Mai Hồng Tín
Nữ bá tước nhà văn Pháp de Ségur (1799-1874) vẫn được coi là một trong những tác giả lớn của văn học thiếu nhi toàn cầu. Suốt một thế kỷ qua, tác phẩm của bà vẫn được trẻ thơ khắp nơi trên trái đất hâm mộ.
Chúng lôi cuốn vì lương tri và đạo đức chứa chan trong từng câu chữ, qua đó, những kỳ thú và những yếu đuối của thế giới bấy giờ được ghi lại với một bút pháp trong sáng và sinh động. Những kỳ thú và nhược điểm ấy vẫn tồn tại trong thời đại chúng ta. Kỳ thú: Lý trí khôn ngoan và rung động trái tim luôn luôn cân bằng… Nhược điểm: Bày tỏ uy quyền bằng những trò ngỗ nghịch… Trong hàng triệu độc giả của Bà bá tước de Ségur thời hiện tại có một cô bé Pháp gốc Việt, ở ngoại ô thành phố nhỏ Mans cách Paris 200 cây số, một thành phố chừng 146.000 dân. Cô bé thích nhất tập truyện cổ tích đầu tiên của bà, in năm 1858: Những bé gái mẫu mực. Tập truyện là nguồn cỗ vũ cô bé phấn đấu suốt thời gian ngồi trên ghế nhà trường. Cô bé bao giờ cũng “miễn chê về hạnh kiểm” và là học sinh xuất sắc. Cha mẹ, người Việt Nam cả, mong cô sẽ theo học đại học khoa học kỹ thuật. Thực tế, cô lại đi vào nghề báo. Ừ thì báo cũng được, nhưng nên chuyên về mảng chính trị giật gân và các sao văn nghệ ầm ỹ. Cô bé lại chọn mảng di cư và tị nạn, vốn bị xem là thang bậc thấp nhất trong hệ thống đề tài truyền thông. Thưc tế, khi trưởng thành, cô bé tìm hiểu về cây bút mà mình ngưỡng mộ. Và phát hiện bước ngoặt: Bà de Ségur được định cư tại Paris, năm 1817, sau khi cha bà, tướng Fédor Rostopchine (1765-1826), viên chức cao cấp của Nga hoàng, bị thất sủng.
Cùng nhiều người di cư vào Pháp khác, như thi sĩ lẫy lừng Guillaume Apollinaire (1880-1918), người phụ nữ Nga Sofijia Rostopchia, thần tượng của cô bé, như thầm khuyên cô bé đấu tranh cho công bằng của dân di cư và tị nạn. Ở trường học, cô bé dù gương mẫu về đạo đức và học giỏi bậc nhất, vẫn bị thương hại một cách kín đáo. Ví dụ, một cô giáo chủ nhiệm chủ trương “Giải thưởng người bạn tốt nhất ở trường”, dành cho các cô bé cậu bé Trung Quốc, châu Á và châu Phi. Thâm tâm, cô bé muốn mọi học sinh đều bình đẳng. Cô thấm thía với tư tưởng của nhà văn Pháp Antonin Artaud (1896-1948) theo đó, bất cứ cá nhân nào cũng không sinh ra, chết đi hay tự sát chỉ một mình, các hành động đó đều là những ràng buộc hay tương tác giữa thành viên với tập thể. Những thu nhận đại loại như thế thôi thúc cô bé Pháp gốc Việt dấn thân vào một công việc tưởng chừng lo bò trắng răng, song thực sự mang lại cho cô ý nghĩa và niềm vui sống. Giờ đây, cô nổi tiếng không chỉ ở Pháp, như một nhà báo có hạng, một nhà văn nhiều triển vọng và một nhà nghiên cứu tự phát đáng gờm! Đó là Đoàn Bùi (sinh ở Pháp năm 1974, tên Việt Nam là Bùi Đoàn Thủy), phóng viên gạo cội của cơ quan truyền thông hàng đầu của Pháp Người quan sát mới, OBS. Cô vào làm ở đây từ 1993. Khiêm tốn đến e lệ. Vui tính đến ngu ngơ và ngộ nghĩnh. Cô thích những chuyện tưởng như tầm phào, mà cô vượt hẳn lên, ôm trọn trong suy nghĩ và cảm xúc của một phóng viên có định hướng cao cả, để thuật lại không giống ai những bất hạnh của thế giới chúng ta đang rối bời và nhức nhối, để kể lại như tâm sự tha thiết cuộc đời nhiều bất trắc của những người khốn khổ, sống ngoài lề xã hội.
Ba cuốn sách viết chung với đồng nhiệp và bạn bè đều được chào đón nồng nhiệt. Ấy là: năm 2002, Những tỷ phú một giờ: Vinh nhục của nền kinh tế mới; năm 2009, Những kẻ bỏ đói dân thường: thâm nhập vào hành tinh đói; năm 2010, Họ đã trở thành người Pháp. Cả ba đều xem xét chuyện di cư dưới nhiều góc nhìn. Ấn tượng mạnh mẽ nhất là sự thật ám ảnh: Dân di cư và tị nạn như người bị kẹt trong một vụ tắc đường, tiến thoái lưỡng nan. Đã đi nhưng có thể không bao giờ đến, và bất an vĩnh cửu, vì hình như họ không còn chỗ đứng trên thế gian này! Năm 2013, Đoàn Bùi được nhận giải thưởng Albert-Londres cho loạt phóng sự Những bóng ma trên dòng sông rộng lớn. Đây là chuyện những người Phi cố vươn tới châu Âu qua Thổ Nhĩ Kỳ. Chết trên sông biển đối với họ là khó tránh khỏi. Bi kịch của họ là bị “lợi ích nhóm” – chủ yếu là của giới cầm quyền – đánh bật khỏi quê cha đất tổ. Cuộc chiến đấu để dẹp bỏ sự thao túng của vấn nạn lạm quyền là không đơn giản và đòi hỏi sự chung sức chung lòng của nhiều phía, kể cả những “Miền đất hứa” giờ đây cũng không thể thoái thác việc đôi đầu với thảm họa di cư và tị nạn… Những sự thật khắc nghiệt ấy được Đoàn Bùi mổ xẻ tế nhị mà rõ ràng trong các phóng sự xúc động của cô. Tiến thêm nữa, cô trăn trở về chính những người di cư và tị nạn. Những trăn trở xác thực là những “bất ngờ thú vị”. Và, chúng là những nghiên cứu đầy phát hiện và có tính thực tiễn phổ quát đáng kinh ngạc. Với cô, tị nạn hay di cư không có nghĩa là chạy trốn, bỏ rơi hay xin lòng thương hại. Người rời bỏ quê hương không nên tự coi là nạn nhân hoặc kẻ ăn mày lòng tốt. Quan trọng hơn, như mọi người, dù làm gì ở bất cứ đâu, cũng cần không quên bổn phận của mình đối với cộng đồng nhỏ và lớn, dân di cư và tị nạn phải nhận thức được trách nhiệm của mình. Đối với “nơi mới” và “nơi cũ”. Muốn vậy, hãy giữ vững bản sắc dân tộc riêng của mình và tôn trọng bản sắc dân tộc riêng của quốc gia mình tới.
Những thao thức vừa nói được cô đề cập tới trong tập sách mới nhất, viết riêng, xuất bản năm 2016. Đó là Sự im lặng của cha tôi. Cuốn sách xinh xắn, được khen ngợi bởi hầu hết kênh truyền thông Pháp, được trao ngay ba giải thưởng: Giải Bảo tàng Nhập cư quốc gia, Giải Amerigo Vesbpucci, và Giải Cửa vàng. Tác phẩm gọn nhẹ đan xen hai câu chuyện, chuyện một người cha bị “cầm tù trong câm bặt”, chuyện đứa con gái “lên đường” tìm hiểu xem cha mình là ai. Cuốn sách không ghi thể loại, nhưng quả là mới lạ, nội dung là một cuộc điều tra hoàn toàn riêng tư, diễn tiến như một tiểu thuyết trinh thám, qua một quá trình thâm nhập vào những bí mật gia đình, vào vũ trụ những thân phận “tự lưu đày”, vào hối ức “đủ mùi ca ngâm” thường khiến sửng sốt, quá trình bắt đầu từ khu ngoại ô thành phố Mans của Pháp, tới những phố nhỏ của Hà Nội. Một truyện vừa, một tiểu thuyết – hình sự, dưới dạng một trò chơi ghép hình, vừa bâng khuâng, vừa hài hước! Nói rằng Sự im lặng của cha tôi là một tiểu thuyết gia đình đáng nể, một tiểu thuyết xã hội đáng chú ý, hay một tiểu thuyết luận đề tinh tế…, đều chuẩn. Bảo rằng đây là một tự truyện không giống với đa phần tự truyện cũng không sai chút nào. Đơn giản, câu chuyện không bắt đầu từ khi nhân vật hồi tưởng còn nhỏ. Nó mở ra từ khi Đoàn Bùi được làm mẹ. Ấy là năm 2005. Nhìn thấy đứa con bé bỏng, cô cứ tự dưng nghĩ ngợi, ít nhất là, với tư cách người mẹ, cô sẽ để lại gì cho con đây, không phải của cải vật chất, mà của cải tinh thần. Cô như vỡ lẽ dần về yêu thương và công lao của cha mẹ đối với con cái. Đúng lúc đó, cha bị xuất huyết não và không nói được nữa.
Vậy mà, cô hầu chưa biết gì về cha ! Cô quyết chí lần lần ngược dòng đời để biễt rõ về người, đã cùng mẹ, hai nguồn lực chủ đạo, truyền lại cho cô nhân phẩm và tài năng quý báu. Cô bền bỉ lần mò vào đủ ngõ ngách, của Internet, của lưu trữ, của truyền thông, của quan hệ gia đình, họ mạc, bè bạn, của nơi ở và làm việc, của xã hội,…, ở Pháp và Việt Nam. Cô cương quyết vượt qua dằn vặt và trở ngại, như ân hận về lỗi lầm của bản thân, như mỗi ngày một thương xót cha, như cách trở về không gian và thời gian, về thế hệ, nhất là về bất đồng ngôn ngữ… Tích tiểu thành đại, cô dựng được chân dung thật của cha mình. Cha cô là con một, sinh ở Hà Nội năm 1942. Năm 1954, gia đình chuyển vào Sài Gòn. Dù ông nội lớn tiếng không tán thành, cha vẫn xin sang Pháp học y bằng được. Bấy giờ cha mới 19 tuổi. Tốt nghiệp rồi, cha ở lại Pháp, thành mộc bác sĩ giải phẫu giỏi. Trái lệnh của ông nội, khi còn học, cha chung sống với một cô gái Pháp và có hai con với cô này. Năm 1970, ông nội sang Pháp, gặp cha, nhằm kéo cha về với nề nếp tiên tổ. Ông suy nghĩ quá nhiều, nên ốm nặng. Cha đành bố trí để ông được mổ lá lách. Ông chẳng may qua đời. Suốt từ đó, cha nghĩ mình đã giết ông. Cha lấy mẹ, đến Pháp mới ít lâu, đúng ý nguyện của ông, dù ông không còn. (Cha hoàn toàn không hé răng về bạn tình Pháp và các con lai, dù thỉnh thoảng vẫn gặp họ. Đoàn Bùi nghe đồn về chuyện tình trước của cha, đã dày công tìm lại được người anh và người chị cùng cha khác mẹ. Từ đó, họ giao lưu như anh em một nhà). Cha ít lời hẳn. Ở nhà, cha chỉ nói tiếng Việt, các con có hiểu hay không, cha mặc kệ. Gặp bạn bè người Việt, cha trò chuyện với họ về văn hóa, thơ ca Việt Nam, – đã hẳn, bằng tiếng mẹ đẻ -, mặt rạng ngời hạnh phúc. Cô day dứt vì mình đã rất không phải với cha. Bao năm ròng, cô mải mê làm sao cho mình đúng là người Pháp, nên quên trò chuyện với cha, thậm chí không thích nghe cha nói tiếng Việt. Cô đã ruồng bỏ cha mình! Cô đã quay lưng lại với văn hóa của Đất nước mà ông và cha tôn thờ và luôn luôn nỗ lực sống sao cho xứng đáng! Cô tự trách đã giả vờ bao lâu rằng mình không phải dân nhập cư, đã dửng dưng với thời Việt Nam là thuộc địa của Pháp, đã không thèm nhớ đến cuộc chiến tranh 1945-1954, đã không đọc về số phận và văn hóa Quê cha Đất tổ! Cô tìm lại những người thân của gia đình mình, nhất là ở Hà Nội và Sài Gòn. Rồi nhiều lần, cô đưa chồng, người Pháp, và hai con cùng cha mẹ về thăm Việt Nam. Chỉ ở Việt Nam, ba mẹ con cô mới ngủ cùng giường. Chỉ ở Việt Nam, cô mới hạnh phúc đến thế. Trước khi ngủ, cô kể truyện cổ Việt Nam và chuyện gia đình nội ngoại cho các con nghe. Chúng thích lắm, chả khác gì khi được ăn phở. Suốt đêm, cô muốn ôm ấp các con trong lòng, như bất kỳ bà mẹ Việt Nam nào. Cuốn sách kết thúc bằng một cảnh cảm động ở bờ biển. Cô và mẹ dìu cha ngả lên một ghế dài có lưng dựa. Cha nhìn biển. Cô vờ gọi cho ai đó. Rồi đưa cho cha nhìn di động của cô. Nhận ra đứa con trai đầu lòng, cha nở nụ cười, trên môi và trên mắt. Mẹ nhìn và nghe thấy cả. Nước mắt lăn dài trên má mẹ. Mặt cha trở nên thanh thản lạ thường…
Nguồn Văn nghệ số 42/2017
Phạm Thúy Quỳnh đưa bài