷ hay sự say sưa bào chữa cho bất công và bạo lực. Đôi khi cũng được giới thiệu như một điều đặc biệt khi Nelle Harper Lee đến từ cùng một vùng quê nhỏ với một nhà văn miền Nam vô cùng tên tuổi, Truman Capote. Thực ra, họ thậm chí còn là hàng xóm của nhau khi còn là những đứa trẻ và điều đó khiến cho một số nghiên cứu đặt ra câu hỏi phải chăng Giết con chim nhại đã là một sự cộng tác theo cách mà Lee và Capote đã làm với In Cold Blood (Máu lạnh).

Giết con chim nhại là một cuốn tiểu thuyết vĩ đại và không thường xuyên cho lắm, ngay lập tức được chuyển thể thành một bộ phim cũng vĩ đại không kém. Được giới thiệu là phù hợp với những độc giả trẻ tuổi qua lời dẫn chuyện của một cô bé ngay từ đoạn mở đầu với chất giọng mang đậm tính cá nhân đã được coi như một phần không thể thay thế của cuốn sách. Năm 1962 phiên bản điện ảnh chuyển thể của tác phẩm được sản xuất bởi Alan Pakula J và đạo diễn bởi Robert Mulligan. Có lẽ bộ phim được nhớ đến nhiều nhất nhờ giải Oscar cho nam chính xuất sắc nhất của tài tử Gregory Peck trong vai ông bố Atticus Finch. Tuy nhiên, bộ phim cũng vinh dự đứng thứ 25 trong danh sách những bộ phim hay nhất của Viện phim Hoa Kỳ, với nhân vật Atticus được vinh danh là người anh hùng điện ảnh vĩ đại nhất của thế kỷ 20 vào năm 2003.

Giết con chim nhại lấy bối cảnh giữa những năm 1930, trong một thị trấn nhỏ được hư cấu tên Maycomb vùng Alabama, giữa Những năm khủng hoảng của điều luật “Jim Crow” đảm bảo chống phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử đối với người Mỹ gốc Phi. Tiêu đề của cuốn sách liên quan đến những lời chỉ dẫn được đưa ra bởi luật sư Atticus Finch rằng trong khi các con ông có thể dùng súng hơi để bắn bao nhiêu chim xanh tùy thích, chúng không bao giờ được phép bắn một con chim nhại vì chúng “chẳng làm gì xấu ngoài dùng cả trái tim mang tiếng ca đến cho con người”. Cuốn tiểu thuyết liên quan đến việc bào chữa trước tòa của ông bố đơn thân Atticus cho một người da màu vô tội (biểu tượng con chim nhại). Chàng thanh niên Tom Robinson, bị buộc tội hiếp dâm bởi một cô gái da trắng nhếch nhác nghèo rớt mùng tơi. Mayella Ewell, cô gái bất hạnh có người cha phân biệt chủng tộc tên Bob và chính hắn là kẻ đã lạm dụng cô. Câu chuyện được kể từ cái nhìn của cô con gái lớn của Atticus, Scout, người đã quan sát phiên tòa cùng với em trai Jem và anh bạn lập dị Dill (mô phỏng theo hình tượng Truman Capote).

Hình tượng Atticus Finch được xây dựng dựa trên những đặc điểm của một luật sư và một nhà giáo cũng như là một nhà tiên tri hiện đại, một nguồn suối đem đến sự tốt lành và thông thái như chúa Kitô. Nhưng dù cho có là một luật sư uy tín và khả năng bào chữa tài giỏi, trong thị trấn tách biệt này Atticus vẫn phải chấp nhận một bản án kết tội của bồi thẩm đoàn toàn những người đàn ông da trắng. Trước khi kháng cáo, Tom đã cố gắng trốn thoát khỏi nhà tù và bị bắn chết một cách tàn nhẫn. Bob Ewell – kẻ gián tiếp buộc tội bởi Atticus là đã loạn luân với con gái hắn – cố gắng tìm cách giết hại Scout và Jem nhưng gặp phải sự cản trở của Boo Radley, một nhân vật huyền bí sống ẩn dật hiếm thấy trong những tiểu thuyết theo phong cách Gothic miền Nam.

Mặc dù được đặt ở bối cảnh 30 năm trước ngày xuất bản, cuốn tiểu thuyết đã ngay lập tức được hiểu như là lời bình luận về hàng loạt các điều luật được sửa đổi trong cuộc tranh luận đỉnh điểm về quyền dân sự những năm 1960. Có hai câu chuyện nổi tiếng đã ám ảnh tác phẩm. Đầu tiên là câu chuyện của Scottsboro Alabama năm 1931, sau một phiên tòa không công bằng – tám thiếu niên da đen đã nhận án tử hình ở Alabama với lý do cưỡng hiếp hai cô gái da trắng. Thứ hai là cái chết bàng hoàng của cậu bé người Mỹ gốc Phi Emmett Till 14 tuổi, ở Mississippi vào năm 1955 vì đã huýt sáo với một phụ nữ da trắng – được coi như một sự thúc đẩy lớn cho phong trào dân quyền.

Trong khi hành động bất bạo động trực tiếp làm suy yếu phong trào phân biệt chủng tộc phía Nam, phòng xử án đã trở thành nơi tranh luận trên cả nước đối với các vấn đề công lý và bình đẳng giữa các chủng tộc. Vì vậy, khi các hoạt động dân quyền bùng nổ vào đầu những năm 1960, cùng với những cuộc đấu tranh bạo lực chống phân biệt chủng tộc được phát trên TV, công chúng dường như có nhu cầu rất lớn đối với một bộ phim về xét xử. Và cả những cuộc tranh luận gay cấn lẫn hình ảnh về lối hành hình dành cho người da đen đều xuất hiện trong con chim nhại dường như đã làm thỏa lòng người xem. Những lời bào chữa quyết liệt cuối cùng của Atticus đối với bồi thẩm đoàn đã thách thức sự bất bình đẳng xã hội và chủng tộc từ quan điểm của công lý dựa trên lẽ phải và đạo đức.

Việc xuất bản của cuốn sách đã được tờ The New York Times ca ngợi như một sự tương phản thiện chí đối với “những câu chuyện bệnh hoạn, kỳ ​​cục về sự suy đồi đạo đức của miền Nam”. Ở Anh, tờ Times Literary Supplement đồng ý rằng gia đình Finch là “một ốc đảo của sự giác ngộ trong một khu tràn lan tất cả các tệ nạn miền Nam lạc hậu”. Tuy nhiên sau đó, cuốn tiểu thuyết gai góc này thường chỉ được dành một câu chú thích ngắn hoặc làm tài liệu tham khảo nhỏ trong các nghiên cứu quan trọng của miền Nam cũng như văn học Mỹ thực thụ. Cho đến nay mới chỉ có một bản tiểu sử nghiêm túc về Harper Lee được thực hiện bởi Charles J Shields và một bài tiểu luận của Hall Petry viết nhắc đến Lee phát hành vào cuối năm 2007.

Cả cuốn tiểu thuyết và bộ phim dường như đã thu hút sự quan tâm chú ý của nhiều luật sư hơn là đối với các nhà phê bình văn học, điện ảnh và phải kể đến sự xuất hiện trên trọn một số của tờ Alabama Law Review năm 1994. Lee đã tự học luật và cuốn tiểu thuyết đã trở thành trung tâm của nhiều cuộc tranh luận về vai trò của các ngành nghề, đặc biệt là bản chất tự nhiên của luật sư bào chữa hay luật sư tham gia vào các vấn đề có tầm quan trọng của xã hội và chủng tộc.

Atticus Finch được ngợi ca như một hình mẫu chuẩn mực về đạo đức, sở hữu sự hoàn hảo kiên định nhấn mạnh luật pháp đứng về phía những người khôn ngoan nhất và tử tế nhất trong một xã hội phân chia. Câu nói ông thường trích dẫn để dạy Scout dường như được sử dụng để minh họa cho mô hình hệ thống pháp luật: “Con không bao giờ thực sự hiểu hoàn toàn một người…cho đến khi con khoác lên mình vẻ ngoài của anh ta và đi lại trong hình dáng đó”. Sự chuyển động của “luật pháp và văn học” đã theo sát cuốn tiểu thuyết như một ví dụ được kể hoàn toàn hợp lý, mang đến tiếng nói của đấu tranh và lời kể đã góp phần tạo nên toàn bộ câu chuyện và sự phán xét. Những hành vi của Atticus – đặc biệt là trong lời tổng kết của ông, khi ông nói những lời kháng cáo hùng hồn với bồi thẩm đoàn – là cầu nối phản ánh sự thờ ơ nghề nghiệp và khoảng cách đồng cảm. Điều giờ đây đã trở nên quá quen thuộc và thường xuyên được khắc họa trong những cuốn tiểu thuyết, truyền hình và phim ảnh như một sự thiếu sót của loài người, phản ánh khía cạnh không chắc chắn trong công lý.

Harper Lee đã quan sát hết sức kỹ lưỡng và viết ra những lời tiên tri. Trái ngược với những cuốn tiểu thuyết tình cảm sớm nắng chiều mưa, bà đã tạo ra một bản cáo trạng thuyết phục của lịch sử đấu tranh giữa các chủng tộc ở Mỹ tại một thời điểm vô cùng nhạy cảm, một trong sô đó vẫn còn liên quan đến nền văn hóa đa sắc tộc của nước Mỹ ngày nay.

Cũng như Margaret Mitchell, một nhà văn vô danh đã không tiếp tục phát hành phần tiếp theo sau khi ra mắt cuốn sách bán chạy nhất của bà, Cuốn theo chiều gió (1936), Harper Lee đã nhận được giải thưởng Pulitzer. Lee từng được tiếp đón long trọng và chụp ảnh cho tạp chí Life, với các vị giám đốc Hollywood và Gregory Peck cho đến khi biến mất khỏi cộng đồng và từ chối phỏng vấn. Sau khi biến mất khỏi sự săn đón của truyền thông đại chúng trong hơn 40 năm, một lần hiếm hoi khác cái tên Harper Lee thu hút sự chú ý của cộng đồng khi được nhắc đến như là người bạn tri kỷ của nhân vật chính do Philip Seymour Hoffman thủ vai trong bộ phim Capote thực hiện năm 2005 về cuộc đời của Truman Capote.

Catherine Keener đã vào vai Harper Lee thời trẻ, người bạn lâu năm của Capote và cũng là người đã giúp ông nghiên cứu để viết ra cuốn In Cold Blood. Một năm sau đó, Sandra Bullock một lần nữa vào vai Harper Lee trong một bộ phim khác về Capote mang tên Infamous. Cũng trong năm 2006, Lee đồng ý tham dự một cuộc phỏng vấn bất ngờ với tờ New York Times và chỉ nói về một cuộc thi viết do bà làm giám khảo hàng năm tại Đại học Alabama.

Những kẻ hoài nghi sẽ nói rằng với một cuốn tiểu thuyết vẫn bán được hàng triệu bản mỗi năm sau hơn nửa thế kỷ phát hành, Harper Lee hầu như không cần thiết phải sáng tác thêm một tác phẩm thứ hai. Nhưng đối với một nhà văn sự sáng tác không giống như một vụ đầu tư. Việc một tác giả tự nguyện chấm dứt nghiệp viết lách sau một tác phẩm thành công quả thực là điều hiếm có. Đó sẽ là bí mật lạ lùng nhất về Shakespeare rằng ông đã chấm dứt sự nghiệp khi đang ở trên đỉnh cao nghệ thuật với The Tempest để lui về Stratford.

Điều thường thấy nhiều hơn là một nhà văn bị khủng hoảng sau một thành công lớn duy nhất. Gánh nặng của danh tiếng và những lời tán dương đè nặng lên vai họ đặc biệt là lên khả năng sáng tạo. Việc cân bằng nhận thức về sự thành công trong quá khứ với trách nhiệm cần phải tạo ra những tác phẩm mới không phải là điều mà nhà văn nào cũng làm được. Và có lẽ, những thành công càng lớn thì càng nhiều khó khăn mà họ phải đối mặt nhất là trong thời điểm bắt đầu sự nghiệp, trước khi họ lĩnh hội được khả năng mà nói theo cách của Kipling thì là “coi hai kẻ mạo danh” của chiến thắng và thảm họa “giống như nhau”. Điều làm nên ấn tượng là trong bốn tiểu thuyết gia, những người đã đoạt giải Booker trong 40 năm qua nhờ cuốn tiểu thuyết đầu tiên, không ai trong số họ đến nay từng viết thêm một tác phẩm thứ hai trong sự nghiệp.

Lee đã thành công trong việc bảo vệ chính mình hơn nửa thế kỷ qua và sống cuộc sống mà bà đã lựa chọn. Trong một tuyên bố hiếm hoi gần đây, một bức thư cho tạp chí của Oprah Winfrey, bà gợi ý cách ngừng liên quan đến cuộc sống hiện đại như bà đã thực hiện: “Trong một xã hội đa dạng, nơi con người có máy tính xách tay, điện thoại di động, máy nghe nhạc iPod và tâm trí như một căn phòng trống, tôi vẫn lê bước cùng với những cuốn sách”. Sự thờ ơ đó rõ ràng là cần thiết đối với bà. Có một nghịch lý dường như luôn tồn tại trong văn học khi một tác phẩm xuất sắc không thể được viết ra bởi một tác giả đam mê danh tiếng hay ngược lại chính sự nổi tiếng sẽ giết chết mọi sự kì vọng vào một tuyệt tác nghệ thuật.

M.T.C tổng hợp