(Đọc tập thơ Trưa vàng ngày xưa của Nguyễn Hạnh Hiếu, NXB Lao động 2012)
Lâu nay, nhiều người ta thường quan niệm: Người trẻ thường sống bằng tương lai, còn người già thường sống bằng quá khứ. Hay nói một cách khác: Cái phần quá khứ của người già thường “nặng” hơn, “dày” hơn người trẻ.
Đó là một thực tế, không dễ phủ nhận.
Và đối với người làm thơ như Nguyễn Hạnh Hiếu (sinh năm 1945, đã bước sang tuổi 68), cũng thế!
Tuy nhiên, cái phần quá khứ của Nguyễn Hạnh Hiếu không quá “nặng”, quá “dày” như chúng ta tưởng. Đó là cái phần quá khứ được chọn lọc và luôn bừng lên trong sự hồi quang khác lạ – sự hồi quang của một người rất hiểu đời, hiểu mình.
Có lẽ chính vì thế, Nguyễn Hạnh Hiếu mới chọn Trưa vàng ngày xưa đặt tên cho đứa con tinh thần thứ 8 của ông. Bài thơ (cũng là tên của tập thơ) có những câu thật đắm đuối và sâu thẳm đến khó đắm đuối và sâu thẳm thêm được nữa: “Rời xa một ngày, lại nhớ khi đi/ Bước chệch một chiều, ngẩn ngơ một kiếp/ Thôi thì ngày xưa với chưa biết gì/ Cái đẹp trong mơ cứ như đã tới/ Lất ngất say với điều chưa nói/ Trời thì rộng, biển thì sâu…”
Câu kết của bài thơ cũng đã tạo ra được một điểm nhấn đầy ngẫm ngợi, nuối tiếc: “Thôi rồi mộng mơ vèo qua năm tháng/ Về với trưa vàng tìm lại ngày xưa”.
Nhưng nói vậy mà không hẳn vậy. Thế nên người thơ Nguyễn Hạnh Hiếu mới có lúc tỏ ra an nhiên, tự tại và luôn làm chủ mình, luôn hướng tới một hành trình khác. Điều này được bộc lộ trong Có những ngày như thế và ông “cứ nhìn về phía trước” và “không lộ niềm vui, không lộ nỗi đau” để “tìm bạn đồng hành”, để “khám phá những nơi chưa bao giờ tới”. Vào những khi ấy, con người thi sĩ trong ông tỉnh thức. Rồi sự tỉnh thức ấy đã đưa ông vào cõi thơ (cũng có thể là cõi chiêm bao) trong trạng thái nửa tin, nửa ngờ không rõ ràng, rành mạch trong Hình như:
Hình như nhớ nhớ, quên quên
Nửa không, nửa có, nửa đêm, nửa ngày
Hình như nửa tỉnh, nửa say
Bài thơ muối mặn, gừng cay không thành”.
Trong trạng thái thăng hoa ấy, đương nhiên là ông nhớ đấng sinh thành ra ông: “Mẹ giờ đã hóa quê hương/ Vẫn nâng dẫn dắt bước đường con qua “ (Đời mẹ). Rồi đến khi hoàn toàn tỉnh táo, ông nhận thấy “cái hố giàu nghèo mỗi ngày mỗi rộng”, nhận ra cái được và cái mất luôn sóng đôi ngay trong cái tưởng như nhỏ nhất mà nhiều người rất dễ bỏ qua là một lần sập cửa: “Tôi sập cửa sợ lỗi lầm ùa đến/ Thì chân lý lại đã cách xa rồi” (Những ngày đã qua).
Nhưng con người ấy không chịu già. Vì không chịu già nên ông mới cố gắng “để gương mặt mình không cũ ở ngày mai” (Tìm lại ngày xưa) và vẫn háo hức với cuộc sống trong “Cuộc phiêu du không đặt vé khứ hồi” (Tỉnh thức). Rồi chính trong cái tâm tưởng muốn “vượt sang năm tháng mới”, thơ ông tự dưng gặp sự triết lý được tự nhiên sinh ra từ trải nghiệm: “Con đường đời không bao giờ có cuối/ Chỗ ta ngỡ tận cùng, lại là nơi gặp gỡ những con đường” (Con đường tâm tưởng).
Trưa vàng ngày xưa hấp dẫn độc giả bởi những câu thơ kể trên. Và tôi không khỏi ngạc nhiên khi thưởng thức những câu thơ ấy. Riêng bài Tặng phẩm tháng ngày, cũng có thể được coi là bài chốt của Trưa vàng ngày xưa.
Trước hết là những câu thơ trong cái mạch da diết mang giá trị vừa neo giữ, vừa hối thúc:
Ta khép cánh cửa thời gian
Dẫn đến tương lại, dẫn về quá khứ
Để sống hết mình với ngày hôm qua
Tận dụng hai mươi bốn giờ quý giá
Sống trọn từng phút từng giây
Trước khi đi vào giấc ngủ
Nơi duy nhất là tâm hồn rộng mở
Có thể biến lo âu thành những niềm vui.
Rồi kết lại bằng câu thật đắt: “Lấy buồn vui làm tặng phẩm tháng ngày”. Không phải ai cũng dễ dàng nhận ra “tặng phẩm” quý giá ấy và cũng không phải ai cũng dễ dàng “có thể biến lo âu thành những niềm vui” như vậy.
Từ Trưa vàng ngày xưa, ta cảm thấy Nguyễn Hạnh Hiếu bắt đầu ngộ ra một lẽ gì đấy trong thơ và trong đời.
Nguồn: vanvn.net